09/03/2013 02:01 GMT+7

Những nốt nhạc đẹp...

TRẦM HƯƠNG
TRẦM HƯƠNG

TT - 13 bài viết - 13 chân dung phụ nữ trong hàng trăm chân dung gửi đến báo Tuổi Trẻ tham gia cuộc thi viết “Người phụ nữ trong tôi” qua cảm nhận của các tác giả đã tạo nên sự liên kết, lay động bao trái tim.

nq3Lob5Y.jpgPhóng to

Nhà văn Trầm Hương trao giải Nhân vật ấn tượng cho cô gái xương thủy tinh giàu nghị lực Huỳnh Thanh Thảo - Ảnh: THANH ĐẠM

Đơn giản vì tất cả đều gặp nhau trong câu hỏi: “Trái đất này sẽ ra sao nếu không có những người phụ nữ hi sinh, thương khó, chịu đựng, tràn đầy nghị lực, vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống?”. Phải, những người phụ nữ chúng tôi được gặp trong cuộc thi này, cũng như nhiều chân dung phụ nữ khác chưa được biết đến, vẫn âm thầm tỏa sáng, kiên trì, nhẫn nại, từng chút một nâng giữ Trái đất này bằng lòng yêu thương. Tình mẫu tử, lòng nhân ái đã giúp những người phụ nữ bình thường làm nên điều kỳ diệu trong cuộc sống, nếu không nói là phi thường.

Thoạt nhìn, những chân dung phụ nữ ấy không có gì đặc biệt bởi họ không phải là những chính khách nổi tiếng, không phải là những người phụ nữ giàu có, không phải ca sĩ, nghệ sĩ lộng lẫy... Họ chỉ là những phụ nữ chìm khuất trong đời thường, với xuất phát điểm hoàn toàn bất lợi: không nhan sắc, yếu ớt về thể lực, không tài sản, không bằng cấp, thậm chí không có một thân thể lành lặn... Nhưng từ những góc khuất cuộc đời, họ hiện ra trên trang giấy rất đáng cho chúng ta ngẫm nghĩ.

Đó là cô gái Huỳnh Thanh Thảo “bé nhỏ như cây kẹo bông”, phải đối mặt với căn bệnh xương thủy tinh nhưng biết vượt lên nỗi đau, bất hạnh của mình, nỗ lực mang đến niềm vui cho những người bất hạnh khác. Cô mở lớp học tình thương, lập thư viện, góp đá xây Trường Sa, xây dựng quỹ học bổng cho những trẻ em khó khăn... Đó là những người mẹ chọn cho mình cách ứng xử thua thiệt khi mái ấm tan vỡ, gồng mình lên vừa làm cha vừa làm mẹ, chống đỡ cho tổ ấm bé nhỏ trước dòng chảy khốc liệt của xã hội, cả sự bạc bẽo của nhân tình ấm lạnh, đi đến cuối con đường nuôi nấng, dạy dỗ các con nên người. Thật kỳ lạ, chính những con người lành lặn, có quá nhiều ưu đãi của cuộc đời lại phải tựa vào đôi chân tật nguyền, yếu ớt của người phụ nữ để được chị động viên “không được nản”.

Thử hình dung trong những ngày hậu chiến, đất nước khó khăn, trên cánh đồng xơ xác đầy hố bom, có những bà mẹ lam lũ, “đầm mình trên sông nước dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa hay cái lạnh giá buốt của buổi chiều đông”, với quang gánh trên vai, cần mẫn, kiên trì từng chút một, lấy gạo đong chữ cho đàn con, tuyên chiến với đói nghèo... Năng lượng cuộc sống được thắp lên từ nơi hoang tàn, xa xôi cuối vàm sông, nhờ vào đôi bàn tay chai sần của những người phụ nữ chưa bao giờ biết đến lụa là, son phấn. Không hề biết đến những triết lý cao siêu nhưng người mẹ quê kiểng, lam lũ ấy biết giải bài toán tương lai cho các con bằng phép nhân của lòng yêu thương. Nghị lực và lòng nhân ái đã giúp những người phụ nữ bị dồn đến chân tường của số phận làm nên điều thần kỳ.

Nơi cùng trời cuối đất huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, chị Phan Thị Vân - cô bé mồ côi mất cha mẹ và những người anh trong cuộc chiến tranh, “gầy đét, đen đúa” - bị đẩy vào nghịch cảnh cuộc hôn nhân bất hạnh. Bỏ nhà đi tu, chị cũng không tìm ra lối thoát. Cuối cùng, chị nhận ra chỉ có cách duy nhất “hãy tựa vào chính mình”, như lời Phật dạy. Sức mạnh từ bên trong con người phụ nữ bé nhỏ ấy trỗi dậy mãnh liệt, chị không ngại rừng sâu nước độc lao vào khai phá. Rồi cái nhìn bị chế nhạo là qua “lỗ kim” của chị Vân được nhiều người tìm đến. Trong số đó có cả những người đàn ông sức dài vai rộng. Thật đáng tự hào, cũng đáng mừng thay!

Phẩm chất cao quý của người phụ nữ VN lặn vào trong, chìm khuất giữa bộn bề của đời thường được chính người chồng khám phá, trân trọng, tri ân “Vợ tôi - người phụ nữ tuyệt vời”. Tôi nghĩ “bà Tám ba bánh” ở Đắk Nông, tuy phải tần tảo, đẩy xe gom cơm thừa cá cặn giữa trưa nắng chang chang hay những ngày mưa tầm tã về nuôi heo, kiếm tiền chữa bệnh cho chồng, nuôi đàn con ăn học, dẫu nhọc nhằn nhưng là người phụ nữ hạnh phúc nhất. Nếu xã hội có nhiều người chồng thấu hiểu như chồng “bà Tám ba bánh”, phụ nữ được tiếp thêm sức lực biết bao!

Với mấy trăm bài viết, 13 chân dung phụ nữ được chọn vào vòng chung khảo là nốt nhạc đẹp của bài ca cuộc sống. Cuộc thi cũng cho chúng ta nhìn thấy khoảng cách giữa sự “cảm” và thể hiện, sự bất lực của ngôn từ, bởi đôi khi chân dung rất độc đáo song tác giả chưa chạm đến sức mạnh bên trong của nhân vật. Nhưng rất cảm ơn các tác giả đã cho chúng ta nhìn thấy những người phụ nữ yếu ớt, thầm lặng, chìm khuất với nữ tính cao quý, với nỗ lực phi thường, đã kiên trì nâng niu sự sống. Chính những con người bé nhỏ ấy đang cứu rỗi thế giới.

Lễ trao giải cuộc thi viết “Người phụ nữ trong tôi” diễn ra ấm cúng tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ vào sáng Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 đã vinh danh các tác giả của những bài viết xuất sắc nhất chọn từ hơn 400 bài dự thi.

Cuộc thi không có giải nhất, hai giải nhì đồng hạng (10 triệu đồng/giải) thuộc về Con đường mẹ chọn (Cao Thị Thu Hà), Người phụ nữ không đầu hàng số phận (Lư Thế Nhã). Giải ba (8 triệu đồng) thuộc về Vợ tôi - người phụ nữ tuyệt vời (Hoàng Ninh).

Năm giải khuyến khích (5 triệu đồng/giải) thuộc về Vượt qua số phận (Vũ Đức Vinh), Không được nản (Nguyễn Thị Thảo), Bão dông không đốn ngã (Nguyễn Thành Giang), Má của riêng con (Ðoàn Bảo Châu), Quang gánh của mẹ (Nguyễn Thị Kim Thoa).

Một giải thưởng phát sinh vào “phút 89” với sự đồng thuận cao từ ban giám khảo là giải “Nhân vật ấn tượng” - được trao cho cô gái mắc bệnh xương thủy tinh giàu nghị lực Huỳnh Thanh Thảo - nhân vật trong bài Bốn mùa chim én bay (Ðình Quang Hoạch).

Tại lễ trao giải, bà Nguyễn Thị Xuân (57 tuổi, huyện Củ Chi, TP.HCM) - mẹ của Huỳnh Thanh Thảo - rơm rớm nước mắt khi lắng nghe những chia sẻ của con gái với khán giả: “Những lúc gặp khó khăn, nguồn động lực lớn nhất của tôi là mẹ. Tôi luôn tin cuộc sống rất công bằng, chỉ cần có niềm tin là có thể làm được những điều mà ta từng nghĩ không thể làm. Tôi cũng sẽ luôn nhìn thẳng để bước tiếp vì còn rất nhiều điều tôi cần học hỏi và cố gắng. Cảm ơn mẹ và chị - những người phụ nữ thương yêu nhất của tôi”.

Từ “bật mí” của nhiều tác giả đoạt giải, động lực chung cho sự thành hình các bài dự thi viết về mẹ, chị, vợ, em gái hay những người phụ nữ khác chính là để tri ân, chia sẻ hay bày tỏ niềm ngưỡng mộ.

TRUNG UYÊN

__________________

Vẫn còn nhiều giải thưởng “Người phụ nữ trong tôi”

* Dù cuộc thi viết “Người phụ nữ trong tôi” đã khép lại nhưng tất cả bạn đọc báo Tuổi Trẻ đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước vẫn còn cơ hội nhận giải thưởng khi tham gia bình chọn bài viết. Thông tin chi tiết có thể xem tại tuoitre.vn.

* Cuộc thi ảnh “Người phụ nữ trong tôi” đang diễn ra tại địa chỉ tuoitre.vn/thianh, kéo dài đến ngày 31-3-2013, dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp. Cuộc thi có giải thưởng 45 triệu đồng do Công ty Hoa Thiên Phú tài trợ. Tác phẩm dự thi là hình ảnh về những người phụ nữ thân yêu của bạn trong cuộc sống đời thường.

TRẦM HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên