Tuyến đầu là các bác sĩ, điều dưỡng, những người phục vụ trực tiếp cho người bệnh; tuyến giữa là những người đảm bảo hậu cần, vận tải, an ninh trật tự; còn tuyến cuối là các cán bộ phường, xã, là các cô bác, anh chị của Mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ, dân phòng, tổ trưởng dân phố...
Mỗi hẻm phố được coi như một cái ống dài ngoằng từ đầu này đến đầu kia, khi có người bị dương tính thì hai đầu hẻm bị bít lại như một cái ống, còn gia đình có người F0 thì bị khóa kín lại trong một cái hộp với yêu cầu "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Trong tình thế như vậy mới thấy sự xuất hiện của các cán bộ tuyến cuối thật đáng quý. Họ đến từng nhà thăm hỏi, động viên, chuyển lương thực, thuốc men và mua giùm các vật dụng thiết yếu cho người này người kia.
Nhà ai cũng có đầy đủ số điện thoại của lãnh đạo phường, của cán bộ được phân công phụ trách (mỗi cán bộ theo dõi hỗ trợ 10 - 15 hộ gia đình), chỉ cần ới là họ có mặt ngay, bất kể ngày đêm.
Cọng rau, viên thuốc, thậm chí những nhu cầu được coi là không thiết yếu như hộp bút màu cho trẻ con, băng vệ sinh cho chị em, tờ báo cho người già, cũng được các anh chị tìm mua giúp, không so đo tính toán thiệt hơn, không thiên vị này nọ...
Mỗi khi bàn giao hũ tro cốt cho thân nhân, không chỉ có các anh bên quân đội mà các cán bộ phường cũng có mặt chia sẻ và hỗ trợ những khó khăn phát sinh cùng gia đình.
Trong những ngày căng mình chống dịch này, các cán bộ cơ sở bận rộn hơn ngày thường vì ngoài chống dịch thì vẫn phải duy trì các hoạt động bình thường của một bộ máy hành chính và các lĩnh vực an sinh, an ninh xã hội, chưa kể tình hình trật tự xã hội có phần còn phức tạp hơn.
Nói là một phường chứ dân số có khi còn đông hơn cả một huyện, phường nhỏ hơn chục ngàn dân, phường lớn hơn một trăm ngàn dân.
Trong những lúc "nước sôi lửa bỏng" như thế này, cán bộ định biên (được hưởng lương) không đủ, cho nên tất cả các cán bộ hội đoàn đều được huy động hay tự nguyện tham gia mà phần lớn trong số họ không có lương, không thù lao.
Ngày thường ai nấy đều lo làm ăn, bận tối mắt tối mũi, lâu lâu mới lên phường chứng giấy tờ này nọ nên mấy ai biết danh tính cán bộ phường, đoàn thể, hội… Trong những ngày này cũng vậy, ai biết thì kêu cô ba, chú tư, người không biết thì chị ơi, cháu ơi, anh ơi. Nghe vậy thôi chứ thân thiết, gần gũi quá chừng.
Đã gần hai tháng nay cả nhà tôi hầu như không ai đi ra ngoài và cũng không có ai tới lui, trừ những lúc có người giao hàng đến, vì vậy cầu nối duy nhất giữa gia đình với bên ngoài là một cô gái còn rất trẻ được phường phân công quản lý liên gia.
Đều đặn, cô ấy đến chuyển cho gia đình phiếu đi chợ, giấy báo tiêm vắc xin, các giấy thông báo quy định mới của thành phố và của phường. Tôi không biết tên cô ấy (thật vô tâm), nhưng cô ấy nhiệt tình lắm.
Thỉnh thoảng trong điện thoại lại có dòng tin "Chú ơi, chú có khỏe không? Chú cần hỗ trợ gì không?". Nghe mà ấm lòng. Người Sài Gòn thật lạ, ngày thường cứ lướt qua nhau, khi hữu sự lại thấy nhiều bàn tay chìa ra không toan tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận