31/05/2020 14:26 GMT+7

Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ cuối: Hãy làm đi, để khỏi phải nuối tiếc

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm, Nguyễn Thị Mai Khương (34 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, An Giang) từ bỏ văn phòng sau nhiều năm làm việc, quyết tâm thực hiện ước mong ấp ủ bấy lâu: về quê hương làm nông trại.

Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ cuối: Hãy làm đi, để khỏi phải nuối tiếc - Ảnh 1.

Trái dưa lưới vỏ xanh, ruột vàng ươm, ngọt lịm được vun trồng bằng tâm huyết của cô chủ trẻ Mai Khương - Ảnh: DIỆU QUÍ

Tôi cảm thấy bản thân phát triển, vui và tự tin hơn. Tôi đã làm được những điều mà trước kia nghĩ mình không làm được.

Nguyễn Thị Mai Khương

Cô tin rằng đã đến lúc phải làm để mai mốt khỏi phải nuối tiếc tuổi trẻ của mình.

Nhân viên văn phòng thành... nông dân chính hiệu

Vừa làm kinh tế và cũng muốn tìm niềm vui cho bản thân, Mai Khương tận dụng mảnh đất của gia đình để cải tạo thành trang trại dưa lưới, dựa trên nền nông nghiệp sẵn có ở địa phương. Cô cũng là một trong những người tiên phong trong mô hình trồng dưa lưới bằng công nghệ cao tại TP Long Xuyên.

Hai năm trước, nhận thấy bản thân không còn hứng thú với công việc đã gắn bó suốt tám năm tại công ty môi trường, Mai Khương xin nghỉ để thực hiện dự định lâu nay của mình.

"Tôi ấp ủ dự định làm nông từ lâu rồi vì gia đình cũng có gốc là nông dân. Khi đó biết mình thích làm nông nhưng chưa biết cụ thể sẽ trồng cái gì", Mai Khương mở đầu câu chuyện. Mong muốn có một bước đột phá trong sản xuất, cô tìm hiểu một số dự án phát triển nông nghiệp ở các vùng lân cận.

"Lúc tôi vừa nghỉ việc văn phòng thì chính quyền đưa ra chính sách hỗ trợ người dân làm nông nghiệp. Tôi thấy dưa lưới là mặt hàng khá thu hút và có giá trị kinh tế cao nên đã mạnh dạn tham gia", Khương nhớ lại.

Dùng số vốn tiết kiệm sau bao năm làm việc, Khương lập dự án xin hỗ trợ, bao gồm các dự toán và mục tiêu đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế. Với số vốn đầu tư gần 550 triệu đồng, trong đó chính quyền hỗ trợ 50%, nhà màng 1.000m2 trồng hơn 2.000 gốc dưa lưới đầu tiên của Mai Khương ra đời vào đầu năm 2018.

Từ nhân viên văn phòng chuyển sang làm nông, Mai Khương khó tránh khỏi cảm giác bối rối. Thời gian đầu công việc chưa đi vào quỹ đạo, mọi thứ còn lộn xộn khiến cô khá vất vả.

"Lúc đầu tôi khó tiếp cận với công nghệ, chưa tìm được chỗ nào có kỹ thuật chuyên môn và cả chỗ thu mua sản phẩm nên cứ rối bời. Dự án hỗ trợ với điều kiện là phải chứng minh mình sẽ tiêu thụ được sản phẩm, cụ thể là phải có hợp đồng bao tiêu, trong khi mình chưa kiếm ra thì làm sao có được hợp đồng đó. 

Dần dần tôi tìm hiểu trên mạng, hỏi những người đã từng làm, hỏi mấy đơn vị thi công nhà màng. Ngay cả lúc viết dự án cũng chưa hình dung phải viết thế nào, sửa tới sửa lui mấy lần mới hoàn chỉnh. Và đến giờ tôi đã có thể xử lý nhiều vấn đề từ vườn dưa của mình", Mai Khương kể.

Sau khoảng thời gian chịu khó học hỏi, Khương có được hợp đồng đầu tiên với đơn vị chuyên môn tại địa phương về hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm. Giống dưa lưới Taki nhập từ Nhật Bản được trồng trong nhà màng với hệ thống tưới nhỏ giọt để hạn chế tối đa côn trùng, sâu bệnh tấn công, đảm bảo an toàn cho người trồng và cho trái chất lượng. Hệ thống lọc giúp kiểm soát nguồn giống, nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Một điểm nữa là do trồng trong nhà màng nên khi dưa ra hoa, nông dân phải trực tiếp thụ phấn cho dưa, thường xuyên tỉa lá, nhánh để vườn thông thoáng, các yếu tố mắc bệnh và cây tập trung dinh dưỡng để nuôi trái.

Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới được xem là nơi thích hợp trồng dưa lưới - loại quả chịu được nắng, nhiệt. "Trồng dưa lưới phải tìm hiểu quy trình cụ thể, theo dõi quá trình phát triển xuyên suốt của cây để có biện pháp xử lý kịp thời từ quy trình xử lý, ươm giống và cây con, phòng trừ sâu bệnh và nứt trái, phân bón hợp lý. Vậy mới cho ra trái ngon được", cô cho biết.

Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ cuối: Hãy làm đi, để khỏi phải nuối tiếc - Ảnh 3.

Mai Khương cùng vườn dưa lưới sai trái ngon của mình - Ảnh: DIỆU QUÍ

Vượt qua giới hạn

Hôm tôi đến, cả hai trang trại dưa lưới của Mai Khương vừa thu hoạch hai tuần trước nên chưa có trái đến độ thu hoạch. Lấy trái dưa trong nhà ra cắt cho tôi ăn, miếng dưa vàng ươm, ngọt lịm như làm dịu đi cái nóng hầm hập đầu hè, Mai Khương tâm sự đây là số dưa còn lại để dành cho gia đình sau khi đã bán 2,5 tấn hồi giữa tháng.

"Mùa tết vừa rồi dưa lưới cực kỳ hút hàng, người ta gọi đặt mua nườm nượp mà không còn trái nào để bán", cô nói. Vụ thu hoạch "đỉnh" nhất của Khương là đợt đầu tiên, lần đó 4 tấn dưa hái xong bán hết sạch.

Mỗi năm bốn vụ, năng suất 3-3,5 tấn/vụ. Khương bán cho các khách lẻ và sỉ khoảng 1,5 tấn với giá 45.000 - 60.000 đồng/kg, còn lại thương lái thu mua với giá 35.000 đồng/kg. Việc mua bán có thể diễn ra tại vườn, đặt hàng trên mạng xã hội và giao tới một số vùng trong tỉnh, chợ đầu mối tại TP.HCM. Mỗi vụ trừ chi phí ra, Mai Khương bỏ túi khoảng 70-80 triệu đồng.

Con đường khởi nghiệp có vẻ bằng phẳng với sự chuẩn bị chu đáo từ trước, nhưng không có nghĩa là Mai Khương hoàn toàn "miễn nhiễm" với nỗi sợ thất bại. Như đa phần các start-up trong giai đoạn đầu, nỗi sợ luôn thường trực trong mỗi bước đi của Khương. Cô vẫn lên kế hoạch từng ngày, thận trọng với một vài rủi ro trước mắt. Mùa dịch đến, thương lái tiêu thụ chậm, dưa cũng rớt giá. Ứng phó với rủi ro, cô chủ động tìm đầu ra chứ không phụ thuộc vào một chỗ.

"Mùa dịch làm doanh số sụt giảm đôi chút nên cũng hơi sợ. Nhưng mình đánh giá rủi ro đó tới mức độ nào, nếu sợ rồi không làm sẽ chẳng được gì. Hồi mới xây nhà màng giữa đồng trống, lo côn trùng tới cắn nhà màng và dưa, rồi sợ trái không đạt chất lượng hoặc không bán được. Còn bây giờ tôi tìm nhiều chỗ mua dưa, mỗi chỗ một chút nên cũng không thiệt hại nhiều", Khương tâm sự.

Mấy tháng trước, Khương mở thêm nhà màng 500m2, tiếp tục canh tác dưa lưới bên cạnh vườn măng tây, cà chua bi gần đó. Khương chú trọng đẩy mạnh chất lượng sản phẩm và dịch vụ giao hàng, lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người.

Chia sẻ về dự định sắp tới, Khương cho biết: "Mục tiêu ngắn hạn của tôi là kiểm soát chất lượng, năng suất đạt tối thiểu 3 tấn/vụ. Mình phải làm cho dưa lúc nào cũng đẹp, ngon để đạt được sự tin tưởng của khách. Cuối năm nay tôi sẽ làm thêm nhà màng 500m2 để thu hoạch xoay vòng, phát triển hệ thống bán lẻ trong khu vực miền Nam và mở rộng du lịch nhà vườn".

"Khương nghĩ mình đã thành công chưa?". "Chắc là thành công nhỏ thôi, còn phải cố gắng nhiều hơn. Việc khởi nghiệp đã giúp tôi cải thiện kinh tế gia đình, thu nhập tăng gấp đôi so với trước kia", Khương cười tươi đáp lời.

Phát triển du lịch nông nghiệp

Để sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước và tương lai xuất khẩu sang nước ngoài, Mai Khương đã đăng ký thương hiệu Giving’s Farm với Cục Sở hữu trí tuệ. Cô tận dụng vườn dưa lưới để phát triển du lịch bằng cách cho mọi người đến tham quan, chụp ảnh, hái dưa ăn tại vườn...

____________________________________________________________

Không còn phải giấu giếm bí mật như trước kia nữa, hiện nay phẫu thuật chuyển giới là hành động dũng cảm của những cô gái trót sinh ra với hình hài con trai. Hành trình đi tìm lại chính mình của họ không chỉ có nỗi đau đớn mà còn lấp lánh niềm hạnh phúc. Và đó là những bí mật được chính người trong cuộc muốn công khai...

Mời đón đọc hồ sơ: Phẫu thuật chuyển giới - Những bí mật chưa kể

Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ 7: Làm giàu từ đặc sản quê nhà Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ 7: Làm giàu từ đặc sản quê nhà

TTO - Đương đầu thử thách thay vì chọn một cuộc sống êm đềm. Đó là những gì có thể khái quát về chàng trai Trương Lê Huy Hoàng (32 tuổi, quê Đồng Tháp), người từng có 8 năm theo nghề giáo rồi bất ngờ rẽ bước sang kinh doanh.


DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên