22/01/2017 16:30 GMT+7

Những người mẫu “độc” của các nhiếp ảnh gia Việt

QUANG THI
QUANG THI

TTO - Sau khi hai “người mẫu đại ngàn” là bà Ka Ơn, Ka Ành ở Bảo Lộc qua đời, nhiếp ảnh Việt Nam còn những người mẫu độc đáo nào?

Ảnh chụp ông bà Sẻ của Nguyễn Vũ Phước
Ảnh chụp ông bà Sẻ của Nguyễn Vũ Phước

1 Ở làng rau Trà Quế (Hội An) có vợ chồng ông Lê Văn Sẻ và bà Nguyễn Thị Lợi. Cụ ông năm nay 93 tuổi, râu trắng bạc phơ. Cụ bà 86 tuổi, hàm răng không còn cái nào. Giới nhiếp ảnh “yêu” bà ở đặc điểm là nụ cười hồn nhiên và... quên trời đất.

Người “phát hiện” ông bà Sẻ là nhiếp ảnh gia Mai Thành Chương ở Hội An. Anh nhớ lại lần đầu tiên khi anh xuống làng rau Trà Quế chụp ảnh thì thấy hai ông bà đang gánh nước tưới rau.

Anh kể: “Lúc đó tôi thấy ông bà đang lao động mà cũng vui vẻ nên đề nghị chụp ảnh. Rồi tôi theo ông bà về nhà chụp ảnh ở nhà. Không ngờ bức ảnh sau đó được nhiều người chia sẻ trên mạng. Những người bạn của tôi bán ảnh ở Hội An cũng cho biết dân Tây họ thích ảnh của ông bà, nên đề nghị tôi gửi thêm. Từ đó đến nay tôi cũng bán được nhiều ảnh của ông bà!”.

Sau đó, vợ chồng ông bà Sẻ bắt đầu trở thành mẫu cho nhiều nhiếp ảnh gia. Đặc biệt là khách du lịch Tây, họ cũng rất thích chụp ảnh với ông bà.

Giờ đây, do tuổi đã cao nên việc trao đổi với ông bà có phần khó khăn. Nhưng theo ông Lê Nhạn - một trong những người con của ông bà, khi được chụp hình thì ông bà vẫn rất vui vẻ, không nề hà gì. Năm 2015, chương trình Điều ước thứ bảy của VTV còn về Hội An tổ chức “đám cưới kim cương” cho ông bà Sẻ.

Điều thú vị là ông bà có những bức hình chụp riêng, nhưng gây ấn tượng nhất vẫn là những bức ảnh ông bà chụp chung, như luôn là một cặp với nhau trong đời thực. Nhìn nụ cười của ông bà như thấy rằng lúc nào ở bên nhau họ cũng hạnh phúc.

Từng đưa nhiều đoàn nhiếp ảnh gia nước ngoài vào Việt Nam chụp ảnh, những câu chuyện ở Hội An của nhiếp ảnh gia Nguyễn Vũ Phước luôn có ông bà Sẻ. Anh nhận xét: “Ông bà sống thọ đến tuổi đó cũng rất hiếm.

Họ lại sống hạnh phúc bên nhau, trong khung cảnh làng quê hiền hòa, dân dã ở Trà Quế... Những hình ảnh đó thật gần gũi để giới thiệu về sự gắn bó, thủy chung lâu đời của con người và văn hóa làng quê Việt Nam”.

2 Ở làng gốm Bàu Trúc (Phan Rang, Ninh Thuận), giới nhiếp ảnh gia lâu nay biết đến hai chị em gái người Chăm là Sa Pa và An Phước. Điều đặc biệt là An Phước có đôi mắt xanh biếc, còn Sa Pa có một bên mắt xanh.

Vì ông cố của Sa Pa và An Phước là người Pháp nên cha mẹ và anh trai của hai chị em cũng có người mang màu mắt xanh Tây dương. Tuy cũng có nhiều người Pháp lai ở Việt Nam nhưng không ai có màu mắt xanh như gia đình An Phước, Sa Pa. Điều đó giúp hai bé gái người Chăm này trở nên thu hút giới nhiếp ảnh.

Pha La và người mẫu nhí của Lý Hồng Vân
Pha La và người mẫu nhí của Lý Hồng Vân

Có nhiều người chụp Sa Pa và An Phước trước đó, nhưng thành công nhất có lẽ là nhiếp ảnh gia người Pháp Rehahn. Câu chuyện của Rehahn là khi anh đến Việt Nam cách đây vài năm, có đến 230.000 người kết nối với anh trên Facebook hỏi anh về hai bé gái này.

Những bức ảnh chụp Sa Pa và An Phước giúp tên tuổi của Rehahn nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, bên cạnh những bức ảnh khác của anh như ảnh chụp cụ bà lái đò Bùi Thị Xong ở Hội An, em bé M’Nông bên chú voi ở Đắk Lắk...

Cùng với sự nổi tiếng, Rehahn cũng xây dựng một kế hoạch “Giving back” (Hồi trả), trích một số tiền bán ảnh để giúp đỡ người mẫu như mua đò mới cho bà Xong, tặng xe đạp và bò nuôi cho gia đình Sa Pa, tặng bò cho gia đình em bé M’Nông ở Đắk Lắk...

Nghĩa cử của Rehahn là điều mà không phải nhiếp ảnh gia nào cũng chú ý và làm được cho người mẫu của mình!

3 Một cô gái Chăm khác, cũng là điều thú vị của giới nhiếp ảnh, là Pha La ở Châu Phú, An Giang. Tuy là một cô gái bình thường, nhưng trang Facebook của Pha La đông đến độ không thể kết bạn. Pha La cho biết rằng hầu hết là giới nhiếp ảnh cả nước kết bạn trên mạng với Pha La.

Mới đây, trong các cuộc triển lãm có nhiếp ảnh gia Trần Cao Bảo Long, thỉnh thoảng lại thấy Pha La đi cùng một phụ nữ đứng tuổi trong trang phục Hồi giáo đến dự. Bảo Long cũng chính là người “phát hiện” ra Pha La. Lần đó, khoảng năm 2013, Bảo Long và các nhiếp ảnh gia Huỳnh Phúc Hậu (An Giang), Phan Thanh Cường (Bạc Liêu) đi vào một làng Chăm ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang.

Đang lớ ngớ vì không rành địa phương, không biết tiếng Chăm thì họ bắt gặp Pha La đạp xe đạp từ trong nhà chạy ra. Khi Bảo Long đề nghị chụp ảnh thì cô gái Pha La cho biết phải vào nhà xin phép cha, nếu được phép thì mới được chụp ảnh. Nhóm nhiếp ảnh gia vào nhà và xin phép cha của Pha La và được ông đồng ý. Pha La đến với nhiếp ảnh từ đó.

Giờ đây, mỗi bức ảnh chụp Pha La được đưa lên mạng nhiếp ảnh thường dễ được các nhiếp ảnh gia nhận ra với những lời trầm trồ: “Ồ, Pha La...”, “Pha La xinh đẹp...!”.

Nhiếp ảnh gia Bùi Văn Chung, người từng có ảnh Pha La vào triển lãm toàn quốc, nhận xét: “Cô gái Pha La có vẻ đẹp thanh xuân, đặc biệt là mặc trang phục truyền thống người Chăm rất đẹp. Trong giao tiếp Pha La cũng rất lịch sự, cởi mở, giúp đỡ nhiếp ảnh gia... nên ai cũng có cảm tình!”.

Năm nay Pha La bước qua tuổi hai mươi và chuẩn bị cho cuộc hôn nhân đời mình. Người phụ nữ đứng tuổi đi với Pha La đến những cuộc triển lãm chính là mẹ chồng tương lai của Pha La.

Khi được hỏi nếu có chồng rồi thì được phép làm người mẫu chụp ảnh nữa không, Pha La vui vẻ giải thích rằng khi còn con gái thì xin phép cha, còn khi đã có chồng thì phải theo ý chồng. Pha La cười tươi: “Nếu chồng cho phép chụp ảnh thì em vẫn chụp ạ!”.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên