18/11/2018 09:56 GMT+7

Những người thầy 'kiểu mới': Áp lực là... hạnh phúc

THẢO TÂM - PHƯƠNG NGUYỄN
THẢO TÂM - PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Hai người thầy ở TP.HCM, một người mang 'ánh sáng' đến với học sinh khiếm thị, người kia giúp học sinh tìm thấy ánh sáng trong mịt mù khói lửa của đám cháy giả tưởng.

Những người thầy kiểu mới: Áp lực là... hạnh phúc - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Trung Anh Vũ cùng các học sinh trong một giờ học thực hành môn vật lý - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thầy Nguyễn Văn Khen - giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Q.10, TP.HCM - là người duy nhất trên cả nước hơn 17 năm qua làm trọn bộ sách giáo khoa kiểu chữ nổi cho học sinh khiếm thị.

Người thầy không... cầm phấn

Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu có hơn 300 em đa tật học chuyên biệt, nhưng chủ yếu là các em khiếm thị. Những em khiếm thị vẫn nắm được nội dung cũng như phân phối chương trình sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT quy định. Tất cả là nhờ công sức của thầy Khen, người chuyển từ kiểu chữ sáng (chữ viết bình thường trong sách giáo khoa - PV) sang kiểu chữ nổi.

Đánh máy, in hình ảnh, làm hình nổi, in ấn và chia sẻ sách với học sinh khiếm thị trên cả nước là nhiệm vụ chính của thầy. Thầy Khen nói: "Mặc dù tôi không cầm phấn tiết nào, công việc lặp đi lặp lại, nhưng vì học sinh có nhu cầu sách chữ nổi nên đó là động lực để mình gắn bó". 

Trung bình mỗi năm Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu in ít nhất 1.500 cuốn sách giáo khoa chữ nổi. Chữ nổi trong quá trình sử dụng sẽ bị mòn nên một cuốn sách chỉ dùng được 3-4 lần.

"Một trang sách giáo khoa bình thường sẽ ra bốn trang sách kiểu nổi, gõ mất nhiều thời gian. Nhiều lúc ngộp trong mùi giấy, mùi máy in nhưng người phấn khởi lắm, nghĩ đến các cuộc gọi báo tin thi điểm cao đỗ đạt của trò khiếm thị, tôi thấy việc mình làm trở nên nhẹ bỗng. Với tôi, áp lực chính là... hạnh phúc" - thầy Khen chia sẻ.

Anh Nguyễn Thanh Tùng (Hải Phòng) có con trai Nguyễn Đăng Khoa bị khiếm thị, đang học lớp 10 tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) đã hai năm liền mượn sách giáo khoa tại trường. 

Anh Tùng cho biết: "Sách kiểu nổi ở ngoài này có nhưng không đủ bộ, tôi được các thầy cô giới thiệu nên có mượn sách ở trường. Sách do trường in ấn rất đầy đủ, kịp thời và dù là mượn nhưng trường gửi tàu Bắc - Nam ra rất nhanh. Vì thế, con tôi theo học hòa nhập bắt kịp nội dung như các bạn khác".

Đưa học sinh vào...đám cháy

"Các em còn một phút nữa thôi, bạn nào đã thoát ra khỏi đám cháy?" - thầy Nguyễn Trung Anh Vũ, giáo viên môn vật lý của Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), hỏi các học sinh đang ngồi trong phòng học STEM của trường. 

Các em đều đang mang kính thực tế ảo, trước mắt các em là một phòng học bốc lửa dữ dội, xung quanh các em có các vật dụng như khăn, kềm, búa... Thầy Vũ giao cho các em nhiệm vụ chọn mang theo những vật dụng cần thiết và tìm lối thoát an toàn khỏi đám cháy.

Hơn 20 năm đi dạy, thầy Vũ luôn dạy theo phương pháp lý thuyết đi liền với thực hành thí nghiệm. "Lý, hóa, sinh không thể nói suông được, phải cố gắng tạo mọi điều kiện cho các em thấy và thực hành. Khi đó các em mới hiểu được" - thầy Vũ nói. Hiện nay, thầy là một trong những giáo viên tiên phong trong công tác giảng dạy STEM của TP.HCM.

Để có thể dạy STEM, thầy Vũ đã cần mẫn nghiên cứu về STEM trên những trang thông tin nước ngoài và mua tài khoản những trang web giáo dục đăng tải những video thí nghiệm mới lạ hay những tài liệu giảng dạy theo giáo dục STEM. 

Đồng thời, thầy phối hợp với nhà trường xây dựng phòng học STEM. Đôi khi mải mê chuẩn bị thiết bị, vật liệu cho giờ học thực hành, thầy Vũ quên cả ăn sáng. Đến lúc dạy xong bụng sôi ùng ục, thầy mới nhớ ra mình chưa ăn gì.

Trong các tiết học, thầy Vũ thường liên kết các kiến thức vật lý với thực tế và từ đó chỉ dạy cho học trò về cách sống, cách đối nhân xử thế. Có lần dạy về áp suất, thầy lấy ví dụ bình thông nhau trong bồn cầu để hướng dẫn học sinh cách sửa chữa và vệ sinh bồn cầu. 

Một số học sinh nhăn mặt nói: "Dơ lắm, em không làm nổi đâu thầy!", "Nhà em có người giúp việc nên em không cần làm". Trước phản ứng đó của học trò, thầy Vũ nhẹ nhàng hỏi: "Em sợ bẩn vậy em có nghĩ đến cha mẹ em đã là người trực tiếp vệ sinh bồn cầu hằng ngày không? Em sẽ giúp cha mẹ, chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ ốm đau như thế nào khi một việc nhỏ như vậy em cũng e ngại?". Sau đó cả lớp im lặng, trầm ngâm suy nghĩ và tự rút cho mình bài học.

Nói về thầy Vũ, ông Phạm Đăng Khoa - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Ở thầy Vũ luôn tỏa ra ngọn lửa đam mê với nghề. Thầy thường xuyên cập nhật công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư nhiều công sức cho bài giảng. Học trò rất thích được học với thầy, đó là một niềm tự hào của người thầy".

Yêu nghề

thầy kiểu mới

Thầy Nguyễn Văn Khen - Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Q.10, TP.HCM - in sách chữ kiểu nổi cho học sinh khiếm thị - Ảnh: NHƯ HÙNG

Có một câu chuyện mà thầy trò Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu nhớ mãi. Cách đây chừng 10 năm, một học sinh khiếm thị ở Hà Tĩnh từ lớp 1 đến lớp 9 có sách để học, nhưng lên lớp 10 thì tỉnh lại không có sách giáo khoa kiểu nổi. Em đã viết thư xin Chủ tịch nước và không lâu sau đó trọn bộ sách đã đến tay em.

Ngày 5-9-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lúc đó đã có thư gửi trường: "Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công việc chuyển đổi bộ sách giáo khoa các cấp thành sách chữ nổi nhằm phục vụ việc học tập của người khiếm thị, được các cơ quan quản lý giáo dục và các tổ chức giáo dục người khuyết tật trong và ngoài nước đánh giá cao. Đây là việc làm có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện lòng yêu nghề".

Những người thầy "kiểu mới": Từ khóa mới: "kết nối"

TTO - Một giáo viên dạy văn không còn trẻ lại là người đi chia sẻ, giúp đỡ nhiều giáo viên trường khác về ứng dụng công nghệ thông tin.

THẢO TÂM - PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên