12/04/2019 09:44 GMT+7

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 5: Cầu 3 mặt dây văng có thang máy

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Đó là cầu dây văng trụ nghiêng Trần Thị Lý với hình dáng giống như cánh buồm vươn khơi đón gió. Ít ai biết rằng vào giữa thế kỷ trước, một cây cầu bằng thép của Hãng Eiffel nổi tiếng thế giới đã được dựng ở đây.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 5: Cầu 3 mặt dây văng có thang máy - Ảnh 1.

Cảnh người Pháp xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn mang tên Đờ-Lát - Ảnh tư liệu

Ở phương ngang nhìn cây cầu như một cánh buồm, nhưng phương dọc lại như cánh chim đang bay, thể hiện được khát vọng hiện đại và vươn lên của thành phố mới.

Ông Trần Dân

Con sông Hàn dài chừng 8 cây số nhưng có 6 cây cầu nối đôi bờ. Điều thú vị là ngay tại nơi mà người Pháp xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông cũng chính là nơi cây cầu hiện đại thứ 6 được dựng lên. 

Đó là cầu dây văng trụ nghiêng Trần Thị Lý với hình dáng giống như cánh buồm vươn khơi đón gió. Ít ai biết rằng vào giữa thế kỷ trước, một cây cầu bằng thép của Hãng Eiffel nổi tiếng thế giới được dựng ở đây.

Từ cây cầu đô hộ...

Khi Đà Nẵng bị buộc phải chấp nhận làm nhượng địa của Pháp (1888) thì Hội An vẫn còn là một trung tâm thương mại quan trọng của khu vực. Con sông Hàn trở thành cửa ngõ đi vào Hội An do kết nối với sông Cổ Cò. 

Nhưng chỉ được ít lâu, khi sông Cổ Cò bị bồi lấp, người Pháp đã làm một tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An để thông thương. Lúc ấy Đà Nẵng thiếu thốn nhiều mặt, dân cư chưa quần tụ đông trong khi Hội An đủ điều kiện để đáp ứng những gì người Pháp cần vào buổi ban đầu, từ nhân sự đến cơ sở.

Nhưng rồi không lâu sau đó, thương mại Hội An dần tắt lịm sau mấy trăm năm huy hoàng, cộng thêm những đợt lũ lụt khiến việc bảo trì tuyến đường sắt từ cảng Tiên Sa ở bờ đông sông Hàn vào Hội An gặp khó khăn. Tuyến đường này đóng cửa cũng là thời điểm để Đà Nẵng bứt phá trở thành một thị cảng thay thế Hội An.

"Giai đoạn Hội An xuống dốc, người Pháp đầu tư mạnh ở Đà Nẵng, mà cụ thể là hệ thống cảng và tuyến đường hỏa xa. Đà Nẵng nổi lên, dân gian có ngay câu vè: Cảnh mô vui bằng cảnh đất Hàn/ Dưới sông tàu chạy, trên đàng hỏa xa.

Đường hỏa xa thì thời đó phía tây sông có một nhà ga lớn nối tuyến đường bắc - nam và một ga ở chợ Hàn tồn tại mãi cho đến ngày thống nhất đất nước" - ông Nguyễn Chính, nhà trên đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng, nhớ lại.

Trong ký ức của ông Chính, thời điểm những năm 1950 là lúc người Mỹ bắt đầu nhảy vào Đà Nẵng giúp người Pháp thiết lập một căn cứ quân sự lớn ở miền Trung. Để tiếp nhận các mặt hàng viện trợ chiến tranh của Mỹ tại kho hàng bên kia sông, Hãng Eiffel xây dựng một cây cầu đường sắt có lối bộ hành đặt tên là De Lattre de Tassigny (vị tướng quân viễn chinh Pháp, mà người Đà Nẵng hay gọi là cầu Đờ-Lát) nối đôi bờ sông Hàn. 

Đến khi người Pháp thua trận và rút khỏi Đông Dương, chính quyền miền Nam đổi tên thành cầu Trình Minh Thế (một vị tướng của VNCH), cải tạo lối bộ hành thành đường cho ôtô chạy.

"Như hầu hết thiết kế thời Pháp thuộc, ngành xây dựng cầu đường đều lọt vào tay Hãng Eiffel. Các thiết kế của hãng này có điểm chung là kết cấu bằng thép và có đường xe lửa" - ông Chính nói. Dù năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông Chính vẫn duy trì cho mình sở thích sưu tầm tư liệu cũ như thời trai trẻ. 

Ông kể mấy năm trước ông đã vô cùng thích thú khi lên mạng và tìm được tấm ảnh người Pháp chụp ngay thời điểm xây cầu. Tấm ảnh được lấy từ một tờ tạp chí bằng tiếng Pháp in năm 1953 có chú thích "Cầu Maréchal-De-Lattre-De-Tassigny chiều dài 520 m. Xây dựng năm 1951 bởi Eiffel trên bờ biển Tourane".

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 5: Cầu 3 mặt dây văng có thang máy - Ảnh 3.

Cầu Trần Thị Lý được xây mới và đưa vào sử dụng năm 2013 - Ảnh: LÊ QUANG THIỆN/GO SEE DO

...Đến cánh buồm đón gió ra khơi

Thời điểm sau ngày thống nhất đất nước, ông Trần Dân - phó chủ tịch Hội KHKT cầu đường Đà Nẵng - là nhân sự được Bộ GTVT cử vào Đà Nẵng làm nhiệm vụ khảo sát thiết kế cầu đường trên toàn tuyến khu 5. Lúc ấy, cầu Trình Minh Thế đã được mang tên người nữ anh hùng xứ Quảng Trần Thị Lý, đồng thời đường sắt trên cầu được phá bỏ để mở rộng thành huyết mạch nối tuyến quốc lộ 14B.

"Trong số 6 cây cầu bắc qua sông Hàn thì đây là cây cầu đi qua hết sự biến thiên của thời gian, công nghệ. Từ thời sơ khai người Pháp xây dựng cho đến thiết kế hiện đại đều không khống chế trọng tải" - ông Dân phân tích. 

Theo ông Dân, đi qua thời gian, từ cây cầu được người Pháp xây dựng phục vụ nền bảo hộ trải qua hai lần đại tu lớn trước khi bị tháo dỡ. Lần đầu là vào cuối năm 1979, mặt cầu này được thay thế bằng dầm thép có tên hiệu VN-64-71 để đảm bảo tải trọng. Đến năm 1999 có một đợt đại tu khác, cầu được gia cố phần "hạ bộ" cho cứng cáp và thay mặt cầu dầm thép VN-64-71 bằng bêtông dự ứng lực để nâng cấp tải trọng phục vụ xe tải ra vào cảng Tiên Sa. 

Toàn bộ phần dầm thép thải bỏ được tận dụng làm cầu Tứ Câu ở Quảng Nam. Năm 2010, khi bắt đầu xây cầu Trần Thị Lý mới, dầm cầu cũ được tận dụng để xây dựng cầu Cẩm Lý trên quê hương Điện Bàn của nữ anh hùng Trần Thị Lý.

Theo ông Trần Dân, thiết kế trụ tháp nghiêng ba mặt dây văng của cầu Trần Thị Lý hiện nay đã tối ưu hóa được kết cấu trong thiết kế, đồng thời làm phong phú "bộ sưu tập" cầu trên sông Hàn. "Các thiết kế yêu cầu vừa thẩm mỹ vừa khẩu độ lớn, không giới hạn tải trọng thì làm cầu dây văng là giải pháp kỹ thuật phù hợp. 

Ở phương ngang nhìn cây cầu như một cánh buồm, nhưng phương dọc lại như cánh chim đang bay, thể hiện được khát vọng hiện đại và vươn lên của thành phố mới" - ông Dân phân tích.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 5: Cầu 3 mặt dây văng có thang máy - Ảnh 4.

Lính Mỹ gác cầu Trình Minh Thế trước năm 1973 khi đất nước chưa thống nhất, lúc đó lối đi bộ đã được cải tạo thành đường cho ôtô chạy - Ảnh tư liệu

Cầu có... thang máy

Cầu mới Trần Thị Lý (đưa vào sử dụng cùng với cầu Rồng ngày 29-3-2013) thiết kế trụ tháp cao 145m, nghiêng 12 độ về phía tây, gồm 3 mặt dây phẳng. Trong đó, mặt phẳng dây phía đông được neo từ thân trụ xuống dầm cầu giữa, mặt phẳng dây phía tây được bố trí xoắn và rẽ ra hai nhánh.

Ngoài thiết kế làm nên sự khác biệt của cầu Trần Thị Lý thì cây cầu này còn sở hữu một điều thú vị hiếm có là chiếc thang máy trong trụ tháp nghiêng. Ông Võ Thành Được, giám đốc Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng, cho biết ý tưởng ban đầu thi thiết kế cầu này là biến chiếc thang máy này thành một sản phẩm du lịch độc đáo đưa du khách lên cao ngắm toàn cảnh thành phố.

Tuy nhiên sau khi đưa vào sử dụng cầu, xét thấy tính hiệu quả cũng như nhiều yếu tố khác nên chưa thể triển khai ý tưởng này. Hiện thang máy được vận hành chỉ để phục vụ công tác bảo trì.

Kỳ tới: Gạch nối trên hành lang xuyên Á

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên