Hơn 100 kỹ sư, công nhân Thủy điện Lai Châu hầu hết là những người trẻ và chủ yếu là người từ các tỉnh đồng bằng lên - Ảnh: THU TRANG
Chúng tôi đến Thủy điện Lai Châu vào một ngày mưa tầm tã cuối tháng 3. Nhà máy "thắp sáng niềm tin" nơi thượng nguồn sông Đà như vắng vẻ, hiu hắt hơn.
Là thủy điện lớn thứ ba Đông Nam Á, công trình trọng điểm quốc gia được xây dựng trên dòng chính sông Đà ngay cạnh thị trấn huyện Nậm Nhùn (thượng nguồn sông Đà, cách trung tâm tỉnh Lai Châu hơn 130km), nhưng khung cảnh nhà máy vắng lặng, bên ngoài không một bóng người.
Nỗi niềm công nhân thủy điện
Trước đó, khi biết tôi có ý định tới Nhà máy Thủy điện Lai Châu (Công ty Thủy điện Sơn La), giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La Khương Thế Anh khẩn khoản: "Nhà báo cố gắng tới thăm Thủy điện Lai Châu một chuyến đi. Đây là thủy điện ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất trong các thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Hơn 100 kỹ sư, công nhân ở đây còn rất trẻ, 99% là người ở dưới xuôi lên. Dù rất yêu nghề, dấn thân rất cao, nhưng quả thực vẫn đang có rất nhiều khó khăn cản trở anh em trẻ. Gia đình, người thân đều ở xa, nhiều kỹ sư trẻ khi đến Lai Châu đã bồng bế đưa cả vợ con lên, nhưng đa phần rất khó khăn vì không có công ăn việc làm.
Cuối năm 2016, toàn bộ ba tổ máy (tổng công suất 1.200 MW) hòa lưới điện quốc gia trước hơn một năm, và để vận hành phát điện nhà máy hiện có 111 cán bộ, kỹ sư, công nhân (bên cạnh đó, nhà máy luôn có trên 50 kỹ sư, công nhân thuộc Trung tâm dịch vụ sửa chữa điện EVN túc trực).
Kỹ sư Nguyễn Văn Tiệp (32 tuổi) - quản đốc phân xưởng vận hành, bí thư Đoàn thanh niên công ty - là một trong số rất nhiều người đặt chân lên Thủy điện Lai Châu từ những ngày nhà máy chưa vận hành.
Tiệp quê huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Cuối năm 2013, tốt nghiệp Đại học Bách khoa khoa điện, Tiệp về Thủy điện Sơn La công tác. Đến cuối năm 2014 Tiệp về quê lấy vợ, rồi trở lại Tây Bắc và được điều động lên Thủy điện Lai Châu (tháng 6-2015).
Cảnh vợ trẻ, con thơ ở quê, còn mình ở rừng núi xa xôi nên sau khi ổn định công việc, cuối năm 2016, Tiệp đón vợ con lên "miền đất mới" ở khu tập thể của nhà máy.
Hầu hết lao động trong nhà máy là những người trẻ, đa phần là người từ các tỉnh đồng bằng lên. Non nửa số họ chưa có gia đình nên cùng những thiếu thốn, khó khăn về vật chất thì còn cả những thiếu thốn về tình cảm - Ảnh: THU TRANG
Dẫn tôi về khu tập thể phía bên ngoài khuôn viên nhà máy, Tiệp tranh thủ giới thiệu "khu gia đình". Khu có 21 căn hộ nhỏ xinh, được nhà máy xây cho 21 kỹ sư, công nhân lên thủy điện từ những ngày đầu nhà máy vận hành đưa vợ con lên sinh sống.
Đang thời điểm phòng chống dịch COVID-19, lại do tính chất đặc biệt của nhà máy nên công tác phòng chống, không để dịch bệnh lây lan rất nghiêm ngặt. Các gia đình đều ở trong nhà, đóng kín cửa, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài nên khu tập thể rất vắng, rất buồn.
Đúng như lời Tiệp, ở 3 dãy nhà khu gia đình cả 21 cánh cửa đều đóng. Gặp ai, Tiệp phải gọi, thậm chí có người không mở cửa, chỉ đứng trong nhà nói vọng ra.
Nhà Tiệp ở đầu dãy. Cũng như các gia đình khác, căn hộ được chia làm 2 gian nhỏ. Trang (vợ Tiệp) đang lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà. Bữa trưa chỉ có đĩa trứng chiên, bát canh rau bắp cải...
Trang có bằng đại học chuyên ngành kế toán. Cuối năm 2016 cô ôm đứa con 7 tháng tuổi lên Nậm Nhùn với chồng. Nhờ vả chạy vạy mãi Trang mới được nhận vào làm nhân viên hợp đồng Trường mầm non xã Nậm Hàng với mức lương 1,25 triệu đồng/tháng.
Sau một năm (cuối 2017), Trang lại xin về làm văn thư tại Trường THPT Nậm Nhùn theo chế độ hợp đồng, lương 2,75 triệu đồng/tháng, nhưng cũng đến hết tháng 12-2020 thì trường cắt hợp đồng.
Vợ không công ăn việc làm, 2 con còn nhỏ, và cả nhà chỉ trông vào tiền lương của Tiệp.
"Là kỹ sư, quản đốc, kiêm bí thư đoàn, kiêm đội trưởng tự vệ nên mức thu nhập của mình cũng nhiều hơn so với các anh em khác. Tuy nhiên, giá cả sinh hoạt đắt đỏ, mọi chi phí sinh hoạt đều cao hơn dưới xuôi do vận chuyển hàng hóa lên cao, vì vậy mức chi cho cuộc sống hằng ngày với lương của một người thật sự eo hẹp", Tiệp nói.
Để san sẻ cùng chồng, từ khi mất việc (từ đầu năm 2021 đến nay), Trang phải học nấu chè bán online, ngược xuôi đi giao hàng cho khách quanh huyện. Và để hy vọng dễ kiếm được việc, tăng thu nhập, từ đầu năm 2019, cô còn học thêm (từ xa) để lấy bằng cao đẳng dược, rồi năm 2020 lại tiếp tục học ngành điện công nghiệp, hệ cao đẳng Bách khoa.
"Mình hy sinh cả tuổi thanh xuân để học, để theo chồng lên nơi núi rừng này nhưng rồi vẫn không thể tìm kiếm được việc làm", Trang ngậm ngùi.
Giá cả đắt đỏ, lại đang mùa COVID-19 khiến bữa ăn hằng ngày của những gia đình trẻ như Tiệp - Trang "rất giản dị", chỉ trứng chiên và canh rau cải - Ảnh: Đ.BÌNH
Ở "khu tập thể gia đình" của nhà máy có 21 gia đình trẻ thì có đến 9 gia đình có hoàn cảnh chồng "kéo cả đoàn tàu" như Tiệp. Nhiều cặp chồng là công nhân vận hành, vợ không bằng cấp, hoặc đang bầu bí, ốm đau, con nhỏ nên cuộc sống càng khó khăn.
Như vợ chồng Nguyễn Quốc Huy (32 tuổi, quê Yên Bình, Yên Bái), công nhân phân xưởng vận hành và vợ Nguyễn Thị Thanh (32 tuổi, quê Hà Nam). Huy làm việc tại nhà máy từ giữa năm 2015, đến năm 2018 thì lấy vợ.
Vợ Huy có bằng cử nhân sư phạm nhưng cũng chỉ là giáo viên hợp đồng dạy học ở huyện biên giới khó khăn Mường Tè. Lấy chồng, theo chồng về Nậm Nhùn và mãi đến 2019 mới xin được vào dạy hợp đồng ở Trường THPT Nậm Nhùn, nhưng được hơn 2 năm thì trường bị cắt các chỉ tiêu hợp đồng nên mất việc.
"Nói chung các cặp vợ chồng trẻ ở khu tập thể này ai cũng khó khăn, mỗi nhà mỗi vẻ. Người có gia đình có nỗi lo của người có gia đình, còn hơn 35% công nhân chưa có gia đình, quê ở xa thì cũng có những cái khó khăn, thiếu thốn riêng không ai giống ai…", Tiệp chia sẻ.
Vợ thuộc diện "thất nghiệp lâu năm", lại đang mang bầu đứa con đầu lòng nên mọi thứ cần chi tiêu chỉ trông vào khoản lương chưa đến 13 triệu đồng/tháng của Nguyễn Quốc Huy, công nhân phân xưởng vận hành - Ảnh: Đ.BÌNH
Tìm mọi cách "thắp sáng niềm tin" người lao động
"Để Nhà máy Thủy điện Lai Châu vận hành trơn tru, chúng tôi có 3 cái lo. Lo duy trì bộ máy, giữ chân người lao động. Lo cách làm chủ việc điều tiết thủy văn vì nhà máy nằm ở thượng nguồn sông Đà, cách biên giới chưa đến 150km. Mà phía dòng sông bên Trung Quốc thì có nhiều thủy điện, mình không chủ động trong điều tiết hồ chứa là rất gay go. Rồi công tác an ninh, trật tự trên địa bàn...
Tại thời điểm này, nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là giữ chân người lao động, làm sao để anh em kỹ sư, người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nhà máy" - ông Nguyễn Xuân Phong, phó giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, thẳng thắn chia sẻ.
Cùng với các ký túc xá cho công nhân, Nhà máy Thủy điện Lai Châu cũng xây dựng "khu tập thể gia đình", giúp 21 hộ gia đình trẻ yên tâm hơn để công tác lâu dài - Ảnh: Đ.BÌNH
Thủy điện Lai Châu xa xôi nhất trong hệ thống các thủy điện của EVN. Hầu hết kỹ sư, công nhân của nhà máy là người trẻ đến từ các tỉnh đồng bằng, thành phố.
Dù công ty cũng bố trí chỗ ăn ở đầy đủ cho người lao động, có cơ chế khuyến khích tiền lương cho người lao động cao hơn một chút so với ở Sơn La, nhưng với nhiều khó khăn, thiếu thốn, rồi khí hậu khắc nghiệt, thu nhập của công nhân cũng không hẳn cao hơn so với các thủy điện tư nhân ở xung quanh.
Đây là một trong những nguyên nhân trong hơn 2 năm qua đã có đến 13 kỹ sư, công nhân thủy điện xin nghỉ việc chuyển công tác, hoặc về quê tìm công việc khác…
Ông Nguyễn Xuân Nam - phó trưởng phòng hành chính Công ty Thủy điện Sơn La phụ trách công tác hành chính Nhà máy Thủy điện Lai Châu - tâm sự bản thân cũng là người dưới xuôi, đã có khoảng 30 năm xa vợ con, gia đình lên công tác tại các thủy điện Sơn La, Lai Châu nên rất hiểu những thiếu thốn, khó khăn của người thợ thủy điện.
"Công ty và nhà máy luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho anh em. Với các gia đình trẻ, hằng tháng công ty đều hỗ trợ 200.000 đồng/cháu học mầm non, nhà trẻ. Những dịp lễ Tết, ngày kỷ niệm đặc biệt, hỗ trợ 500.000 - 2 triệu đồng cho những hộ gia đình, công nhân khó khăn.
Công đoàn, thanh niên thường xuyên tổ chức các sân chơi, các hoạt động để thu hút, tập hợp, đoàn kết công nhân. Mấy năm trước, công đoàn EVN cũng tặng thanh niên nhà máy một sân bóng trải cỏ nhân tạo trị giá 700 triệu đồng.
"Chúng tôi luôn tìm mọi cách để cải thiện chất lượng cuộc sống văn hóa, tinh thần cho anh em. Mọi anh em có nhu cầu đều được bố trí chỗ nghỉ ngơi trong khu tập thể, mỗi bữa ăn tại nhà máy mọi người chỉ đóng 25.000 đồng, còn mọi chi phí khác nhà máy hỗ trợ...", phó trưởng phòng hành chính Công ty Thủy điện Sơn La cho biết.
"Khẩu hiệu của EVN là "thắp sáng niềm tin" và ngay trong nội bộ, chúng tôi cũng đang cố gắng thắp sáng niềm tin để mỗi thành viên trong ngôi nhà thủy điện Sơn La nói chung, Lai Châu nói riêng thêm vững tin vào công việc, nghề nghiệp mà mình đã chọn", phó giám đốc Phong nhấn mạnh.
Thủy điện Lai Châu có 3 tổ máy, với tổng công suất 1.200 MW, khởi công xây dựng ngày 5-1-2011, hòa lưới 3 tổ máy vào tháng 11-2016, khánh thành tháng 12-2016, sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra - Ảnh: THU TRANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận