Phóng to |
Thế nhưng họ đã dành cả tâm huyết, trí lực và vật chất của mình để mang đến cho những người học trò "đặc biệt": các em nhỏ lang thang cơ nhỡ - những người rất muốn và rất cần không chỉ có kiến thức, mà còn cả tình thương yêu.
Họ chính là những thanh niên tình nguyện tổ chức các lớp học ở mọi nơi có thể (vỉa hè, gầm cầu, nhà dân...) và dạy cho những đứa trẻ lang thang, nghèo khó.
Theo một thống kê, từ năm 2000 đến nay đã có 34.449 lớp học như vậy và với 875.325 người đã "tốt nghiệp". Có lẽ các con số đó còn ít hơn thực tế, bởi những người tình nguyện làm công việc thầm lặng này thường không muốn có mặt trong "bảng thành tích giáo dục". Mặc dầu phần lớn họ nghèo, vừa đi học vừa phải làm thêm, nhưng đi dạy thì... miễn phí cho học trò.
Và đến Ngày Nhà giáo Việt Nam chắc cũng không ai mua hoa, hay gửi thiếp chúc mừng những người thầy không đứng trong "đội ngũ giáo viên" ấy. Nhưng chúng ta có quyền tin rằng giáo dục Việt Nam (theo nghĩa rộng nhất của nó) sẽ tốt đẹp hơn, khi xã hội Việt Nam vẫn có những người thầy như vậy.
Trái tim Cầu Mới
Nằm giữa khu trọ lụp xụp dựng bên bờ sông Tô Lịch, một lớp học tình thương ấm cúng dành cho các em nhỏ lang thang khu vực Cầu Mới - Ngã Tư Sở (Hà Nội) vừa mới được khai giảng hồi đầu tháng 9. Ít ai biết rằng lớp học này là ước mơ mà nhóm Lang thang (CLB Tình nguyện trẻ) đã ấp ủ suốt trong 5 năm hoạt động, đồng cảm và sẻ chia với những mảnh đời nhỏ nhoi bất hạnh trên địa bàn. Nhóm gồm có 25 tình nguyện viên, hiện đều là sinh viên các trường ĐH ở Hà Nội như Dân lập Thăng Long, Luật, Công đoàn, Kiến trúc, Ngoại thương...
- Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ được báo Sinh viên Việt Nam thành lập ngày 17-5-1998 (nhưng từ tháng 6-2004 đã tách ra khỏi báo). - Câu lạc bộ hiện có 5 nhóm: Lang thang, Người nghèo, Chính sách, Khuyết tật và Gia sư, với khoảng trên 100 sinh viên tình nguyện, hoạt động theo địa bàn ở Hà Nội. - Những tấm lòng hảo tâm muốn đến với các em lang thang cơ nhỡ tại Hà Nội trong bài viết nói trên, xin liên hệ với Ngô Thị Kim Cúc (0904.681457), hoặc Trần Thị Thu Hà (0904.375274). |
Thấy chúng tôi chăm chú nhìn dòng chữ "Hãy đưa em tới trường" rất to sơn xanh dưới tấm bảng đen, Hà cho biết: "Suốt hai năm vừa qua, chúng em thường xuyên đến bắt quen, trò chuyện và dạy học cho các em ngay trên cầu Mới.
Lớp học Trái tim Cầu Mới ra đời sau khi em Lê Văn Thịnh, một em nhỏ đánh giày ở cầu đã nói với chúng em: "Hãy đưa em tới trường", đúng là ước mơ chúng em đã ấp ủ từ lâu.
Lớp học khai giảng hôm 4-9-2005. Mới đầu cũng khó khăn lắm, nhưng giờ cũng tạm ổn định. Lớp có khoảng 15 em học sinh, hầu hết đều là trẻ ăn xin, nhưng chỉ khoảng 3 đến 6 em vào học đều. Trước kia 6 người chúng em chỉ dạy 4 buổi/tuần, bây giờ đã mở vào tất cả các ngày trong tuần".
Chỉ vào giá sách, chúng tôi hỏi các bạn đang dạy môn gì cho lũ trẻ. "Chúng em dạy tất cả những gì chúng thích, và cần, như môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, làm hoa giấy, gấp hình... để giúp chúng thuận lợi hơn trong công việc của mình" - Ngô Thị Kim Cúc, một cô bé quê Thái Bình hiện là sinh viên năm thứ ba trường ĐH Luật, trưởng nhóm Lang thang, nói.
"Nhưng điều chúng em trăn trở nhất - Cúc nói thêm, là làm sao để dạy các em cảm nhận được những giá trị cuộc sống - những từ ngữ tưởng như đã sáo mòn - là niềm hạnh phúc, là tính trung thực, khiêm tốn, lòng khoan dung và tình đoàn kết...". Bởi, bị đẩy vào cuộc mưu sinh từ nhỏ, tâm hồn các em sớm chai sạn, nhìn đời "đen như nước sông Tô", và có những phản ứng tự vệ trước các "thầy cô giáo", chúng không còn tin, hoặc không biết gì về những từ nói lên các giá trị của cuộc sống như vậy.
"Dạy các em rất khó - Cúc tâm sự - Từng có hai bạn học sinh lớp 12 trường Hà Nội - Amsterdam rất nhiệt tình đến dạy cho các em nhỏ, nhưng cũng chỉ được 3 ngày. Một bạn khác đã phải bật khóc vì bất lực trước sự ương bướng khó bảo của một em học sinh của lớp. May mà giờ đây chị em đã hiểu nhau hơn, việc dạy học cũng đỡ nhiều".
Những cô gái "vác tù và..."
Phóng to |
Một thanh niên tình nguyện dạy học cho trẻ em khó khăn ở Hà Nội |
Đó là hình ảnh mà rất nhiều người đã dùng để chỉ về các cô giáo ở mái ấm hay cũng là một lớp học mang cái tên rất đẹp - Hoa Hồng (thuộc phường Tân Kiểng - quận 7, TP.HCM).
Được thành lập dưới danh nghĩa của hội bảo trợ trẻ em nghèo, lớp học do 5 cô giáo phụ trách, 5 con người, 5 tính cách và 5 hoàn cảnh sống khác nhau. Nhưng họ đều có một điểm chung đó là cùng học ở khoa tâm lý - phụ nữ, tuổi đời họ còn khá trẻ, cùng có tinh thần sống vì cộng đồng - điều mà không ít người vin vào đó bảo họ là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".
Lớp học gồm hơn 30 học trò, bao gồm đủ các thành phần, nhưng chủ yếu là trẻ vô gia cư, trẻ lang thang... Chính vì vậy, ngoài việc dạy dỗ, chăm sóc thì các cô còn phải biết cách làm bạn để hiểu được tâm tư tình cảm của các em như những người chị, người mẹ. Từ đó mới có thể uốn nắn và giáo dục các em được hiệu quả. "Đó là những công việc chẳng đơn giản chút nào" - cô Nguyễn Kim Thiện, chủ nhiệm lớp, tâm sự.
Cô nói thêm: "Chúng tôi không ngại thiếu tấm lòng và khả năng nâng đỡ các em. Nhưng thật xót xa khi qua các cuộc tìm kiếm gia đình để đưa các em hồi gia thì lại hiểu ra một sự thật rằng chính những người sinh thành ra các em lại đưa ra rất nhiều lý do để không muốn thế. Những lý do tưởng chừng rất vô lý như sự nghèo khổ, túng thiếu... để họ có thể bán con em mình đi hoặc đẩy chúng vào bùn đen, nghèo khó của kiếp lang thang, bụi đời".
Như để đáp lại tấm lòng của các cô, những cô bé, cậu bé quen với cuộc sống "bụi trần, giang hồ", từ tấm bé đã trở nên thuần hơn khi vào trường Hoa Hồng. Trò chuyện với chúng tôi, Hân - tên thường gọi của một học trò đang được nuôi dạy tại đây - thổ lộ: Rồi em cũng sẽ làm cô giáo về dạy chữ và dạy cả nghề may cho những đứa trẻ ở quê em"...
Vâng, chúng tôi đã thấy ánh mắt bé Hân long lanh niềm tin khi tâm sự với tôi về tương lai đơn giản và đẹp đẽ đó. Còn qua lời cô Thiện, chúng tôi cảm nhận được niềm vui đó dường như đã được nhân lên gấp nhiều lần: "Hạnh phúc, niềm an ủi lớn nhất của chúng tôi là khi các em đã trưởng thành với số vốn kiến thức và nghề nghiệp ổn định để có thể tự tạo một tương lai tốt đẹp cho mình".
Thiếu thời gian, tiền bạc
Phóng to |
Là con từ một gia đình đông anh em ở huyện nghèo Nghĩa Hưng, tỉnh Thái Bình, lên Hà Nội học ĐH Kiến trúc, Tuấn đã nhận rất nhiều việc làm thêm để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình: từ phụ quán cơm, phụ việc ở xưởng in, cho đến cộng tác viên cho ngân hàng Đông Á.
Tuấn bảo, giá một ngày có đủ 48 giờ, để em có thể vừa học, yêu, kiếm tiền, mà vẫn có thể đến với các em nhỏ lang thang. Luật của nhóm là "Không thành viên nào được bỏ học, thi lại", nhưng chẳng ai "chấp hành tốt" được. Và để nhóm hoạt động hiệu quả hơn, vẫn rất cần những nguồn lực trợ giúp. Từ lâu, nhóm vẫn xin được tài trợ từ các diễn đàn Liên kết VN, VNN, và một số cá nhân... Tuy nhiên, số tiền thuê lớp học (400.000 đồng/tháng) vẫn chưa có nguồn tài trợ ổn định.
Còn các cô giáo trường Hoa Hồng (TP.HCM) cho biết: "Trên danh nghĩa là trường của chúng tôi trực thuộc Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM. Song, vì là đơn vị thuộc hội nên kinh phí hoạt động bao giờ cũng là vấn đề đau đầu nhất. Chúng tôi hoạt động theo từng dự án, do các tổ chức phi chính phủ tài trợ nên tiền thù lao cho giáo viên hầu như không đủ trang trải cuộc sống. Có lẽ do tư chất là người muốn hoạt động vì cộng đồng nên chúng tôi hầu như không màng đến thu nhập".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận