Những người U Minh hào sảng

QUỐC VIỆT 10/10/2017 21:10 GMT+7

TTCT - Cách xa 300km, nhưng người Sài Gòn vẫn biết và mê mẩn rừng U Minh vì đặc sản miệt này. Những con cá trê vàng óng, cá lóc đen chắc thịt, sặc rằn béo ngậy, rô mề thơm lừng, mật ong rừng quý báu, tôm đất bổ dưỡng...

Cá lóc nướng trui, món ngon giữ chân lữ khách ở U Minh. -Ảnh: Tiến Trình
Cá lóc nướng trui, món ngon giữ chân lữ khách ở U Minh. -Ảnh: Tiến Trình

 

Nhưng chuyện kể dưới tán rừng cuối cùng của Tổ quốc không chỉ có thế. Bởi còn biết bao tình người U Minh thiệt thà, hào sảng dù cảnh vật nơi đây đã và đang đổi thay nhiều...

U Minh là gì?

Trước khi phóng xe máy từ Sài Gòn xuống U Minh, tôi giở lại các sách để đời của Sơn Nam. Về miệt rừng cuối nước mà không đọc nhà văn quá cố, như mất nửa chuyến đi.

Ở U Minh thời nay hình như cái gì cũng có, từ khách sạn máy lạnh, hàng quán sang trọng đến phố chợ tràn ngập hàng hóa, nhưng chuyện xưa như huyền thoại vẫn quyến rũ đến kỳ lạ!

Theo nhà văn viết sử dân dã chôn nhau cắt rốn chính xứ U Minh, “tên khu vực từ xa xưa được hiểu là xứ đen tối, mù mịt. U Minh là mờ u ám. Thí dụ như cõi địa ngục. Quả thật như vậy, rừng tràm không cao cho lắm nhưng mọc ngổn ngang trên đất còn phèn, nhầy nhụa vào mùa mưa.

Tôi ước lượng vùng gọi U Minh (xưa gọi láng U Minh) nếu gom U Minh Thượng và U Minh Hạ lại, đại khái mỗi bề non 50km có hơn... Láng có nghĩa là vùng cầm thủy và tiếng rừng U Minh mà ta gọi sau này là do cán bộ đặt ra.

Trước Cách mạng Tháng 8, nếu được hỏi đi đâu, nhà ở đâu thì trả lời ở U Minh không bao giờ có tiếng rừng kèm theo. Vì bao la và đa dạng nên ít ai rành về địa lý. Đại khái ở U Minh chỉ có vùng U Minh Thượng (Kiên Giang - NV) tương đối cao, U Minh Hạ (Cà Mau - NV) chỉ vùng thấp, đầm lầy, dọc theo bờ biển...”.

Ở U Minh bây giờ vẫn còn nhiều hình ảnh, dấu vết Sơn Nam từng mô tả: “Thời xưa, Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn từng chạm nhau ở U Minh, vài nơi có thể tìm ra nước ngọt, làm ruộng từng lõm, thậm chí trồng cam, quýt, dâu.

Khi Pháp đến hồi cuối thế kỷ 19, những thửa đất tốt này nói chung đã có chủ trưng khẩn, kẻ lục đục đến sau cố làm ruộng vừa đủ ăn là may, ngoài ra trồng chuối, đào đìa (ao) để khi nắng hạn, cá gom về...”.

Hay: “Nghề mua bán cá đồng với phương tiện chuyên chở là ghe (gọi ghe rổi) để chở cá tươi đã thịnh hành hơn thời Tự Đức. Năm 1980, dịp gần tết, từ Cà Mau, 216 chiếc ghe rổi chở khoảng 4.500 tạ cá đưa về Sài Gòn, Chợ Lớn, Biên Hòa”.

Ông kể tỉ mỉ khi mực nước vô mùa nắng cạn, sức người chèo chống không nổi phải nhờ trâu kéo. Dân thương hồ phải thường xuyên tìm nước ngọt, thay nước ghe cá để chúng khỏi chết. Ghe buồm của nhà buôn tận đảo Hải Nam tìm xuống Cà Mau, thu mua mật ong và cá khô chở về Trung Quốc, đó là khô cá sặc rằn rất ngon và nhiều ở U Minh.

Đặc biệt, miệt rừng này hồi đó còn có một loài cá khét tiếng vẫn thường được làm thịt đãi khách quý. Đó là những bầy sấu lềnh khênh dưới tán rừng. Dân địa phương coi đó là món hảo hạng. Họ làm thịt cá sấu ăn dần từ khúc đuôi...

Tính người hào sảng

Đời nay, những người già còn lui cui dưới tán rừng U Minh tuy không rành rẽ chuyện xưa như Sơn Nam, nhưng cũng còn cả tá chuyện từ thời dễ sống giữa thiên nhiên trời cho. Ông lão Trần Văn Thà (Tư Thà), tuổi gần 80, dẫn tôi ra bờ kênh xáng cạp để chỉ một cái hang mà mình từng bắt được ba bao bố cá lóc.

Con kênh Pháp cho đào khoảng năm 1950, đôi bờ lỗ rỗ hang bọng vì sạt lở và cá trũi. “Bận đó, nội tiếng động từ mấy cái xuồng ba lá chèo tay cũng làm cá sợ. Con thì nhảy lên rớt thẳng vô xuồng, lượm ăn không hết. Tui nhớ có lần bộ đội U Minh tắm sông.

Tụi tui còn nhỏ ra lội chơi với mấy ảnh. Lát sau, thọc tay mò mấy cái hang bên bờ kinh, bắt được đầy nhóc ba cái bao đệm cá trê, lóc bự bằng bắp tay, bắp chân. Bộ đội xỏ lạt tre chỉ chục con cá bự nhất xách đi. Tụi tui khiêng ba bao lát về nhà cho tía má cân được hơn 100kg cá. Mà bận đó cũng đâu bán ai, gọi chòm xóm cho hết” - ông Tư Thà tâm sự chuyện xưa.

Có những con cá lóc bự chà bá gần chục ký, đen trùi trũi như than gốc tràm cổ thụ. Người ta chỉ ăn hai cái má cá săn thịt và bộ lòng. Nhà nào nghèo gạo, đông con, cũng chỉ ráng ăn hết hai lườn lưng cá, rồi liệng phần còn lại cho chó ăn. Đến con chó táp riết rồi cũng đâm ngán cá...

Bà Tư Thà kể hồi bầu bì đã đụng con rắn hổ chúa phục bắt cá đìa: “Tui đang nằm võng, nghe lào xào dữ dội ở bụi tre gần nhà mà trời lại hổng dông gió. Chạy ra xem, tui thấy khúc lưng rắn đen thui như cột nhà luồn trong bờ tre. Thấy người, miệng nó bành ra, phà phà dữ tợn”.

Bà Tư lượm khúc củi tràm đập liều. Ông Tư đi ruộng về, nhào vô đánh phụ. Đến khi lôi được con rắn ra, cân nặng gần 27kg, họ bỏ đầy thúng vẫn còn dư khúc đuôi dài hơn 2m bên ngoài. Vợ chồng giữ được mạng là nhờ rắn ăn cá cành bụng, chậm chạp nên chịu thua người. Ông Tư phải chẻ cật trúc bén như lưỡi lam, cứa thành từng khúc cho hàng xóm ăn thơm thảo...

Sống giữa thiên nhiên hoang dã, phần lớn cư dân U Minh mần chỉ đủ nuôi miệng ăn qua ngày, nhưng nổi tiếng hào sảng, thương người hơn cả thân mình. Mùa kiệt nước, dân nghèo tứ xứ đến mót cá sặc bướm, cá lóc, cá rô chụp đìa. Hiếm hoi người sở tại bán cũng rẻ như cho.

Kẻ nghèo khó đến gặt lúa mướn hay tìm lò đốt than còn được dân U Minh mời ăn thoải mái. Kể chuyện như nhà văn Sơn Nam thì khách có no bụng cũng phải “phủi chân, ngồi làm đôi ba hột cho vui lòng gia chủ”.

Nói đôi ba hột, nhưng đó là những con cá lóc nước trui, lươn thả canh chua, rắn hổ, rùa vàng đốt rơm ăn ngán thì thôi. Người không dừng bước được cũng có thể bốc vài con sặc rằn phơi khô đầy bờ kênh để đi đường nướng ăn dần. Chủ nhà có vô tình phát hiện, không la rầy, mà còn tốt bụng thẩy cho thêm mấy con cá bự và “khuyến mãi” cả mấy ca nước mưa rất quý vào mùa nắng.

Thời bom pháo trút xuống U Minh, cá mú vẫn sinh sôi cùng con người kiên cường dưới tán rừng. Cựu đại sứ Liên Hiệp Quốc Võ Anh Tuấn, người từng trải chín năm kháng Pháp ở đây, kể có nhiều đợt cạn gạo, lính tráng nhiều ngày chỉ ăn cá thay cơm. Ruột gan sôi lên vì thiếu chất gạo, nhưng thịt cá vẫn bảo đảm sức khỏe.

Rừng U Minh muỗi mòng độc địa, lực lượng kháng chiến vẫn bám trụ khỏe chính là nhờ cá mú và lòng tốt của người dân xứ này.

Đường sá ở U Minh bây giờ đã đẹp hơn xưa. -Ảnh: Tiến Trình
Đường sá ở U Minh bây giờ đã đẹp hơn xưa. -Ảnh: Tiến Trình

 

Đổi thay nhiều nhưng vẫn quyến rũ

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng những người đi kháng chiến dưới tán rừng vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về tình đồng bào miệt này.

Bộ đội miền Bắc vào thấy chẳng nhà dân nào làm cửa nẻo, ngạc nhiên. Ở ít hôm, họ hiểu bà con thiệt thà như đếm, có vất đồ ra sân cũng chẳng ai đụng đến bao giờ. Ông Nguyễn Thành Thơ, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, hồi còn khỏe xúc động tâm sự:

“Bận đi kháng chiến, tui gặp nhiều chuyện cảm động xứ này. Bà con U Minh thừa cá mú mà thiếu gạo, phải húp cháo thường ngày. Vậy mà nhiều khi bộ đội cạn lương thực, hổng biết ở đâu đồng bào lại liệng cho mấy bao gạo.

Sau hỏi mới biết, dân mình chèo xuồng ra tận vùng tạm chiếm ngoài chợ Năm Căn, Cà Mau để mua gạo. Lính đồn thấy chở nhiều, nghi ngờ, tra khảo tội lắm. Nói thiệt, hồi đó mà không có lòng tốt của đồng bào U Minh, chắc chắn tụi tui không thể lập cứ kháng chiến ở đây được”.

Thời nay, đặc sản dưới rừng tràm U Minh không còn nhiều như xưa nhưng vẫn đem lại danh tiếng và nuôi sống nhiều dân xứ này.

Vừa rồi về U Minh, tôi được đãi món rừng giản đơn nhưng không thể nào ngon hơn. Những con cá lóc dính lưới đem luộc mẻ ăn với đọt choại, rau muống nước, ngổ trâu. Ông Trần Văn Tú, nguyên cán bộ Sở Xây dựng Cà Mau, kể các đoàn khách nhà nước Hà Nội vào cũng tranh thủ về U Minh chơi.

Họ mê mẩn đặc sản tinh khiết dưới rừng tràm. So với hồi ông Tú mới từ miền Bắc vào hỗ trợ Cà Mau năm 1976, đời sống dân U Minh giờ đã khác hẳn. Tuy cảnh nghèo vẫn còn bàng bạc ở các vùng sâu, nhưng chuyện thiếu gạo ăn như trước gần như dứt hẳn.

Lưới điện cũng đã phủ, khác hẳn thời không có cả dầu hỏa để thắp đèn, phải đốt củi tràm lấy sáng. Khách phương xa cứ tưởng thăm U Minh chỉ có cách ngồi ghe xuồng, nhưng hầu hết đều đã có đường xe thuận lợi.

Trẻ em giờ đi học cũng đỡ khổ hơn hẳn thời cha ông với mấy chục trường học từ mẫu giáo đến cấp III khắp U Minh. Cán bộ kháng chiến từng ở rừng này còn về đáp nghĩa, mở thêm trường học Hoàng Xuân Nhị. Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn, người góp công xây trường này, tâm sự: “Hơn 60 năm rời căn cứ này rồi, nhưng tui vẫn nhớ tấm lòng đồng bào U Minh. Bà con tốt bụng đến mức coi chúng tôi như ruột thịt. Mình mới chỉ đền đáp được một chút”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận