28/05/2020 08:54 GMT+7

Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ 5: Bỏ phòng LAB, về vườn làm nông sản sạch

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Từ chỗ làm việc phòng LAB, chàng kỹ sư trẻ Huỳnh Phú Lộc (30 tuổi, quê An Giang) bất ngờ chuyển hướng sang trồng nông sản sạch, lắp đặt nhà màng công nghệ cao.

Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ 5: Bỏ phòng LAB, về vườn làm nông sản sạch - Ảnh 1.

Làm nông nghiệp trong nhà màng, nông sản của Lộc bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng - Ảnh: NVCC

Bà con nông dân rất chịu khó tiếp thu cái mới, mình tin thời gian tới nông nghiệp công nghệ cao sẽ phổ biến hơn ở miền Tây và giúp người dân làm giàu.

Huỳnh Phú Lộc

"Trái ngọt" sau hơn 3 năm gắn bó với anh không phải là những vườn cây trái thu bạc tỉ mà là niềm vui san sẻ cách làm giàu với bà con nông dân vùng châu thổ.

Làm công nghệ cao khó mà dễ

Ngay trung tâm TP Vĩnh Long sầm uất, khu nhà màng trồng cà chua, dưa leo baby, dưa lưới theo hướng công nghệ cao của Huỳnh Phú Lộc hằng tuần đều đón đông đảo khách đến tham quan. Với suy nghĩ muốn bán được hàng phải tạo cho khách sự an tâm về chất lượng, những năm gần đây Lộc không ngần ngại đón khách trực tiếp vào vườn. Nhìn những cây cà chua cao 4,5m sai oằn, khách đến tham quan không khỏi thích thú và ai ra về cũng mang theo vài loại trái trong khu vườn.

Áp dụng công nghệ hiện đại, chủ vườn có thể bón phân, tưới nước dù ở cách xa hàng chục cây số. Các thông số về độ ẩm, ánh sáng cũng được báo thông qua ứng dụng điện thoại. Theo Lộc, chỉ cần cài đặt phần mềm và các thiết bị cảm ứng là anh có thể dùng điện thoại thông minh để "chăm sóc" khu vườn của mình. "Làm nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân tiết kiệm sức lao động, dễ dàng quản lý sâu bệnh. Vườn đạt năng suất cao, thu lợi nhuận gấp nhiều lần sản xuất truyền thống" - Lộc chia sẻ.

Hơn 3 năm gắn bó với nông sản sạch, chưa một lô hàng nào của Lộc bị khách trả lại hoặc phàn nàn. Nhờ uy tín và chất lượng đã được kiểm chứng qua nhiều mùa vụ nên hầu như lô nông sản nào cũng được bao tiêu hết ngay từ lúc xuống giống. "Sản phẩm chủ yếu đưa vào cửa hàng nông sản sạch và các siêu thị lớn. Giá cao hơn so với bình thường nhưng khách hàng không hề đọ giá mà còn quay lại ủng hộ trong những lần tiếp theo" - Lộc cho biết.

Dẫn tôi đi thăm vườn cây một tuần tuổi đang trồng thử nghiệm trong nhà màng quy mô nhỏ, Lộc chia sẻ: "Mỗi năm tui đều trồng thử nghiệm các giống mới để đánh giá xem cây có phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng miền Tây hay không. Sau khi thử nghiệm thành công thì chuyển sang trồng đại trà quy mô lớn". Chính khu vườn nhỏ này là nơi khởi đầu ước mơ của Lộc cách đây 3 năm, thời điểm trồng cây trong nhà màng, tưới nhỏ giọt vốn còn lạ lẫm với người dân đồng bằng.

Ít ai biết rằng cơ duyên Lộc đến với nông nghiệp công nghệ cao cũng hoàn toàn tình cờ. Vốn học kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm (Đại học Cửu Long), Lộc từng bôn ba An Giang, Bến Tre rồi lên tận TP.HCM làm nhân viên phòng LAB. Nhiệm vụ của Lộc là kiểm tra các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, kháng sinh trong phòng thí nghiệm. Trong những chuyến công tác đi các tỉnh, Lộc thường hay ghé vào các khu nhà màng công nghệ cao để tìm hiểu rồi đam mê lúc nào không hay.

Cuối năm 2017, với vốn tích góp từ những năm đi làm trước đó, Lộc quyết xây dựng nhà màng trồng nông sản. "Toàn bộ vốn liếng tui đầu tư vào hơn 1.500m2 nhà màng cùng hệ thống tưới. Hướng đi khá mạo hiểm nhưng tui khá tự tin bởi hiện nay người tiêu dùng chuộng nông sản sạch" - Lộc tâm sự.

Vụ đầu tiên, Lộc trồng hơn 2.500 cây cà chua giống Hà Lan. Do trồng trong nhà màng nên cây ít sâu bệnh, có thể chủ động điều tiết phân bón, nước tưới. Với năng suất 4kg/cây, câu chuyện tiêu thụ khoảng 10 tấn cà chua ban đầu trở thành bài toán khó giải với chính bản thân Lộc.

Do giá thành tương đối đắt đỏ, khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, đắt gấp nhiều lần so với cà chua bình thường nên người tiêu dùng ở chợ hầu như không dám mua. "Chỉ có thể tấn công vào siêu thị và cửa hàng tiện lợi" - Lộc tự nhủ rồi tìm cách. Anh mang cà chua đi kiểm tra thành phần dinh dưỡng, độ an toàn rồi đem giấy chứng nhận đi chào hàng các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị. "Đầu ra dần ổn định, dù giá cả tương đối cao nhưng do sản phẩm sạch, an toàn nên khách hàng vẫn tiêu thụ mạnh" - Lộc chia sẻ.

Những vụ mùa sau đó với giống cà chua đen từ Nga cũng thành công ngoài mong đợi. Lấy lại được chi phí bỏ ra làm nhà màng, Lộc chuyển sang trồng dưa lưới để đánh giá tiếp nhu cầu thị trường với loại trái cây này. "Trồng dưa lưới có thể cắt mầm bệnh cà chua sau nhiều vụ canh tác. Ngoài ra, một vụ dưa lưới trung bình khoảng 2,5 tháng, mỗi năm có thể trồng 4 vụ" - Lộc cho biết.

Trung bình một vụ dưa lưới trên 1.000m2 cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, thu nhập đáng mơ ước so với bà con trồng dưa hấu, dưa lê ngoài ruộng. Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch, hiện Lộc đầu tư thêm 3 nhà màng trồng dưa lưới tại huyện Chợ Mới (An Giang). "Đầu ra cho nông sản sạch không quá khó, chỉ cần có tâm và đam mê thì chắc chắn thành công" - Lộc chia sẻ.

Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ 5: Bỏ phòng LAB, về vườn làm nông sản sạch - Ảnh 3.

Dưa leo trồng trong nhà màng cho năng suất vượt trội - Ảnh: NVCC

Cùng bà con làm nông sản sạch

Gần đây, người ta thấy Lộc đi khắp đồng bằng từ Vĩnh Long, Trà Vinh cho đến Cần Thơ, An Giang để lắp nhà màng và tư vấn kỹ thuật trồng nông sản sạch. Hỏi Lộc sức đâu mà di chuyển như con thoi không mệt nghỉ như thế, Lộc cười hiền chia sẻ: "Tui muốn mang sức trẻ, kiến thức tích lũy được giúp cho càng nhiều bà con càng tốt. Xu hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là tất yếu trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe bản thân và gia đình".

Thành quả có được hôm nay là chuỗi ngày Lộc kiên trì thuyết phục đối tác, mời nông dân đến tham quan nhà màng, quy trình sản xuất để tạo được sự tin tưởng. "Chi phí lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới lên đến hàng trăm triệu, do đó không phải ai cũng dám bỏ số tiền lớn để mạo hiểm. Muốn họ làm nông nghiệp công nghệ cao phải cho họ thấy được thành quả thu được, yên tâm về đầu ra sản phẩm" - Lộc cho biết.

Qua giới thiệu của bạn bè, anh Phan Nhựt Thanh (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) tìm đến Lộc để lắp nhà màng trên diện tích 1.500m2. Chỉ sau 2 vụ trồng dưa lưới, dưa leo baby, anh đã có thu nhập ổn hơn so với cách làm truyền thống. "Anh Lộc tận tình hướng dẫn kỹ thuật, cách trồng cũng như giới thiệu đơn vị tiêu thụ. Làm nông theo cách truyền thống tốn nhiều phân thuốc mà lợi nhuận chẳng bao nhiêu. Chuyển qua làm trong nhà màng đảm bảo an toàn mà giá cả cũng ổn định" - anh Thanh chia sẻ.

Theo Lộc, thời gian tới anh sẽ tập trung phát triển hệ thống nhà màng khắp vùng ĐBSCL cũng như chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Hiện tại do chi phí nhà màng tương đối cao nên anh đang tìm các giải pháp giảm giá thành lắp đặt, giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với sản xuất hiện đại. "So với thời điểm mình xây dựng nhà màng thì hiện giá thành đã giảm khoảng 10-20%" - Lộc bày tỏ.

Rẽ hướng vì đam mê

Trước thời điểm chuyển hướng sang nông nghiệp công nghệ cao, Lộc làm nhân viên kinh doanh các dụng cụ, test kit phòng thử nghiệm ở TP.HCM cũng như đào tạo nhân viên ở các phòng LAB ở các tỉnh, thành khác.

"Nguyên nhân tui chuyển qua nông nghiệp công nghệ cao là muốn mang lại cho người tiêu dùng sản phẩm sạch do vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thời điểm đó khá phức tạp. Ngoài ra do đam mê, suy nghĩ phải làm gì đó cho bản thân và nông dân nơi tui sống đã thôi thúc tui đến với nông sản sạch" - Lộc tâm sự.

Từ chàng công nhân ly hương năm 17 tuổi, Pho quyết tâm về lại quê hương miền Tây và giờ đây đã trở thành "cậu chủ"...

Kỳ tới: Nghỉ mần thuê, về vườn làm "cậu chủ"

Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ 4: Làm giàu cho quê hương mình trước Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ 4: Làm giàu cho quê hương mình trước

TTO - Trẻ trung, đam mê nông nghiệp và mong muốn làm giàu cho quê hương mình, chàng trai Lương Trung Nghĩa (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang) đã quyết định bỏ công việc lãnh lương an toàn để khởi nghiệp với cánh đồng măng tây hiện đại...

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên