18/11/2017 10:10 GMT+7

Những người mẹ âm thầm cưu mang con của người khác

LAN ANH - NGỌC LOAN -  MINH PHƯỢNG -  LÊ PHƯƠNG - UYÊN TRINH
LAN ANH - NGỌC LOAN - MINH PHƯỢNG - LÊ PHƯƠNG - UYÊN TRINH

TTO - Có những người mẹ chối bỏ con, nhưng nhiều người âm thầm cưu mang những đứa trẻ ấy và mong mỏi sẽ có một ngày các em tìm lại được gia đình mình. Câu chuyện của họ là câu chuyện của trái tim…

Những người mẹ âm thầm cưu mang con của người khác - Ảnh 1.

Thiếu úy Khuất Khánh Ly rơi nước mắt khi chia tay cháu bé đã được chị cưu mang - Ảnh: Đình Phương

Chia tay khi con tìm được mẹ

Bà Nguyễn Thị Tuyến (tên khai sinh là Tét, 55 tuổi, quê ở Củ Chi, TP.HCM) dù không một lần sinh nở nhưng đã làm mẹ khoảng 36 đứa con ở Nhà số 2 - Làng trẻ SOS Gò Vấp.

Đứa trẻ sơ sinh đầu tiên bà Tuyến nuôi vào năm 1990 là N.. Mẹ N. không được bình thường nên hay đi lang thang rồi có con, phải mang đi cho. "Trước đó, tui cũng chăm sóc hai chị của N., một đứa 3 tuổi và một đứa 6 tuổi" - bà Tuyến kể.

Trong số trẻ bà Tuyến nuôi, có một em đã được gia đình đón về. "Năm 2000, một bé trai mới sinh được 2 ngày được một người họ hàng mang đến cho tui. Bé bị bệnh đường ruột, lúc ấy không biết sống chết thế nào. Vào đây, bé được đặt tên là N.C.K.A." - bà Tuyến nhớ lại. 

Bà Tuyến yêu thương chăm sóc K.A. lên 5 tuổi thì gia đình đến xin nhận con. Bà nhớ hoài ngày chia tay, gia đình đưa taxi xuống đón. Cậu bé K.A. một mực đòi mẹ Tuyến phải lên xe chung. Lúc chiếc xe vút đi, cậu bé khóc thét, còn bà Tuyến cũng không cầm được nước mắt.

Nhớ về cuộc chia tay ấy, bà lau nước mắt: "Lúc đó tui buồn lắm. Mình nuôi nó từ lúc 2 ngày tuổi, nhìn nó biết cười, biết ăn, biết nói, lớn dần lên, tình cảm đó quý lắm, thiêng liêng lắm. Lúc gia đình đón đi rồi, tui khóc cả tháng trời". 

Thương và không yên tâm, bà lên tận nhà bé ở Bến Cát, Bình Dương để thăm. Thằng bé khóc lóc đòi về lại làng, từ đó bà không lui tới nữa vì để con làm quen với cuộc sống bên gia đình của mình. Bây giờ K.A. đang học lớp 12.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi lớn lên trong làng SOS dù được chăm sóc bằng tình yêu thương, nhưng tâm hồn các em rất nhạy cảm. 

"Các bé lớn lên rất hòa đồng. Tuy nhiên, khi nhìn những bạn có cha, các em thường hỏi: Mẹ ơi sao con không có cha? Ban đầu mình bảo cha các con đi làm xa kiếm tiền nuôi con. Nhưng khi các con lớn lên một xíu là biết hết. Có một lần, mình rầy bé A. (14 tuổi, lúc đó 5 tuổi) thì bất ngờ bé quay sang hỏi: Mẹ ơi, mẹ của con đâu?", bà Tuyến kể.

Gắn bó mãi mãi...

10 năm trước, bé Linh chưa đầy 1 tuổi, mẹ tự tử, cha đi tù, ông bà nội đã mất, ông bà ngoại ở xa nên đã được gia đình bà Vũ Thị Tám ở thôn Quyết Tâm, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang nhận trông nom. 

Chị Phùng Thị Hồng, con gái bà Tám, từng làm giúp việc của gia đình bé Linh, khi mẹ Linh mất và cha bé đi tù, chị Hồng và mẹ đã đón bé về chăm sóc, còn ông bà ngoại bé trông nom anh của Linh lúc ấy sắp vào lớp 1.

Không giống với những đứa trẻ khỏe mạnh, Linh có nhiều mảng u máu ở chân, mông và nhiều vị trí khác của cơ thể, vì thế bé hay bị ngứa và đau, có khi suốt đêm không ngủ nổi. Bé chậm nói và sau này không thể đi học như các bạn bình thường. 

Gia đình bà Tám rất nghèo, chúng tôi đến thăm ngôi nhà nằm trên quả đồi nhỏ, hầu như không có vật dụng gì đáng giá khi bà mới nhận nuôi bé Linh. Nhưng chừng ấy năm qua, Linh vẫn ở với gia đình bà Tám, đã trở thành một thành viên thực sự của gia đình.

"Năm 2010, bố cháu ra tù nhưng chỉ đón anh cháu về nuôi, sau đó bố cháu lấy vợ và có thêm con, năm 2016 bố cháu lại bị đi tù, chúng tôi xác định sẽ chăm sóc thằng bé đến khi nào không còn chăm sóc được nữa, Linh sẽ ở với các con tôi. 

Thằng bé cũng yêu mến ông bà, nó không đi học được nhưng sau này có thể bán hàng tạp hóa kiếm sống. Hôm trước, khi cả nhà đến một nơi xa lạ thăm người thân của Linh, nó cứ tìm ông bà rối rít, nó đã thành người thân của chúng tôi" - bà Tám nói.

Nhiều nguyên nhân bỏ con

1

Bé Nguyễn Phước Đặng trong vòng tay của ông Nguyễn Anh Trí, nguyên viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu T.Ư, thời điểm mới bị mẹ bỏ rơi. Hiện bé vẫn chưa được ai đón… Ảnh: BVCC

TS xã hội học, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy cho biết hiện tượng bỏ con ngày nay có rất nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do không có điều kiện kinh tế. Thứ hai, chính sự kỳ thị của xã hội làm cho những người lầm lỡ không dám đối mặt với việc sinh đứa trẻ khi không có cha, không có đám cưới.

Có thể nói định kiến, sự kỳ thị là "đòn" mạnh nhất, kinh khủng nhất khiến cho nhiều người phải bỏ rơi con.

Vì thế, cộng đồng cần động viên, thông cảm cho những người mẹ bỏ con, vì chính họ cũng bị rơi vào thế đường cùng, nghĩ quẩn phải bỏ con.

Những người mẹ trẻ lầm lỡ, nếu được tư vấn, động viên, họ sẽ thay đổi suy nghĩ và thay đổi hành vi.

Bà Mai Thị Hoa cảnh báo quan hệ tình dục dễ dãi, không phòng tránh thai đang là nguyên nhân quan trọng của tình trạng bỏ con.

Đau lòng hơn là với trẻ khuyết tật, ngay cả người có gia đình cũng bỏ con vì sợ quan niệm ăn ở thất đức nên đẻ con bị tàn tật, hoặc lý do khó khăn...

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, năm 2015 sở tiếp nhận 205 trường hợp trẻ bị bỏ rơi; năm 2016: 201 trường hợp. Từ đầu năm đến ngày 25-5-2017: 60 trường hợp.

LAN ANH - NGỌC LOAN - MINH PHƯỢNG - LÊ PHƯƠNG - UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên