19/01/2017 11:00 GMT+7

Những người nhóm lửa Tình nguyện mùa đông, ​Xuân tình nguyện

KIM ANH - THÁI BÁ DŨNG - ĐỨC BÌNH
KIM ANH - THÁI BÁ DŨNG - ĐỨC BÌNH

TTO - “Cha đẻ” của chương trình “Tình nguyện mùa đông” chính là ông Nguyễn Phước Lộc. Còn “tác giả” của chiến dịch “Xuân tình nguyện” thuộc về PGS.TS Nguyễn Đức Lộc.

Ông Nguyễn Phước Lộc trong một chuyến đi từ thiện, tặng quà đồng bào lũ lụt miền Trung khi còn là phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN VN) - Ảnh: Lâm Hải
Ông Nguyễn Phước Lộc trong một chuyến đi từ thiện, tặng quà đồng bào lũ lụt miền Trung khi còn là phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN VN) - Ảnh: Lâm Hải

Anh Nguyễn Phi Long, bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, cũng như nhiều cán bộ lãnh đạo Đoàn - Hội đều khẳng định “cha đẻ” của chương trình “Tình nguyện mùa đông” chính là ông Nguyễn Phước Lộc, ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Trong khi đó, hỏi nhiều “đời” làm công tác Hội sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, các anh đều cho biết “tác giả” của chiến dịch “Xuân tình nguyện” thuộc về anh Nguyễn Đức Lộc khi còn phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và công tác xã hội của trường.

Từ ông Lộc thứ nhất

Gặp ông Lộc trong một ngày đầu đông, nguyên chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cười nhẹ: “Cha đẻ gì đâu, thấy người dân Tây nguyên, nhất là học sinh nghèo quá cơ cực, đói rét vào dịp cuối năm, nên mùa đông năm 2005 mình khi đó là ủy viên thường trực Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam phụ trách phía Nam đã bắt tay thực hiện ý tưởng “Ấm áp mùa đông” nhằm vận động, kết nối các nguồn lực để cùng giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phát triển cộng đồng. Ban đầu tập trung quyên tặng áo ấm, chăn ấm cho học sinh, người dân nghèo năm tỉnh Tây nguyên...”.

Theo lời kể của ông Lộc, khi làm công tác Hội thanh niên, lại được giao nhiệm vụ phụ trách phía Nam nên ông có dịp được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều đối tượng người dân. Mỗi chuyến đi ông lại góp nhặt, ghi nhớ những hình ảnh trẻ em và người dân nghèo cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, và ông biết khi mùa đông đến những người dân này sẽ khó khăn hơn. Họ cần gì lúc mùa đông đến khi cái tết cũng đang xầm xập ập tới mọi nhà.

“Chắc chắn là những người khó khăn sẽ mong có tấm áo mới và chiếc áo ấm hơn, mong được ăn những bữa no. Vậy thanh niên cần phải giúp đỡ để họ ấm cái bụng và ấm cái thân. Đó chắc chắn là những điều họ cần nhất khi mùa đông đến” - ông Nguyễn Phước Lộc nói.

Theo ông Lộc, Đắk Lắk chính là nơi để lại nhiều ấn tượng về sự nghèo khó, và cũng chính tại địa phương này ông Lộc cùng các cộng sự đã làm điểm ra quân cho chương trình “Ấm áp mùa đông” lần đầu tiên năm 2005.

Ông Nguyễn Quang Thuân, bí thư Huyện ủy Krông Ana, nguyên bí thư Tỉnh đoàn, chủ tịch Hội LHTN tỉnh Đắk Lắk, người trực tiếp hỗ trợ ông Nguyễn Phước Lộc trong lần đầu tiên khởi động ra mắt chương trình “Ấm áp mùa đông”, nhớ lại:

“Phải nói thật thời điểm 2005-2006 bà con rất thiếu thốn. Khi nghe anh Lộc nói lên ý tưởng và tâm nguyện của mình, chúng tôi thấy ý tưởng ấy hay vô cùng và đánh trúng thời điểm nên xin tình nguyện hỗ trợ, sát cánh cùng anh Lộc”.

Ông Thuân cho biết mùa đông Tây nguyên không khắc nghiệt như ở các tỉnh phía Bắc, nhưng bà con nhiều nơi và cả trẻ em nghèo vẫn chống chọi giá lạnh trong những bộ áo quần mong manh. Chứng kiến những hình ảnh như vậy, đích thân ông Thuân cùng ông Lộc đã về TP.HCM vận động các mối quan hệ quen biết, có điều kiện để xin quần áo, thuốc men, kể cả tiền bạc để thực hiện chương trình.

Bạn trẻ TP.HCM ra quân Xuân tình nguyện 2017 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bạn trẻ TP.HCM trong ngày ra quân Xuân tình nguyện 2017 - Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Đến ông Lộc thứ hai

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, trưởng khoa khoa học quản lý Trường đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương), kể những ngày đầu khởi nguồn cho một chiến dịch tình nguyện vào mùa xuân, Tết năm 2005:

“Lúc đấy tôi phụ trách công việc tìm kiếm giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên, nhưng cứ đến mùa tết thường ít việc nên sinh viên dễ bị ép giá. Thậm chí nhiều bạn ở lại không về quê ăn tết với gia đình chỉ vì thời điểm đó phương tiện đi lại khó khăn, tốn kém.

Bỗng trong tôi lóe lên suy nghĩ sao không kết nối những kẻ cô đơn đến với những mảnh đời neo đơn, điều đó sẽ làm ấm áp thêm không khí ngày xuân cho cả hai bên. Mình cô đơn đi thăm người neo đơn còn gì vui hơn”.

Hoạt động đầu tiên là chương trình thu gom lịch treo tường cũ để cắt thành những cuốn tập dành tặng các học sinh trường khiếm thị để viết chữ nổi.

“Chỉ một dòng thông tin về chương trình thu gom lịch đăng lên báo Tuổi Trẻ lúc bấy giờ, nhiều cô chú ở tận Củ Chi, Hóc Môn xa trung tâm vài chục cây số cũng đem lịch cũ đến tặng.

Các trường học còn vận động góp lịch như một chương trình kế hoạch nhỏ... không ngờ hiệu ứng lan tỏa rất nhanh, năm đấy và những năm sau đó số lượng lịch thu về khổng lồ, chở bằng xe tải mới hết” - anh Lộc kể.

*** Error ***
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, trưởng khoa khoa học quản lý Trường đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương)

 

Cùng với đội quân thu gom lịch, đội hình hơn 50 sinh viên không về quê năm ấy đã góp mặt trong đội “ăn tết” tại những cơ sở xã hội. Ngoài nhóm đến với các cụ già tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè để dọn dẹp phòng ốc, trang trí mâm cỗ và cùng ở lại đón tết với các cụ, còn nhóm 24 bạn đã vui tết tại trung tâm cai nghiện dành cho thiếu niên ở Củ Chi.

Anh Phan Thế Anh, phóng viên kênh FM99 Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, khi còn là sinh viên năm ba ĐH Khoa học xã hội và nhân văn với vai trò đội trưởng đội “tình nguyện ăn tết” với học viên cai nghiện, chia sẻ: “Không khí những ngày cận tết tại trung tâm thật đặc biệt, chúng tôi cùng với cán bộ trung tâm tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa thể thao để các học viên có thêm niềm vui những ngày tết”.

Chiến dịch “Xuân tình nguyện” của ngôi nhà Nhân văn sau ba năm đã được triển khai thành cụm các trường, lúc đó có thêm các trường ĐH Văn Hiến, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Mỹ thuật... Và cũng năm ấy, chiến dịch đã có logo riêng. Mặt trận cũng mở rộng hơn, có nhiều sinh viên đem xuân đến với các mái ấm, nhà mở, các xóm trọ vắng người, những vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Bình Phước, Long An góp chút hương xuân cho em thơ, cụ già neo đơn...

Và chỉ năm sau đó, Tết năm 2009 chiến dịch “Xuân tình nguyện” đã được nâng cấp trở thành hoạt động cấp thành. Hội Sinh viên TP.HCM chính thức phát động đến rộng rãi học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn TP.HCM. Nhiều hoạt động mang hương xuân đến khắp muôn nơi đã được đông đảo học sinh, sinh viên thực hiện. Những chiếc bánh chưng xanh, đòn bánh tét do chính tay sinh viên gói đã trở thành món quà không thể thiếu trong hành trình của sinh viên khi đến với bà con, em nhỏ khó khăn...

Thâm niên “Tình nguyện mùa đông - mùa xuân”

Chắc chắn khi thực hiện ý tưởng “Ấm áp mùa đông” đầu tiên năm 2005, anh Nguyễn Phước Lộc cũng như nhiều thủ lĩnh Hội không thể tưởng tượng được chương trình của mình lại có sức sống và sự lan tỏa rộng khắp đến vậy. Và chương trình “Tình nguyện mùa đông” 2016 mùa thứ 12 đã được Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát động ngày 3-12. Trong khi đó, anh Phạm Kiều Hưng, trưởng Ban thanh niên trường học Thành đoàn TP.HCM, phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên TP.HCM, cho biết đến chiến dịch “Xuân tình nguyện” lần 9-2017 có hơn 30.000 chiến sĩ là học sinh, sinh viên, du học sinh, có cả sinh viên người nước ngoài đang học tập tại TP.HCM tham gia. Ngày 7-1-2017, chiến dịch “Xuân tình nguyện” lần 9 đã chính thức khởi động với nhiều nội dung như “Tết bạn bè”, “Xuân sẻ chia”, “Tết trẻ thơ”, “Xuân chiến sĩ” và “Xuân kết nối”...

KIM ANH - THÁI BÁ DŨNG - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên