Hai nhà nghiên cứu trẻ Kieran James Mikhail và Phạm Ngọc Minh Trang trao đổi tại Hội nghị - Ảnh: Trung Tân |
Trong Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 8 2016 do Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, Hội Luật gia VN đồng tổ chức vừa diễn ra tại Nha Trang, nhóm tám nhà nghiên cứu trẻ đến từ bảy quốc gia trong Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ (YLP) trình bày quan điểm, trả lời phản biện của hàng chục “cây đa, cây đề”.
Trước những học giả lừng danh nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông khắp thế giới, nhóm YLP tự tin bày tỏ những quan điểm, nghiên cứu mới mẻ của mình.
Theo các nhà nghiên cứu trẻ, giới khoa học và các quốc gia cần xích lại gần nhau, tạo dựng niềm tin vì những mục tiêu lớn lao hơn cho hòa bình, thịnh vượng ở Biển Đông.
Những góc nhìn mới mẻ
YLP cho rằng khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là sự mất lòng tin từ các quốc gia liên quan khiến sự hiểu lầm, tranh chấp càng không được gỡ bỏ. Vì vậy thúc đẩy niềm tin, tăng cường truyền thông minh bạch, không vì lợi ích của riêng quốc gia nào để đi đến đích chung là hợp tác, hòa bình.
“Chúng tôi cho rằng cần có hợp tác cùng nhau về tăng cường năng lực, việc bảo vệ môi trường và đường giao tiếp chung giữa các nước cho tàu bè để không xảy ra các đụng độ” - anh Christian Schultheiss, nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa chính trị và nghiên cứu quốc tế Trung tâm nghiên cứu các cường quốc trỗi dậy, ĐH Cambridge (Vương quốc Anh), đề nghị.
Thạc sĩ Phạm Ngọc Minh Trang - nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết nhóm đi sâu vào nghiên cứu về sự hợp tác, xây dựng niềm tin giữa các quốc gia để tránh những hiểu lầm, mà đối tượng tác động trước là “people and people” - giữa con người với con người - chứ không phải là quốc gia.
TS Hà Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, trưởng nhóm YLP - cho biết lần đầu tiên nhóm YLP tham dự hội thảo về Biển Đông và các bạn đưa ra nhiều ý tưởng mới mẻ lẫn cụ thể.
Theo đó, nhóm cho rằng Trung Quốc thiếu lòng tin vì sợ các nước nhỏ lôi kéo Mỹ tham gia. Ngược lại, các nước nhỏ không tin Trung Quốc vì các hành động khiêu khích, xây dựng, cải tạo các đảo trên Biển Đông của nước này.
Vì vậy, nhóm cho rằng cần thúc đẩy niềm tin giữa các quốc gia bằng những việc làm cụ thể như việc giao lưu giữa “con người với con người”, giữa những người dân với nhau...
Theo đó, nhóm nghiên cứu mọi mặt trong mối liên hệ tranh chấp ở Biển Đông. Có thành viên tìm hiểu vấn đề kinh tế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến số phận cộng đồng liên quan; ý tưởng đột phá để giải quyết tranh chấp; ảnh hưởng tới các quốc gia thứ ba (không trực tiếp tranh chấp tại Biển Đông) như New Zealand, Úc...
“Từ đó, chúng tôi đề ra các giải pháp để giảm căng thẳng ở Biển Đông, tăng cường hòa bình, thịnh vượng” - thạc sĩ Minh Trang cho biết.
Để mở rộng mối liên kết và sự hiểu biết, nhóm đề xuất thành lập các nhóm nghiên cứu trẻ ở các nước để gặp gỡ trao đổi, chia sẻ thông tin thường xuyên.
Nhóm cũng đang đề xuất thành lập một tổ chức để nghiên cứu trữ lượng cá ở Biển Đông, sản lượng đánh bắt của các nước để công bố, chia sẻ thông tin công khai, minh bạch.
Ngoài ra, theo TS Anh Tuấn, để xây dựng lòng tin, yêu cầu bắt buộc là phải có nghiên cứu sinh, học giả trẻ người Trung Quốc:
“Chúng tôi cho rằng việc các nhà nghiên cứu giữ lập trường của nước mình là đương nhiên, nhưng cũng cần tôn trọng lập trường của nghiên cứu sinh quốc gia khác. Từ đó, những người trẻ sẽ dễ có tiếng nói chung”.
Thế hệ tiếp nối
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, anh Kieran James Mikhail Ireland - nghiên cứu sinh tại ĐH Victoria Wellington (New Zealand) - cho biết nghiên cứu của anh nêu lên vai trò của New Zealand trong tranh chấp ở Biển Đông, các chiến lược của New Zealand tại vùng biển này.
“Tôi nghiên cứu các tranh chấp ở Biển Đông, hay hẹp hơn là ở Hoàng Sa và Trường Sa, có ảnh hưởng gì đến New Zealand vì việc đi lại của đất nước tôi qua vùng biển này khá thường xuyên” - anh nói.
Còn chị Aletheia Valenciano - trợ lý nghiên cứu Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển (Philippines) - cho biết nơi chị đang giảng dạy là khoa mạnh nhất về khoa học chính trị nhưng không nhiều người quan tâm nghiên cứu đến Biển Đông. Vì vậy chị sẽ xây dựng một thế hệ mới những nhà nghiên cứu Philippines quan tâm đến tình hình Biển Đông.
Chị Aletheia Valenciano cho biết mình được đi dự nhiều hội thảo về Biển Đông ở Đài Loan, Trung Quốc và cả Việt Nam nên có điều kiện nói lên được tiếng nói của các học giả trẻ đất nước mình.
Theo TS Hà Anh Tuấn, việc giải quyết tình hình Biển Đông sẽ không chỉ trong 5 hay 10 năm, mà có thể dài hơn. Trong khi đó, phần lớn những nhà nghiên cứu hiện nay đã lớn tuổi.
Vì vậy, mục tiêu của học viện là kết nối, khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ tiếp bước. Mong muốn của ban tổ chức là các bạn trẻ đưa ra những ý tưởng mới, sáng tạo trong nghiên cứu về Biển Đông.
“Chúng tôi kỳ vọng nhóm sẽ đưa ra những ý tưởng mới, không ngại sai” - TS Tuấn nói. Và chỉ có như thế mới có những ý kiến táo bạo, giải pháp đột phá.
Tập hợp những người nghiên cứu trẻ quan tâm đến Biển Đông Theo TS Hà Anh Tuấn, từ năm 2015 Hội thảo Biển Đông thường niên khởi động Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ thu hút nhiều học giả trẻ, nghiên cứu sinh từ nhiều nước thảo luận cách thức để thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông. Chương trình có hai mục tiêu chính: tập hợp quan điểm của các học giả trẻ về cách thức quản lý tranh chấp ở Biển Đông; thu hút và xây dựng mối quan tâm nghiên cứu của thế hệ học giả mới về tranh chấp tại Biển Đông. Hội thảo năm 2016 là lần đầu tiên các học giả trẻ trình bày quan điểm, nghiên cứu của mình về tình hình Biển Đông cho hơn 100 học giả trong và ngoài nước. Có tám thành viên đến từ bảy quốc gia gồm: Việt Nam (hai người), Trung Quốc, New Zealand, Malaysia, Vương quốc Anh, Singapore, Philippines. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận