10 khách mời tham gia giao lưu trực tuyến Gặp gỡ cuối năm |
Chương trình Gặp gỡ cuối năm 2015 sẽ cùng bạn đọc nhìn lại những vấn đề nổi bật trong năm dưới những góc nhìn khác nhau. Khách mời tham dự chương trình gồm:
1. Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát Bộ công an.
2. PGS TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn sẽ lý giải vì sao tình hình tội phạm trẻ tăng và đề xuất giải pháp tâm lý để giúp hạn chế bớt tình trạng này.
3. Ca sĩ Hà Anh Tuấn, người có nhiều hoạt động nổi bật trong năm, tham gia chương trình câu chuyện hòa bình và là đại sứ bảo vệ tê giác của tổ chức Rhinose Foundation.
4. Tuyển thủ bơi lội quốc gia Ánh Viên. Sinh năm 1996, cô là VĐV bơi lội đội tuyển Việt Nam.
5. Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 Võ Thành Công, cán bộ phòng Cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM.
6. Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 Đàm Nguyễn Trọng Nhân, nghiên cứu viên tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.
7. Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 Nguyễn Thị Mộng Quỳnh, học sinh lớp 12 A1.2 Trường THPT Nguyễn Huệ, Q.9, VĐV Taekwondo tuyến năng khiếu tập trung thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TP.HCM.
8. Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 Đinh Xuân Tân, kỹ sư cơ khí ôtô, xí nghiệp Công nghiệp và dịch vụ ôtô (ISAMCO), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn.
9. Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 Võ Hạ Trâm, ca sĩ, cử nhân thanh nhạc của Nhạc viên TP.HCM.
10. Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 Trần Quốc Trung, sinh năm 1986, giảng viên, phó trưởng bộ môn Nghiệp vụ, trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM.
Các khách mời tham gia giao lưu tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Tự Trung |
NỘI DUNG GIAO LƯU
* Năm 2015 có quá nhiều vụ án mạng dã man, những vụ "thảm sát" theo cách gọi của báo chí. Xin hỏi trung tướng là công tác quản lý của ngành công an có vấn đề gì hay không mà tình trạng tội ác man rợ lại xuất hiện ngày càng nhiều như thế? Phải chăng ngành công an đã bỏ lọt nhiều tên tội phạm nguy hiểm cho sống nhởn nhơ ngoài xã hội? Điều này khiến chúng tôi rất lo lắng cho sự bình an của con cái mình (Lê Thu Thủy, [email protected]
- Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Các bạn đều biết năm 2015 là một năm có rất nhiều những vụ án nghiêm trọng xảy ra, đặc biệt là các vụ án giết người mà hung thủ còn rất trẻ.
Nhiều người đặt ra câu hỏi có phải do công tác quản lý của ngành công an có vấn đề hay không mà tội phạm với hành vi nguy hiểm như vậy xuất hiện?
Có thể khẳng định một điều khi đất nước trong giai đoạn phát triển, đặc biệt là hội nhập và mở cửa thì tội phạm có sự phức tạp gia tăng.
Tuy nhiên, tất cả những tội phạm do tuổi trẻ gây ra các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đa phần đều không thuộc diện quản lý của lực lượng công an nhân dân. Những tội phạm này đều xuất thân trong gia đình thiếu sự giáo dục, đua đòi, không chịu tu dưỡng bản thân.
Trong gần 1.000 vụ án giết người trong năm 2015 thì chỉ có gần 10% là những vụ án giết, cướp do bọn tội phạm gây ra. Còn lại trên 90% là do tội phạm chưa có tiền án tiền sự gây ra.
Vậy có phải chăng trách nhiệm của từng gia đình, từng tổ chức đoàn thể hay của toàn cộng đồng đều phải lo lắng về vấn đề này.
Và có thể khẳng định một điều rằng năm 2015, lực lượng công an nhân dân đã khám phá, điều tra xấp xỉ 97% các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là những vụ án giết người, giết nhiều người trong một gia đình đều được tập trung khám phá 100%.
Có thể khẳng định ngành công an đã tập trung điều tra, đề nghị truy tố xét xử rất nghiêm minh loại tội phạm này trước pháp luật.
Kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là những người ở độ tuổi vị thành niên hoặc đưa đi trường giáo dưỡng sớm, phòng ngừa hiểm họa cho xã hội sau này.
* Giải pháp nào về sự phối hợp giữa hai ngành công an và giáo dục để phòng ngừa và giảm bớt những tội phạm trẻ? (Nguyễn Hoàng Chương, 55 tuổi, hchuong...@...)
- Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Các bạn đều biết vấn đề giáo dục con người là vấn đề chung tay của toàn xã hội mà đặc biệt là ngành giáo dục. Chúng ta giáo dục để có các công dân có ích cho xã hội, cho thế hệ này và mai sau.
Vì vậy, ngành giáo dục và công an đã có hẳn thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật trong ngành giáo dục.
Mục đích của thông tư liên tịch này để tập trung chung tay cùng xây dựng một mái trường không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội. Thường xuyên hằng năm ở các tỉnh, các cấp đều có tổng kết nghị quyết này để tăng cường mối quan hệ phối hợp để tập trung xây dựng và hoàn thiện ngày càng tốt hơn nghị quyết phối hợp này.
Trong từng giai đoạn cụ thể, nội dung công tác phối hợp giữa hai nghành luôn được lãnh đạo hai Bộ chỉ đạo kịp thời, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ đội ngũ trí thức, nhà giáo, học sinh, sinh viên, giữ gìn an ninh trật tự tại các nhà trường, cơ sở giáo dục. Đặc biệt qua các học sinh, sinh viên để tuyên truyền ý thức thực hiện pháp luật tới từng gia đình, từng hộ dân, từng tổ dân phố, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát Bộ công an tại Văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội chiều 31-12 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* Thưa ông, trong năm qua ngành công an đã phá án được rất nhiều vụ án thành công giúp nhân dân có một cuộc sống bình yên, bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến trái chiều về hình ảnh người chiến sĩ công an. Bộ Công an và Tổng Cục cảnh sát có những biện pháp gì về lâu về dài để giữ gìn hình ảnh đẹp của người công an nhân dân trong mắt người dân? Xin chúc sức khỏe và sự thành công tới ông và gia đình. Mỹ Tâm ([email protected])
- Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Như các bạn đã biết, liên tục trong những năm qua lực lượng công an nói chung và lực lượng cảnh sát nhân dân nói riêng dưới sự chỉ đạo của đảng ủy cơ quan Trung ương và lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Công an, toàn lực lượng chúng tôi đã tập trung thực hiện với khẩu hiệu, hành động: "Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả". Thực hiện thật tốt 6 điều Bác Hồ dạy với lực lượng công an nhân dân.
Có thể nói năm 2015 này, 12 chiến sĩ công an nhân dân đã anh dũng hi sinh, hơn 300 cán bộ chiến sĩ bị thương tật suốt đời và phơi nhiễm HIV thì tình hình tội phạm đã được kìm chế, giảm 4,92% so với năm trước. Tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được điều tra khám phá trên 97%.
Bên cạnh thành công để đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của người dân thì lực lượng công an nhân dân luôn coi trọng công tác xây dựng lực lượng, đặc biệt là xây dựng hình ảnh người công an nhân dân trong mắt người dân.
Chúng tôi hằng ngày đang bằng những việc làm và hành động cụ thể để được gần dân hơn, lắng nghe dân nhiều hơn, phụng sự nhân dân nhiều hơn để được nhân dân tin yêu, góp phần vì sự bình yên của cuộc sống.
Nhân dịp năm mới, tôi chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe, an khang thịnh vượng và cuộc sống luôn bình yên!
* Chào Trung tướng Phan Văn Vĩnh! Tôi hiện sống tại Xã Vạn Phú, H.Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Cách đây 5 năm quê tôi chưa thấy tệ nạn chích hút ma túy. Tuy nhiên hiện nay việc buôn bán và sử dụng công khai. Xin hỏi: 1. Vì sao tệ nạn chích hút ma túy hiện nay ở lứa tuổi thanh thiếu niên nhiều như vậy? 2. Ngành công an đang và sẽ làm gì để ngăn chặn tệ nạn này. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan nào? Nếu tình trạng ngày càng phức tạp thì ai phải chịu trách nhiệm? Xin chân thành cảm ơn ông! (Nguyễn Đình Văn, 26 tuổi, [email protected])
- Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Xin chào bạn Nguyễn Đình Văn. Ma túy là một vấn nạn của toàn cầu cần đòi hỏi sự chung tay của mỗi gia đình và toàn xã hội. Ở đâu có người nghiện ma túy thì ở nơi đó trở thành một địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Rất mong bạn cùng với các gia đình của người nghiện và cộng đồng hãy chung tay ngăn ngừa hiểm họa này thật sớm.
Đối với lực lượng công an chúng tôi, đấu tranh với tội phạm tàng trữ vận chuyển buôn bán các chất ma túy, đặc biệt với những loại ma túy tổng hợp đang là một thách thức, là cuộc chiến đấu thật sự cam go, quyết liệt.
Hiểm họa do loại tội phạm này gây ra không chỉ tác động, ảnh hưởng đến giống nòi, sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn gây ra bao nhiêu hệ lụy khôn lường khác. Lực lượng công an nhân dân đã và đang xây dựng những chuyên đề riêng ở từng địa bàn, đường dây cụ thể, cương quyết tấn công, truy quét đến cùng loại tội phạm này.
Thực tiễn trong cuộc chiến đấu ấy có rất nhiều đồng chí, đồng đội của chúng tôi đã phải hi sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình vì sự bình yên của đất nước.
* Kính thưa Trung Tướng Phan Văn Vĩnh. Trước tình hình tội phạm ngày càng gia tăng vào dịp Tết Nguyên đán. Nhất là nạn trộm cắp xe gắn máy, móc túi... vậy ngành công an có kế hoạch gì để người dân yên tâm? Nhất là đối với công an ở các xã. Dường như tôi thấy không có tác dụng gì hết. Không biết công việc của họ là gì nữa? (Trần Thị Trúc Phương, 33 tuổi, [email protected])
- Trung trướng Phan Văn Vĩnh: Xin cám ơn chị Trần Thị Trúc Phương. Tôi rất đồng tình và chia sẻ với nỗi lo lắng của chị về tình hình tội phạm trong dịp tết. Đây cũng là vấn đề đã được lực lượng công an chúng tôi lường trước. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã có công điện từ rất sớm chỉ đạo toàn lực lượng mở đợt cao điểm, tấn công trấn áp tội phạm từ ngày 15-12-2015.
Lực lượng công an toàn quốc sẽ tập trung lực lượng đấu tranh trấn áp, truy nã tội phạm, triệt phá các băng nhóm sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ gây án, đòi nợ thuê, tội phạm giết người, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với những địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, chúng tôi sẽ tăng cường để tuần tra kiểm soát vào các giờ cao điểm, đặc biệt vào ban đêm ở những tụ điểm công cộng, địa bàn ráp gianh có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự, những điểm bắn pháo hoa, nơi tổ chức lễ hội, những điểm tổ chức vui chơi giải trí của nhân dân.
Rất mong chị Phương cùng với quần chúng nhân dân chung tay, góp sức cùng với lực lượng công an chúng tôi đảm bảo mùa xuân Bính Thân này mọi người đều được đón xuân yên vui và thật hạnh phúc.
* Thưa tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, tôi cũng là một người trẻ, đã có lúc tôi suýt phạm tội, ít nhất là cố ý gây thương tích cho người khác. Cụ thể tôi đã tính đến việc tổ chức đánh người mình rất ghét. Sau này tôi hối hận vì suy nghĩ này, nhưng lúc đó cơn nóng giận dâng lên ào ào, tôi không thể kiềm chế được. May mắn lúc tôi cần nhiều bạn bè hỗ trợ, cần hung khí và trong quá trình tổ chức, tôi nguôi giận và tạm bỏ ý định. Thưa ông, tôi và những người trẻ như tôi phải làm sao để tiết chế mình? Tôi khẳng định cơn giận khiến lý trí trở nên yếu ớt. (Đào Đức Lộc, 24 tuổi, locdaoduc@...)
- TS Huỳnh Văn Sơn: Trong câu chuyện này, tôi sẽ gửi đến bạn nguyên tắc 10 giây hữu hiệu trong suy nghĩ nhằm quyết định hành động. Thật là may khi bạn đã kịp kiểm soát chính mình để không gây hoạ. Cảm ơn bạn đã chia sẻ thẳng thắn và giao lưu cùng với chúng tôi. Câu chuyện của bạn sẽ khiến nhiều bạn trẻ khác phải nhìn lại về sự nóng nảy của mình.
Việc kiểm soát cảm xúc giận dữ, khí chất nóng nảy… không đơn giản. Việc này cần đòi hỏi chúng ta phải biết nhận thức về bản thân mình, nhận thức về hậu quả của cách ứng xử, quan tâm nhiều hơn về những hệ luỵ.
Ngoài ra, cần rèn luyện thói quen cần trọng khi suy nghĩ và hành động. Cụ thể như, có thể nói với chính mình có nhất thiết phải thực hiện điều đó hay không, đây có phải là hành động nông nổi lúc ta nóng giận không…
Động tác quan trọng nhất trở thành phương châm kiểm soát mình, đó là: Hành vi 10 giây suy nghĩ lại. Làm điều này, đòi hỏi mỗi người phải thực sự tỉnh táo và sống có trách nhiệm cho mình, cho người khác, cho hôm nay và những ngày sau.
Vài biện pháp chia sẻ với bạn. Thường xuyên soi mình trong gương và thay đổi những phản ứng về cảm xúc theo hướng cân bằng, luyện tập những bài tập nhận thức về cảm xúc của bản thận và thay đổi cảm xúc, cân bằng lối sống bằng những hoạt động thể thao, giải trí. Bùng nổ cảm xúc thông qua một số hành động giả định: Xé giấy, vẽ vòng tròn, phóng phi tiêu thể thao…Tất cả cùng với suy nghĩ tích cực bạn sẽ cân bằng được bản thân.
TS Huỳnh Văn Sơn (phải) trả lời câu hỏi bạn đọc |
* Thưa tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, tôi thấy các bạn trẻ dưới 18 tuổi thường ra đường làm nhiều việc không hay khác nhau như đua xe, đánh nhau. Tôi có hỏi, họ bảo buồn, không có chuyện gì làm, chỉ khi tham gia những cuộc chơi như vậy thì mới thấy mình đáng sống và bản thân họ có ý nghĩa. Chuyện này thực tế ra sao và làm thế nào để thay đổi cách nghĩ của người trẻ. Tôi được biết, không dễ để thay đổi nhìn nhận của một thanh thiếu niên khi họ đã qua độ tuổi 15. (Đào Đức Thọ, 24 tuổi, ductho94@...)
- TS Huỳnh Văn Sơn: Nhu cầu tự khẳng định bản thân thường tồn tại ở độ tuổi này. Sự cô đơn, nổi loạn, tự khẳng định mình... thường thúc đẩy các bạn trẻ có những hành vi đôi lúc thiếu kiểm soát, hoặc không nhận thức được hậu quả.
Việc thay đổi suy nghĩ của một người qua độ tuổi 15 quả thật không đơn giản. Khi con người trưởng thành, người ta thích được sống bởi cái tôi của mình. Tuy vậy, cũng cần nhấn mạnh rằng ở độ tuổi trưởng thành con người vẫn có nhu cầu và khả năng tự giáo dục.
Vì vậy, một mặt cũng cần phân tích động viên chia sẻ để thay đổi nhận thức, song song đó nên có những tác động tình cảm và niềm tin.
Cụ thể như một bạn trẻ chợt nhận ra rằng sự phung phí sức khỏe, tiền bạc trong những vụ việc đánh nhau không chỉ làm tổn thương mình. Nhận thấy những giọt nước mắt của mẹ, tiếng thở dài của cha và mái tóc bạc thật nhanh của ông bà mới nhận ra rằng mình cần điều chỉnh.
Giáo dục nhưng phải tin tưởng mang đến những sức mạnh đặc biệt và thú vị là như thế. Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho tôi qua Tuổi Trẻ Online, chúc bạn năm mới hạnh phúc.
* Trẻ em bị bạo hành từ nhỏ khi lớn lên có bị ảnh hưởng tâm lý và hành vi không? (Phạm Thị Thu Hằng, 28 tuổi, phmthuhang@...)
- TS Huỳnh Văn Sơn: Điều này xảy ra như một nguyên lý. Những thương tổn khó có thể nguôi ngoai nhanh, thậm chí tích tụ dần trong con người rồi dẫn đến những phản ứng tiêu cực biểu hiện thành hành vi.
Cho nên mới nói, yêu thương luôn cần thiết để một đứa trẻ lớn lên lành lặn. Môi trường tình cảm từ gia đình là chân đế tốt nhất để một nhân cách đang phát triển luôn trong trạng thái cân bằng, giảm thiểu tối đa các nguyên nhân phát sinh hành vi phạm tội.
* Chào tiến sĩ, ba trụ cột giáo dục gia đình - nhà trường và xã hội hiện nay chưa phối hợp một cách hiệu quả, thậm chí còn thờ ơ không quan tâm đến. Theo tiến sĩ đây có phải là nguyên nhân chình dẫn đến tội phạm trẻ hóa ngày càng tăng, ngoài ba trụ cột này hiện nay chúng ta có cần thêm trụ cột nào không? (Lưu Tấn Tài, 27 tuổi, minhlocgocong@...)
- TS Huỳnh Văn Sơn: Cảm ơn bạn đã đặt ra câu hỏi có tính bao quát câu chuyện giáo dục. Nhận định của bạn hợp lý vì đấy chính là sự tương tác đích thực để dẫn đến một kết quả giáo dục. Sự phối hợp quan trọng này còn kích thích người ta biết tự giáo dục ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Lẽ đương nhiên, sự phối hợp chưa hiệu quả, chưa đồng bộ sẽ dẫn đến sự chênh vênh trong nhân cách của một con người nếu xét như một sản phẩm giáo dục.
Sự gia tăng nguy cơ phạm tội hay tội phạm trẻ hóa có thể nằm ở một trong ba tác động chưa tích cực, cũng có thể là do sự phối hợp lỏng lẻo như bạn đã nhận định.
Ba trụ cột nêu trên như một vòng tròn khép kín bảo vệ một con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Nếu bị thủng ở chỗ nào hoặc liên kết yếu đều sản sinh nguy cơ. Bổ sung trụ cột thì không thực sự cần thiết nhưng giải pháp liên kết chặt chẽ thì có giá trị mạnh mẽ.
Và giải pháp có thể chia sẻ cùng bạn: giáo dục gia đình cần làm tốt hơn nữa về nhiệm vụ trồng người - giáo dục đạo đức; giáo dục nhà trường cần mang tính thức tiễn và định hướng để người ta sống tốt, có trách nhiệm; Giáo dục từ xã hội cần có trọng điểm, đảm bảo nguyên tắc thích ứng và chuẩn bị hành trang để bước vào đời.
Cụ thể như sự kiểm soát để môi trường xã hội an lành hơn, các chương trình hành động phải hướng nhiều hơn đến hành vi của từng con người. Những việc này không đơn giản nếu thiếu thời gian và sự tâm huyết.
* Hiện nay tội phạm có xu hướng trẻ hóa và có tình tiết ngày càng man rợ, là một chuyên gia tâm lý, ông nghĩ như thế nào? Việc tiếp xúc với các loại hình văn hóa có tính kích động làm ảnh hưởng tâm lý thanh niên hiện nay được nhiều người cho là lý do chính nhưng tôi chưa thấy thuyết phục. Có khi nào những vụ án xét xử lưu động (đặc biệt là trọng án) mặt nào đó ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ? (Cao Nguyên, 24 tuổi, ngovankien51@...)
- TS Huỳnh Văn Sơn: Xu hướng trẻ hóa của tội phạm là điều đang tồn tại. Vấn đề này cần được nhìn nhận từ thực tế giáo dục, gia đình. Những tác động về mặt xã hội cùng với sự cô đơn của con người ngay trong chính gia đình mình dẫn đến những hành vi phạm tội từ rất sớm.
Dẫu có thể lý giải ở góc nhìn nào đi chăng nữa thì chúng ta cần nhìn nhận một sự thật: Không ai muốn mình phạm tội. Thế nhưng chính sự thiếu kiểm soát bản thân, sự cuồng nộ về mặt cảm xúc của cá nhân, những nhu cầu không cân bằng dễ đẩy người ta đến chỗ phạm tội.
Sự "man rợ" hơn trong hành vi phạm tội không phải xuất phát tự thân mà ít nhiều bị ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Trong đó, những tác động về mặt văn hóa và cả “văn hóa rác” là yếu tố cần được xem xét.
Có thể nói, phim ảnh, thông tin từ các trang mạng, những câu chuyện đậm màu bạo lực dần dần làm nhận thức của con người bị lệch chuẩn và hành vi phạm tội có nguy cơ trở nên man rợ hơn.
Nếu không phạm tội thì tính nhân văn trong lối sống hàng ngày cũng có phần mờ nhạt. Những biểu hiện phạm tội man rợ thường xuất phát từ thái độ vô cảm với người khác, vô cảm với tình huống hoặc những nỗi đau mà chính mình gây ra.
Việc xử lưu động mang nhiều ý nghĩa, mình tạm gác qua ý nghĩ răn đe những người có nguy cơ phạm tội thì góc độ nào đó vẫn có màu sắc tiêu cực. Vấn đề còn lại là sự kiểm soát thông tin, sự chuẩn bị thấu đáo của HĐXX trong phiên lưu động. Và điều rất quan trọng là sự tự ý thức khi tiếp nhận thông tin. Điều này đòi hỏi một tác động tự thân và từ môi trường lâu dài và kiên định.
Ở một số nước, phiên tòa mang tính mở. Do đó họ không chú trọng cũng như khai thác hình thức phiên tòa lưu động. Nếu đặt mục đích giáo dục trong phiên tòa thì nên cân nhắc áp dụng hình thức này. Tuy nhiên cần phải có đánh giá tâm lý dự trên tâm lý học tội phạm.
* Thưa TS Huỳnh Văn Sơn, thỉnh thoảng có xảy ra những vụ cưỡng hiếp trẻ đau lòng. Theo ông, làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này? Những gia đình và nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp nên làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng? (Nguyễn Minh, 27 tuổi, minhnhi1988@...)
- TS Huỳnh Văn Sơn: Giảm thiểu tình trạng này cần sự kết hợp đồng bộ. Nguyên tắc chung vẫn là giáo dục con người có nguy cơ phạm tội biết kiểm soát chính mình, thỏa mãn nhu cầu của mình có chú ý đến những giá trị nhân văn.
Song song đó, cũng cần xem lại hiệu quả của việc thông tin giáo dục. Lẽ dĩ nhiên, cũng cần trang bị những kỹ năng sống cho các bạn trẻ nói chung, đặc biệt ưu tiên cho phụ nữ, thế hệ trẻ và những người yếu thế.
Đối với nạn nhân và những thân nhân, việc bị ám ảnh sau một sự cố là điều không tránh khỏi, nếu không thoát được thì cuộc sống tiếp theo sẽ rất khó khăn và đầy nguy hiểm, thậm chí là cuộc đời gần như chấm dứt ngay sau sự cố đau lòng ấy.
Nguyên tắc chung để thoát khỏi ám ảnh là chạm sâu đúng một lần vào nỗi đau đủ để giải thoát tự thân, hạn chế nhắc đi nhắc lại hay khoét sâu thêm về nỗi đau đã qua.
Bên cạnh đó cần khơi gợi nội lực để thích nghi với cuộc sống mới. Thay đổi môi trường nếu cần, đặt cho mình một mục tiêu mới nếu muốn. Tạo cho mình nhưng cơ hội để xoa dịu vết thương tâm lý. Cho phép mình thương yêu bản thân, hành động, chăm chút và có trách nhiệm với cuộc sống tương lại.
Tôi nói rõ thêm về nguyên tắc chạm sâu một lần. Nói hết tất cả với người thân, người tin cậy nhất về sự cố đã qua. Cũng có thể là chuyên gia tâm lý. Cũng có thể thống nhất với chuyên gia trị liệu bằng một số liệu pháp như: tâm kịch (đóng vai trong kịch tâm lý, chuyển đổi vai....), liệu pháp hành vi. Tất những điều trên là những giải pháp cần thiết để đi qua nỗi đau.
* Thế giới ảo như các loại hình game không lành mạnh đã phần nào tác động đến tính cách, tâm lý người trẻ. Vì vậy, các cấp cần quản lý, kiểm soát vấn đề này chặt chẽ hơn như quy định độ tuổi chơi game, quy định giờ hoạt động của các tiệm net và đặc biệt là giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ tiếp cận với sách nhiều hơn nữa, ông nghĩ sao? (Phạm Thị Mến, 30 tuổi, duongcung411@...)
- TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi rất đồng ý với bạn. Các loại hình game thực sự đang biến tướng,lách luật để tiếp cận những "khách hàng" có độ tuổi không được pháp luật cho phép. Vấn đề còn lại là không phải không có giải pháp mà quá trình thực thi ở mức nào cũng như sự kiểm soát hiệu quả thực thi.
Tôi cũng quá sợ khi nghe những câu chuyện mẹ đốt con vì con mê game, cha trói con vì con bỏ học chơi game...Rất nhiều nghiên cứu về xã hội học đã nói về chuyện này...Trách nhiệm không chỉ nhìn từ phía quản lý mà còn là lương tâm kinh doanh của các đơn vị khai thác game.
* Có ý kiến cho rằng việc trẻ hóa tội phạm ngày nay có vai trò của vấn đề giáo dục, gia đình và một số người trẻ cô đơn, không có sự chia sẻ. Quan điểm của ông về việc này thế nào? Một quan điểm khác cho rằng, có thể do hình phạt đối với lứa tuổi vị thành niên chưa đủ mạnh nên tội phạm ở lứa tuổi này đã lợi dụng điều đó để thực hiện các hành vi phạm tội. Quan điểm của ông thế nào? (Nguyễn Sơn Phạm, 35 tuổi, sonpham@...)
- TS Huỳnh Văn Sơn: Xin được trao đổi về vấn đề này như sau:
1: Sự cô đơn có thể làm người ta nổi loạn vì để khẳng định mình, để gây chú ý, để thoát cơn bức bí luôn thường trực trong con người. Khi không có sự chia sẻ, người ta dễ hành động sai, dễ trở nên ích kỷ chủ quan và thậm chí là không nhận thức về những gì mình đang làm. Đó chính là hệ luỵ nằm trong diễn tiến về mặt tâm lý của sự cô đơn.
Trách nhiệm thuộc về cha mẹ, người lớn, những cũng thuộc về lối sống mà mỗi bạn trẻ đã tự lựa chọn.
2. Hình phạt chưa thực sự có tính chất răn đe đủ cũng là một nguyên nhân quan trọng, ảnh hưởng đến hành vi phạm tội. Rõ ràng, không ít trường hợp bạn trẻ ở tuổi vị thành niên khoét sâu hạn điểm này để tiếp tục phạm tội hoặc cá cược với cuộc sống của mình.
Tuy vậy, một cái nhìn đa chiều và có tầm cần chạm sâu vào nguyên nhân vì sao các bạn lại nảy sinh hành vi phạm tội từ sớm. Đó chính là sự cô đơn, nhận thức lệch lạc, thái độ tiêu cực có chút bất cần trong cuộc sống. Tất cả làm cho trẻ vị thành niên dễ có nguy cơ phạm tội.
Như vậy tôi muốn nhấn mạnh nhiều đến phương thức giao dục từ sớm, từ đầu chứ không nhấn mạnh đến hình phạt, nhưng không phủ nhận hình phạt thoả đáng là yếu tố quan trọng trong ngăn chặn tội phạm.
* Hiện nay tuổi trẻ có thông tin, có tri thức nhưng lại có một vấn đề rất đáng suy nghĩ đó là "tuổi trẻ im lặng". Đó là biểu hiện của sự thụ động. Chẳng hạn như trong các buổi toạ đàm, giao lưu với những người thành công, khi họ hỏi rằng sinh viên có câu hỏi gì thêm không thì hầu như không ai đặt câu hỏi. Vậy theo anh, làm thế nào để sinh viên, tuổi trẻ Việt Nam trở nên chủ động, tích cực hơn? (Trần Thị Thanh Hương, 20 tuổi, huong.green95@...)
- TS Huỳnh Văn Sơn: Cảm ơn câu hỏi rất ấn tượng với thuật ngữ “tuổi trẻ im lặng”. Đó cũng là thực tế mà tôi có dịp trải nghiệm khi trở thành diễn giả hay nhân vật giao lưu ở một số chương trình.
Lý giải về sự im lặng này, có thể là do sự thụ động nhưng ở một góc độ khác cũng có thể là do thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh, thiếu tính chịu trách nhiệm…
Thay đổi điều này cần thiết dù không đơn giản. Tập thể hiện suy nghĩ và chính kiến chịu nói không phải lúc nào cũng đòi hỏi chuẩn xác, động viên và khuyến khích con người lên tiếng và thể hiện mình. Trách nhiệm với bản thân và với người khác, cộng đồng bằng quan điểm cá nhân là điều nên làm.
Cha mẹ nên tạo điều kiện cho con bộc bạch ngay từ nhỏ. Không đòi hỏi trẻ con phải nói thuộc lòng chân lý bằng mọi cách mà hãy nói bằng sự cảm nhận và sự hiểu biết của chính mình.
Ông bà xưa có câu “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Như vậy, trong quá trình thể hiện mình thì phải nạp thêm tri thức, biết lắng nghe và xuất tâm. Hãy tập xin lỗi và điều chỉnh phát ngôn của bản thân theo hướng chuẩn xác hơn, đó cũng là cách rèn luyện bản lĩnh và đó là con người có trách nhiệm.
Ngoài ra, trường học cũng nên cho trẻ học chủ động thể hiện cảm nhận và suy nghĩ cá nhân. Hãy tập cảm ơn và khen ngợi khi học sinh chịu nói dù đúng dù sai thì cũng đều là thông tin hữu ích trong quá trình giáo dục, hoàn thiện mình.
- Trần Quốc Trung (Giảng viên trường Đại học Ngoại thương - Cơ sở 2 TP.HCM):
Chào bạn, cảm ơn bạn đã nêu ra một thực tế đó là một bộ phận các bạn trẻ không có tư duy phản biện và hoàn toàn thụ động trước các thông tin tiếp nhận được.
Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ môi trường sống và học tập các bạn đã trải qua, ở đó các bạn chưa có cơ hội để rèn luyên tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Nếu các bạn đã quen với lối học thuộc lòng và trả bài qua nhiều năm thì đến lúc là sinh viên, các bạn sẽ mất dần đi sự sáng tạo - đặc tính vốn có của tuổi trẻ và cũng mất dần khả năng phản biện - chìa khóa mở ra những tri thức mới, những cách nhìn khác đi về cuộc sống.
Vì vậy, các bạn sinh viên cần hiểu rõ việc học không phải là quá trình tiếp thu kiến thức thụ động mà phải là quá trình tìm hiểu và chuyển hóa kiến thức trở thành tri thức cho chính bản thân mình. Mặc khác, phương pháp giảng dạy cũng cần có sự thay đổi theo hướng từ truyền đạt kiến thức sang hướng dẫn, định hướng để sinh viên tự dấn thân và tìm thấy tri thức phù hợp cho chính mình.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn (thứ hai từ trái sang) và các gương mặt công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 tại tòa soạn Tuổi Trẻ chiều 31-12 - Ảnh: Tự Trung |
* Trong công việc nghiên cứu khoa học, ắt hẳn các bạn đã phải nỗ lực rất nhiều và bỏ đi nhiều nhu cầu cá nhân. Các bạn có bao giờ cảm thấy tiếc không? Nhìn ra xung quanh với các bạn trẻ mình, bạn có cảm thấy họ thiếu lý tưởng? Bạn có mong muốn gì ở những bạn trẻ quanh mình? (huong@...; 25t)
- Đàm Nguyễn Trọng Nhân - Nghiên cứu viên tại ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM: Theo ý kiến cá nhân, mình chỉ tiếc khi đã để thời gian trôi qua lãng phí mà không nỗ lực làm điều gì đó. Nói cách khác, khi quyết định dùng một khoảng thời gian nào đó để nghiên cứu khoa học, mình đã hiểu và chấp nhận rằng sẽ không thể làm một số việc khác.
Thời gian là có hạn và cũng quá ít nếu so với những việc mình muốn làm nên mình luôn phải cân nhắc sẽ ưu tiên làm việc gì, dồn hết tâm huyết làm việc đó để đạt hiệu quả tốt nhất và không hối hận.
Mình thấy có rất nhiều người trẻ có hoài bão lớn. Họ thậm chí còn xác định rõ kế hoạch để đạt được ước mơ. Với mình, ở độ tuổi đẹp này, mình dành nhiều thời gian để đi nhiều và gặp gỡ nhiều, từ đó mở rộng tầm nhìn, tìm được ước mơ cho bản thân và động lực để thực hiện ước mơ đó.
* Nhiều người trẻ hiện nay không thích nghiên cứu khoa học mà lại thích làm công việc gì nhanh kiếm được nhiều tiền. Em quan niiệm ra sao về việc này? (Dao Van Tan, 19 tuổi, tandu@...)
- Nguyễn Thị Mộng Quỳnh: Theo em nghĩ, việc nghiên cứu khoa học phải duy trì một thời gian dài và cần phải có kiến thức đầy đủ.
Trong khi giới trẻ ngày nay lại có ý nghĩ theo xu hướng làm việc gì cho nhanh để kiếm tiền cho sinh hoạt cá nhân hằng ngày.
Còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường nên em vẫn ủng hộ việc nghiên cứu khoa học hơn là làm công việc nhanh để kiếm tiền nhưng đối với các anh chị sinh viên thì khó khăn hơn nhiều. Nhất là những anh chị học xa nhà vì trở ngại về chi phí học tập và sinh hoạt cá nhân.
* Ca sĩ nghĩ gì về hiện tượng có hàng chục triệu lượt truy cập ca khúc Vợ người ta trong năm 2015? Học đường đang thiếu những nhạc phẩm dành cho học sinh và ít có ca sĩ hát những bài hát tuổi học trò. Tuấn nghĩ vì sao? Tuấn thấy lớp khán giả sinh viên học sinh hiện đang thích nghe nhạc gì và các ca sĩ như Tuấn đã đáp ứng được nhu cầu của họ chưa? (Nguyễn Hoàng Chương, 55 tuổi, [email protected])
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Cảm ơn anh rất quan tâm đến nhu cầu nghe nhạc của giới trẻ.
Theo Tuấn suy nghĩ, âm nhạc không có cao thấp, sang hèn. Chỉ có nhu cầu và thị hiếu. Nhìn vào những ngôi sao và những bài hit, người ta có thể đoán được hình hài của xã hội và thẩm mỹ nói chung. Nhiều người tìm đến âm nhạc với tâm thế sâu sắc đòi hỏi một bề dày cống hiến, ngược lại nhiều người xem âm nhạc là giải trí mua vui.
Ai cũng có lý và có lẽ để tìm đến âm nhạc. Sự thành công về số lượng và bề nổi của một ca khúc chỉ nói lên được rằng nhiều người đang quan tâm đến nó, và dùng nó như một công cụ để nói lên một phần tâm tư tình cảm của họ tức thời. Mà yêu nhạc là vui rồi, vì người thích âm nhạc ít nhiều cũng có sự rung động nhạy cảm cần thiết.
Tất nhiên, nếu âm nhạc được đặt vào sai chỗ thì là thảm họa. Thị trường âm nhạc rộng lớn, và chúng ta cần tìm đến những nơi âm nhạc dành cho mình, và em chủ quan nghĩ rằng, cũng không nên vội phán xét sở thích của người khác.
Về mảng ca khúc dành cho học sinh sinh viên, ngày xưa chúng ra đời vào một hoàn cảnh xã hội khác. Người sáng tác và người hát thở một nhịp thở khác so với bây giờ. Tuổi trẻ bây giờ cũng nghĩ khác và quan tâm rất khác, nên âm nhạc sẽ biến đổi để phục vụ nhu cầu của họ.
Tuấn may mắn vẫn có những sản phẩm âm nhạc được các bạn trẻ yêu mến và ủng hộ, nhưng chắc cũng chỉ làm vui được một phần, vì giới trẻ bây giờ cũng thay đổi nhanh lắm và rất cập nhật. Chạy đua với họ cũng khá vất vả :-)
Nhưng Tuấn tin rằng nhữthế hệ kế cận đã sẵn sàng cho những sự tiếp nối.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn - Ảnh: Tự Trung |
* Chào anh Hà Anh Tuấn, trong năm 2015, anh nghe bài hát nào nhiều nhất? Anh có thường xuyên xem những chương trình ca nhạc truyền hình? Anh nghĩ gì khi bây giờ truyền hình có quá nhiều chương trình ca nhạc nên khán giả ít mua vé xem ca nhạc sân khấu? Làm thế nào để nhạc trẻ VN sôi động hơn?(Trần Q Khanh, 31 tuổi, [email protected])
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Thật ra câu hỏi của bạn là câu trả lời rồi. Tuấn ít xem truyền hình vì không có nhiều thời gian vào buổi tối, nhưng lâu lâu vẫn theo dõi một số chương trình lớn. Chưa bao giờ truyền hình thực tế , bao gồm cả âm nhạc, lại bùng nổ như vậy tại Việt Nam.
Với tư cách khán giả, Tuấn sẽ có sự chọn lọc của mình để sự giải trí dừng lại ranh giới tốt đẹp của nó. Cuộc đua về rating, scandal, chiêu trò mua vui... là điều tự nhiên tồn tại giữa các nhà sản xuất, nhưng khán giả truyền hình vẫn có quyền lực riêng của mình, đó là quyền không xem.
Đối với âm nhạc cũng vậy, đối với những người chỉ có nhu cầu nhìn thấy người nổi tiếng và nghe nhạc to to một chút cho vui thì không có gì phải than phiền. Nhưng nếu cần những cảm xúc âm nhạc và chuẩn mực âm thanh thì bạn cần đấn nhà hát và rời khỏi chiếc máy truyền hình. Sự lựa chọn là sẵn có, quyền lựa chọn và hưởng thụ là của bạn.
* Anh Tuấn có suy nghĩ gì về nhạc Việt trong năm mới 2016? Nhiều ca sĩ trẻ hôm nay chất giọng không hay bằng ca sĩ trước nhưng bù lại họ ăn mặc đẹp, vũ đạo tốt, bắt nhịp với xu thế âm nhạc hiện đại nên được giới trẻ yêu thích. Anh nghĩ gì về lớp ca sĩ trẻ mới này?(Trương Văn Duy, 30 tuổi, [email protected])
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Đó là xu hướng và thị hiếu hiện nay, Tuấn nghĩ không có vấn đề gì to tát.
Khán giả lựa chọn những giá trị phù hợp và khiến họ giải trí trong cuộc sống hối hả. Âm nhạc thường phản ánh hình ảnh thực tế cuộc sống mà chúng ta đang đi qua. Ăn mặc đẹp, vũ đạo tốt, hình ảnh hợp thời không phải 1 điều đơn giản. Tất nhiên những người sành nghe sẽ đòi hỏi nhiều hơn thế.
Chúng ta có thị trường đủ rộng và cả một nguồn cung âm nhạc đủ lớn để đáp ứng. Điều đáng e ngại nhất là sự xưng tụng quá đà của truyền thông, khi đó sẽ tạo ra những giá trị ảo và sự định vị sai đối tượng.
Chúc bạn vẫn vui và yêu nhạc nhé.
* Chào anh Tuấn! Điều thành công nhất anh nhận thấy qua 2 chương trình "Tự hào Tổ quốc tôi" và "Câu chuyện hoà bình 2: Lửa" là gì? Và điều gì anh nuối tiếc vì chưa truyền tải được qua 2 chương trình này? Cảm ơn anh! Chúc anh nhiều sức khoẻ! (Nguyễn Quốc Thịnh, 20 tuổi, [email protected])đã
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Cảm ơn bạn theo dõi quan tâm và nói về 2 chương trình dành cho thanh niên sinh viên trong năm vừa qua mà Tuấn có cơ hội được tham gia vào ekip ý tưởng và sản xuất. Tất nhiên được tham gia hát đã là một vinh dự, nhưng khi bắt tay vào những khâu sáng tạo, Tuấn mới có cơ hội hiểu nhiều hơn những thông điệp sâu sắc của mảng âm nhạc này.
Nhiều người trẻ vẫn cho rằng họ xa lạ với những bài hát truyền thống, cho đến khi họ thực sự hiểu chúng. Một mặt khác, tôi có chia sẻ với các anh lớn trong ban tổ chức, bản thân những bài hát là chưa đủ, cần đặt chúng vào một tinh thần âm nhạc mang hơi thở đương đại, đúng với cuộc sống mà các bạn trẻ đang đi qua, từ đó họ sẽ bị hấp dẫn một cách tự nhiên.
"Tự hào Tổ quốc tôi" là một bài toán khó, khi trong một thời gian khá ngắn, ekip sản xuất những người trẻ phải tạo ra một concept những bài hát có tuổi còn lớn hơn chúng tôi, phải gây xúc động tự nhiên khiến tất cả cùng hòa giọng hát vang mà không cần hô hào. Vậy mà chỉ với trái tim trẻ, đam mê và mong muốn lan truyền tinh thần đó đến cho cả cung Quần Ngựa, chúng tôi đã làm rung động 5000 con người nhiều thế hệ.
"Câu chuyện hòa bình" số 02 Lửa là một bước đi tiếp theo của thương hiệu nghệ thuật do báo Tuổi Trẻ và TW hội sinh viên VN tổ chức. Lấy một hình ảnh ngọn lửa màu xanh, Tuấn và tất cả ca sĩ đã cùng sống trong những bài hát đầy ý nghĩa của tuổi trẻ nhiều thế hệ.
Đó cũng là sự hạnh phúc của nghệ sỹ chúng tôi, khi hát không còn chỉ là hát, mà là sống cả những thời kỳ mình chưa bao giờ đi qua. Với những gì âm nhạc làm được, Tuấn tin là những chương trình như thế đã thắp lên một chút sự tự hào của những người trẻ, một sự tự hào thật sự vì chúng tôi đã hiểu và có cách nhìn riêng của mình.
Những tiếc nuối xin để lại cho những nỗ lực làm tốt hơn của chặng đường sắp đến.
* Từ album đầu tiên (Cà phê sáng) đến album gần nhất (Nhịp phố thị), Tuấn đều cho thấy một định hướng âm nhạc gần gũi cuộc sống, đôi khi hơi giễu cợt và cay đắng trước những hiện tượng phổ biến trong đời sống (Vòng xoay, Selfie...). Đây có phải là xu hướng lựa chọn đề tài ca khúc chung của các ca sĩ trẻ không? (Kha Nguyen, 36 tuổi, [email protected])
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Cảm ơn anh đã nghe và nhận ra những thông điệp của 02 album này. Phong cách âm nhạc của "Cafe sáng" và "Streets Rhythm" đều là urban RnB, có nghĩa là rất thành thị. Nhạc sỹ Võ Thiện Thanh muốn dùng chất liệu âm nhạc này để nói lên những thông điệp hiện đại thời sự về cuộc sống thành thị, Hà Okio góp phần bằng những lời rap đúng như anh nói, hơi cay đắng và châm biếm, thật ra cũng rất "đời" đúng không ạ?
Âm nhạc đương đại cần nói lên hình ảnh của thời đại, âm nhạc mà Tuấn và những cộng sự của mình cũng chỉ mong có vậy, cần phải khắc họa được hình ảnh của mình và những con người xung quanh mình.
Tuấn nghĩ, những nghệ sỹ trẻ khác cũng tìm kiếm những chủ đề và nguồn cảm hứng giống như vậy, vì đó là chất sống của họ. Nếu như âm nhạc của họ viết ra vẫn mang hình ảnh dáng dấp của những cha chú trong thời kỳ xã hội trước đây thì không ổn, khi đó có lẽ họ chỉ có ý định vay mượn thôi.
Còn yếu tố giễu cợt, một chút cho vui, và đôi khi như vậy lại tìm được sự đồng cảm của nhiều người đúng không anh?
* Mình hỏi thật nhé Hạ Trâm có thích làm người nổi tiếng không? Nhiều người nói ca sĩ là nghề hái ra tiền nên lý tưởng sống của ca sĩ là làm sao nổi tiếng để kiếm được nhiều tiền. Bạn có nghĩ vay không? Lý tưởng sống của bạn là gì? (Mai Thu Hiền, 28 tuổi)
- Ca sĩ Võ Hạ Trâm: Chị Hiền thân mến, ước mơ của Trâm từ bé là trở thành 1 ca sĩ chuyên nghiệp, mà khi đã chọn ca sĩ là ngành nghề thì mình phải quen với việc "nổi tiếng" hay là người của công chúng.
Trâm thích là ca sĩ những nếu là ca sĩ mà đươc mọi người biết đến và yêu thương là điều mà ai làm nghệ thuật cũng mong muốn cả.
Nói về lý tưởng sống và làm nghề của riêng Trâm thì Trâm luôn đặt chữ đam mê lên hàng đầu và lợi nhuận sẽ đứng hàng thứ 2. Bởi vì có đam mê thì bạn mới vượt qua được những sự khắc nghiệt của nghề này, và phải có lợi nhuận thì mình mới có đủ lực để nuôi dưỡng đam mê của mình 1 cách lâu dài hơn. Có thể mỗi ca sĩ sẽ có 1 sự lựa chọn hay mục đích khác nhau.
Với Trâm, cái tình yêu Trâm dành cho nghề là được hát, được thăng hoa với những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật và chia sẻ những giá trị ấy cho tất cả mọi người, và những ai đã chọn mục đích và lý tưởng như Trâm thì sẽ không quan tâm tới tiền bạc, vật chất. Mình chỉ cần đủ để nuôi dưỡng đam mê chứ không phải dư để mua nhà lầu, xe hơi.... và Trâm luôn hạnh phúc với những gì mình đã lựa chọn.
Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 Võ Hạ Trâm - Ảnh: Tự Trung |
* Câu chuyện Hòa Bình đã hai lần được tổ chức ở Sài Gòn, truyền cảm hứng với sự tự hào và lòng yêu hòa bình tới rất nhiều người bằng âm nhạc. Anh và những người bạn của mình có những kế hoạch gì để nhân rộng “Câu chuyện hòa bình” trong những năm tới? Liệu câu chuyện hòa bình có cùng Viet Vision và các đơn vị song hành ra Hà Nội và các tỉnh thành khác trên khắp cả nước hay không? (Ngọc Anh, 23 tuổi, [email protected])
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Cảm ơn em đã yêu mến và đồng hành với Câu Chuyện Hòa Bình.
Năm 2016 những người trẻ của Câu Chuyện Hòa Bình có một kế hoạch lớn là mang được tinh thần âm nhạc tươi đẹp này ra thủ đô Hà Nội vào đầu năm mới, và biết đâu sau đó sẽ ra khỏi biên giới thì sao?
Thông điệp hòa bình và vì một thế giới phẳng, toàn cầu hóa đã trở thành một trong những câu chuyện mà tuổi trẻ Việt Nam sẽ phải nói đến rất nhiều trong thời gian sắp tới. Nếu có dịp, hãy tham gia trở thành một thành viên, một công dân hòa bình của chương trình em nhé.
Và Câu chuyện hòa bình sẽ không còn chỉ là những đêm âm nhạc nhiều cảm xúc nữa. mà sẽ trở thành những hành động thiết thực mà anh và những người khác trong ban tổ chức lôi kéo tất cả các bạn trẻ trên khắp nơi vào cuộc cùng. Anh tin như vậy!
* Theo dõi Tuấn đã 10 năm qua và rất yêu tiếng hát, cách hành xử trong âm nhạc cũng như cuộc sống của Tuấn. Nhân dịp năm mới chúc Tuấn sức khỏe, nhiều thành công trong sự nghiệp và mạnh mẽ vượt qua những biến cố trong cuộc sống Mới được gặp Tuấn trong mini show ở Swing Hà Nội cách đây ít ngày, khi mà được biết Ba của Tuấn vừa qua đời. Thế nhưng thấy Tuấn vẫn thật mạnh mẽ, giấu mọi thứ bên trong giọng hát chiều sâu của mình. Yêu và thương Tuấn vô cùng. Năm mới, cho mình được hỏi,điều gì đã tạo nên con người và con người âm nhạc sâu sắc, văn minh, kín đáo của Tuấn vậy ?(Nhật Hà, 30 tuổi, [email protected])
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Cảm ơn bạn đã chia sẻ, đồng cảm và khích lệ Tuấn nhé.
Bạn hỏi điều gì cho Tuấn cách sống đó, Tuấn nghĩ đó là nền tảng gia đình và những người bạn tử tế xung quanh. Điều đầu tiên Tuấn không chọn được, đó là sự may mắn từ khi sinh ra.
Điều thứ hai, Tuấn nghĩ do điều thứ nhất đã cho Tuấn một màng lọc để xung mình đến bây giờ toàn những người tử tế. Vì vậy, Tuấn tin và vững bước đi tiếp trên con đường mình chọn, vì không sợ mình sẽ lạc bước bao giờ.
Năm vừa qua Tuấn có một sự mất mát mà có lẽ dư chấn của nó sẽ còn ảnh hưởng và làm thay đổi suy nghĩ của Tuấn rất nhiều. Bố Tuấn qua đời, nhưng trong tận cùng nỗi đau mất mát, Tuấn thấy mình hạnh phúc vì biết rằng sự yêu thương của mình quá nhiều.
Và giờ đây, với mỗi quyết định, mỗi bước đi của mình, Tuấn có cảm giác sau lưng mình là bố và niềm tin yêu đã trao lại cho con trai. Sự mạnh mẽ đôi khi là một lớp vỏ bọc, nhưng cảm xúc yêu thương thì không giấu được, nhất là đối với giọng hát của một ca sĩ.
Cảm ơn bạn.
* Thật sự Tuấn có nghĩ mình cũng xứng đáng là một "công dân trẻ tiêu biểu" không? (Hoài Nam, 30 tuổi, [email protected])
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: May quá, những nhân vật giao lưu hôm nay mang danh hiệu đó, trừ Tuấn ra!
Nếu có quyền tự lựa chọn, Tuấn cũng sẽ không chọn mình vì thấy xung quanh còn rất nhiều những người trẻ giỏi, có tâm và đóng góp được rất nhiều cho cộng đồng.
Nhưng chủ quan Tuấn suy nghĩ, những người được vinh danh là những người xứng đáng. Họ không phải là tất cả sự vinh danh mà lẽ ra xã hội cần phải làm, ở một chừng mực nào đó họ truyền được cảm hứng tốt đẹp cho cộng đồng xung quanh, làm đòn bẩy để chúng ta hướng đến những tư duy sống đẹp giống như vậy. Sự xứng đáng cũng còn tùy góc nhìn, nhưng nếu không quá gay gắt thì Tuấn nghĩ ta nên hoan nghênh những con người sống đẹp như thế.
Việc nhận giải thưởng không phải là để hưởng thụ, mà là để tiếp tục đi gieo những mầm tốt khác trong tương lai.
* Tôi nuốn hỏi ca sĩ Hà Anh Tuấn: Hiện nay có nhiều bạn trẻ thần tượng ca sĩ diễn viên đến mức cuồng nhiệt mà quên đi những giá trị sống khác. Là một ca sĩ, anh có thích được người ta "thần tượng không? Anh nghĩ sao về điều này?
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Thần tượng là một cách thức để bộc lộ cảm xúc và nuôi dưỡng tâm hồn. Tuấn hay bất cứ người nổi tiếng nào đều xem đó là vinh dự rất lớn của mình. Đi kèm là trách nhiệm và áp lực nặng nề cho cuộc sống cá nhân. Nói như vậy để công chúng chia sẻ với những điều được và mất của những thần tượng.
Tuấn hay nói với người hâm mộ của mình rằng. Khi bạn hâm mộ ai đó, thật ra sâu thẳm, bạn đang yêu mến những giá trị tương đồng của người đó với bản thân mình. Từ đó,bạn sẽ dành nhiều cảm xúc và tình yêu để bảo vệ thánh địa đó của mình.
Nó sẽ chiếm khá nhiều thời gian của bạn, và nếu không khéo, bạn sẽ quên mất những giá trị yêu thương thực tế xung quanh mình.
Đừng trách thần tượng nhé, hãy trách sự ích kỷ của mình. Cảm ơn bạn.
* Anh được biết V.H.Trâm thường hát trên HTV những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước nhưng ít thấy hát trong những chương trình giải trí. Vậy là ca sỹ chuyên nghiệp, em có phải lăn lộn kiếm show diễn để nuôi sống bản thân và gia đình không và em nhận xét thế nào về thị trường âm nhạc VN hiện nay vì theo hiểu biết cá nhân anh thấy nhạc giải trí bây giờ câu chữ như trẻ con ấy mà giới trẻ đam mê và cuồng nhiệt quá. (Lâm Thanh Tùng, 37 tuổi, [email protected])
- Ca sĩ Võ Hạ Trâm: Anh Tùng thân mến. Rất cảm ơn câu hỏi của anh dành cho Trâm. Đối với bản thân Trâm thì mình cảm thấy rất may mắn khi được lựa chọn cái nghề mà mình yêu thích và ngoài ra còn có thể kiếm sống bằng đam mê của mình.
Là 1 ca sĩ nhạc truyền thống cách mạng thì sự xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hay các chương trình giải trí sẽ hạn chế hơn so với các ca sĩ chọn dòng nhạc thị trường nhưng không phải vì thế là những ca sĩ dòng nhạc này phải vất vả kiếm show hay kiếm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Hiện nay có rất nhiều những chương trình mang tính chất ca ngợi quê hương đất nước, và hầu như ngày nào cũng có các chương trình được tổ chức ở khắp các tỉnh thành . Hơn thế nữa những ngày lễ lớn của đất nước thì các ca sĩ dòng nhạc truyền thống cũng khá tích cực "chạy" show. Nên mặc dù không rầm rộ truyền thông nhưng Trâm và các ca sĩ của dòng nhạc truyền thống cách mạng vẫn sống khá ổn với thu nhập hàng tháng.
Về suy nghĩ của Trâm đối với thị trường âm nhạc hiện nay thì Trâm suy nghĩ thế này. Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu về thưởng thức âm nhạc nghệ thuật cũng đa dạng và muôn màu muôn vẻ. Khi nhà nhà, người người ai cũng có thể làm ca sĩ thì vô hình chung thị trường âm nhạc bây giờ hơi "Hỗn loạn" vì rất nhiều những ca sĩ không hề có thực lực vẫn có thị trường của riêng mình. Những cái gì gọi là giá trị nghệ thuật đang dần dần không được coi trọng mà thay vào đó là những ca khúc dễ dãi, nội dung sáo rỗng đôi khi phản cảm, đó là vấn đề mà ngành giải trí đang gặp phải.
Nhưng những gì là giải trí thì sẽ thay đổi khi nó ở giai đoạn bão hòa, còn những gì là giá trị nghệ thuật sẽ tồn tại hoài với thời gian. Trâm chỉ mong là các bạn ca sĩ trẻ có tài năng thực sự sẽ luôn khai thác những giá trị đẹp của nghệ thuật, làm nghề bằng đam mê chứ không phải vì tiền. có như thế thì nền âm nhạc và giải trí nước nhà mới có thể khởi sắc.
* Cho em hỏi là liệu anh Nhân có cảm thấy mình đang có nhiều áp lực và phải mang nhiều kì vọng của những người xung quanh không? Anh sẽ làm gì khi cảm thấy như vậy ạ? (Vanness Nguyễn, 20 tuổi, [email protected])
- Đàm Nguyễn Trọng Nhân - Nghiên cứu viên tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM
Chào em. Anh cảm thấy rất hạnh phúc khi nhận được kì vọng từ những người xung quanh. Áp lực là điều khó tránh khỏi nhưng anh luôn cố gắng chuyển những tác động này thành "động lực" để mình cố gắng không ngừng.
Thay vì nghĩ rằng có rất nhiều người đang chờ đợi mình thành công, anh sẽ nghĩ rằng có rất nhiều người luôn ủng hộ mình dù những việc sắp tới có đạt được kết quả tốt hay không, miễn là mình cố gắng hết sức.
* Hỏi Đinh Xuân Tân: Được biết bạn không phải người Sài Gòn nhưng nay được vinh danh bằng giải thưởng "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM"? Bạn nghĩ mình có thể làm được gì cho phù hợp với danh xưng mới này?(Ngọc Châu, 28 tuổi, [email protected])
- Đinh Xuân Tân: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho mình. Đúng là mình không phải là người TP.HCM, mình sinh ra và lớn lên tại Bình Định. Mình vào TP.HCM học tập và làm việc được 10 năm rồi và phần lớn cuộc sống của mình là ở đây.
Mình cũng vinh dự được đại diện cho TP.HCM tham dự một số hội thi tay nghề từ lúc còn sinh viên, đến khi mình về doanh nghiệp làm việc thì mình cũng đã vinh dự đóng góp một phần vào sự thành công và phát triển của doanh nghiệp nói riêng và của thành phố nói chung.
Những hoạt động cộng đồng của mình cũng thực hiện hầu như là ở đây nên theo mình nghĩ thì khi được vinh danh giải thưởng này thì tất cả mọi người cũng bình chọn vì sự cống hiến, với lại dù ở đâu thì mình cũng làm việc và cống hiến cho đất nước nên mình nghĩ diều này không sai.
Khi nhận được giải thưởng này mình rất hạnh phúc và vinh dự, giải thưởng này là giải thưởng của cả một tập thể, những bạn bè và đồng nghiệp đã đồng hành cùng với mình trong thời gian vừa qua.
Trong thời gian sắp tới thì mình sẽ tiếp tục học tập và cống hiến nhiều hơn nữa, sẽ truyền lửa, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp cho những bạn trẻ đặc biệt là những bạn thanh niên công nhân lao động trực tiếp và những bạn sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường.Từ đó sẽ tạo nên một đội ngũ lao động trẻ có chất lượng cao hơn nữa đóng góp chung vào sự phát triển của thành phố.
* Trước khi quyết định làm ở Samco, bạn có lựa chọn nào khác không? Xã hội ngày nay nhiều người có quan niệm làm doanh nhân, nghệ sĩ, bác sĩ mới "sang", còn làm công nhân, nông dân chỉ có nghèo kiết xác. Tại sao bạn lại chọn cho mình con đường này? (Phạm Văn Khoa. 68 tuổi)
- Đinh Xuân Tân: Dạ! trước khi làm Samco thì con có cơ hội để đi dạy nhưng con không làm và con đã ra làm công nhân tại Samco từ khi ra trường đến nay. Lúc đầu con chọn ngành này nhưng thật sự con chưa hiểu nhiều về nó, nhưng đến khi được học vào sâu thì con lại cảm thấy thích và say mê với những công nghệ được trang bị trên ô tô hiện đại vì vậy công việc tìm hiểu và sửa chữa được nó mang lại cho con sự thích thú và càng ngày càng đam mê hơn.
Nhìn những chiếc xe hư hỏng hoạt động trở lại được do chính tay mình sửa chữa bằng những kiến thức mà mình tích góp được từ tài liệu, từ sự học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp cảm thấy rất sung sướng và nó tạo cảm hứng để con làm việc trong thời gian vừa qua.
* Đàm Nguyễn Trọng Nhân: Đọc báo thấy bảo cháu học mà tốt nghiệp tới 9,64, tức là gần như tuyệt đối. Thật sự là chú rất nể phục thành tích này. Nhưng thường học giỏi chưa chắc đã làm tốt khi ra đời. Với cá nhân cháu, điều này có đúng không hay sẽ thế nào?(Lê Thiện, 58 tuổi, [email protected])
- Đàm Nguyễn Trọng Nhân - Nghiên cứu viên tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM: Con chào chú! Con cũng có suy nghĩ như chú nói. Theo con, việc học trong trường giúp mỗi người trẻ xây dựng nền tảng kiến thức, kĩ năng và thái độ cho công việc sau này. Để làm việc tốt, bản thân con sẽ cần cố gắng học từ môi trường thực tế, không thể tự mãn với kiến thức mình đã có.
Việc sinh viên có điểm cao nhưng làm việc không tốt có nhiều lí do và một trong số đó có thể là bạn đó chưa kịp thích ứng với môi trường mới. Nhiều học sinh giỏi ở THCS nhưng không học tốt ở THPT, hay học sinh giỏi ở THPT nhưng lại bị đuối sức ở ĐH, con nghĩ có cùng lí do trên.
Như vậy, con cho rằng điều quan trọng là bản thân phải thích ứng kịp thời với những môi trường làm việc, học tập khác nhau mà mình được đặt vào.
Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 Đàm Nguyễn Trọng Nhân - Ảnh: Tự Trung |
* Mình gửi câu hỏi đến các bạn công dân trẻ tiêu biểu: hiện nay trên các diễn đàn, đột nhiên có rất nhiều cuộc tranh luận: thế nào là người Sài Gòn, và đưa ra rất nhiều chuẩn mực tốt đẹp của "người Sài Gòn". Các bạn nghĩ sao về điều này? Các bạn có thể cho biết chân dung của mình dưới con mắt Sài Gòn? (quynh@..., 20 tuổi)
- Đinh Xuân Tân: Theo mình thì dù là chuẩn mực gì đi nữa mà chuẩn mực đó là chuẩn mực tốt là tốt rồi. Dù bạn là người ở địa phương nào thì cũng đều có ưu và khuyết điểm của nó.
Cái chính là mình sống "sâu" chứ không phải là sống "lâu", nên mình nghĩ tùy theo cách sống của mình mà sẽ có nhiều cách nhìn khác nhau.
- Trần Quốc Trung (Giảng viên trường Đại học Ngoại thương - Cơ sở 2 TP.HCM): Mình nghĩ rằng những cuộc tranh luận như thế này nếu thu hút được nhiền bạn trẻ tham gia dù các bạn ở phía nào của cuộc tranh luận đó đều là điều tốt vì nó thể hiện sự quan tâm, trăn trở của giới trẻ đối với Thành phố, với sự phát triển và sự văn minh của con người Thành phố.
Khi các bạn quan tâm đến sự văn minh của Thành phố, những giá trị tốt đẹp của con người ở Thành phố này, các bạn sẽ có những hành vi đẹp, lối sống đẹp và văn minh. Khi đó mỗi người trẻ sẽ là một bức chân dung sống động nhất, đầy đủ nhất về con người Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 Trần Quốc Trung - Ảnh: Tự Trung |
* Mộng Quỳnh: Nhìn em rất gầy gò nhỏ bé nhưng lại rất kiên cường trên sân thi đấu. Mỗi khi bước vào thi đấu, điều gì tạo nên cho em sức mạnh để chiến thắng? Em nghĩ gì khi thi đấu cùng với các vận động viên của các cường quốc về thể thao trên thế giới? Hà Hùng Minh , 29 tuổi
- Nguyễn Thị Mộng Quỳnh: Khi bước lên sàn đấu, em chỉ tập trung vào bài thi của mình. Khi đó em chỉ nghĩ mình phải thực hiện tốt bài thi của mình, cho mọi người thấy được quá trình khổ luyện của mình trong thời gian trước, cho mọi người thấy được sự quyết tâm thể hiện phần thi của mình. Nhưng em cũng không tránh khỏi được áp lực tâm lí.
Bởi qua một bài thi em và mọi người có thể đánh giá được quá trình tập luyện của mình, em phải cố gắng giữ được thành tích không những thế em còn phải vượt qua được chính bản thân mình,đó mới là chiến thắng thật sự.
Khi bước ra đấu trường quốc tế, em cảm thấy mình thật nhỏ nhoi so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng điều ấy không làm em lo sợ và mất tự tin. Ngược lại, em cảm thấy rất tự hào vì với vóc dáng thân hình nhỏ bé mà vẫn luôn thể hiện được sự quyết tâm của mình trên sàn đấu, thể hiện một nghị lực to lớn của người Việt Nam.
* Gửi Mộng Quỳnh: Con gái mà theo đuổi sự nghiệp thể thao thường gặp nhiều thiệt thòi. Vì sao em lại lựa chọn con đường này? (minh anh, 34 tuổi, [email protected])
- Nguyễn Thị Mộng Quỳnh: Từ nhỏ em đã theo đuổi Taekwondo, khi ấy em nghĩ em chỉ tập cho có sức khỏe chứ không hề nghĩ mình sẽ gắn bó với bộ môn này đến bây giờ. Chắc hẳn là do sự đam mê và lòng nhiệt huyết. Riêng em, em cảm thấy mình không mất mát hay thiệc thòi gì khi theo đuổi sự nghiệp thể thao mà ấy còn giúp mình có thêm sức khỏe, rèn luyện tính kiên trì và khổ luyện nữa.
Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 Nguyễn Thị Mộng Quỳnh - Ảnh: Tự Trung |
* Ngày mai là năm mới, các bạn mong muốn điều gì cho bản thân, gia đình mình, bạn bè mình và cho xã hội? (trung@..., 30t)
- Võ Thành Công: Mình mong muốn xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày một nâng cao, mọi người có cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Mong muốn bản thân, gia đình và bạn bè nhiều sức khỏe, thành công trên lĩnh vực công tác.
- Nguyễn Thị Mộng Quỳnh: Ngày mai, bắt đầu một ngày mới cũng như bắt đầu một năm mới tươi đẹp. Chúng ta nên bỏ qua khó khăn, trở ngại lại phía sau và vui vẻ bước sang năm mới. Đối với gia đình, em luôn muốn người thân em có thật nhiều sức khỏe. Bạn bè thì luôn thành công trong cuộc sống. Xã hội luôn phát triển, vươn lên những tầm cao mới. Con đối với riêng em, em chỉ cố gắng nổ lực cho bản thân thôi ạ.
- Ca sĩ Võ Hạ Trâm: Về cá nhân và gia đình thì Trâm luôn mong mình có thật nhiều sức khỏe để có thể vừa chăm sóc cho người thân và có thể thực hiện được những dự án mà mình đã đề ra trong năm 2016.
Về xã hội thì Trâm hi vọng chúng ta sẽ sớm tim được cách khắc phục hiệu quả nhất với những vấn đề đang gây bức xúc hiện nay về giáo dục, y tế...
Và 1 điều ước mà mình luôn mong sẽ thành hiện thực đó là Thế giới không còn phải chịu những mất mát của chiến tranh và mọi người có thể có 1 cuộc sống yên bình không sợ sệt, hận thù.
* Công ơi, bây giờ có một thực tế là người ta ít có thiện cảm với công an. Dẫu biết là ngành nào cũng có người tốt người xấu. Nhưng theo em thì có cách nào để cải thiện hình ảnh của công an trong mắt quần chúng không? Một bạn đọc
- Võ Thành Công: Người chiến sĩ công an muốn nhận được thiện cảm của người dân thì phải hết lòng hết sức phuc vụ nhân dân, tránh gây những phiền hà sách nhiễu nhân dân, tôn trọng người dân và sẵn sàng giúp đỡ khi người dân cần đến.
Thực hiện đúng khẩu hiệu hành động của lực lượng CAND là vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015 Võ Thành Công tại buổi giao lưu chiều nay 31-12 - Ảnh: Tự Trung |
* Là những công dân tiêu biểu của TP.HCM, các bạn có mong muốn TP.HCM những năm tới đổi mới, thây đổi như thế nào? Bản thân bạn sẽ góp phần nào của mình vào sự thay đổi đó? (Thanh Loan, 27t)
- Đinh Xuân Tân: Mình mong muốn là TP.HCM sẽ phát triển hơn nhưng phải phát triển nhanh và bền vững. Bản thân mình hiện đang là người làm trong ngành dịch vụ ô tô mình sẽ liên tục học tập những công nghệ mới, trau dồi kinh nghiệm và tham gia đào tạo những người trẻ để xây dựng một lực lượng lao động trẻ có kiến thức và tay nghề góp chung vào sự phát triển của ngành mũi nhọn này trong xu thế hội nhập của thành phố và đất nước.
Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM Đinh Xuân Tân - Ảnh: Tự Trung |
* Theo em, tại sao hiện nay lĩnh vực nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học vào cuộc sống của Việt Nam còn yếu so với nhiều nước? Dưới góc nhìn của một người trẻ làm khoa học, em có ý tưởng gì để cải thiện thực trạng này?
- Nguyễn Trọng Nhân: Chào anh/chị! Đúng là việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu ở nước ta còn chưa mạnh so với một số nước khác.
Tuy nhiên, nếu nhìn về mặt tích cực, em thấy rằng cộng đồng làm khoa học ở VN đang nỗ lực hết sức để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và gắn khoa học với cuộc sống.
Bản thân em luôn cố gắng để làm tốt việc của mình: nghiên cứu gắn với ứng dụng (do đặc trưng lĩnh vực nghiên cứu của em là tính ứng dụng cao chứ không quá hàn lâm). Em tin rằng nếu mỗi người làm tốt phần việc của mình, môi trường nghiên cứu ở nước ta sẽ tốt hơn.
* Quốc Trung: Em được nhận giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu 6 năm liền. Đọc báo, xem đài bây giờ thấy người dân vẫn kêu ca nhiều về hệ thống giáo dục, cải cách giáo dục của Việt Nam đang chẳng đâu vào đâu. Là một nhà giáo, trẻ, giỏi, tiêu biểu, em có buồn trước thực trạng giáo dục nước nhà không? Chú Năm Châu, 60 tuổi
- Trần Quốc Trung (Giảng viên trường Đại học Ngoại thương - Cơ sở 2 TP.HCM)
Cháu cảm ơn chú đã đặt câu hỏi với nhiều trăn trở về nền giáo dục nước nhà. Không thể phủ nhận rằng trình độ phát triển của nền giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã trình bày. Là một người thầy cũng trưởng thành từ nền giáo dục Việt Nam, có học tập ở nước ngoài và nhiều năm qua giảng dạy tại Việt Nam, cháu nhận thức được phần nào những hạn chế đó.
Từ công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học của mình cháu hy vọng rằng sẽ góp một phần nho nhỏ nào đó vào nền giáo dục nước nhà bằng cách truyền đạt cho sinh viên những điều mới mẻ mình học được từ quá trình học tập, nghiên cứu với học giả nước ngoài, mang đến cho sinh viên những cách tiếp cận mới, giúp sinh viên tìm hiểu những tài liệu mới và có thể dìu dắt sinh viên tiếp cận những nên giáo dục tiên tiến để từ đó các bạn có thể đóng góp vào sự phát triển của môi trường học thuật tại Việt Nam.
* Là những người trẻ và được đánh giá là có cách sống đẹp, các bạn nghĩ thế nào về những cái xấu, cái ác đang diễn ra từng ngày, từng giờ quanh mình? Có khi nào bạn thấy chán nản, mất lòng tin vào cuộc sống, hay nản lòng trong công việc của mình khi gặp khó khăn không? Khi đó, bạn làm thế nào để vượt qua? (Minh Minh, 23t)
- Võ Thành Công: Mình chưa mất lòng tin vào cuộc sống vì theo mình đó là thất bại lớn nhất trong cuộc sống. Khi gặp khó khăn mình hay nghĩ đến nhựng điếu tốt đẹp nhất.
* Là những công dân tiêu biểu của TP.HCM, các bạn có mong muốn TP.HCM những năm tới đổi mới, thây đổi như thế nào? Bản thân bạn sẽ góp phần nào của mình vào sự thay đổi đó? (Thanh Loan, 27t)
- Ca sĩ Võ Hạ Trâm: Trâm hi vọng trong những năm tới, TP.HCM sẽ có thêm những công trình để giải quyết được vấn đề kẹt xe cùng với những dự án giúp giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện đời sống người dân thành phố.
Ngoài ra, những khu nhà ổ chuột sẽ không còn và thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, sạch sẽ hơn. Sẽ có những chính sách giúp cho những người neo đớn vô gia cư có được 1 nơi ở ổn đinh, không phải ngủ ngoài đường hay hè phố.
Bản thân Trâm là 1 ca sĩ nên không gì thiết thực hơn là mình mang lời ca tiếng hát để kêu gọi mọi người cùng chung tay, bằng lời nói và uy tín của mình để kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân góp sức vào những dự án, những chương trình vì xã hội, người nghèo và vì sự phát triển bền vững của thành phố Hồ Chí Minh.
-----------------
Buổi giao lưu đã kết thúc lúc 17g10. Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm, theo dõi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận