Giáo sĩ Đắc Lộ, người in Tự điển Việt-Bồ-La
Tượng ông được dựng ở Hà Nội, tên ông được đặt ở đường phố trung tâm của thành phố Sài Gòn. Song đó chỉ là một nửa sự thật. Lý do đơn giản vì ông là người Pháp.
Giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt” và “làm theo ý muốn của một số vị Hồng y ở La Mã là thêm chữ Latin vào để người Việt có thể học thêm La ngữ.
(Lời nói đầu của giáo sĩ Đắc Lộ trong Tự điển Việt - Bồ - La)
Một cuộc đời
Giáo sĩ Đắc Lộ sinh tại Avignon (vùng đất thuộc tòa thánh La Mã đến năm 1791 mới sát nhập vào nước Pháp) ngày 15-3-1593 trong một gia đình Do Thái, quốc tịch Tòa thánh La Mã, trong một gia đình quý phái.
Ông gia nhập Dòng Tên ngày 14-4-1612, thụ phong linh mục tại La Mã năm 1618. Cùng năm đó, ông được chấp thuận cho đi truyền giáo tại Đông Á sau ba lần xin. Ông tới thủ đô Bồ Đào Nha đáp tàu đi Đông Á và ngừng lại ở Goa (Ấn Độ) khá lâu, đến ngày 29-5-1623 mới tới Macau. Dù muốn đi Nhật song bề trên muốn ông truyền giáo ở Đàng Trong.
Ông tới Đàng Trong lần thứ nhất tháng 12-1624, tới tháng 7-1626 ông trở về Macau. Tháng 3-1627 ông tới Đàng Ngoài và tháng 5-1630 ông bị chúa Trịnh Tráng trục xuất. Từ năm 1630-1640 ông dạy thần học ở Học viện Madre de Dues.
Từ năm 1640-1645 ông lại truyền giáo ở Đàng Trong. Tháng 7-1645 ông rời Đàng Trong về Macau rồi đi châu Âu. Năm 1654 ông đi Ba Tư rồi qua đời ở Ispahan ngày 5-11-1660.
Khi tới Đàng Trong, ông đã đến Thanh Chiêm và học tiếng Việt. Và thầy dạy tiếng Việt cho Đắc Lộ chính là Francesco de Pina. Đắc Lộ được bố trí ở chung nhà với Pina.
Trong lời đề tựa cuốn Tự điển Việt - Bồ - La, Đắc Lộ cho biết "ông học tiếng Việt chăm chỉ như khi theo học khoa thần học ở La Mã. Nhờ đó sau bốn tháng ông được giải tội và thêm sáu tháng nữa là ông có thể giảng bằng tiếng Việt".
Ông còn học tiếng Việt với một em nhỏ người Việt 13 tuổi. Nhờ vậy mà trong ba tuần ông đã biết phân biệt các "thanh" tiếng Việt và cách phát âm mỗi tiếng. Em nhỏ này sau đó được Đắc Lộ làm phép rửa tội (nghi thức nhập đạo Thiên Chúa) và đặt tên là Raphael Rhodes, sau đó trở thành "kẻ giảng" (tu sĩ cấp 2 trong dòng tu).
Ông này tham gia truyền giáo ở Lào, Đàng Ngoài nhưng sau đó không tu nữa, lấy vợ và trở thành một thương gia giàu có ở Đàng Ngoài và Phố Hiến.
Cũng nên biết rằng Đắc Lộ là một giáo sĩ có năng khiếu về ngôn ngữ, biết khá nhiều thứ tiếng. Ông có thể viết và nói các tiếng Pháp, Ý, Latin, Bồ, Việt và sử dụng sơ sơ tiếng Nhật, Trung Hoa, Ba Tư và Kokani.
Bìa và trang trong của Từ điển Việt-Bồ-La của giáo sĩ Đắc Lộ
Tiếp thu kiến thức từ người đi trước
Trong những lần trở lại Đàng Trong và Đàng Ngoài, ông thu thập thêm những kiến thức về tiếng Việt và phương thức Latin hóa tiếng Việt, đặc biệt là dấu thanh, đồng thời so sánh với những chữ đã được Pina cùng các giáo sĩ khác Latin hóa như Barbosa, Gaspar...
Một trong những người giúp sức tích cực cho Đắc Lộ được ghi nhận là thầy giảng Y Nhã (người Việt), một người thông thạo văn chương, triết học, từng làm quan trước khi gia nhập hàng thầy giảng.
Để hiểu trình độ của Đắc Lộ, chúng ta hãy đọc bản thảo viết tay bằng tiếng Bồ cuốn "Tình hình truyền giáo ở Đàng Ngoài từ năm 1636-1646" của Đắc Lộ được lưu trữ tại văn khố Dòng Tên ở La Mã.
Dù viết bằng chữ Bồ nhưng bản thảo có rất nhiều chữ như Ainam (Hải Nam), Che ce (Kẻ Chợ), chúa õu (chúa Ông), Uuan (vương), bat minh (bất minh), thuam (thuận), gna ti (nhà ti), cai huyen (cai huyện), bua (vua), den (đền), ten si (tiến sĩ)...
Trong khi đó, từ năm 1626, giáo sĩ Gaspar đã viết Bến Đá (xã Bến Đá), bude (bồ đề), ondedóc (ông đề đốc), onghe (ông nghè), nhít la khấu, khấu la nhít (nhứt là không, không là nhứt)... Hoặc giáo sĩ Francesco Buzumi viết năm 1626: xán tí (thượng đế), thien chu (thiên chủ, thiên chúa), ngoac huan (ngọc hoàng)...
Những so sánh này để cho thấy các giáo sĩ khác trong việc Latin hóa tiếng Việt đã đi trước Đắc Lộ chừng 10 năm, và Pina chắc chắn phải đi xa hơn dù ông mất sớm.
Để có được cuốn Tự điển Việt - Bồ - La in năm 1651 tại La Mã, ngoài việc nỗ lực tuyệt vời trong học hành và nghiên cứu, Đắc Lộ còn phải dựa vào tài liệu những người đi trước. Hai tài liệu được khẳng định từ lâu là hai cuốn tự điển Việt - Bồ và Bồ - Việt của hai giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa (viết xong nhưng chưa kịp công bố thì đã qua đời).
Những tài liệu này được lưu giữ tại nhà thờ Saint Pauli (Macau). Có thể Đắc Lộ cũng đã sử dụng cả những di cảo của thầy ông là giáo sĩ Pina. Các phát hiện gần đây cho thấy trong di cảo của Pina chữ quốc ngữ viết bằng mẫu tự Latin đã có những dấu âm và khá gần với chữ quốc ngữ hiện nay.
Cũng cần nên biết tại sao tự điển của Đắc Lộ lại chỉ là Việt - Bồ - La mà không có thứ tiếng khác. Trong hai thế kỷ từ 15 đến 17, vai trò thương mại của Bồ Đào Nha bao trùm cả khu vực châu Á và theo đó là các giáo sĩ phương Tây sử dụng tiếng Bồ.
Trong lời nói đầu, Đắc Lộ đã nói rõ mục đích của cuốn tự điển là "giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt" và "làm theo ý muốn của một số vị Hồng y ở La Mã là thêm chữ Latin vào để người Việt có thể học thêm La ngữ".
Cuốn sách đầu tiên về chữ quốc ngữ của Đắc Lộ gồm có hai phần. Phần một mang tên "Báo cáo vắn tắt về tiếng Annam hay Đông Kinh", phân tích văn phạm tiếng Việt. Phần còn lại chính là quyển tự điển.
Ngoài ra, ông còn viết một cuốn sách bằng hai thứ tiếng Việt-Latin tên là Phép giảng tám ngày. Đây là cuốn giáo lý dành cho các thầy giảng đạo Thiên Chúa. Bản in lần đầu tiên hiện còn được bảo quản ở nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên).
Một trang sách Phép giảng tám ngày viết bằng hai thứ tiếng Việt-La Mã của giáo sĩ Đắc Lộ
Công trình lớn của giáo sĩ Đắc Lộ
Cả hai cuốn được giấy phép in vào ngày 5-2-1651, song cuốn Phép giảng tám ngày được in trước vào ngày 2-10-1651. Và cuốn tự điển được in sau đó, khoảng đầu năm 1652. Kỹ thuật in thời đó cực khó. Bởi chữ in tiếng Việt cần phải thực hiện riêng nhưng không có thợ sắp chữ in người Việt. Do đó, có thể nói rằng việc in ấn và xuất bản hai cuốn sách quốc ngữ của Đắc Lộ, nhất là cuốn Tự điển Việt - Bồ - La là cả một công trình lớn. Cũng vì thế, việc vinh danh ông là điều cần thiết dù ông không phải là người đầu tiên tạo ra chữ quốc ngữ.
Kỳ tới: Người thầy đầu tiên dạy chữ quốc ngữ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận