24/09/2023 12:21 GMT+7

Những người trẻ sớm mất ngủ - Kỳ 2: Đời là vạn ngày sầu, ngủ sớm làm gì?

AN VI
và 1 tác giả khác

Nửa đêm, các cửa hàng tiện lợi, quán cà phê mở 24h tại TP Thủ Đức (TP.HCM) vẫn còn những bạn trẻ "ngồi đồng". Ở các quán nhậu, nhiều người trẻ cũng đang tưng bừng với ly bia sóng sánh và nói thẳng tưng "đời là vạn ngày sầu, ngủ sớm làm gì?".

Nhóm bạn trẻ ăn uống, tám chuyện vui vẻ lúc nửa đêm ở TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: AN VI

Nhóm bạn trẻ ăn uống, tám chuyện vui vẻ lúc nửa đêm ở TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: AN VI

Thức vì buồn, lo

Khi được hỏi vì sao đi chơi khuya, Trần Hữu Tuân (21 tuổi) đang buôn chuyện với nhóm bạn bên bàn ăn đáp vội: "Nhỏ bạn em nó buồn tình mới rủ đi giờ này".

Từ chuyện tình, chuyện nghề cho đến những chuyện dỗi hờn đều được hội bạn mang ra chia sẻ. Tuân nói tiếp: "Tí quán đóng cửa, tụi mình qua cà phê overnight". Câu chuyện rôm rả tiếng cười nói cứ thế tiếp tục, và rất có thể kéo dài đến sáng.

Không thất tình như bạn của Tuân, lý do mất ngủ của Nhã Quyên (24 tuổi) còn rắc rối hơn. Hiện cô học ngành phim ảnh tại Berlin, Đức, là niềm yêu thích song cũng tạo cho cô nhiều áp lực. Suy nghĩ nhiều, có lúc cô thức đêm, lúc ngủ rất nhiều nhưng "ngủ li bì, mệt người như bị kiệt sức chứ không phải ngủ khỏe". Có đêm cố lắm vẫn không thể chợp mắt, cô nằm lo nghĩ, thậm chí khóc vì nhớ nhà, "xong nhìn ra cửa sổ thì thấy trời sáng rồi".

Trước khi đi, Quyên đã mường tượng hình ảnh nước Đức nên không quá bất ngờ với cuộc sống mới. "Nhưng về lối sống, đặc biệt là khí hậu, tôi mất khá lâu để thích nghi. Tôi hay vào các hội nhóm sinh viên, pháp lý cũng như hỏi thêm bạn bè ở Đức để tìm hiểu, tránh sự cố bất ngờ hoặc khác biệt văn hóa. Hơn nữa, lớp của tôi gồm những sinh viên quốc tế nên thường giúp đỡ nhau", cô tâm sự.

Cô gái này có vẻ ngoài cá tính nhưng nhiều tâm sự. Lúc nào cô cũng cảm thấy áp lực. "Hồi ở Việt Nam, tôi gặp áp lực công việc, deadline mỗi ngày, làm từ sớm tới khuya. May mắn không áp lực tiền bạc lắm do có gia đình hỗ trợ. Qua đây học, tôi bị áp lực đồng trang lứa, thấy sao bạn bè trong nước thành công quá còn mình vẫn loay hoay ở bên này", cô kể.

Quyên còn chạnh lòng vì khi đến Đức, cô phải bỏ qua một số cơ hội dù cảm thấy may mắn để có thể theo đuổi giấc mơ của mình. Cô còn gặp áp lực tài chính vì sự khác biệt trong mức sống và quy đổi tiền bạc.

Mỗi tháng nhìn số tiền mình dùng, dù cố tiết kiệm, cô vẫn thấy lo lắng vì kiếm được ít mà xài gấp bội.

Chuyện tương lai cũng làm Quyên trăn trở. "Tôi muốn về nước làm việc, nhưng sau khi tốt nghiệp vẫn muốn tìm cơ hội kiếm tiền trước khi về. Tình hình cạnh tranh cũng như khác biệt ngôn ngữ và bối cảnh thị trường khiến tôi hoang mang, kể cả khi tìm kiếm cơ hội thực tập, làm thêm", cô bộc bạch.

Để tâm trạng thoải mái hơn, cô đọc sách, coi phim hoặc đi dạo. Nếu không có gì làm, cô nấu ăn hoặc gọi điện cho gia đình, bạn bè. "Thi thoảng tôi có xông người, xông phòng cho mọi thứ nhẹ nhõm hơn", cô nói.

Đổi giấc ngủ lấy công việc

Những bạn trẻ chủ động thức khuya xem ra vẫn còn có thể thoát khỏi chứng mất ngủ. Nhưng với những người buộc phải làm "cú đêm" vì công việc, hay áp lực cuộc sống, mất ngủ hành hạ họ khủng khiếp.

Làm thêm từ sớm, Dương Trung Tính (sinh viên năm cuối Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) tham gia sáng tạo nội dung cho một kênh YouTube từ năm học thứ hai.

Đặc thù công việc gắn liền với môn bóng đá, việc thức tới 4h - 5h sáng trở thành điều bình thường với chàng sinh viên. "Đa số tôi làm các giải bóng đá quốc tế, mà các trận đấu lớn đều diễn ra vào nửa đêm. Vì thế việc thức theo dõi suốt 90 phút, rồi sau đó hoàn thành bài vở đã trở nên quen thuộc", Tính nói.

Cậu chia sẻ trước đây cũng hay thức khuya, nhưng cùng lắm đến 12h đêm. Còn bây giờ, cột mốc đi ngủ khi xưa trở thành thời điểm cậu bắt đầu làm việc.

Tính tự nhận sức khỏe mình xuống dốc hẳn, tính tình có phần thay đổi từ khi làm công việc này. Ngoài ra, vì phải ngủ bù vào buổi sáng nên thời gian dành cho gia đình và bạn bè trở nên hạn hẹp.

Đỉnh điểm khi vòng chung kết World Cup 2022 diễn ra, có những ngày chàng trai 21 tuổi chỉ ngủ đúng... 1 tiếng. Dù đã ngủ bù sau đó, nhưng cậu vẫn rơi vào trạng thái lờ đờ, mệt mỏi. "Những lần như vậy cảm giác mệt mỏi kéo dài đến mấy ngày liền", Tính nói.

Những đêm không thể tập trung vì thiếu ngủ, Tính còn ra cửa hàng tiện lợi tìm đến cà phê, nước tăng lực để tỉnh táo hơn. Nhưng qua ngày hôm sau, cậu thấy càng mệt mỏi hơn.

Bóng không phải lúc nào cũng lăn, nhưng giờ ngủ của Tính luôn như vậy. Đã thành thói quen, những đêm không làm việc, sinh viên này vẫn không thể nào ngủ sớm được. Hệ lụy là thi thoảng cậu tìm tới thuốc ngủ, "khi mệt mỏi quá, mình thật sự cần ngủ thì phải dùng tới thuốc, nếu không rất khó vào giấc".

Vô vàn lý do người trẻ mất ngủ

Không chỉ bắt buộc thức vì công việc như Tính, hay bị áp lực cuộc sống giống Quyên, nhiều người trẻ còn mất ngủ với đủ mọi lý do.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh (phụ trách đơn vị rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), với người trẻ từ 16 đến 30 tuổi, chứng mất ngủ thường từ ba nguyên nhân chính.

Đầu tiên là stress. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Cuộc sống hiện đại, người trẻ gặp nhiều áp lực từ chuyện học hành, làm việc, chạy "deadline"... Thêm vào đó, nhiều trường hợp ít vận động thể thao, trong khi việc vận động thể lực giúp cơ thể tiết ra một số hormone tạo cảm giác yêu đời, dễ ngủ.

Tiếp theo là tương tác công nghệ. Người trẻ ngày nay tương tác mạng xã hội, dùng điện thoại, laptop trước khi ngủ hoặc làm việc, học tập quá khuya dẫn đến căng thẳng, rối loạn giấc ngủ. Về lâu dài, những trường hợp này sẽ đánh mất giấc ngủ tự nhiên.

Cuối cùng là nguyên nhân nguyên phát. Nguyên nhân này chiếm tỉ lệ ít, trong đó việc mất ngủ có nguồn gốc từ thuở còn bé, như ngủ không sâu, bị rối loạn hành vi khi ngủ (đá chân, đá tay...).

"Ở độ tuổi ngoài 30, nguyên nhân mất ngủ còn xuất phát từ quá trình lão hóa, từ các yếu tố tâm lý như trầm cảm, gặp cú sốc... Những biểu hiện đầu tiên là khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ. Nếu tình trạng kéo dài trên ba tháng thì chuyển sang giai đoạn mất ngủ mãn tính", bác sĩ Hạnh cho biết.

Những hệ lụy nguy hiểm

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh cho biết chúng ta thường dành một phần ba thời gian cuộc đời để ngủ, giúp các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi, tăng tuổi thọ. Do đó, nếu không ngủ đủ giấc (cơ bản người trẻ cần ngủ trên dưới 8 tiếng mỗi ngày), các cơ quan sẽ giảm chức năng hoạt động, đề kháng yếu, từ đó sức khỏe sa sút và giảm tuổi thọ.

Người trẻ nếu chỉ mất ngủ cấp tính và không liên quan những tổn thương thì sức khỏe có thể phục hồi. Nhưng không phải vì thế mà các bạn chủ quan rằng mình còn trẻ, thiếu ngủ cũng chẳng sao vì nếu gặp cú sốc, biến cố... có thể dẫn đến hệ lụy mất ngủ trầm trọng.

Hơn nữa sau 40 tuổi, khả năng phục hồi của cơ thể kém hơn. Do đó từ khi còn trẻ mỗi người nên chú trọng giấc ngủ.

Với những ai hay có suy nghĩ uống rượu bia dễ ngủ, bác sĩ Hạnh cho biết có thể sẽ dễ đi vào giấc ngủ lúc ban đầu nhưng rượu bia lại làm cho cơ thể rối loạn, thiếu nước, cảm giác khát nước, giấc ngủ bị ngắt quãng do quá trình bài tiết (tiểu đêm). Lạm dụng rượu bia lâu ngày có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

****************

Không chạy deadline, không hay la cà quán xá với bạn bè, nhưng những người trẻ này cứ lọ mọ sống về đêm như niềm yêu thích riết rồi giấc ngủ dần rời xa mình.

>> Kỳ tới: Những người thích sống về đêm

Những người trẻ sớm mất ngủ - Kỳ 1: Lướt mạng cho đã con mắt, cho mê cái đầuNhững người trẻ sớm mất ngủ - Kỳ 1: Lướt mạng cho đã con mắt, cho mê cái đầu

Không khó để bắt gặp những 'zombie' ôm điện thoại, máy tính ngồi hàng quán thâu đêm, kể cả 'lang thang bốn phương' đến sáng trên... giường ngủ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên