Gần đây nhất là chuyện một người chạy xích lô đã "chém đẹp" cụ ông người Nhật Bản 2,9 triệu đồng cho một đoạn đường chưa tới 1km.
Sau mỗi phi vụ trấn lột như vậy, họ kiếm được món tiền nhiều hơn bình thường, nhưng không hiểu họ có biết rằng chính họ là thủ phạm hằng ngày, hằng giờ làm xấu xí hình ảnh của thành phố, quốc gia mình.
Có thể sau mỗi sự cố các đơn vị liên quan lại có những lời xin lỗi, có những lời phân bua, an ủi và có thể đền bù cho khách chút đỉnh. Nhưng với khách du lịch nước ngoài, những hệ quả mà họ phải gánh chịu (có thể không lớn) sẽ đọng lại rất lâu trong ký ức và hơn thế nữa, nó sẽ được lan truyền sâu rộng trong bạn bè, người thân.
Không phải vô cớ mà nhiều người nước ngoài đến Việt Nam chỉ một lần và không bao giờ trở lại, tại sao trên các trang web hướng dẫn du lịch quốc tế có hàng chục điều cảnh báo, trong đó có những cảnh báo về nạn móc túi, "chặt chém" du khách ở Việt Nam?…
Một hành động đáng ghi nhận là sáng 7-8, đại diện Sở Du lịch TP.HCM đã gặp người nhà cụ Oki Toshiyuki để xin lỗi và tặng cặp vé khứ hồi nhằm gỡ gạc thanh danh của một thành phố "văn minh - thân thiện".
Đó là việc nên làm, nhưng thiển nghĩ những hành động "sám hối" được coi là vớt vát này không mang lại nhiều ý nghĩa bởi thiệt hại về tiền bạc, sức khỏe có thể khắc phục được, còn ấn tượng khó chịu, hình ảnh xấu về một địa phương trong tâm trí của họ rất khó phai mờ.
Hơn thế, không có tổ chức nào có đủ sức, đủ tiền bạc đi khắc phục hậu quả tiêu cực, mà quan trọng là làm sao cho nó đừng xảy ra, làm sao ngăn chặn nó từ trong suy nghĩ.
Lâu nay, người dân và cơ quan công quyền cho đó là "chuyện nhỏ" nên các giải pháp loanh quanh chỉ là nhắc nhở, cảnh cáo hoặc giữ một vài ngày lại thả, để rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy, kẻ xấu cứ nhơn nhơn ngoài xã hội, cứ tiếp tục hành hạ những du khách tiếp theo.
Cơ quan chức năng cần nghiêm khắc hơn nữa với những người đang "đập chén cơm của người khác". Những người "xấu xí" như thế cũng cần được dư luận lên án ở cộng đồng, phải bị đưa hình ảnh lên bảng tin, báo chí, tivi để họ và những người sắp có ý định như thế phải suy nghĩ trước khi hành động.
Trong lúc hàng triệu người đang hằng ngày cần cù làm việc, góp sức nhỏ bé của mình, chắt chiu bồi đắp để làm cho thành phố giàu đẹp hơn lên thì lại có những người đang từng ngày, từng giờ thay vì làm đẹp cho nơi đã cưu mang mình thì lại mang tai ương cho mảnh đất này, kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp mọi đạo lý. Họ thực sự làm hại thanh danh và đời sống nhân hậu của thành phố mình đang sống.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần xây dựng ý thức "toàn dân làm du lịch" cho người dân và nhanh chóng xây dựng lực lượng cảnh sát du lịch. Sự có mặt của lực lượng này trên địa bàn thành phố sẽ làm những người "xấu xí" phải chùn tay và khách du lịch có chỗ dựa mỗi khi xảy ra sự cố đối với họ. Triệu người xây, chỉ một vài người phá cũng đủ làm hình ảnh của một thành phố ít nhiều bị méo mó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận