15/06/2021 07:15 GMT+7

Những người tình nguyện đến Bắc Giang 'chưa hết dịch thì ta chưa về'

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - 'Chúng tôi ở bếp nấu 2.400 suất ăn mỗi ngày nhưng vẫn chưa nóng bằng các bác sĩ mặc áo bảo hộ một giờ' - chị Chu Thị Sỹ, bếp phó nhà khách Bắc Giang, trải lòng về những chiến sĩ áo trắng đang tham gia chống dịch ở điểm nóng này.

Những người tình nguyện đến Bắc Giang chưa hết dịch thì ta chưa về - Ảnh 1.

Sau buổi làm việc, mồ hôi đẫm áo, đoàn bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển kết tay quyết tâm giúp Bắc Giang chống dịch - Ảnh: NVCC

Thời điểm dịch giã bùng nóng đầu tháng 6, số lượng y bác sĩ và sinh viên tình nguyện về Bắc Giang lên tới 800 người. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang vẫn huy động nhiều nguồn lực có thể để tiếp đón chu đáo các đoàn hỗ trợ. Nhà khách Bắc Giang và nhiều khách sạn đã dành toàn bộ số phòng cho các đoàn lưu trú.

Chị đầu bếp, anh tài xế cũng chống dịch

Nhờ khuôn viên rộng lớn, thoáng mát, nhà khách Bắc Giang đã phục vụ ăn uống cho phần lớn các đoàn. Mỗi ngày ba bữa sáng, trưa, tối, tổng khoảng 2.400 suất ăn. "Đồ ăn ở đây nhiều và ngon hơn ở ký túc xá để chúng em có sức khỏe hỗ trợ chống dịch" - Thu Nga, sinh viên ĐH Y Hải Phòng, cho biết.

"Chúng tôi mong các đoàn đến đây ăn cho nóng. Nhưng về sau làm việc mệt quá có đoàn chỉ đến lấy cơm về khách sạn ăn. Nhà bếp lại chuyển sang phục vụ cơm hộp cho tiện. Trời nắng nóng, các bác sĩ mặc áo bảo hộ còn nóng hơn chúng tôi trong bếp gấp nhiều lần" - chị Chu Thị Sỹ nói và cho biết thêm cũng nhận được thực phẩm từ nhiều nơi gửi về.

Các hãng xe du lịch, xe khách trong tỉnh cũng được huy động sẵn sàng phục vụ tình nguyện viên. Mỗi khi có đoàn về, tỉnh lại cử xe đi đón, xe của đoàn có thể quay về ngay. Xe của tỉnh sẽ đảm nhiệm việc đưa đón trong suốt quá trình đoàn bác sĩ, tình nguyện viên chống dịch tại Bắc Giang.

Ngoài xe khách, còn có xe nhỏ của ban chỉ đạo phòng chống dịch và các địa phương hỗ trợ việc khẩn cấp. Khi đoàn nào phải di chuyển đều được sự giúp đỡ tận tình. Bác sĩ cần tăng cường đến địa điểm nóng cũng có xe sẵn sàng ngay.

Bác sĩ Ngọc Điệp, trưởng đoàn Quảng Ninh, kể: "Khi nhóm bác sĩ phải vào các ngõ sâu làng quê, thôn trưởng huy động cả xe lam, xe công nông, xe ôm chở từng bác sĩ".

Mỗi chuyến xe từ vùng dịch trở về khách sạn, bảo vệ đã chờ sẵn với hai bình xịt khuẩn, lập tức khử khuẩn toàn bộ bên trong và bên ngoài xe. "Có hôm đoàn về muộn lúc 3h sáng, bảo vệ vẫn thức khử khuẩn, nhà bếp vẫn nấu bữa ăn nóng hổi cho chúng tôi. Điều này đã tiếp sức cho chúng tôi chống dịch mỗi ngày" - bác sĩ Điệp bày tỏ.

Những người tình nguyện đến Bắc Giang chưa hết dịch thì ta chưa về - Ảnh 2.

Đoàn bác sĩ được đón bằng xe ba bánh vào chống dịch trong làng - Ảnh: NVCC

Ngày tháng không quên

Nhìn bảng điện tử trước phòng ăn của nhà khách, chúng tôi biết được hôm nay có 8 đoàn tình nguyện đang ở Bắc Giang. Gồm đoàn Quảng Ninh, Nam Định, Lào Cai, Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y, dược Thái Nguyên, ĐH Y Hải Phòng, Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam.

Trước đó là các đoàn Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, Bệnh viện Chợ Rẫy, ĐH Y TP.HCM. Có đoàn xuất quân lần thứ 2 như ĐH Y Hải Phòng, lần thứ 4 như ĐH Y Thái Nguyên. Ở các đoàn đều có lượng thành viên đăng ký vượt quá số lượng yêu cầu, người không được đi thì viết đơn, gọi điện, gửi tin nhắn giãi bày với trưởng nhóm.

Bác sĩ Ngọc Điệp mở điện thoại lướt cho chúng tôi xem một loạt tin nhắn của đồng nghiệp mong muốn được "ra trận". Có người trách đã chuẩn bị xong mọi thứ mà không được duyệt và dặn khi nào có đợt mới phải cho lên đầu danh sách.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, phó trưởng đoàn ĐH Y Hải Phòng, phải hứa hẹn nhiều bạn sinh viên để dành đợt sau. "Đoàn chúng tôi có hơn 80 người đi đợt này, rất nhiều bạn sinh viên năm thứ 3 và năm cuối xin đăng ký. Các bạn trẻ rất hào hứng và nhiệt huyết" - thầy Hải nói và cho biết nhà trường đã lập hai đội phản ứng nhanh từ đầu mùa dịch, chia làm hai tổ, mỗi tổ 200 người.

Đoàn ĐH Y, dược Thái Nguyên đợt ra quân lần thứ 4 có 110 cán bộ, học viên, sinh viên. Hoàng Văn Lâm, trưởng nhóm sinh viên, chia sẻ: "Đoàn ra quân với tinh thần quyết tâm cao, không ngại gian khổ, phải coi mình như chiến sĩ".

Cửa ải mà các đoàn vượt qua mùa hè này không chỉ một loại virus nguy hiểm, có độ lan nhanh mà còn là sức nóng của bộ đồ bảo hộ dưới trời nắng trên 40oC kéo dài và cường độ làm việc cao.

Thúy Nga - sinh viên năm 3 ĐH Y, dược Thái Nguyên - cùng vài người bạn ngồi phịch xuống nền gạch, cạnh chiếc xe khách vừa đưa đoàn về khách sạn. Người bóp chân, người vắt vạt áo thấm nước do mặc bảo hộ: "Lần đầu tiên trong đời em mặc bộ quần áo này. Mặc rồi thì không uống nước, đi vệ sinh được. Lúc nóng quá ghé vào quạt mát cũng không có tác dụng" - Nga nói.

Nga đi một đôi xăngđan, mặc quần cộc, áo phông. "Ngày đầu cả đoàn mặc quần áo dài. Bây giờ thì chỉ mỗi quần đùi áo cộc cho mát, tới điểm dịch mới mặc bảo hộ trước khi xuống xe".

Nguyễn Trung Hậu, sinh viên năm 3 ĐH Y Hải Phòng, xòe bàn tay bị rách một miếng da vì đeo bao tay cao su, làm việc nhiều giờ liên tục. "Nhiều bạn còn bị dị ứng nổi mẩn, sưng mặt, sưng cả người nhưng được các thầy chuẩn bị thuốc men đầy đủ và nghỉ ngơi đã khỏe lại" - Hậu cho biết khó khăn thì khắc phục chứ không ai xuống tinh thần.

"Nhiều người dân mang nước cho bọn em nhưng vì sự an toàn, mặc đồ bảo hộ thì không được phép uống. Em sợ bà con buồn. Em nhớ lúc dỗ dành hai cháu bé sinh đôi lấy mẫu, hai bé rất đáng yêu, em phải tạo niềm tin để hai bé đồng ý" - Hậu kể kỷ niệm khó quên.

Dịch chưa hết thì chưa biết ngày nào về, em cũng xác định chuyến đi dài mà. Bố mẹ có lo lắng, dặn em giữ an toàn cho mình và người xung quanh. Bố mẹ cũng tự hào về em lắm.

Đỗ Thu Trang (sinh viên năm 3 ĐH Y Hải Phòng)

"Chưa hết dịch thì ta chưa về"

Đoàn bác sĩ Quảng Ninh đến Bắc Giang từ sớm, nhiều kinh nghiệm nên thường hỗ trợ các đoàn khác, nhất là đoàn sinh viên. Nhờ đó tiến độ công việc được đẩy nhanh, giảm mệt nhọc. Trong điều kiện dịch bệnh vẫn phức tạp, các đoàn phải nghĩ cách chuyển hướng sang trạng thái chống dịch lâu dài.

"Chúng tôi phải sắp xếp thời gian và ca làm việc để bảo đảm sức khỏe cho các đoàn bác sĩ và sinh viên. Vì chưa biết ngày nào dịch hết nên chưa thể hẹn ngày về" - bác sĩ Ngọc Điệp cho biết.

Các đoàn chia ca, giảm từ 3 ca xuống còn 2. Thời gian cũng chuyển từ buổi trưa nắng nóng sang chiều tối và làm cho tới đêm khuya. Các kinh nghiệm cũng được rút ra, các đoàn liên hệ với địa phương trước khi đến lấy mẫu để bà con hợp tác.

Làm quen với công việc và môi trường, các tình nguyện viên có khiếu hài hước bắt đầu pha trò, niềm vui khỏa lấp bớt mệt nhọc. Bộ bảo hộ trùm kín mặt mũi, họ dùng bút mực nét đậm viết tên nhóm, số bàn để dễ nhận biết. Có bác sĩ vui tính dùng bút viết, vẽ hình vui nhộn sau lưng như "Biệt đội Covid", "Mệt chỉ là cảm giác", "Chưa có người yêu", hình trái tim yêu thương...

Nhiều cách giảm nhiệt

anh 3 (12) bg 1(read-only)

Nhiều cách làm mát đồ bảo hộ như ngồi trong thau nước đá - Ảnh: NVCC

Phương pháp giảm nhiệt cho bộ đồ bảo hộ cũng được các bác sĩ sáng tạo. Ban đầu phun xịt cồn nhưng cách này chỉ được dăm phút, về sau nghĩ ra cách lấy đá lạnh lăn hay ngâm mình vào chậu nước đá. Cách này được lấy ý tưởng từ cách điều trị cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt ở bệnh viện. Dùng đá lạnh hiệu quả cao và được người dân giúp đỡ nhiệt tình, chuẩn bị sẵn các chậu nước đá ở điểm lấy mẫu xét nghiệm cho các bác sĩ.

1.000 sinh viên y khoa TP.HCM tình nguyện tham gia chống dịch COVID-19 1.000 sinh viên y khoa TP.HCM tình nguyện tham gia chống dịch COVID-19

TTO - Sinh viên của 2 trường y lớn nhất TP.HCM đang tình nguyện ngày đêm tham gia công tác chống dịch COVID-19 hỗ trợ ngành y tế TP.HCM.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên