Lễ diễu binh, diễu hành dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sáng 7-5 đã mang đến cho người dân cả nước niềm cảm xúc tự hào không thể nào quên.
Để làm nên buổi lễ thành công đó, có phần không nhỏ của "những người kể chuyện thầm lặng": đội thuyết minh, dẫn dắt, giới thiệu các khối lực lượng tiến vào lễ đài.
Vừa có cảm xúc, vừa có chất thép
Là một trong những giọng thuyết minh chính của buổi lễ, thượng tá Hồ Thị Hoàng Hà - phó chủ nhiệm khoa thanh nhạc (Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) - chia sẻ niềm tự hào vì được tham gia sự kiện trọng đại của đất nước.
Trước đó chị Hà từng đảm nhận nhiệm vụ này trong dịp lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Mười năm sau, đúng dịp 70 năm, chị lại đảm nhận nhiệm vụ quan trọng. "Với truyền thống gia đình và bản thân là một quân nhân, trong tôi luôn cảm thấy tự hào, xúc động và may mắn được sống trong thời điểm trọng đại" - chị bộc bạch.
Ba của chị Hà từng đảm nhận nhiệm vụ cảnh giới cho tuyến đường tiếp tế lương thực - thực phẩm từ miền xuôi lên Điện Biên. Vì thế khi nhận nhiệm vụ thuyết minh cho lực lượng diễu binh, diễu hành dịp 70 năm, chị không giấu được nỗi niềm nhớ thương về ba, về những thế hệ cha ông đã làm nên chiến công lẫy lừng năm xưa.
Với vốn chuyên ngành thanh nhạc, chị Hà đã sử dụng kỹ thuật thanh nhạc và cùng hướng dẫn các anh em trong đội để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chị cho biết việc thuyết minh khác với một MC thông thường vì đòi hỏi phải có tính hào sảng, tính hiệu triệu cao trong giọng đọc, đặc biệt có cảm xúc, có chất thép để thể hiện sự hào hùng của dân tộc, tính chiến đấu của lực lượng vũ trang.
"Trái tim người lính đã trải qua thời gian huấn luyện, rèn luyện trong quân ngũ, điều đó khiến cho chúng tôi có "chất lửa" nhiệt huyết bùng lên đúng lúc" - chị chia sẻ.
Giây phút xúc động nhất phải kể đến khi cơn mưa trút xuống, nhìn các khối đứng, khối đi, các bác cựu chiến binh, các em nhỏ đứng giữa cơn mưa, ai nấy đều rưng rưng vì thương các lực lượng đã phải tập luyện rất vất vả.
Lời dặn của ngoại
Nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng từ sáng đến thời điểm này, trung úy Lê Thị Ngọc Hân (Ban tuyên huấn, Phòng chính trị, Bộ Tư lệnh TP.HCM) vẫn xúc động khi được thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.
"Nhiệm vụ này đối với mình là một nhiệm vụ cao cả. Mình được thể hiện tình cảm đối với tỉnh Điện Biên cũng như trân trọng lịch sử mà cha ông mình đã chiến đấu cho Tổ quốc mãi trường tồn" - chị nói.
Trong thời gian sơ tuyển cũng như trong thời gian thực hiện nhiệm vụ chính thức, trung úy Hân đã nghiên cứu và đọc bài rất kỹ, với mong muốn từng câu từng chữ khi đọc lên sẽ truyền được tình cảm, sự hào hùng đến người nghe.
10 năm trước, nữ quân nhân cũng tham gia diễu binh 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trong khối du kích miền Nam. Khi thực hiện nhiệm vụ đó, chị nuôi khát vọng được trở thành quân nhân.
Khi Bộ Tư lệnh TP.HCM tuyển phát thanh viên, chị tham gia thi tuyển, sau một thời gian là cán bộ thời vụ thì được tuyển dụng chính thức vào hàng ngũ quân đội.
Chị kể trước khi làm lễ xuất quân, bà ngoại dặn dò chị: "Phải cố gắng đọc cho giỏi để mọi người tự hào về miền Nam nha con". Nhờ động lực của ngoại, chị cùng đồng đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mang đến cảm xúc cho triệu người con đất Việt.
Phát huy tinh thần chiến sĩ Điện Biên năm xưa
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, đại tá Nguyễn Hữu Tuyển - trưởng Phòng báo cáo viên, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - cho biết đội thuyết minh trong lễ diễu binh, diễu hành dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ có 6 người được tuyển chọn từ ba miền Bắc - Trung - Nam.
Suốt gần hai tháng tập luyện, các thành viên trong đội đều luyện tập sát thực địa, xếp đội hình và tập luyện trên thực tế và đặc biệt yêu cầu bắt buộc là phải thuộc tất cả các phần lời dẫn.
Đại tá Tuyển kể trong đội hình thuyết minh, có thành viên nữ phải gửi con nhỏ cho gia đình chăm sóc để đảm bảo tập luyện. Mặc dù có những khó khăn, vất vả nhưng ai nấy đều tự hào, vinh dự với nhiệm vụ được giao, quan trọng nhất là phát huy tinh thần chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
Anh Tuyển kể điều đặc biệt là trong đội có hai thành viên có thân nhân là chiến sĩ Điện Biên, nên càng dâng trào cảm xúc lớn lao về ý nghĩa của nhiệm vụ trong sự kiện trọng đại này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận