TTCT - Có một hội chứng để gọi những người sợ qua cầu gió bay theo đúng nghĩa đen. Nỗi sợ ngầm của họ vừa bị đánh thức sau vụ sập cầu làm sáu người chết ở Baltimore (Mỹ) hồi cuối tháng 3. Ảnh: CanvaNếu có ai theo dõi tin tức vụ tàu container Dali đâm sập cây cầu thép Francis Scott Key dài hơn 2km và cách mặt nước 56m và cảm thấy hoảng loạn, trong đầu bật ngay ra những suy nghĩ kiểu "lỡ tôi có mặt ở đó thì sao? Tôi không bao giờ lái xe qua cầu thêm lần nào nữa", họ không hề đơn độc. Chứng sợ cầu là có thật - được gọi là gephyrophobia - và không hề hiếm, báo USA Today dẫn lời các chuyên gia cho biết.Người mắc hội chứng gephyrophobia rất sợ qua cầu, nhất là khi tự mình lái xe. Họ thường tự ám ảnh mình bằng những kịch bản không khác gì một bộ phim hành động: qua cầu bị gió lớn thổi rơi tõm xuống sông, hoặc cầu rung lắc mạnh rồi đổ sập bất thình lình... Gephyrophobia thường cộng hưởng với chứng sợ độ cao, càng qua cầu lớn, càng sợ khiếp vía.Nói nghe có vẻ hơi kỳ, nhưng sự cố cầu Baltimore khiến những người mắc chứng gephyrophobia, trong đó có cây bút Gabriella Ferrigine của tờ Salon (Mỹ), cảm thấy được an ủi vì không chỉ mỗi mình cô có nỗi sợ "vô lý" như vậy. Thực tế là nhiều người cũng nhân dòng thời sự, lên X (Twitter) mà thú nhận nỗi lòng tương tự.Ferrigine nói từ nhỏ, anh phát khiếp với cây cầu vòm parabol Bayonne ở New York. Mỗi lần qua cầu là anh thấy bấp bênh, dù cầu cực kỳ vững chãi và hoành tráng, lại còn tưởng tượng gió trên cầu sẽ hất xe văng tít lên không. Có lẽ Ferrigine "lây" từ ba, vì ông cụ cũng là một người mắc gephyrophobia.The Washington Post dẫn lời giáo sư tâm lý học Martin Antony tại Đại học Toronto Metropolitan (Canada) giải thích hội chứng "sợ cầu" của mỗi người lại có nguyên nhân khá khác nhau. Một số người sợ cầu bản chất là vì độ cao. Số khác nhìn kết cấu của cầu đầy rẫy sắt thép thì sợ, một số khiếp những cây cầu dài miên man nhìn không thấy bến bờ. Cũng có người tới khi ngó xuống mặt nước sông, biển mới hãi... Dĩ nhiên cũng có những người khiếp đảm với tất cả những thứ kể trên mỗi khi qua cầu, nghĩa là thuộc loại bị gephyrophobia nặng. Nhiều người sẵn sàng chọn lộ trình khác không bắt buộc qua cầu, dù có mất thời gian và tốn xăng đi nữa.Từng viết sách về vượt qua nỗi sợ nói chung, giáo sư Antony nói phương thuốc hữu hiệu nhất là hãy "bình thường hóa trải nghiệm". Ông thường đưa thân chủ của mình đến những cây cầu, yêu cầu họ liên tục lái xe từ đầu này qua đầu kia nhiều lần. Mỗi lần êm xuôi khiến thân chủ cảm thấy tự tin hơn. Đó là bởi thông thường, nỗi sợ hãi của con người với một sự vật, hiện tượng thường sẽ giảm dần theo thời gian khi ta tiếp xúc với chúng đủ lâu.Còn bác sĩ Elias Aboujaoude, giáo sư lâm sàng y khoa tại Đại học Stanford (Mỹ), lại dùng kỹ thuật gọi là "hợp lý hóa". Ông thường chứng minh cho các thân chủ thấy những nỗi sợ "qua cầu gió bay" là rất hiếm khi xảy ra. Ông có thể dùng tới một vài công nghệ hiện đại như công nghệ thực tế ảo để chỉ tận mắt cho thân chủ những viễn cảnh như họ thường bị ám ảnh có xác suất cực thấp trong thực tế. Thay vì né tránh, bác sĩ Aboujaoude nói cách tốt nhất để đánh bại nỗi sợ là đối diện với nó.Ở xứ biết làm ăn như Mỹ, những người sợ qua cầu lại trở thành khách hàng tiềm năng cho dịch vụ "quá giang qua cầu". Tại cầu Mackinac cao hơn 60m trong vùng Ngũ Đại Hồ (Mỹ), ban quản lý mở dịch vụ lái hộ từ đầu này sang đầu kia. Hình thức này ra đời từ tận năm 1980, tới giờ vẫn hoạt động 24/7. Từ xe máy đến ô tô, cánh tài xế nếu sợ qua cầu, sẽ có nhân viên cầm lái giúp. Chi phí mỗi lần lái hộ là 10 USD, có thể cộng thêm phí phát sinh tùy loại xe. Muốn sử dụng dịch vụ chỉ cần vô thẳng văn phòng của ban quản lý ngay chân cầu hoặc nhấc điện thoại cầu cứu. Vì cầu dài đến 8km, nên khách hàng phải cam kết một số điều khoản, nghe qua tưởng chừng rất đơn giản, như cho phép người lái hộ điều chỉnh gương và ghế lái, cho sử dụng camera hành trình trong xe, giữ yên thú cưng trong xe. Hành khách buộc phải đeo khẩu trang che kín mũi và miệng.Một số cây cầu dài và cao khác như cầu Tappan Zee, New York hay cầu Vịnh Chesapeake, Virginia cũng có những đội lái xe hộ tương tự. Dịch vụ còn mở rộng cho những người đi bộ qua cầu có thể quá giang với giá bình quân khoảng 5 USD một người. Người đi xe đạp nếu sợ qua cầu cũng sẽ cần trả 15 USD là có người rước cả xe và người sang đầu bên kia. Khách hàng buộc đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên, phải ký đơn miễn trừ trách nhiệm pháp lý và phải... đeo khẩu trang.Chuyên gia về rối loạn lo âu Elizabeth Meadows từ Đại học Central nói dịch vụ lái xe hộ qua cầu thật ra cũng là một trong những hình thức trị liệu có thể làm giảm hội chứng gephyrophobia. Cách làm này tạo được một môi trường an toàn để một người tiếp xúc với những điều mình sợ hãi. "Môi trường an toàn" ở đây là họ được người khác chở qua cầu.Nhưng được chở ít ra cũng là dám qua cầu, còn hơn chọn lộ trình khác. Biết đâu nhờ vậy, những lần sau họ có thể tự cầm lái mà không còn phải lăn tăn chuyện "qua cầu gió bay"? Tags: Sập cầu Baltimore MỹTâm lý họcNỗi sợ hãi
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Giá ngâm chất cấm được... cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm TÂM AN 28/12/2024 Ngành chức năng Đắk Lắk xác nhận có 1 doanh nghiệp ngâm giá dùng chất cấm được... cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Chủ tịch Công ty Triệu Nụ Cười thuê nhà, xài xe sang để lừa đảo đầu tư BÌNH KHÁNH 28/12/2024 Hồ Quốc Thân không nghề nghiệp, nhưng để 'đánh bóng' tên tuổi nên đã thuê nhà, thuê địa điểm đặt trụ sở Công ty Triệu Nụ Cười ở nơi sang trọng.
Vượt đèn đỏ bị phạt 20 triệu, từ 1-1-2025 nhiều lỗi giao thông tăng mức phạt hàng chục lần HỒNG QUANG 28/12/2024 Cơ quan chức năng đánh giá đây là những hành vi nguy cơ rất cao gây ra tai nạn, do vậy mức phạt cần gia tăng để tạo tính răn đe tương xứng.
Mỹ tiết lộ bất ngờ: Lính Triều Tiên ở Kursk tự sát, không dám để Ukraine bắt THANH BÌNH 28/12/2024 Theo giải thích của Nhà Trắng, những người lính Triều Tiên tự sát thay vì đầu hàng Ukraine có thể vì sợ gia đình ở quê bị liên lụy.