Hồ Trung Dũng đi mua hàng cà thẻ, trông oách hơn đại ca nhiều - Video: TTO
Ơ, nhưng sao tài khoản lại vẫn"rỗng" như thế này? Mới được cộng thêm những hai triệu tư cơ mà? Chết cha! Thay vì trả 2.400.000 đồng, khách chỉ bấm 4 số đầu, quên mất ba số không. Hèn chi, tài khoản cộng thêm 2.400 đồng, chẳng thấy "lên" chút nào.
Chụp màn hình gửi lại! A! Chị nhầm! Vậy là chuyển tiền lại. Coi như lời thêm 2.400 đồng "nhầm kia".
Đem câu chuyện kể cùng chị bạn trong hội, hóa ra đó chỉ là muỗi. Cái nghề bán vé máy bay mà tôi vừa mới tham gia này quả lắm chuyện khóc cười, diễn ra như cơm bữa.
Một anh khoe, chụp luôn tin nhắn làm bằng chứng: Vé mua 2,5 triệu, chuyển 250 triệu. "Chuyển xong họ không biết nhầm, đành phải nhắn cho họ. Ôi anh ơi, anh chuyền nhầm 250 triệu rồi kêu ầm lên". Lại phải lục đục chuyển lại.
Nhưng sự nhầm lẫn đó chưa phải là đỉnh. Anh bạn khác gửi cho cái hình làm bằng: Khách chuyển hơn 1,440 tỉ đồng cho chiếc vé trị giá 1,140 triệu đồng. Chuyển số tiền lớn đó chỉ bằng một vài thao tác bấm trên điện thoại thì hẵn là "khách giàu đến nỗi họ chuyển tiền nhầm mà không hề biết nhầm".
Rồi phải làm sao? Trả lại cho người ta chớ biết làm sao? Mà hành trình trả tiền lại thật cực chẳng đã, vì mất quá nhiều thời gian, công sức. Ấy là do hạn mức mỗi lần chuyển khoản, theo ngân hàng S., chỉ được đôi ba triệu, vậy là hì hục mỗi ngày chuyển một ít lần.
Cách thuận tiện nhất là ra ngân hàng, rút tiền mặt, hoặc chuyển qua, nhưng lại gặp lúc chứng minh thư cũ bị mờ, làm chứng minh mới thì chưa, và phải có giấy xác nhận chuyển đổi, chữ ký thì lại không giống nhau… Thôi đành làm thủ công, chuyển từng tí một, tất cả vì khách hàng, mà lại là khách quá sộp.
Mua sắm bằng thẻ không sợ tiền lẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Quả thật, bán hàng online nhiều lúc chỉ cần ngồi một chỗ. Check vé, báo giá, gật đầu thì chờ khách chuyển khoản, tiền về tài khoản mới xuất vé. Lắm lúc, khách lưỡng lự, vé máy bay lên giá, thôi thì quen thì báo giá lại, khách khó thì khỏi có lời, đôi khi khách quen, giữ mối, bán lỗ vài chục ngàn một vé.
Có khi, khách cả tháng mới trả tiền, có khách lại gọi mãi chẳng bao giờ bắt máy. Khách thì làm đủ nghề, người thân có, người lạ có, lại người này giới thiệu người kia. Có lúc, coi như đành mất tiền vì khách đi tù, phá sản.
Lại có những lúc, vì lỗi của mình cũng có, mà khách cũng nhiều, cứ đến giờ cho con ngủ là lại nghe điện thoại của ông khách kỳ cục, chửi bới, trách mắng. Khách chắc vừa nhậu xong, nhớ đến cái chuyện vé trục trặc, nên cứ đúng ngày giờ là y như ca một bài ca, phải dễ đến chừng hai tuần sau mới thôi.
Khách hàng là thượng đế, nên phải chiều vậy, vì mẹ bỉm sữa bán vé không chuyên như tôi, có khách là đã mừng.
Có khách, vừa trả tiền xong lại hỏi mượn lại ngay. Có khách, mua vé xong là phải đi lấy tiền mặt. Khổ thân ông chồng mưa, gió, nắng nôi… phải chạy hàng chục cây số đi lấy vài triệu đồng cho vợ. Lắm lúc, nhờ bà trông con, hai vợ chồng vừa đi đòi nợ, vừa coi như là dạo chơi vậy.
Vừa lấy được mấy triệu đồng, mà phải lần đi thứ 7 thứ 8 đòi, chồng chở được mấy trăm mét thì khách gọi điện thoại hỏi vay lại một ít. Khổ thân! Hai vợ chồng cãi nhau, chuyện người bảo: người ta cần thì mới hỏi vay chứ, kẻ nói: khách thế có nên làm ăn với họ nữa không?
Cái vui nhất của mẹ bỉm sữa bán hàng online chính là ngồi một chỗ mà nhìn tiền chạy đến chạy đi bằng những con số có tiếng kêu ting ting trên điện thoại. Không sờ tận tay như tiền giấy, nhưng cái cảm giác thú vị và chờ mong vẫn không hề suy giảm.
Cũng may, nhờ có các tin nhắn "ting - ting" đó, cùng với những thư qua thơ lại làm bằng, nếu không, những nhầm lẫn đó, nếu giao dịch bằng tiền mặt, lỡ có xảy ra, e cãi nhau bất phân thắng bại.
Cũng nhờ bán hàng online mà tôi lại thành thục chuyện thanh toán điện tử, từ thẻ ATM, visa, debit, ví điện tử, app, internet banking, tất tần tật… ngồi một chỗ trả tiền điện nước, phí quản lý, Internet, ít khi dùng đến tiền mặt. Việc mua sắm thật dễ dàng với chiếc điện thoại, máy tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận