Quán Đạm ở Hội An vận động khách hàng mang theo đồ đựng khi mua thức ăn tại quán - Ảnh: N.HẢI
Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của bạn đọc Nguyên Hải ghi lại những câu chuyện "bật một que diêm" trong cuộc vận động mọi người hạn chế dùng sản phẩm độc hại từ nhựa.
1. Câu chuyện của bạn Nguyễn Phương Dung (nhân viên văn phòng, TP.HCM), người từng mạnh dạn đề nghị các quán ăn không dùng ống hút nhựa. Dung cùng nhóm những người bạn mình kiên trì vận động mọi người từ chối túi nilông.
Dung chia sẻ: "Tôi từng lặng lẽ làm những điều mình nghĩ có ích cho môi trường nhưng chưa thực sự quyết liệt. Chỉ một năm trở lại đây, tác động từ những chiến dịch, hành động vì môi trường tôi dần thay đổi triệt để và chịu khó viết ra, chia sẻ với mọi người.
Tôi vui vì nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, ví như một quán ăn không dùng ống hút nhựa sau khi nhận được mẩu giấy ăn có chữ viết tay của tôi. Đặc biệt, mẹ tôi - một phụ nữ lớn tuổi ở quê - đã đi chợ với túi vải, hộp...".
Dung nói tại TP.HCM có một vài cửa hàng cung cấp thực phẩm chấp nhận bán theo khối lượng khách hàng mua mà không phải đựng trong túi nilông. "Mạng xã hội giúp chúng tôi chia sẻ và lan tỏa hành động tạo thói quen giảm dùng sản phẩm nhựa" - Dung chia sẻ.
2. Ở Long An có bạn Trần Minh Tiến, người có nhiều đóng góp trong việc phát triển và phổ biến , .
"Tôi kiên trì phát triển các sản phẩm từ thiên nhiên với mong muốn mang đến cho mọi người thêm một lựa chọn thay đồ nhựa, sau khi không còn hữu dụng nữa, chúng có thể về với đất mẹ dễ dàng" - Tiến bày tỏ.
Với ống hút tre, Tiến không sản xuất hàng loạt, số lượng lớn vì nguồn nguyên liệu trong tự nhiên không phải vô tận. Theo Tiến, việc khai thác, lấy của tự nhiên cần có chừng mực, cách khai thác cũng cần thay đổi cho phù hợp làm sao không ảnh hưởng nhiều tới hệ sinh thái.
Ví dụ: thu tre thì dùng đục đốn tỉa những cây già đỏ 4-5 năm thay vì cắt ngang hết một lượt. Cỏ bàng thì phải nhổ những cọng già đã bung hạt thay vì cắt ngang những cọng non...
Ống hút cỏ bàng của Tiến vẫn đang là sản phẩm đặc biệt và có khách hàng cả nước. Ống hút tre, mỗi người có thể mua dùng riêng cho mình, hàng quán có thể mua và dùng thời gian dài thay vì dùng một lần rồi bỏ như ống hút nhựa.
Có cả dụng cụ rửa những ống hút này, dùng xong có thể trụng nước sôi để khử trùng, an toàn cho sức khỏe người dùng và hạn chế rác nhựa thải ra môi trường.
3. Và đây là ý tưởng tái sử dụng bình chứa sản phẩm của bạn Nghiêm Thúy Phượng (chủ thương hiệu nước bồ hòn Bebio). Nước rửa chén chiết xuất từ quả bồ hòn thiên nhiên được đựng trong những chiếc bình làm từ chất liệu nhựa không chứa tạp chất. Bebio sẽ thu lại bình chứa với giá 1.000 đồng/bình nhằm giảm thiểu .
"Nếu xét ở góc độ kinh doanh, việc này sẽ khiến chúng tôi phải tốn phí vận chuyển từ nơi thu gom về nhà máy, nhân công vệ sinh, tiệt trùng bình trước khi tái sử dụng. Nhiều khách hàng cho biết họ thực sự quan tâm và sẽ thực hiện.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng phát động, chúng tôi chưa từng nhận được sự đóng góp chai đã qua sử dụng của bất cứ vị khách hàng nào tại Hà Nội, mọi người chỉ mua sản phẩm mới mà thôi. Có lẽ phần đông mọi người chưa quen với điều này" - Phượng chia sẻ.
Nhưng bạn vẫn kiên trì với cách làm của mình như một cách lên tiếng, tuyên truyền đến cộng đồng về chuyện sử dụng sản phẩm từ nhựa.
4. Từ ngày 10-10, quán chay Đạm ở Hội An, Quảng Nam bắt đầu vận động khách hàng từ chối túi nilông. Quán đề nghị khách hàng mang cà mèn để chứa thức ăn với mong muốn sẽ không dùng túi nhựa gói đồ ăn cho khách.
Nhiều khách hưởng ứng, nhưng cũng có người phản ứng cách làm mới lạ của quán. Nhiều khi vẫn phải dùng hộp xốp khi khách không mang theo gì đựng đồ ăn nhưng lần nào quán cũng để hộp xốp vào những túi vải đẹp tặng khách mang về.
Quán này đã làm 400 túi vải, trước hết dùng túi vải thay vì dùng một bao nilông để chứa hộp xốp và hi vọng khách sẽ dùng túi vải cho nhiều việc khác thay vì mỗi lần một bao nilông.
15 năm gói những
Cô Ly đã có 15 năm gói xôi trong lá chuối - Ảnh: N.HẢI
Cũng nói không với túi nhựa, 15 năm qua, cô Ly (50 tuổi, Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam) vẫn bán xôi đậu xanh gói bằng lá chuối. Cô cho biết nhiều người khách lớn tuổi mua xôi chỉ vì thích xôi được gói trong lá chuối xanh đã được cô rửa sạch, cắt tỉa gọn gàng. Trẻ em lại thích xôi được đựng trong hộp xốp hơn nhưng cô thường giải thích, khuyến khích trẻ thay đổi suy nghĩ.
Cần lắm một cuộc tổng vận động
Xôi, bánh tằm, bánh bò, bánh quy, chuối nướng... được gói bằng lá. Thịt, cá, bún, bánh tráng, rau... cũng gói trong lá chuối và cột bằng dây lạt. Nếp, đậu xanh, đậu phộng... bỏ vào trong các túi giấy được làm từ báo cũ hay tập đã xài rồi.
Đi mua hủ tiếu, phở, cháo lòng, bún riêu... người mua phải xách theo cà mèn. Mọi thứ dùng để gói, đựng thực phẩm hồi trước đơn giản nhưng an toàn cho người sử dụng, không làm hại cho môi trường.
Giờ một cọng hành cũng bỏ vào túi nilông. Sau bữa ăn, lại thêm một mớ rác nhựa. Cần lắm một cuộc tổng vận động về việc hạn chế vật dụng nhựa dùng một lần. Mọi nơi, mọi nhà, mọi người cùng vào cuộc, tôi tin sẽ có kết quả tốt đẹp.
LÊ PHƯƠNG TRÍ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận