01/04/2013 09:59 GMT+7

Những người mở tuyến

MINH QUANG - ĐỨC BÌNH
MINH QUANG - ĐỨC BÌNH

TT - Để tạo nên diện mạo ban đầu của con đường tuần tra biên giới uốn lượn quanh co trên núi, trong mây, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, chiến sĩ đã phải băng rừng, trèo đèo, lội suối đi phát tuyến, mở đường, cắm mốc...

Trên con đường mang dáng hình Tổ quốc - Kỳ 5:

B7Z0dAjA.jpgPhóng to
Thi công đường tuần tra biên giới tuyến Ngọc Hồi (Kon Tum) - Ảnh: VŨ QUANG THÁI

Lạc rừng...

Đến hôm nay, thiếu tướng Hoàng Kiền vẫn không thể quên được những ngày đầu ông cùng các giám đốc, kỹ sư, chiến sĩ đi mở tuyến ở Tây nguyên. Đó là một ngày mùa thu năm 2007, vì quá sốt ruột thấy sau gần nửa năm Thủ tướng ban hành quyết định mà các thủ tục pháp lý cho việc triển khai con đường vẫn chưa xong, nên tướng Kiền (khi đó vừa được điều động về làm giám đốc BQL 47) đã triệu tập các nhà thầu vào ngay Tây nguyên khảo sát, mở tuyến và cắm mốc phân tuyến cho các đơn vị thi công.

“Quá nửa trong tổng số gần 70 đơn vị tham gia khi ấy lần đầu đến và thi công trên các cánh rừng Tây nguyên. Vậy nhưng tất cả đều rất phấn chấn vì nhiệm vụ vẻ vang, lớn lao này” - tướng Kiền nói.

Ông nhớ lại: “Hôm đó, nhà khách Binh đoàn Tây nguyên rất đông vui. Xe đỗ chật sân. Tôi hỏi “Có anh em nào đã qua chiến tranh chống Mỹ?”. Cả hội trường chỉ duy nhất anh Trọng, đoàn trưởng Đoàn 728 (Binh đoàn 16), giơ tay. Tôi hỏi tiếp: “Anh em nào đã có kinh nghiệm mở đường giữa rừng?”. Cũng chỉ lác đác vài cánh tay giơ lên. “Nói vậy để nhà báo thấy buổi ban đầu mở tuyến, cắm mốc khó khăn thế nào. Chúng tôi phải mất cả ngày để tập huấn nhanh những kinh nghiệm đi rừng, cách làm việc nhóm, ấy vậy mà khi triển khai vẫn có xộc xệch, thậm chí có hai nhóm đi lạc trong rừng đến hai ngày sau mới quay trở lại”.

Nhóm đi lạc thuộc cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12. Sau hai ngày lạc trong khu vực rừng núi biên giới, lúc trở về thiếu tướng Hoàng Kiền được anh em tường trình: họ lội bộ vào rừng, càng đi rừng núi càng chênh vênh, trơn trượt, âm u. Càng vào sâu rừng càng ẩm, vắt ra càng nhiều. Đến lúc phát hiện đi lạc thì đã vào quá sâu trong rừng già.

Nhưng việc lạc rừng chưa phải là tất cả, mà bên cạnh đó nhóm đi lạc này còn gặp nhiều “tai nạn” nhớ đời. Có chiến sĩ bị rắn chui vào balô khi nào không biết, đến tối lúc mở balô ra lấy tăng võng thì bị rắn đớp hụt, hét toáng lên bỏ cả balô mà chạy. Còn cậu cấp dưỡng trong nhóm đó sau đêm đầu tiên ngủ rừng, khi mắt nhắm mắt mở nhóm bếp thì phát hiện một con rắn lục cuộn tròn bên cành khô cháy dở hôm trước. Anh em lại một phen tá hỏa bởi tiếng thét thất kinh của người lính trẻ...

Còn nhóm của Công ty 36 (Binh đoàn 11) thì bị lạc rừng vì một lý do thật đơn giản: dù đã được tập huấn đi rừng tới đâu phải phát cây đánh dấu tới đó nhưng rồi họ lại ngại. Để rồi càng đi vào sâu càng mất dấu. Do cả hai nhóm không mang nhiều quân lương nên hai ngày lạc là hai ngày bị đói, các chiến sĩ chỉ còn biết chặt các cây vầu, bương để lấy nước uống. Phải sang đến ngày thứ ba, hai nhóm này mới tìm được đường về đồn biên phòng 673 (xã Đắk Long, Đắk Glei, Kon Tum) trong sự mừng rỡ đến phát khóc của các nhóm còn lại.

ifv7ksVH.jpgPhóng to
Một đoạn đường tuần tra biên giới ở Sốp Cộp (Sơn La) đang được hoàn thành - Ảnh: VŨ QUANG THÁI

Thành công từ những nét vẽ...

Dẫn chúng tôi đi trên con đường tuần tra biên giới đoạn tuyến vào đồn biên phòng 553 Châu Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), đại tá Nguyễn Ngọc Tuyên, trưởng Phòng quản lý thi công 2-BQL 47, bộc bạch: ”Sau hơn năm năm, có được những mét đường thế này ai cũng tưởng bình thường, nhưng với người lính làm đường chúng tôi thì quá phi thường. Mà công lao ban đầu phải dành cho những người đi mở tuyến, định vị cắm mốc, tạo những nét vẽ ban đầu để hình thành con đường huyền thoại này.

Yêu cầu là con đường phải bám sát dọc biên giới, chỗ xa nhất không được cách đường biên 1km. Vì thế, dù địa hình thế nào cũng phải làm. Gặp núi cao thì bạt, gặp vực sâu thì bắc cầu. Yêu cầu cao nhất đối với người mở tuyến là phải phác thảo được con đường thuận tiện thi công nhất, mà chi phí phải thấp nhất”.

Anh Trần Đình Thát, cán bộ Công ty Thành An 191, kể: năm 2008, đơn vị được giao nhiệm vụ khảo sát một số đoạn tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có tuyến đường vào đồn biên phòng 553 Châu Khê dự kiến dài hơn 30km chạy gần như hoàn toàn trong lòng vườn quốc gia Pù Mát.

“Hai tháng ở hẳn trong rừng, không thông tin liên lạc, không bóng một người dân, chỉ có rắn độc, vắt rừng và muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Vậy mà hằng ngày anh em vẫn phải làm tất cả công tác đo đạc, khoan thăm dò lấy mẫu đất đá, thiết kế tuyến hiện trường, đo địa hình, địa chất thủy văn, tính từng đoạn đường phải dùng máy gầu, máy xúc như thế nào, đoạn nào phải nổ mìn phá đá...”.

“Rừng thiêng nước độc, ngày đầu bước chân vào anh em ai cũng bỡ ngỡ, tọa độ có cả rồi nhưng đi thế nào, đường nào để có thể lên được điểm bắt đầu của tuyến? Ngày ấy, một già làng ở bản Khe Choang đã dẫn anh em đi rừng, không những thế dân làng còn cử cả người mang vác lương thực gồm gạo, muối và cá khô cho anh em” - anh Thát kể. Đồ ăn mang theo chỉ có vậy, đói thì lấy nước suối, bẻ củi trên rừng nấu cơm ăn với cá kho, muối vừng. Thèm rau thì chỉ dám chặt lõi chuối nấu lên làm canh bởi không biết rau rừng cây nào ăn được, cây nào độc.

Ăn đã vậy, ngủ cũng không hơn gì bởi chỗ ngủ duy nhất là tăng võng. Cứ khi trời bắt đầu ngả về chiều, cả đoàn lại ngưng công việc khảo sát, đo vẽ để lao vào nấu cơm chiều, ăn xong rồi mắc võng nằm ngủ. Giấc ngủ giữa rừng sâu chỉ kéo dài 5-6g, cứ đến 2g sáng là cả đoàn choàng tỉnh giấc bởi cái lạnh run người của rừng già, bởi tiếng đủ loài động vật, côn trùng kêu trong đêm.

“Trăn rắn thì nhìn thấy như cơm bữa, còn chuyện bị vắt, bị ruồi vàng đốt nhiều hơn cơm bữa, có anh buổi sáng còn khỏe như voi, đến chiều đổ uỳnh rồi nằm rên cả tuần. Bác sĩ chẳng có, phương thuốc duy nhất của anh em trong đoàn là kháng sinh và kháng sinh, uống mãi rồi cũng khỏi” - anh Thát kể.

“Bảo anh em khi đó như con khỉ cũng chẳng có gì sai, mỗi người một balô 10-15kg quân tư trang, địu thêm gạo với cá khô là cứ thế trèo thôi, cấm người nào nhìn xuống vì ở dưới là vực sâu thăm thẳm không thấy đáy, chóng mặt là rơi, là chết” - anh Thát nói.

Hướng mắt về cung đường tuần tra biên giới thuộc địa phận xã Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hóa), đại tá Nguyễn Ngọc Tuyên bồi hồi: “Mấy năm trước tuyến đường này chỉ là rừng với núi...”.

______________

Kỳ tới:Gần lại với biên cương

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

MINH QUANG - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên