Chị Mai Ly (thứ hai từ phải) cùng hỗ trợ người dân Kon Plong (Kon Tum) chuyển đổi vật nuôi, cây trồng để giảm săn bắt, chặt rừng - Ảnh: QUANG NINH
Đó là hành trình của các bạn - những nhân sự của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet).
Những người trẻ "nhiều chuyện"
Mọi vùng đất dù là đồi núi hay vực sâu khắp khu vực miền Trung - Tây Nguyên có lẽ đã in hằn dấu chân các thành viên của GreenViet. Những dự án của trung tâm luôn mang màu xanh của lá, của sự bình yên cho bao loài động thực vật hoang dã: hành trình "Tôi yêu Sơn Trà", chương trình "Một triệu cây xanh đô thị VN", Quỹ bảo tồn thiên nhiên VN, chương trình bảo tồn các loài chà vá...
Ngoài việc nghiên cứu nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu khoa học, GreenViet hiểu rằng việc nâng cao nhận thức của cộng đồng để cùng nhau chung tay bảo tồn hệ sinh thái là chuyện quan trọng mang tính lâu dài.
Từ đó, những người trẻ nơi đây đã tổ chức hàng trăm chuyến đi bám bản để thuyết phục, tập huấn cho những "người rừng" nơi đây biết sống hòa hợp với rừng. Họ được người dân vùng núi từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum đến Khánh Hòa... đặt cho cái tên: những người trẻ "nhiều chuyện".
Chị Dương Thị Mai Ly, điều phối viên một dự án của trung tâm, nói rằng do độ chênh giữa văn hóa, tiếng nói cùng tập tục sống đời với rừng của nhiều người dân vùng núi khiến hành trình gặp phải vô vàn khó khăn.
Nhóm có thể thuyết phục người dân ngồi nghe về mức độ nguy cấp và có thể sẽ tuyệt chủng của các loài vật nếu như con người không có động thái bảo vệ, bảo tồn. Nhưng để tập cho người dân thay đổi lối sống chỉ biết dựa vào rừng núi và khai thác triệt để từ thiên nhiên như xưa nay lại không hề dễ.
"Người dân bảo chúng tôi là những đứa trẻ nhiều chuyện, bởi bao đời nay họ vẫn săn bắn, vẫn chặt cây nhưng rừng và thú vẫn đầy mà không hiểu rằng không có chuyện rừng vàng biển bạc nếu chúng ta không biết trân quý, tái tạo", chị Mai Ly tâm sự.
Không hẳn chuyến đi nào cũng thành công, nhưng bằng cách chấp nhận với biệt danh "nhiều chuyện" cùng biện pháp mưa dầm thấm sâu, những nơi mà nhóm đi qua đang có những thay đổi tích cực. Người dân đang bỏ dần hoạt động săn bắn, bẫy bắt thú hoang mà thay vào đó là chăn nuôi, trồng nhiều rừng hơn, từ đó đời sống cũng được cải thiện hơn.
Vượt "tường lửa"
Đã có đến hàng trăm buổi hoạt động nghiên cứu, hội thảo giáo dục và trải nghiệm thiên nhiên... được trung tâm tổ chức trong suốt thời gian qua. Tất cả đều là chìa khóa cho rất nhiều vấn đề môi trường đang diễn ra, từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là nhận thức của con người - điều mà GreenViet đang ra sức góp phần giải quyết.
Trong một khảo sát mà GreenViet đã làm với 42 tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực này ở miền Trung - Tây Nguyên thuộc dự án "Quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam", có đến 52% tổ chức đang duy trì hoạt động dưới hình thức câu lạc bộ thanh niên.
Số còn lại hoạt động theo hình thức tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận cùng các tổ chức dựa vào cộng đồng. Chỉ 24% tổ chức trong số đã khảo sát có thâm niên hoạt động trên 10 năm.
"Các tổ chức hoạt động dựa vào cộng đồng như hội phụ nữ, hội nông dân thì đa phần kinh phí đến từ chính quyền địa phương, còn tổ chức thanh niên thì kinh phí hầu như do các thành viên đóng góp hoặc gây quỹ cộng đồng nên rất eo hẹp" - chị Mai Ly nói.
Không muốn rằng "hết tài trợ thì hết dự án", trung tâm đã khởi động dự án "Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững ở TP Đà Nẵng" (gọi tắt là dự án Quỹ bảo tồn). Dự án do GreenViet và Viện Gustav-Stresemann (GSI, Đức) hợp tác thực hiện và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại VN đồng tài trợ.
Dự án có tầm nhìn đến năm 2023 nhằm vận động các nguồn tài trợ, nâng cao năng lực của các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường cho toàn miền Trung và Tây Nguyên.
"Thành viên của GreenViet đã từng làm việc không lương nhiều tháng trời nên rất hiểu khó khăn này. Với khao khát đi đường dài, tạo ra giá trị bền vững thì việc bảo vệ các tổ chức xã hội đang hoạt động trong mảng bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường là điều rất cần thiết", chị Mai Ly lý giải.
Nhiều giải thưởng, bằng khen về môi trường
Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh được thành lập theo quyết định của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng và được Sở Khoa học và công nghệ TP Đà Nẵng cấp giấy phép hoạt động chính thức từ cuối tháng 10-2012.
Trong hơn 10 năm qua, từ khởi đầu những dự án đặc thù về nghiên cứu, bảo vệ các loài chà vá quý hiếm, đến nay GreenViet đã và đang thực hiện rất nhiều các dự án khác nhau không chỉ về bảo tồn nguồn gene quý hiếm mà còn về giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về môi trường bền vững.
Số vùng dự án của trung tâm đã vươn rộng ra nhiều tỉnh thành khác trên đất nước như: Quảng Nam, Kon Tum, Nha Trang, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế...
Với những nỗ lực hoạt động về môi trường, trung tâm đã đoạt nhiều giải thưởng, bằng khen các cấp có thể kể đến như: Giải thưởng môi trường VN về việc có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường từ 2014 - 2016 của Bộ Tài nguyên và môi trường; bằng khen vì thành tích xuất sắc trong hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và công nghệ TP Đà Nẵng giai đoạn 2012 - 2017 góp phần phát triển Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật VN; bằng khen UBND TP Đà Nẵng vì có nhiều đóng góp xuất sắc trong quá trình thực hiện đề án "Đà Nẵng - thành phố môi trường"...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận