14/04/2019 12:40 GMT+7

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 7: Giữ lại cây cầu ký ức

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Không phải là nhịp nối đầu tiên bắc qua sông Hàn nhưng cầu Nguyễn Văn Trỗi lại là cây cầu có tuổi đời lớn nhất còn ở lại với dòng sông.


Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 7: Giữ lại cây cầu ký ức - Ảnh 1.

Kết thúc sứ mệnh phục vụ giao thông, cầu Nguyễn Văn Trỗi trở thành cầu đi bộ phục vụ khách tham quan sông Hàn - Ảnh: HỒ NGỌC HÙNG/GO SEE DO

Sứ mệnh mới mà cây cầu đang mang là kể một câu chuyện từ vùng đất bi thương trở thành một địa điểm đáng đến nhất châu Á thông qua du lịch.

Ông Huỳnh Hùng

Qua bao biến thiên thời cuộc, dù không còn chức năng giao thông nhưng Đà Nẵng vẫn giữ lại như một chứng tích của thời kỳ khói lửa, một nhân chứng chở nặng ký ức bao thế hệ người Đà Nẵng trong thời gian khó đi lên.

Kỷ vật của thời gian

Dù nằm khiêm tốn bên cây cầu dây văng hiện đại nhưng cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn thu hút được ánh nhìn của rất nhiều người. Không chỉ khác biệt bởi màu sơn vàng, chất quê mùa của một cây cầu đi qua thời gian, mà còn bởi cầu chỉ phục vụ người tản bộ.

Từ bên cây cầu cũ tĩnh lặng này nhìn về phía cầu Trần Thị Lý đang cuồn cuộn những dòng xe di chuyển, thời gian như đứng lại với ông Nguyễn Ba, người phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Mỗi lần lên cầu đi dạo cùng đứa cháu đang học cấp II là một lần ký ức của nửa thế kỷ trước sống lại trong mắt người ở tuổi thất thập. Ngày quân giải phóng tiến về Đà Nẵng rồi đi qua cây cầu này để chiếm lĩnh các căn cứ quân sự ở "quận ba", ông cũng mới trạc tuổi cháu mình bây giờ.

Hơn nửa đời người từ dạo ấy, cây cầu có những ống thép uốn cong lưng tôm này dường như chẳng thay đổi nhiều. Chỉ có những phận người như ông Ba và bao thế hệ người Đà Nẵng cứ lần lượt đi qua thời gian như con nước dưới cầu trôi về cuối sông Hàn.

Để vận hành cỗ máy chiến tranh ở miền Trung, giữa thập niên 1960, người Mỹ có ý định làm một cây cầu thứ hai trên sông Hàn ngay cạnh cây cầu đường sắt Đờlát người Pháp xây dựng năm 1951. Cầu được đặt tên Nguyễn Hoàng, bắt đầu mở móng vào năm 1967 và hoàn thành chỉ trong 10 tháng nhờ những ống thép đúc sẵn tại Poro Point, Philippines mang qua. 

Móng cầu được thiết kế rộng cho hai làn đường song song nhưng người Mỹ chỉ lắp trước một nửa để những đoàn xe nhà binh chuyên chở vũ khí từ tổ hợp quân sự, sân bay Nước Mặn phía bờ đông ra vào trong thành phố.

Nhưng tại sao giữa con sông Hàn dài hơn 8km người Mỹ lại chọn bắc cầu dã chiến ngay bên cạnh cây cầu của người Pháp? 

Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, vì thời đó cảng quân sự nằm sâu trong sông thường xuyên có nhiều tàu trọng tải lớn vào ra. Cây cầu bằng sắt chỉ mang tính tạm thời với độ thông thuyền hạn chế nên phải đặt về phía thượng lưu của cảng để thuận tiện việc quân cơ.

Sau ngày thống nhất đất nước, cây cầu thép chứng tích chiến tranh mang tên Nguyễn Hoàng do người Mỹ xây dựng này được đổi tên thành Nguyễn Văn Trỗi, người Anh hùng chống Mỹ xứ Quảng. 

Trong ký ức nhiều người xứ Quảng, cây cầu thép có màu sơn vàng còn chở nặng bao chuyến xe xuôi ngược mưu sinh một thời. Là những sắc màu đong đầy hoài niệm của người dân miền quê nghèo như Quế Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình... tìm về tỉnh lỵ Quảng Nam - Đà Nẵng trước ngày tách tỉnh. Đó là lối đi hướng mặt ra biển của người Đà Nẵng mãi cho đến cuối thế kỷ 20.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 7: Giữ lại cây cầu ký ức - Ảnh 3.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Bảo tàng sống trên sông

Nếu như kiến trúc mà người Pháp để lại trong quá trình xâm lược Đà Nẵng là rất đậm nét thì cầu Nguyễn Văn Trỗi chính là của hiếm, "kỷ vật chiến tranh" mà người Mỹ để lại cho thành phố này. 

"Nhiều người chọn công trình 42 Bạch Đằng (Tòa thị chính) là biểu tượng của người Pháp trên đất này thì cầu Nguyễn Văn Trỗi xứng đáng là biểu tượng một thời kỳ lịch sử người Mỹ đặt chân lên vùng đất này. Đó còn là miền ký ức bao la của một thời gian khó, cơ cực đi lên của đô thị Đà Nẵng cuối thế kỷ trước" - ông Huỳnh Hùng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Đà Nẵng, nói về lý do lãnh đạo thành phố quyết định giữ lại cây cầu.

Dù đã có tuổi đời hơn một thế kỷ, nhưng các công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử của người Pháp vẫn hiện diện đầy rẫy trong thành phố thủ phủ miền Trung. Ngược lại, "của hiếm" người Mỹ dựng lên trong quá trình xâm lược mới nửa thế kỷ trước chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Năm 2013, khi cầu Trần Thị Lý trở thành cây cầu sau cùng bắc qua sông Hàn, sứ mệnh giao thông của cầu Nguyễn Văn Trỗi được chấm dứt. Bên cạnh những nhịp cầu lộng lẫy, hiện đại đã mọc lên, lãnh đạo thành phố quyết định giữ lại "nàng Lọ Lem giữa sông Hàn" làm cây cầu đi bộ.

Theo ông Hùng, những thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới đều có các "viên ngọc quý" là những di sản, di tích đi qua thời gian. Di tích "sống" càng lâu, gắn bó càng nhiều với ký ức hình thành một vùng đất thì càng quý báu. 

Với một thành phố trẻ như Đà Nẵng thì cầu Nguyễn Văn Trỗi không những chỉ nối chiều ngang địa lý sông Hàn mà còn là một vùng trời kỷ niệm, là chiều sâu văn hóa, lịch sử và chứng nhân sự đổi thay của thành phố.

"Giờ đây, khi kết thúc sứ mệnh giao thông của mình, nó trở thành cây cầu du lịch, một bảo tàng sống bắc qua sông Hàn để người dân và du khách có thể tản bộ ngắm nhìn sự đổi thay kỳ diệu trên quê hương. Sứ mệnh mới mà cây cầu đang mang là kể một câu chuyện từ vùng đất bi thương trở thành một địa điểm đáng đến nhất châu Á thông qua du lịch" - ông Hùng nhấn mạnh.

Trong tương lai gần khi TP Đà Nẵng đầu tư nâng cấp cảng Sông Hàn thành cảng hành khách chính, cảng Sông Thu thành cảng phụ thì cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi và công viên hai đầu cầu là một điểm đến ngoài trời chủ lực phục vụ du khách bốn phương.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 7: Giữ lại cây cầu ký ức - Ảnh 4.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm cạnh cây cầu mới Trần Thị Lý - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nâng thủy lực một nhịp để phục vụ du lịch

Cầu Nguyễn Văn Trỗi được hãng thầu xây dựng RMK của Mỹ xây dựng, gồm 13 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài hơn 500m. Lúc mới xây dựng sàn cầu làm bằng gỗ.

Theo ông Võ Thành Được - giám đốc Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng, khi TP quyết định giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi để làm cầu đi bộ phục vụ du lịch, Sở GTVT Đà Nẵng đã thực hiện cải tạo, nâng thủy lực một nhịp cầu.

"Hiện nay tĩnh không cầu tương đối thấp nhưng nếu tàu du lịch qua lại có thể nâng một nhịp lên cao thêm 3m. Vì là cầu dành cho người đi bộ, du lịch nên vật liệu thiết kế đoạn cầu kích nâng bằng điện rất nhẹ, chỉ cần vài phút để nâng nhịp cho tàu qua lại. Vừa thuận tiện mà du khách cũng thích thú" - ông Được nói.

Kỳ tới: Thương hiệu "những cây cầu"

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 1: Khát vọng nối đôi bờ sông Hàn

TTO - Hiếm có nơi nào mà sự hiện diện của những cây cầu ngoài ý nghĩa về giao thông lại mang những ý nghĩa biểu tượng đặc biệt như tại Đà Nẵng.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên