Các nghệ nhân CLB và bậc cao niên làng Quảng Cư giao lưu hò khoan - Ảnh: V.T. |
Tiếp đó, khách cũng ứng khẩu một câu hò hưởng ứng rồi mới cùng nhau tâm sự. Nhưng tâm sự được vài phút thì chủ nhà lại làm cái xướng một câu hò. Khách hưởng ứng.
Thế là không khí hò khoan được dịp “nổi” lên như quấn quýt lấy cả khách lẫn chủ. Khung cảnh hiếm gặp này chứng tỏ người dân ở những làng quê huyện Lệ Thủy rất nghiện hát hò khoan.
Chào nhau bằng những câu hò
Đoàn khách CLB vừa vào đến ngõ nhà mệ Dẫn (80 tuổi, ở tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) thì mệ Dẫn rời đĩa cau trầu trên chiếc bàn phía cuối sân gạch ra đón khách. Do không ai báo trước nên mệ Dẫn lộ vẻ ngạc nhiên bởi cuộc ghé thăm bất ngờ. Còn khách thì hoan hỉ vì gặp được mẹ, một cao niên có giọng mộc nhưng cực vang của vùng hò khoan làng Quảng Cư.
Ngôi nhà cấp bốn khá ngăn nắp của người mẹ đơn chiếc này là “sân chơi hò khoan” của các bậc cao niên quanh làng. Nghe tiếng hò khoan rộn vang ở nhà mệ Dẫn, thoáng chốc các cụ ông, cụ bà trong làng lần lượt đến.
Thấy khách vừa vào sân, mệ Dẫn đã cất câu mời trong vai cái xướng điệu hò mái xắp: Hô hô khoan, khoan ơi... xin mời bạn xố con. Đoàn khách trong vai các xố con đáp liền: Ơi là hố... Mẹ Dẫn tiếp tục xướng: Vô đây... thì... xin ở lại đây... Đoàn khách xố: Hô hô khoan... ơi là hố khoan... ơi hò khoan. Mẹ Dẫn: Bao giờ kết trái... Đoàn khách: Ơi là hố. Mẹ Dẫn: Ơ ờ... kết trái... thì xanh cây ơ ờ mới về... Lời chào của mệ Dẫn vừa dứt thì phía đoàn khách cất câu xướng: Hô khoan ơ hờ, xin mời tất cả xố con. Tất cả cùng xố: Ơi là hố. Phía đoàn khách: Chào nghĩa, chào tình, chào thương, chào cảm / Đến hội ca cầm xin chào bè bạn gần xa. Tất cả xố: Hô hô khoan, ơi là hố khoan... ơi hò khoan.
Mệ Dẫn nói dí dỏm: “Nay tuổi 9-6-3-0 (ý nói răng rụng nhiều) rồi nhưng cứ gặp nhau là ngồi “trệt” (ngồi bệt) mà hò, không cần nhạc cụ chi hết, cứ vỗ tay là tha hồ hò thỏa thích”. Cả nhà đang say sưa hò thì một cụ bà chống gậy đến ngồi riêng ở góc bàn. Cụ bà cho biết tên là Trương Thị Bộ, năm nay đã 91 tuổi. Do nghe tiếng hò khoan nên cụ ngồi không yên rồi chống gậy sang chơi.
Cụ Bộ nói: “Những câu hò song thất lục bát kiểu ni thì người mô trong làng cũng thuộc làu làu. Ngày xưa tui tự hát, tự đối như các mệ ở đây. Đi làm đồng còn vác cả đàn, phách để lúc nghỉ giải lao mà hò đối đáp với tốp nghệ nhân ngồi hát “côi bờ” (trên bờ). Cày bừa, cấy lúa dưới trời nắng chang chang, mồ hôi ướt mặt, mệt nhọc lắm nhưng cứ hò là vui đáo để”.
Rồi không nghe ai trò chuyện gì nữa mà chỉ nghe các cụ, các mệ hò khoan hết mái này nối mái khác. Bài hò nói chuyện tình nghĩa vợ chồng được các mệ xướng và xố: Mẹ nhìn con bốn bề lưng lẹo / Con nhìn mẹ ruột héo gan khô / Bởi vì cha con có tính giang hồ / Mẹ đây không bạc nghĩa nên phân phô cho con tường.
Cụ ông Trương Tấn Thắm (80 tuổi) nghe vậy ôm miệng cười rồi đáp lễ bằng một bài hò, ngụ ý “trả nợ” sự trách trong bài hò vừa rồi: Bởi ngọn gió lung lay / Nên cành cây xa lá / Anh xa em hai ngả Tây Đông / Vô duyên phượng nỏ gặp rồng / Anh qua đò quán khách kẻo bạn tơ đồng cười chê...
Hội viên CLB người mù huyện Lệ Thủy tập lần cuối trước khi dự Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” của Hội Người mù tỉnh Quảng Bình - Ảnh: V.T. |
Người khiếm thị cũng mê hò khoan
Tại cơ sở hành nghề tẩm quất và tạo việc làm của người khiếm thị thuộc Hội Người mù huyện Lệ Thủy, đoàn nghệ nhân CLB vừa dừng xe thì đã nghe tiếng hò khoan chào đón rộn rã: Lệ Thủy anh hùng, quê hương Đại tướng / Nghe tiếng nhịp hò khoan, lời con tim vấn vít / Ngàn câu ca yêu thương nghe rung động trong lòng / Để nhớ hoài đất Lệ Thủy mình đây / Trong ánh mắt người như thả hồn say.
Chúng tôi ngạc nhiên khi biết tiếng hò khoan ấy do một nữ khiếm thị vừa hò để đón khách. Chị là Nguyễn Thị Thủy, 41 tuổi, chủ tịch Hội người mù huyện.
Chị Thủy cho hay Hội người mù huyện chỉ có một CLB hò khoan duy nhất gồm 10 hội viên tập trung tại đây. Cơ sở đã chọn 4/10 hội viên chuẩn bị đi dự Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ 3 do tỉnh hội người mù tổ chức ở TP Đồng Hới. Liên hoan là cuộc thi diễn xướng của tám CLB hò khoan của người khiếm thị trong tám huyện. Chiều nay là đợt tổng duyệt cuối cùng để mai đi dự liên hoan.
Sau khi được nhạc công sáo trúc Nguyễn Xuân Phớt và đàn nguyệt Nguyễn Hữu Điệp của đoàn khách hỗ trợ âm nhạc, chị Thủy khiếm thị làm tiếp một bài hò: Về Kiến Giang nghe lòng mình tha thiết / Cuộc sống từng giờ đang bắt nhịp đi lên / Lệ Thủy quê tôi người mù vẫn thấy niềm tin. Góp sức cho quê hương ngày thêm đổi mới / Rộn câu hò khoan hỡi hò khoan / Tự hào Lệ Thủy Kiến Giang / Mái chèo thỏa nhịp ngập tràn nắng mai...
Theo lời nghệ sĩ ưu tú Hải Lý, CLB hò khoan của Hội người mù với các hội viên ở cơ sở này mới được thành lập tháng 4-2016. Tuy mới thành lập nhưng người khiếm thị bắt nhịp lối hát hò khoan Lệ Thủy khá nhanh vì họ đã nhiều lần nghe các em học sinh tiểu học đến các nghệ nhân hát hò khoan trên đài phát thanh của huyện và sóng truyền hình của tỉnh. Chị Thủy cho biết mình luôn cảm ơn hai nghệ nhân Hải Lý và Hồng Hạnh vì đã tranh thủ thời gian đến cơ sở này dạy cho anh chị em người mù hát hò khoan. Chị Thủy nói: “Hai chị vừa dạy vừa động viên. Khi hai chị về, chúng tôi tự học. Vì mắt không nhìn thấy chữ nên nhờ người đến tẩm quất đọc hộ, chúng tôi nhẩm cho đến khi thuộc lời rồi mới vào điệu. Thi thoảng các nghệ nhân đến chỉnh giọng, cách luyến láy cho có hồn vía của hò khoan”. Chị Thủy cũng thừa nhận hát hò khoan không dễ “nhưng khó mấy tôi cũng học được khi mình đã đam mê”. |
“Cái làng Quảng Cư ni nổi tiếng là làng “nói trẹt” (nói trạng), nói chơi mà nghe như thật khiến ai nghe cũng cười rũ. Nói trạng mà mượn các điệu hò để thể hiện mới hấp dẫn. Không chỉ nói “trẹt” mà nói lẩy, nói bóng, nói gió cũng hát lên thành hò khoan được. Nghĩa là bất cứ chuyện hờn giận, buồn vui gì họ cũng hò bằng được. |
>> Kỳ tới: Đưa hò khoan vào nghị quyết
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận