Lão nông Nguyễn Phú Hiệp cho biết kiến thức ông đang có do ông ham học hỏi, nhất là từ ngày có điện thoại thông minh - Ảnh: NGỌC TÀI
Nâng cao năng suất lao động, giúp nông dân vẫn làm đồng áng nhưng chất lượng và hiệu quả hơn là một trong những kết quả tích cực mà đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đạt được trong hơn 10 năm triển khai.
Tuổi 70 vẫn đổi mới
Ông Nguyễn Phú Hiệp (xã Mỹ Hội, Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã 70 tuổi mà rành các nền tảng điện tử như mail, Zalo, Facebook, Google như thuộc lòng "sáu câu vọng cổ".
Tại căn nhà rợp bóng xoài, ông Hiệp quy tụ được nhóm bạn cùng xóm, thành lập câu lạc bộ Internet và điện thoại thông minh.
Câu lạc bộ có quỹ góp vốn xoay vòng mua smartphone cho các thành viên. Nhờ đó, họ có thêm điều kiện cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo hướng sạch và giữ gìn, quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh.
Ông Hiệp hiện có khoảng 4,5ha xoài trồng theo hướng hữu cơ, được chứng nhận VietGAP. Xoài sạch không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cấm.
Từng cây được ghi nhật ký sản xuất để theo dõi. Mạnh dạn theo hướng hiện đại, ông Hiệp nhận lại "quả ngọt" khi giá xoài hữu cơ luôn cao hơn trái trồng theo cách truyền thống, mang lại cho gia đình ông đời sống ổn định.
Ở tuổi 70, ông Hiệp là hình mẫu nông dân lúc nào cũng học hỏi. Ông tham gia nhiều khóa đào tạo nghề trồng trọt do địa phương tổ chức.
Nghe ở đâu có tập huấn, hội thảo, ông đều tham gia. Mỗi lần như thế, ông tận dụng cơ hội "chất vấn" diễn giả cho đến khi rút ra được bài học, kinh nghiệm cho mình.
Tại Đồng Tháp, từ những lớp đào tạo nghề, nông dân chắt lọc nhiều kinh nghiệm để canh tác hiệu quả hơn. Họ cũng kết nối, học hỏi lẫn nhau thông qua những buổi sinh hoạt hội quán nông dân, những lớp đào tạo kỹ năng, họp trực tuyến với chuyên gia, lãnh đạo tỉnh...
Như lão nông Lê Phước Tánh - xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh - cùng với anh em ở hội sinh vật cảnh mấy nay "mon men" bán bonsai trên Zalo, Facebook, nhờ vậy tiếp cận được nhiều đối tác hơn.
Còn ông Trần Văn Tiếp - chủ nhiệm hội quán "Tôi yêu màu tím", TP Sa Đéc - lúc nào cũng hào hứng với những điều mình học "online" (qua điện thoại, máy tính) và "offline" (các lớp học, buổi trao đổi). Ông nói nhờ đó mình biết thị trường đang cần gì, nông dân phải thay đổi, hòa nhập ra sao trong thời đại mới...
Chú trọng nâng cao năng suất
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thua Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần, Hàn Quốc 10 lần.
Gần hơn, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Malaysia và 2/5 Thái Lan. Do vậy, việc nâng cao năng suất lao động thông qua các chương trình đào tạo nghề luôn được trung ương và địa phương quan tâm.
Ông Nguyễn Đại Tánh - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An - cho biết qua các chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, đa số học viên tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất, chất lượng cao hơn.
Có thể kể đến các mô hình: kỹ thuật trồng thanh long theo VietGAP đang áp dụng ở huyện Châu Thành, huyện Tân Trụ; kỹ thuật trồng lúa VietGAP ở huyện Tân Hưng; kỹ thuật trồng chanh ở huyện Bến Lức...
Ông Tánh cho biết thêm kết quả trên giúp tỉ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh tăng từ 50% năm 2010 lên 71% năm 2020, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong thời gian tới, để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đẩy mạnh đào tạo các nghề trọng điểm.
Có thể kể đến nghề trọng điểm cấp quốc tế gồm điện công nghiệp, lắp đặt thiết bị cơ khí; nghề trọng điểm ASEAN gồm cơ điện tử, hàn; nghề trọng điểm cấp quốc gia có kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí và hàn.
Đưa công nghệ vào nghề nông
Một mô hình bền vững mà nhiều nông dân Đồng Tháp đang tiếp cận là "Ruộng nhà mình". Nông dân tham gia mô hình không chỉ được đào tạo kỹ năng trồng lúa theo hướng sạch, hữu cơ mà còn biết vận dụng các thiết bị công nghệ cao như ứng dụng mã hóa đồng ruộng, tưới tiêu nước bằng công nghệ tự động, giám sát bằng camera để các đối tác kiểm tra việc phun thuốc, bón phân của nông dân.
Ông Nguyễn Chánh Tài - xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, một nông dân tham gia mô hình - phấn khởi: "Tui tự tin mình đang dần trở thành một nông dân 4.0, hơn nữa sản phẩm làm ra đã được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá nhỉnh hơn thị trường 150 đồng/kg".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận