Các thanh niên quá khích cầm gậy đánh nhau tại đền Gióng - Ảnh: Nguyên Vương |
Biết bao là lễ hội ở vùng đất ngàn năm văn vật: hội Lim với hát quan họ, liền anh liền chị lúng liếng giao duyên trong những câu hát tình tứ ngọt ngào; hội chùa Dâu cùng với lễ rước tượng bà Man Nương đến chùa Mãn Xá thăm mẹ, có hội đánh cờ, đánh vật, bán tò he xanh đỏ cho trẻ con...
Trong Nam thì hội đua ghe ngo ở Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang...; hội đua bò ở Bảy Núi (An Giang) của những “vận động viên chân đất” tranh đua nhau cho nhanh hơn, mạnh mẽ và vui hơn.
Tuy nhiên, nhiều năm gần đây lễ hội không còn yên vui như xưa. Sau nhiều năm bị cấm triệt để vì bị coi là trò mê tín dị đoan, đến nay lễ hội được khôi phục, mở cửa hết cỡ, bất chấp lễ hội gì, hành lễ ra sao. Trong các lễ hội ấy những người trẻ tham gia nhiệt tình nhất, ăn thua nhất, “máu me” nhất.
Ở hội phết Hiền Quang (Phú Thọ), những người trẻ chen chúc nhau, giẫm đạp lên nhau để giành lấy quả phết “may mắn”. Ở Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), những người trẻ la hét, văng tục, rút gậy ra phang nhau để cướp “lộc thánh” là những hoa tre nhuộm vàng đỏ.
Ở hội Xuân Đỉnh (Hà Nội), họ vác cả kiệu thánh đâm nát kính chiếc xe hơi của một phụ nữ vô ý chắn đường bất chấp người này quỳ xuống lạy lục van xin. Ở lễ hội đền Trần, những người trẻ đạp lên đầu lên cổ nhau, giật cả bảo kiếm trên bàn thờ, rồi lấy tiền chà xát lên kiếm.
Kinh hoàng nhất là lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Sau khi con lợn bị dây trói căng ra bốn phía, “đao phủ” chặt một nhát đứt đôi con lợn thì những người trẻ tranh nhau lấy tiền quết máu lợn.
Không hiểu khi chà xát tiền lên kiếm báu, lên máu lợn người ta nghĩ đến cái gì? Nghĩ đến công danh cho bản thân hay lợi lộc cho gia đình? Liệu có ai trong số họ nghĩ đến tội ác?
Lễ hội ở nước nào cũng có. Ở Nhật Bản lễ hội năm mới ở đền Minh Trị có đến hàng mấy chục ngàn người, nhưng tất cả đều vui vẻ xếp hàng chờ đến lượt mình vào làm lễ. Lễ hội rước kiệu ở các đền thờ Thần đạo rất đông, hò hát ồn ào nhưng cũng rất vui.
Thế giới ngày nay ngày càng trở nên nhỏ bé, gần gũi do quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng và sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet.
Nhìn hình ảnh những người trẻ trong các lễ hội trên, chúng ta cứ băn khoăn: họ đã và sẽ giới thiệu với thế giới hình ảnh gì về một đất nước VN hiếu hòa, “vốn xưng văn hiến đã lâu”; về người VN thông minh, cần cù chịu khó, “thương người như thể thương thân”?
Trong tương lai họ sẽ đưa đất nước về đâu, liệu có phải là một đất nước phú cường với nền công nghệ hiện đại, có đời sống văn hóa phong phú và tiên tiến? Hay lại chìm đắm trong cái “ao làng”, nghèo nàn, lạc hậu, biệt lập với thế giới văn minh?
Nghĩ đến điều ấy, chúng ta lại tự hỏi: người lớn đã làm gì để giúp họ, hướng dẫn họ, chuẩn bị cho họ trở thành công dân của một nước VN thịnh vượng, vẻ vang, xứng đáng trong thế giới văn minh?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận