Bài viết 'Tha lôi' đồ đạc về nhà chất đống rồi stress vì bừa bộn nghẹt thở đăng trên Tuổi Trẻ Online được nhiều bạn đọc đồng cảm khi chứng kiến, thậm chí sống chung nhà với người có… sở thích chứa mọi thứ đồ, mang thêm mấy món chẳng có giá trị gì về nhà để đó rồi tính sau.
"Kiếp nạn" chung nhà với người thích bày bừa
Đọc xong bài viết, độc giả Phạm Thiết Hùng chỉ biết… cười ngất, vì các trường hợp trong bài y hệt vợ ông, thích mua và nhặt tất tần tật mang về, chất lủng củng ở cả 6 phòng và trên sân thượng đủ thứ đáng gọi là rác.
Ông Hùng cho biết: "Vợ tôi không chỉ giữ đồ cũ không xài đến nữa mà còn lụm đồ ve chai về. Những tấm đệm mút người ta chuyển nhà vứt ở lề đường cũng mang về. Ghế, bàn gãy vỡ cũng lụm. Mấy người bán ve chai đạp xe đi qua mà có chậu, nồi, quạt điện hư bả gọi mua. Rồi hộp xốp, các tông, hộp nhựa đựng trái cây. Tôi cũng muốn vứt hết đi nhưng biết đó là niềm vui của vợ nên thôi đành im, nhịn cho lành".
Chung nỗi niềm, anh Thanh Nam bày tỏ hài hước: "Tôi phải để ba phòng làm kho cất đồ cho vợ, nhà có góc nào là nhồi đồ góc đó, thiết kế hẳn một phòng làm giá treo quần áo như siêu thị (tầm khoảng 2.000 - 3.000 chiếc, quần áo từ 20 năm trước vẫn còn nguyên). Mua đồ dùng thì phải mua một lần 4 - 5 chiếc".
Các chị em phụ nữ cũng tâm sự về "kiếp nạn" khi nửa kia của mình không phải người thích lưu trữ gọn gàng.
"Chồng tôi thì đặc biệt siêu thích đồ mỹ nghệ, đồ decor. Ai đến nhà cứ nghĩ nhà bán đồ mỹ nghệ. Vừa tốn tiền vừa chật chội, và phải lau bụi thường xuyên. Cuối tuần tôi dắt con đi chơi, còn chồng dành thời gian đi mua đồ", chị Dung Thien bình luận.
"Tôi trước kia có anh người yêu mà nhà cửa bày bừa khiếp lắm. Anh bảo đó là sự lộn xộn trong trật tự, nếu đồ đạc ít anh cảm thấy không an tâm. Thôi tôi cho anh an tâm bằng cách mỗi đứa một nơi luôn", chị Ha Anh Le viết.
Bạn đọc Cúc ta thán: "Khổ nhất là nhà cửa quá nhiều đồ đạc không dùng đến mà không thể dọn bớt vì không phải đồ của mình. Ly mì, đũa ăn liền, hộp xốp đựng đồ ăn xài rồi cũng không nỡ bỏ, chất đầy tủ mốc meo cả lên".
Nói về đồng nghiệp của mình, bạn đọc tự đặt cái tên Gọn gàng kể: "Trong công ty có mấy đồng nghiệp mà mỗi lần nhìn vào bàn làm việc của họ là tôi chóng mặt. Lắm thứ đồ để lộn xộn. Bánh kẹo ăn dở mấy ngày vẫn để, chậu cây chết khô mà không vứt đi. Chỉ tội mấy cô lao công vì lau bàn thì không dám dịch chuyển sợ phật ý đồng nghiệp tôi. Nhiều khi kiến bâu vào nhìn ghê ơi là ghê".
Độc giả Vy Vy thì than thở em của mình là "chúa" bày bừa, hay sưu tầm những món đồ cũ kỹ. "Em ấy còn đem bày sang phòng mình vì thấy phòng mình trống trải. Nói hoài chẳng nghe", bạn đọc này nói.
Nên dọn dẹp cho thoáng nhà, nhất là vào mùa nóng
Một số bạn đọc cho rằng nên dọn dẹp nhà cửa, tạo lối sống ngăn nắp ngay từ nhỏ, tránh để lớn lên khó sửa đổi thói quen tích trữ đồ. Ngoài ra, việc nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ cũng khiến tinh thần thoải mái, tốt cho sức khỏe.
Độc giả có tài khoản tên Ý kiến nhìn nhận: "Từ nhỏ nếu nhà cửa bừa bộn không ai dọn dẹp sắp xếp thì lớn lên người ta cũng bề bộn theo. Nên tập cho con cái biết sống ngăn nắp, sạch sẽ, vừa tốt cho mình (đỡ phải dọn), vừa tốt cho sức khỏe (đồ đạc tùm lum, bụi bẩn, ngột ngạt khiến không khí không lưu thông), chưa kể là chuột gặm".
Trong khi đó, bạn đọc Duc Nguyen tỏ ra ngán ngẩm khi phải sống chung nhà với người cô có thói quen giữ lại đồ cũ làm chiếm hết không gian sống, rất ngột ngạt. Người cô cho rằng "Giờ có tiền nên cái gì cũng bỏ đi, đến khi nghèo thì sẽ biết" khiến bạn đọc này chịu thua.
"Tôi chỉ muốn dọn dẹp lại, tạo không gian thoáng đãng, nhất là mùa nóng. Tôi không thích tư duy giữ đồ của cô tôi. Tôi chỉ muốn đồ ít dùng thì nên cho đi, đừng cứ ki bo khư khư giữ nhưng chẳng bao giờ dùng đến", bạn đọc này chia sẻ.
Còn bạn đọc Hoan bình luận: "Người Nhật có nguyên tắc 5S mà công ty tôi ngày trước áp dụng, đồ đạc luôn được sàng lọc và sắp xếp. Mấy cụ già Nam Bộ xưa như bà ngoại, bà nội tôi và nhiều người thân quen tôi biết luôn sắp xếp dọn dẹp đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp. Người phương Tây cũng có nhà kho, cất giữ những đồ thừa ít dùng. Đó là thói quen văn minh, xứng đáng để học hỏi và duy trì".
5S là tên gọi của một phương pháp để quản lý, sắp xếp môi trường làm việc. 5S được viết tắt từ 5 từ của tiếng Nhật. Đó là Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc) và Shitsuke (Sẵn sàng).
+ Sàng lọc: là xem xét, phân loại, chọn và loại bỏ những thứ không cần thiết tại nơi làm việc.
+ Sắp xếp: tổ chức, sắp xếp lại các vật dụng theo tiêu chí dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ trả lại. Mọi thứ cần được đặt đúng chỗ để tiện lợi khi cần sử dụng.
+ Sạch sẽ: thường xuyên vệ sinh, lau chùi, dọn dẹp mọi thứ gây bẩn tại nơi làm việc. Việc này giúp tạo ra một môi trường sạch sẽ, giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra còn nâng cao tính chính xác cho máy móc tránh khỏi bụi bẩn.
+ Săn sóc: là tiếp tục duy trì các tiêu chuẩn 3S ở trên và thực hiện chúng một cách liên tục. Nó tạo tiền đề cho việc phát triển thành 5S.
+ Sẵn sàng: rèn luyện, tạo ra thói quen tự giác, duy trì nề nếp, tác phong. 5S còn cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại nơi làm việc để luôn sẵn sàng sản xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận