04/12/2014 08:37 GMT+7

​Những người lính trấn thủ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Cha ông Nguyễn Văn Ngọc hay kể lại cho con cháu những ký ức tổ tiên mình.

Bản sắc phong quan thành Điện Hải - Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

Đó là những câu chuyện truyền lưu được kể lại từ đời cụ cố đến đời ông nội, rồi đời cha và giờ đây là ông Ngọc về cha ông là những người lính trấn thủ An Nam. 

Gia phả xưa của nhà ông Ngọc cũng ghi rõ gốc gác cụ tổ ở làng An Nghiệp, huyện Hải Hậu, Nam Định. Một lần phạm tội với triều Lê, họ bị đày vào miền đất hoang hiểm phương Nam.

Khi nhà Nguyễn khai mở xứ Đàng Trong, họ dần được xóa tội và nhiều đời làm võ quan, lính tráng cho triều đình...

Ký ức truyền đời

“Cha tôi kể lời tổ tiên rằng nhiều cụ từ đời ông cố của dòng họ trở về xưa làm cai đội và đi lính ở các cửa biển Hội An, Đà Nẵng. Khoảng đời thứ sáu có cụ đã hi sinh ở mặt trận Đà Nẵng khi tàu chiến Pháp tấn công năm 1858. Con trai ông, tức cụ đời thứ năm trước tôi tên Nguyễn An Vĩnh tiếp tục đi lính trấn thủ ở Hải Vân những năm cuối thế kỷ 19 và cũng hi sinh ở đây”- ông Ngọc đã gần bước sang tuổi 90, sống ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, vẫn nhớ rành rọt chuyện xưa.

Ông kể lời tổ tiên rằng sau khi phải lìa Hải Hậu theo án phạt của tổng đốc Nam Định, họ dắt díu nhau vào sống ở Quảng Nam và tiếp tục mưu sinh bằng nghề biển như từng sống ở miền biển Hải Hậu xứ Bắc. Các cụ đi lính được sung vào thủy quân luân phiên trấn thủ ở các cửa biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Cụ Vĩnh của ông Ngọc, khi cha bị chết trận, đã được vua Tự Đức đặc cách trao cho một chức quân nhỏ gì đó như là cai đội và vợ con được miễn thuế, phu suốt đời. Cụ từng trấn thủ ở cửa biển Đà Nẵng, rồi luân chuyển lên canh gác trên Hải Vân. Ông Ngọc tâm sự lời tổ tiên truyền lưu rằng: “Cụ tôi là người có học, biết sử dụng hỏa pháo nên được các vị tướng cầm quân nể trọng. Cụ có lính dưới quyền, được nhà vua tặng áo ấm mùa đông, ngựa tốt khi bảo vệ đèo Hải Vân”.

Ông Ngọc kể đến đời cha ông vẫn còn giữ được một giấy công lệnh của tuần phủ Quảng Nam trao, ghi rõ trách nhiệm quan phòng cũng như các khoản đặc cách ưu tiên cho cụ Vĩnh. Mãi đến năm 1968 tờ giấy xưa này mới bị cháy trong chiến sự ác liệt ở miền Trung.

“Tôi nhớ lời tổ tiên truyền kể rằng cụ Vĩnh bị trúng pháo chết trong một trận giao chiến với quân Pháp. Quân xâm lược không dám đánh cận chiến trực tiếp với lính An Nam mà bắn sơn pháo từ xa. Quân cụ dùng pháo bắn trả và lính Pháp cũng bị nhiều thương vong. Cụ mất, thi hài bị chôn vùi đâu đó gần đỉnh đèo đặt trạm Hải Vân quan. Đến đời ông cố và ông nội tôi còn cố công lên đèo này tìm mộ cụ nhưng không thành, vì nghe nói sau đó người Pháp có sửa sang đường sá, mạo phạm vào những nấm mộ người Việt bên đèo”- ông Ngọc tâm sự ngày xưa cha ông còn lưu giữ được nhiều chuyện về tổ tiên nữa, nhưng đến đời mình đã phai nhạt, thiếu đầu hụt đuôi mất rồi...

Bản sắc phong quan thành Điện Hải - Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

 

Lính bố phòng

Lần giở lại thư tịch xưa cũ Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có rất nhiều chi tiết ghi lại việc bố trí binh lính quan phòng nơi thiên hiểm Hải Vân.

Đại Nam thực lục chép năm Minh Mạng thứ 10 Kỷ Sửu,1829: “Mùa đông, tháng 11. Sai các quân thị nội thần sách đều cử một suất đội và 50 biền binh đi thú Hải Vân quan, mỗi tháng thay phiên một lần”. Sang năm Minh Mạng thứ 12 Tân Mão,1831, việc quan phòng Hải Vân lại bổ sung: “Mùa hạ, tháng 6. Đắp cửa ải Hải Sơn trên núi Hải Vân, đặt tên là núi Cao An. Thưởng cho biền binh làm việc ấy tiền lương một tháng”. Đến năm sau, “Mùa xuân, tháng 2. Định lại lệ biền binh đóng giữ hai cửa ải Hải Vân và Hải Sơn. Mỗi tháng phái một suất đội, 50 biền binh, thì một suất đội ấy và 30 biền binh đóng ở Hải Vân, còn một đội trưởng và 19 biền binh đóng ở Hải Sơn, đều do phòng thủ úy cai quản”.

Từng qua nơi chướng hiểm này, vua Minh Mạng cảm thông cảnh khổ của lính trấn thủ nên tiếp tục phê chuẩn: “Đặt thêm phòng thủ úy ở Hải Vân (trước đặt một viên). Lệ trước: biền binh trú phòng, mỗi tháng một lần thay phiên, còn phòng thủ úy đóng giữ mãi. Vua cho rằng nơi ấy lam chướng hơi nặng nề, đổi lại: biền binh 15 ngày thay phiên, phòng thủ úy một tháng một lần thay phiên”.

Trong những lữ khách phương Tây từng vượt đèo Hải Vân thì chính Paul Doumer, viên toàn quyền cai trị Đông Dương, lại là người có lời lẽ trân trọng nhất với những người lính An Nam trấn thủ trên đỉnh đèo này. Sau khi sang nhận nhiệm vụ vài tháng vào năm 1897, ông đã ra thăm triều đình Huế trên chiếc hộ tống hạm I’Isly để cố tình biểu lộ uy lực pháo hạm.

Tuy nhiên trở vào Sài Gòn, Doumer lại chọn đường bộ qua đèo Hải Vân rồi mới lên tàu ở Đà Nẵng. Dừng lại ở Hải Vân quan, công trình phòng thủ do vua Minh Mạng xây dựng, viên toàn quyền thực dân đã không tiếc lời: “Con đường bị chặn lại bởi thành phòng thủ của người An Nam chắc chắn, đẹp mắt và trang nghiêm”. Không nói rõ số lượng quân lính, vũ khí ở đây, nhưng Doumer đã kể về sự chừng mực của những người lính tuân lệnh triều đình cung cấp ngựa mới, thức ăn và nước chè cho khách nước ngoài.

Vượt Hải Vân trước toàn quyền Đông Dương nhiều năm, sĩ quan thủy quân Pháp Dutreuil de Rhins cũng kể chuyện nhìn thấy Hải Vân quan với quân lính trấn thủ như thế nào vào năm 1876: “Sườn chóp núi Bắc bây giờ gần chúng tôi hơn... gắng thêm một tí nữa, và đến sáu giờ rưỡi chúng tôi đến thành đèo mệnh danh là Hải Vân quan. Hai đỉnh núi lẫn vào mây cách bốn năm trăm mét trên đầu chúng tôi, và chân núi thoai thoải giao nhau tại đây. Đường đi rộng chừng năm chục mét, bị chắn ngang vì một bức tường đá cắt có bốn cửa. Cửa giữa to rộng, hai cánh cửa bọc sắt mở ra cho chúng tôi đi và khép lại ngay. Hải Vân quan chỉ là gạch nối giữa hai đỉnh núi, sau cửa này địa thế lại hụt hẫng lần nữa, con mắt chỉ bắt gặp khoảng không, bắt gặp hố sâu được chắn bằng một bờ rào gỗ che khuất đường dốc đáng sợ”.

Ví von dải hình tượng đèo hiểm trở như một cây cầu bắc cao trên lưng trời, Rhins kể thêm chi tiết: “Đèo này, hay đúng hơn là cây cầu này, cao 470m trên mặt biển, đây là lối độc đạo xưa nay giữa hai tỉnh Kouang - Nam (Quảng Nam - PV) và Huế, được canh gác do khoảng 50 lính, trong đó có tối đa một chục cư ngụ trong bốn năm chòi nhà cạnh nhau. Thế này cũng được việc cho chúng tôi, vì đêm bắt đầu buông bóng tối xuống vùng đất thú dữ này; nhưng vị võ quan trưởng đồn, người thấp bé đến bảo gần đây có chỗ ở tốt hơn. Các người bước theo tôi càu nhàu, bản thân tôi chẳng hài lòng gì hơn, vì tôi ngờ rằng chẳng có chỗ nào tốt hơn”.

Quân lệnh cẩn mật không thể cho phép toán lính thực dân xâm chiếm được ngủ tại vị trí bố phòng của Hải Vân.

Trong bộ sử Đại Nam thực lục, các vua triều Nguyễn đã nhiều lần căn dặn về sự nghiêm mật này và tăng cường hỏa lực bố phòng. Tự Đức năm thứ ba Canh Tuất, 1850: “Mùa xuân, tháng 2. Đặt thêm bảy cỗ súng ở cửa Hải Vân. Một cỗ súng bằng đồng Thảo nghịch tướng quân, bốn cỗ súng quá hải hạng lớn bằng đồng, hai cỗ súng quá sơn bằng đồng”.

Chỉ vài năm sau chiến hạm Pháp đã tấn công Đà Nẵng, nhưng lính thủy đánh bộ không thể vượt nổi đèo Hải Vân để uy hiếp trực tiếp triều đình Huế...

____________

Không chỉ là thành ải thiên nhiên, Hải Vân còn được triều đình mộ dân, lập làng. Người xưa sống trên con đèo hiểm trở ấy như thế nào? 

Kỳ tới: Những ngôi làng trên đỉnh Hải Vân

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên