08/03/2018 11:41 GMT+7

Những 'nữ anh hùng' ở nhà máy sửa chữa máy bay

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ở Nhà máy sửa chữa máy bay chiến đấu A32, gần 20 nữ kỹ thuật viên, nữ kỹ sư được đồng đội, đồng nghiệp nam gọi là “anh hùng” vì họ dám và chịu làm việc ở môi trường độc hại, nhiều tiếng ồn, áp lực cao.

Những nữ anh hùng ở nhà máy sửa chữa máy bay - Ảnh 1.

Từ phải qua: nữ kỹ thuật viên Lã Thị Chiến và Hoàng Thị Thanh Bình - những gương mặt nữ hiếm hoi trong lực lượng sửa chữa máy bay của Nhà máy A32 - Ảnh: MY LĂNG

Phân xưởng 1 của Nhà máy sửa chữa máy bay A32 (Cục Kỹ thuật - quân chủng phòng không - không quân) có hàng trăm nhân viên kỹ thuật và kỹ sư nhưng chỉ có hai kỹ thuật viên nữ.

Mình không thấy khổ hay vất vả vì mình yêu nghề này lắm

NGUYỄN THỊ HUYỀN HẢO

Dân ngoại trường tóc bạc sớm lắm

Đó là Hoàng Thị Thanh Bình và Lã Thị Chiến. Phân xưởng có tám tổ. Gắn bó với nhà máy lâu nhất có lẽ là cô nhân viên kỹ thuật tổ điều khiển Lã Thị Chiến.

"Nhiệm vụ của tổ mình là sửa chữa cụm cố định các mấu nối với hệ thống điều khiển trên tất cả các loại máy bay Mig-17, Mig-21, Su-22, Su-27" - nữ nhân viên kỹ thuật Lã Thị Chiến cho biết. "Kiến thức về máy bay rộng vô kể, trong quá trình làm luôn có những cái mới, càng làm càng thấy kiến thức mênh mông. Hiện tại với máy bay Su-27 mình vẫn vừa làm vừa học" - Lã Thị Chiến nói.

Công việc hằng ngày của nữ nhân viên kỹ thuật này gắn với việc đo kích thước banme (dụng cụ đo các mấu ghép để phát hiện sai sót trong mấu ghép để thay thế) và sửa chữa, lắp ráp lại theo cụm trước khi bàn giao phân xưởng 6 lắp ráp bay thử máy bay.

Nữ nhân viên kỹ thuật Lã Thị Chiến tâm sự: "Hồi mới vào nghề thấy khó lắm. Mắt phải tinh nhạy mới phát hiện những sai sót vì phải biết nhìn thước, biết cách đọc thước. 

Công việc này con trai phù hợp hơn vì môi trường làm việc toàn mùi dầu mỡ, không quen dễ nhức đầu, mệt mỏi lắm. Khi gò tán máy bay tiếng ồn rất lớn. Nói nhỏ không nghe được, buộc mình phải nói to. 

Cái hi sinh của người thợ để nhìn bằng mắt thì không thấy rõ đâu. Nhưng cứ nhìn tóc dân ngoại trường (những người sửa trực tiếp trên máy bay - PV) thì biết. 

Dân ngoại trường tóc bạc sớm lắm. Công việc liên quan đến máy bay chiến đấu là tính mạng của phi công, tài sản lớn của đất nước nên phải có tâm, có nhiệt huyết, đam mê mới làm tốt được. Có những cái khó quá làm cả buổi không được, mình suy nghĩ mãi, mò mẫm, hỏi han rồi cũng làm được".

Thiếu tá Nguyễn Đình Chính, quản đốc phân xưởng 1, cho biết: "Các nhân viên kỹ thuật nữ của phân xưởng 1 giàu kinh nghiệm và rất trách nhiệm. Cái nghề này đòi hỏi phải tỉ mỉ, khoa học, chính xác mới làm được vì nó đảm bảo an toàn tính mạng cho đồng chí, đồng đội sử dụng các loại máy bay chiến đấu. 

Chúng tôi hay gọi các cô, các chị là những anh hùng. Là nữ nhưng chịu được môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với dầu mỡ, sơn keo hóa chất độc hại, tiếng ồn... Phải bản lĩnh và yêu nghề lắm mới trụ lại được ở môi trường này".

Nữ kỹ sư bên chiếc máy triệu USD

30 tuổi, thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Hiền là một trong những nữ kỹ sư trẻ được đánh giá có nhiều triển vọng của Nhà máy A32. Hiền đang làm việc ở tổ công nghệ cao (phân xưởng 5) - tổ VIP nhất nhà máy. 

Nói VIP nhất nhà máy vì có những tấm mạch khó các phân xưởng khác không sửa được đều đưa về đây để kỹ sư xử lý. Tổ có tám người nhưng chỉ mình Hiền là nữ. Khá thú vị khi biết ba mẹ Hiền cũng là thợ sửa chữa máy bay của nhà máy.

"Ba mẹ mình đi bộ đội ra rồi vô nhà máy làm luôn. Khi mình còn nhỏ, có những đêm ba mẹ đi trực điện đảm bảo nguồn điện 24/24 và xử lý các sự cố, lúc đó mình mới 7 - 8 tuổi cũng theo ba mẹ vào nhà máy trực. 

Ngày trước ở đây có trứng cá và cây xoài, mỗi lần ba mẹ về hái đầy túi làm quà cho các con. Phải học giỏi, ngoan mới được vào nhà máy xem máy bay. Tụi mình thích lắm, ngưỡng mộ lắm, không nghĩ là máy bay to như vậy. 

Đứa nào được các chú, các bác cho một vài mảnh nhôm thật ra không còn dùng được nữa thì thích lắm, mang lên lớp khoe, oách quá chừng" - Hiền mỉm cười khi kể về những kỷ niệm tuổi thơ gắn bó với nhà máy.

Tốt nghiệp Đại học Đà Lạt năm 2011, Hiền từng làm ở công ty bên ngoài một thời gian trước khi xin vào Nhà máy A32. Từ tháng 11-2012, Hiền bắt đầu được tin tưởng giao nhiệm vụ vẽ sơ đồ các panel điện tử (tấm phiến điện tử) trên máy bay Su-27.

"Từ máy bay Su-27, đối tác không chuyển giao công nghệ nữa nên công nhân, kỹ thuật viên, kỹ sư nhà máy phải mày mò, tự học. Nếu mua giá thành rất đắt. Mình được chuyên gia người Nga đào tạo sáu tháng để độc lập công tác, tức độc lập sử dụng máy D. là máy quân sự chuyên biệt trị giá mấy triệu USD. 

Từ các panel điện tử trên máy bay Su-27 đưa về, dựa vào các mạch thực tế của máy bay, mình phải vẽ ra sơ đồ nguyên lý các panel điện tử để viết text trên máy D.. Nhìn đơn giản nhưng rất khó và phải kiên trì, tỉ mỉ, nhanh thì một tuần, lâu thì cả tháng. 

Lúc đầu làm rất khó. Các vi mạch không có dữ liệu, mình phải hỏi các anh đi trước và hỏi bác chuyên gia người Nga cách tìm tài liệu. Có lúc tưởng như không vẽ được nhưng lại cố gắng, kiên nhẫn hết sức để tìm ra lối đi. Có lần mê làm quá mà cả phòng bị nhốt lại. 

Theo đúng quy định, 17h mọi người phải rời phòng làm việc. Hôm đó mải làm, ngẩng lên nhìn thì đã 17h15, mấy anh em phát hiện bị nhốt lại. Người ta không kiểm tra tầng trên, cứ nghĩ mọi người về hết rồi nên khóa cửa tầng dưới. Mấy anh em xuống tầng 1 mở cửa nhảy ra" - nữ kỹ sư Nguyễn Thị Hiền cười kể.

Ngoài vẽ sơ đồ nguyên lý các panel điện tử, Hiền còn chế tạo thêm các bàn kiểm tra, làm thêm các đầu cắm kết nối... Cô nàng tâm sự: "Con gái mà học ngành kỹ thuật hơi vất vả hơn một chút so với con trai nhưng ngành này thích lắm, đã gắn bó được là say mê luôn".

Nguyễn Thị Huyền Hảo, 29 tuổi, nữ kỹ thuật viên trẻ nhất Nhà máy A32, hiện làm việc tại tổ rơle công tắc tơ, khẳng định: "Hồi đó sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng (năm 2012), mình từng làm ở Hà Tĩnh một thời gian. Làm ở đây rồi mình càng làm càng thích".

Nhiệm vụ của tổ rơle công tắc tơ là kiểm tra các hộp phân phối nguồn cho máy bay Su-22, Su-27, Su-30MK2. Công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, cực kỳ cẩn thận vì thông số trong hộp rơle chỉ thay đổi một chút là hỏng mà mắt thường không nhìn thấy được sự thay đổi đó.

"Có lúc đến ngay cả máy móc cũng không thể phát hiện các hỏng hóc của những linh kiện quá nhỏ thì con người phải dùng sáu giác quan để tìm ra những hỏng hóc. Mỗi khi làm việc mình luôn tập trung tối đa, dùng hết tâm sức để kiểm tra xem nó còn tốt hay không" - Hảo nói.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên