Phóng to |
Nhóm đàn tranh Hướng Việt biểu diễn trong Hội ngộ đàn tranh - Ảnh: NVCC |
Năm nào cả nhà chị Trang cũng về nước khoảng hai tháng trong dịp nghỉ hè của con trai. Nhưng năm nay vì có Hội ngộ đàn tranh, hai mẹ con về trước dự định một tháng và còn “nấn ná” ở thêm để con trai chị, em Phạm Văn Hiếu, có thêm thời gian luyện cả đàn tranh lẫn tiếng Việt.
Có “xa” mới biết “thương”?
Quan sát hoạt động của chương trình Hội ngộ đàn tranh (từ ngày 30-6 đến 4-7) người ta chợt nhận ra khi giới trẻ trong nước phần nào “nhạt” với âm nhạc truyền thống, nhiều bạn trẻ Việt định cư hay được sinh ở nước ngoài lại ngày càng muốn đi sâu tìm hiểu, học hỏi loại hình nghệ thuật này. Thực tiễn đó có vẻ “tréo ngoe” song như tâm sự của nhiều người: nếu không giữ được bản sắc Việt, mình chỉ là con số 0 khi ra thế giới. |
Nhưng khởi đầu vẫn là đam mê. Nên ngay khi còn là sinh viên y khoa, anh Hồng Việt Hải đã đứng ra lập nhóm Hướng Việt (Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ). Vừa gây dựng nhóm vừa chủ động tích cực liên hệ với các bậc thầy đàn tranh trong nước như GS Trần Văn Khê, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, thạc sĩ Hải Phượng... anh Hải đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm cũng như bài bản để truyền dạy lại các bạn trong nhóm. Trong một “cơ duyên” bất ngờ, cộng với tình yêu sẵn có với đàn tranh, chị Thúy Loan đã chung tay với anh “giữ lửa” cho nhóm hơn mười năm qua. Sau những giờ làm việc mưu sinh (anh Hải làm bác sĩ, chị Loan làm nhân viên cho Hãng máy bay Boeing), họ lại dành thời gian nghỉ ngơi của riêng mình mở lớp dạy đàn tranh cho các bạn trẻ. Với chút học phí tượng trưng để cả học trò và phụ huynh “yên tâm theo học”, mỗi tuần thầy trò lại họp mặt một buổi tìm về giai điệu quê hương.
Còn cô giáo Võ Vân Ánh học đàn tranh từ năm lên 4, hiện đang sống và giảng dạy đàn tranh cũng như các nhạc cụ dân tộc khác của VN tại Fremont, California. 13 năm truyền dạy cả học trò Việt và Mỹ, năm 2013 cô Vân Ánh đã thành lập được Quỹ Music Bridge - Under 25, tạo điều kiện phát triển cho những tài năng âm nhạc trẻ.
Chọn cách hướng dẫn đều đặn, tiệm tiến, cô giáo - nghệ sĩ đàn tranh Vân Ánh đã từng bước dẫn dắt học trò qua các chặng học hỏi không chút căng thẳng. Cô Ánh chia sẻ kỷ niệm vui về buổi diễn lần đầu tiên. Các học trò của cô mặc áo dài, đội khăn xếp nhưng lại đi giày vải thể hiện bài Trống cơm bằng đàn tranh. Bài bản nhỏ, ăn mặc chưa đúng chuẩn, nhưng đã được người xem nhiệt liệt tán thưởng, từ đó bọn trẻ thấy phấn khởi, muốn học tiếp. “Trong thời đại công nghệ thông tin, khi chỉ mất 10 giây mà không tìm ra thông tin cần thiết, người ta đã có thể nổi cáu. Trong khi đó, để hiểu và học âm nhạc dân tộc và đàn tranh nói riêng, thời gian dành cho việc đó còn gấp trăm ngàn vạn lần. Vậy thì không thể nóng vội, sốt ruột trong việc này. Nhưng cũng không thể chỉ ngồi lo lắng, chê trách mà không làm gì” - cô Vân Ánh chia sẻ.
Đến với đàn tranh từ số 0 cách nay 10 năm, với lý do rất ngẫu nhiên phải kèm con học là câu chuyện khởi đầu của chị Nguyễn Thị Thùy Trang, tổng thư ký Hội âm nhạc dân tộc Phượng Ca ở Pháp. Phượng Ca là trường dạy các môn nhạc dân tộc của nghệ sĩ Phương Oanh từng thành lập ở Sài Gòn năm 1969. Năm 1978, ngôi trường được tái thành lập tại Pháp. Hiện nay, ngoài các điểm hoạt động quanh khu vực thủ đô Paris, trường còn có chi nhánh ở Oslo, Na Uy. Nhiều năm qua, ngoài công việc kế toán, cùng với nghệ sĩ Phương Oanh, chị Thùy Trang giảng dạy đàn tranh ở chi nhánh Phượng Ca tại Paris. Thành quả sau nhiều năm mẹ con cùng học là tới nay, chị Trang và cậu con trai 19 tuổi Phạm Văn Hiếu đã cùng tham gia trong các chương trình biểu diễn của Phượng Ca.
Chị Trang cho biết ở Pháp người ta rất yêu mến cây đàn tranh VN. Mỗi lần biểu diễn xong, khán giả thường ùa lên sân khấu để được tận tay chạm vào đàn.
Không lẻ loi đơn độc
Về đến Hoa Kỳ được sáu ngày nhưng cảm xúc về buổi hội ngộ đàn tranh vẫn đong đầy trong ký ức của bác sĩ Hồng Việt Hải - chủ nhiệm nhóm Hướng Việt. Anh chia sẻ: “Những ký ức này giúp tôi yêu say mê hơn nhạc dân tộc, nó thôi thúc tôi một sức mạnh mãnh liệt hơn trong công việc duy trì quốc nhạc tại hải ngoại”.
Những năm qua, hành trình gìn giữ bản sắc âm nhạc truyền thống của VN tại hải ngoại với những người như anh Hải cũng thật lắm chông gai. Đôi lúc anh cũng thấy nản vì những lời ong tiếng ve xung quanh cho rằng anh lạc hậu, cổ lỗ sĩ. Trở về VN, được sống trong không khí ấm cúng sẻ chia của những người chung đam mê, đồng tâm huyết quả là điều tuyệt vời.
Anh Hồng Việt Hải nói: “Tôi hi vọng Tiếng hát quê hương và Cung văn hóa Lao động sẽ tiếp tục duy trì truyền thống này, tổ chức các chương trình hội ngộ đàn tranh kế cận, phát huy phong trào đàn tranh, đưa giáo dục đàn tranh đến mọi tầng lớp. Tham dự đại hội kỳ này cho tôi một sức mạnh mới vì tôi biết con đường tôi đi không lẻ loi đơn độc”.
Nỗ lực thắp lên một que diêm thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối, vượt qua nhiều khó nhọc, nhiều nghệ sĩ vẫn đang cần mẫn gieo hạt như thế để âm nhạc dân tộc được sống, được bay xa...
Mơ về nhạc hội đàn tranh Cuộc hội ngộ khép lại những ngày sống trong nhịp điệu đàn tranh tại TP.HCM nhưng vừa mở ra đón nhận sự hòa điệu của những tấm lòng yêu âm nhạc dân tộc từ khắp mọi nơi. Nhiều nhóm nhạc từ Mỹ, Bỉ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản... đã gửi lời chúc mừng và hỏi thăm kế hoạch tiếp theo. Các câu lạc bộ, đội nhóm, các ban đàn tranh tại các tỉnh, TP trên đất nước VN cũng mơ ước được tham dự những hoạt động bổ ích như vậy. Đồng thời, lượng người đăng ký ghi danh học đàn tranh, đặc biệt là các em nhỏ, đã tăng ở tất cả mọi nơi. Nhiều lần tham dự các nhạc hội đàn dân tộc nước ngoài, nhìn thấy sự ưu ái, quan tâm của các quỹ tài trợ dành cho việc phát huy bản sắc dân tộc của nước bạn, chúng tôi thèm được có sân chơi cho chính mình, cho những người yêu đàn tranh hôm nay. Với cuộc hội ngộ này, chúng tôi như cùng người yêu đàn tranh thắp lên một que diêm cho chính mình. Dẫu biết mơ ước về nhạc hội đàn tranh mỗi năm một lần hẳn còn rất xa, nhưng chúng tôi vẫn mơ về ngày ấy để những người yêu nhạc dân tộc nói chung, yêu đàn tranh nói riêng, từ khắp mọi nơi trên thế giới có thể cùng tụ họp về, cùng tấu lên những giai điệu mượt mà, sâu lắng của quê hương và cùng cảm nhận nhịp đập của trái tim mình hòa trong tâm hồn dân tộc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận