Phát biểu tại phiên Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang sáng 29-9, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết thực tế có rất nhiều dự án người mua nhà đã thanh toán đầy đủ, chủ đầu tư đã bàn giao cho người sử dụng hàng năm nay nhưng không thấy nói gì đến việc cấp sổ đỏ.
Theo người dân, nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới việc cấp sổ đỏ chậm trễ phần lớn do tiêu cực, nhũng nhiễu.
Nộp 8 triệu đồng mới được làm nhanh sổ đỏ
“Tôi xin hỏi bộ trưởng có biết việc này không và trách nhiệm quản lý của Bộ TN-MT trong vấn đề này như thế nào?” - ông Cương chất vấn. Và ông cung cấp thông tin: “Tôi xin được nói rõ thêm là việc cấp sổ đỏ tại các dự án bấy lâu nay không làm riêng lẻ từng trường hợp đối với các dự án chung cư, mà phải làm từng tòa nhà thông qua chủ đầu tư. Lợi dụng việc này, chủ đầu tư tại cuộc họp với các cư dân ở chung cư đã phổ biến phải nộp 8 triệu đồng mới được làm nhanh sổ đỏ”.
Vẫn theo đại biểu Cương, “vì họ đòi tiền quá cao nên nhiều người dân không có điều kiện, người ta xót xa không nộp và kết quả là những người nộp phí “bôi trơn” thì được cấp sổ đỏ, còn những người khác không biết đến bao giờ. Điều đáng nói là phí “bôi trơn” này chỉ nói miệng và thu tiền, không có biên lai, biên nhận gì cả. Việc này xảy ra ở rất nhiều dự án chung cư ở Hà Nội, điển hình là dự án Mễ Trì Thượng, Hapulico”.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời: “Việc cấp sổ đỏ này chậm trễ, kéo dài, nhũng nhiễu có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng tôi cho rằng trong đó có cả trách nhiệm của các văn phòng đăng ký đất đai ở các địa phương, nhất là đối với các đô thị tình hình này hết sức phức tạp”.
Dễ dãi cấp phép khai thác khoáng sản
Nhiều đại biểu chất vấn bày tỏ lo ngại tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là nạn khai thác cát trên các tuyến sông gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, đe dọa đời sống người dân...
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đáp việc này bộ đã biết và đang tham mưu cho Chính phủ ra chỉ thị để lập lại trật tự khai thác khoáng sản.
Cùng trả lời, thượng tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng Bộ Công an - đã cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý.
Từ tháng 10-2005 đến tháng 8-2008, UBND các tỉnh, TP đã cấp 3.495 giấy phép khai thác, cho thấy số lượng cấp phép về khai thác của các tỉnh rất lớn.
Qua đánh giá 957 giấy phép từ ngày 1-7-2011 đến 31-12-2012 phát hiện tám vấn đề: Thứ nhất, cấp phép không đúng thẩm quyền, trong đó có 103 giấy phép ở một số tỉnh như Vĩnh Long, Phú Yên, Bình Định, Đắk Nông...
Thứ hai, cấp phép khi không có đăng ký kinh doanh ngành, nghề thăm dò, khai thác khoáng sản (552 giấy phép).
Thứ ba, cấp phép thăm dò không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân ở khu vực, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Thứ tư, cấp phép khai thác khi hồ sơ không có dự án đầu tư khoáng sản...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận