Nữ hoàng Anh Elizabeth II - Ảnh: THE ROYAL FAMILY
Bão tố nhưng điềm tĩnh, dũng cảm nhưng nhường nhịn khi đối mặt với nguy hiểm, những nhà lãnh đạo tuổi Dần có một sức hấp dẫn bẩm sinh, đầy bí ẩn.
Nữ hoàng Vương quốc Anh Elizabeth II
Nữ hoàng Anh Elizabeth II - Ảnh: ON THIS DAY
Nữ hoàng Elizabeth II, tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary, sinh ngày 21-4-1926. Bà lên ngôi năm 1952, là quốc vương tại vị lâu nhất trong lịch sử nước Anh. Nữ hoàng là người đứng đầu lập hiến của 16 quốc gia có chủ quyền và là người đứng đầu Khối thịnh vượng chung.
Triều đại của bà đã chứng kiến những thay đổi lớn về hiến pháp ở Anh. Điều này bao gồm sự phân quyền cho các chính quyền khu vực ở Scotland, Xứ Wales, Bắc Ireland, Canada, phi thực dân hóa châu Phi và sự phát triển liên tục của Khối thịnh vượng chung mà bà là người đứng đầu.
Bước vào năm Nhâm Dần 2022, Hoàng gia Anh đang chuẩn bị cho Đại lễ Bạch kim "có một không hai" nhằm đánh dấu cột mốc 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị.
Được biết, Đại lễ Bạch kim sẽ diễn ra chính thức từ ngày 2 đến 5-6-2022, với vô số hoạt động được tổ chức để chào mừng sự kiện hiếm có này.
Thủ tướng thứ 15 của Ấn Độ: Ông Narendra Modi
Thủ tướng Narendra Modi - Ảnh: ON THIS DAY
Ông Narendra Modi sinh ngày 17-9-1950. Ông là thủ tướng thứ 15 và cũng là thủ tướng đương nhiệm của Ấn Độ.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Modi đã cố gắng tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế Ấn Độ, đồng thời giảm chi tiêu cho các sáng kiến chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra các chính sách khác bao gồm việc bãi bỏ Ủy ban kế hoạch và nỗ lực tăng cường hiệu quả trong bộ máy hành chính.
Ngày 23-9-2018, ông Narendra Modi ra mắt "Modicare", chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí cho 500 triệu người. Đây là chương trình chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ hiện là "cường quốc không gian", sau khi bắn hạ thành công một vệ tinh từ không gian trong một vụ thử tên lửa đạn đạo vào ngày 23-3-2019.
Cựu lãnh đạo tối cao của Trung Quốc: Ông Giang Trạch Dân
Cựu lãnh đạo tối cao Giang Trạch Dân - Ảnh:WIKIPEDIA
Ông Giang Trạch Dân sinh ngày 17-8-1926, là nguyên tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1989 đến năm 2002 và chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ năm 1993 đến năm 2003.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã có sự tăng trưởng kinh tế đáng kể, với việc tiếp tục cải cách trong khi duy trì sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản đối với chính phủ.
Ông Giang Trạch Dân cũng nhận lại Hong Kong từ Vương quốc Anh và Macau từ Bồ Đào Nha trong hòa bình, đồng thời cải thiện quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài.
Nữ tổng thống được bầu chọn đầu tiên của Châu Phi: Bà Ellen Johnson-Sirleaf
Cựu tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson-Sirleaf - Ảnh: NOBEL PRIZE
Bà Sirleaf, người Liberia, sinh ngày 29-10-1938, trở thành nữ tổng thống được bầu là người da đen đầu tiên trên thế giới và là nữ nguyên thủ quốc gia được bầu đầu tiên của châu Phi khi bà nhậm chức tổng thống Liberia năm 2006.
Sau khi ký Dự luật Tự do thông tin, bà đã trở thành một biểu tượng toàn cầu nhờ cam kết chống lại các nhà độc tài, tham nhũng và nghèo đói thông qua trao quyền cho phụ nữ.
Năm 2011, bà Sirleaf được trao giải Nobel Hòa bình do thúc đẩy hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới.
Cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Ông Kofi Annan
Cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan - Ảnh: KOFI ANNAN FOUNDATION
Ông Kofi Annan, người Ghana, sinh ngày 8-4-1938. Ông từng là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ năm 1997 đến năm 2006.
Năm 2001, ông và Liên Hiệp Quốc nhận giải Nobel Hòa bình. Đồng thời, ông còn là chủ tịch của The Elders, một tổ chức do cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela thành lập.
Ông mất ngày 18-8-2018 (80 tuổi).
Ông từng có câu nói nổi tiếng khi nhận giải Nobel: "Chúng ta có thể mang tôn giáo khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, màu da khác nhau, nhưng chúng ta đều là con người. Tất cả chúng ta đều có chung những giá trị cơ bản".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận