Bữa ăn chay của nghệ sĩ Đại Nghĩa - Ảnh: FB Đại Nghĩa |
Có rất nhiều lý do khiến cho nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau có quyết định ăn chay.
Người theo đạo Phật ăn chay để tránh sát sanh, giúp thân tâm nhẹ nhàng, thanh khiết, giảm tham vọng, loại bỏ sân si, thú vui trần thế.
Người đạo Thiên chúa thì có cách ăn chay kiểu khác nhưng cũng nhằm mục đích tu tâm tu tánh. Cũng có người ăn chay vì lý do tự bản thân không thích hoặc không thể ăn thịt động vật.
Đôi khi xuất phát từ những ước nguyện mãnh liệt của tinh thần hoặc mong muốn ngoài tầm với của con người như cầu thi đỗ, cho người thân hết bệnh, tai qua nạn khỏi…
Ngày nay, xu hướng ăn chay càng phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới với mục đích phòng và hỗ trợ trong việc chữa trị một số bệnh lý mãn tính liên quan đến ăn uống.
Các kiểu ăn chay
Ngoài giới tu hành với nhiều kiểu ăn chay của mỗi đạo giáo, các đối tượng khác như các nhà khoa học, chính trị gia, thường dân cũng như giới nghệ sĩ cũng ăn chay với nhiều kiểu và thời gian khác nhau. Có người ăn chay trường tức là ăn chay suốt đời, số đông hơn là ăn chay kỳ mỗi tháng 2-4-10 ngày hoặc ăn thành từng đợt một vài tháng rồi ngưng. Lắm người thì ăn chay “đụng” tức là một ngày chỉ ăn chay vài tiếng rồi còn lại thì … ngã mặn.
Nguyên tắc chung của ăn chay thường ăn thức ăn bao gồm ngũ cốc, rau, khoai, củ, đậu, trái cây, các loại hạt và dầu, có hoặc không có sữa và trứng. Các thức ăn có thể hình dung rõ là không có máu và trứng thì không có trống. Có thể gom chung thành 4 kiểu ăn chay phổ biến như sau:
- Ăn chay có sữa và trứng (Lacto-Ovovegetarian) – không ăn thịt, gia cầm và cá.
- Ăn chay có sữa (Lacto- vegetarian) – không ăn thịt, gia cầm, cá và trứng.
- Ăn chay có trứng (Ovo- vegetarian) – không ăn thịt, cá, gia cầm, sữa và các chế phẩm của sữa.
- Ăn chay tuyệt đối (Vegan) tức là không ăn thịt, cá, gia cầm, trứng, sữa và sản phẩm từ sữa.
Có một dạng ăn chay “bán phần” là không ăn thịt đỏ (như thịt bò, thịt heo… ) mà ăn thịt trắng (gia cầm, cá, đậu hũ) và vẫn dùng trứng và sữa, các chế phẩm sữa.
BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Các nguy cơ thường gặp khi ăn chay không đúng cách
Thực phẩm ăn chay thường năng lượng thấp (vì vậy nên ăn chay rất mau đói) và thực phẩm nếu không ăn đa dạng thì rất dễ bị thiếu dinh dưỡng gây ra gầy ốm và suy giảm sức đề kháng, dễ bị bệnh nhiễm trùng.
Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu chất sắt tạo máu, thiếu kẽm, thiếu vitamin B12… với biểu hiện là thiếu máu có thể xảy ra do các chất này có nhiều trong các thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, gan, huyết, hải sản… và dễ hấp thu vào cơ thể. Thức ăn có nguồn gốc thực vật cũng có chất sắt… nhưng tỷ lệ thấp và cũng khó hấp thu hơn.
Nếu bữa ăn chay quá đơn điệu, chỉ ăn cơm với rau cải luộc chấm tương, chao hoặc cơm muối tiêu, bún nước tương… thì nguy cơ thiếu chất rất cao. Việc ăn thiếu chất đạm cũng có thể gây ra biếng ăn, nhão cơ, dễ nhiễm trùng.
Đặc biệt ở trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai và cho con bú, bệnh nhân trong giai đoạn cần dinh dưỡng phục hồi bệnh … là đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng cao, việc ăn uống thiếu chất sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và sức khỏe.
Ngược lại nếu bữa ăn chay quá nhiều bột đường và dầu béo thì năng lượng cao có thể dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì.
Ăn chay đúng cách giúp phòng ngừa bệnh tật.
Ăn chay đúng cách là là ăn đủ 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ để cung cấp đủ năng lượng. Các món ăn trong bữa chính cũng phải đủ 4 nhóm chất : bột đường, đạm (đậu hũ, tàu hũ, sữa đậu nành, đậu phộng, muối mè, nấm, đậu que, đậu đũa, đậu hòa lan, đậu xanh, …), dầu và rau trái.
Các bữa ăn cần đa dạng và thay đổi món thường xuyên. Bữa ăn luôn có rau trái để có nguồn vitamin C giúp hấp thu chất sắt trong thức ăn.
Người ăn chay trường hoặc người có nhu cầu dinh dưỡng cao có thể uống thuốc bổ sung sắt, vitamin… theo chỉ định của bác sĩ.
Thành phần thức ăn chay thường nhiều chất xơ, ít cholesterol, giàu trái cây và vitamin các loại nên rất tốt cho sức khỏe, giúp phòng ngừa và hỗ trợ rất nhiều trong các bệnh lý mãn tính liên quan đến ăn uống như béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư, sỏi mật, taó bón, sa sút trí tuệ, tai biến mạch máu não, loãng xương…
Ngoài ra, việc giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng là một trong những biện pháp phòng ngừa thiếu máu hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận