Phóng to |
Bị cáo là một người được xếp vào thành phần dưới đáy xã hội, nghèo tới nỗi con đói khóc chỉ có đủ 3.000 đồng để mua một gói cháo ăn liền cho con. Bị hại là một phụ nữ ky cóp, tằn tiện tới mức “trứng gà nhà nuôi được mà bị bể thì cũng mang đi bán rẻ chứ không dám để lại ăn”. Hai người là hàng xóm của nhau. Bi kịch xảy ra khi người phụ nữ mua hộ người hàng xóm một thùng cháo gói nhưng anh ta nói là mình không đủ tiền để lấy...
“Bị cáo không ăn cướp, ăn chặn”
Đó là câu nói được bị cáo Đào Cẩm Anh (28 tuổi, ngụ tại huyện Phúc Thọ) nhắc đi nhắc lại nhiều nhất tại phiên tòa sơ thẩm sáng 18-12-2013 của TAND TP Hà Nội. Đào Cẩm Anh bị đưa ra xét xử về tội giết người. Nạn nhân của Anh là bà Nguyễn Thị P. (65 tuổi).
Bị cáo thấp bé nên vành móng ngựa cao quá nửa người. Chiếc quần tù cũng quá dài so với bị cáo, nhìn phía sau chỉ thấy ống quần bết xuống đất cùng đôi vai run bần bật vì lạnh.
Bị cáo khai: “Hôm đó nhà bị cáo không có gì cho con ăn, nó đói quá nên cứ khóc suốt. Bị cáo đi mua gói cháo cho con thì gặp bà P.. Bà P. hỏi bị cáo mua cháo mấy ngàn một gói, khi bị cáo nói mua 3.000 đồng thì bà P. chê đắt, kêu để hôm nào bà mua hộ cho. Chỉ nói vậy chớ bị cáo cũng không nhờ bà P.. Khoảng một tháng sau, bà P. gọi vào lấy một thùng cháo nhưng do không có tiền nên bị cáo không lấy. Bị cáo nói bà cho mua chịu, khi nào có tiền thì trả nhưng bà P. không đồng ý nên bị cáo bảo bà để cháo lại mà ăn. Sau đó bà P. đi nói xấu bị cáo, bảo bị cáo ăn chặn, ăn cướp cháo của bà P.”.
Trong phần xét hỏi, bị cáo trả lời vị chủ tọa rằng vì bị mẹ la rầy: “Mày làm gì mà để bà P. nói mày ăn quỵt và ăn cướp cháo của bà ấy, làm xấu mặt tao?”. Bị cáo kéo mẹ qua nhà bà P. để hỏi cho ra lẽ. Khi qua đến nơi thì bà P. lại bảo “tao nói thế đó mày làm gì được tao”. Bị cáo cãi nhau với bà P. một lúc, bị cáo lấy ghế đập vào gáy bà P., thấy bà nằm ngã ra dưới đất thì bị cáo bỏ về...
Thương hai đứa nhỏ
“Sao không báo tin cho mẹ đến dự tòa, rồi nói mẹ sang nhà thắp cho người ta nén hương?” - tôi hỏi khi đến ngồi chung ghế với Đào Cẩm Anh trước vành móng ngựa trong giờ nghị án. “Cơ quan điều tra nói mẹ em bị gia đình bị hại đánh nên chắc hôm nay sợ không dám đến. Từ hôm bị bắt đến giờ em cũng không liên lạc được về nhà” - bị cáo nói. “Hôm ở cơ quan điều tra, họ cũng nói với em khi em bị bắt thì vợ ôm con bỏ về quê rồi”. Nói đến đó, đôi mắt bị cáo ngấn nước. Lặng im một lúc, bị cáo tiếp lời: “Em có hai con gái, đứa lớn 3 tuổi còn đứa sau em chưa biết mặt chị ạ! Vợ em sinh lúc em bị bắt. Vợ em quê ở Lạng Sơn, là người dân tộc nên đù đờ lắm chị ạ! Em chỉ sợ nó bỏ con đi lấy chồng khác thì khổ hai đứa nhỏ. Trong tù em nghĩ chỉ thương hai đứa con...”.
Trong câu chuyện ngắn ngủi trước vành móng ngựa, bị cáo kể cho tôi nghe về vợ, về đứa con gái nhỏ, về việc bố mẹ bị cáo đã ly hôn từ lâu, về cái nghèo của gia đình. Bị cáo thừa nhận mình hay uống rượu, hôm kéo mẹ qua nhà bà P. mà mẹ không đi nên có tát mẹ hai cái, còn việc giết bà P. là do ngoài ý muốn mà giờ bị cáo rất hối hận...
Câu chuyện bị cắt ngang vì một người cháu của bị hại chạy đến trước vành móng ngựa hét lên: “Này cái thằng kia, mày có biết hôm trước tao qua lôi con mẹ mày qua xin lỗi dì tao để dì tao ra đi thanh thản mà thằng em mày còn đánh tao không? Cả họ nhà mày là lũ giết người...”. Bị cáo nghe thấy thế chỉ cúi đầu lặng thinh.
“Án tử hình để làm gì”
Bị cáo có tiền sử bị bệnh động kinh, mỗi tháng vẫn được nhận trợ cấp mấy trăm ngàn đồng ở UBND xã. Hôm xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra cho bị cáo đi giám định tâm thần nhưng kết quả cho thấy “trạng thái tâm thần của Đào Cẩm Anh ở thời điểm giám định là trong giới hạn bình thường. Khi gây thương tích cho bà P., bị cáo có sử dụng rượu nên hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Với những tình tiết như vậy, đại diện Viện KSND TP Hà Nội chỉ đề nghị mức án 20 năm tù đối với bị cáo, nhưng hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo mức án tù chung thân.
Tan phiên tòa, bà Trương Thị Thu Hường (cháu họ của bà P.) nói với gia đình bà P.: “Thôi thì tù chung thân cũng chả khác gì 20 năm, 30 năm hoặc 50 năm. Nó đã đi tù như vậy thì đời nó chẳng còn gì. Hay gia đình mình kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho nó đi tù 20 năm thôi, để nó có cơ hội được về thấy mặt con nó...”. Ý kiến ấy lập tức bị gia đình bị hại phản đối: “Chị bị điên à, chị có bị điên không?”...
Những người dự phiên tòa kể lại câu chuyện về bà P. với đôi mắt rớm nước. Bà không có chồng, sống một mình tằn tiện, khổ sở. Chỉ có mỗi cô con gái đi lấy chồng xa. Quanh năm bà đi nhặt ve chai bán, rồi mua hộ người này cái này, người kia cái khác để kiếm thêm đồng lãi, ăn thì mỗi cơm rau với nước mắm.
Bà Trương Thị Thu Hường cho biết gia đình bị hại định kháng cáo tăng nặng hình phạt lên tử hình với bị cáo. Bà kể: “Tôi khuyên gia đình nhiều nhưng không được. Hỏi tử hình nó được cái gì thì cứ bảo tử hình để nó không ăn được cơm, không uống được nước. Tử hình nó, biết nó lăn đùng ra chết thì mình có giày vò lương tâm không, có sống thanh thản được không? Vì nó nóng giận nên mới gây ra lỗi lầm. Để nó đi tù mấy chục năm nữa thì may ra con nó lớn lên còn được nhìn thấy mặt bố”.
Bị cáo cứ tưởng vợ bế con đi cùng mà không biết rằng vợ đã để lại hai đứa con cho mẹ chồng nuôi. Người làng Tích Giang (Phúc Thọ) vẫn thấy mẹ bị cáo hằng ngày bế hai đứa cháu đi làm cái này cái kia kiếm sống. Nhà bị cáo thuộc dạng nghèo nhất xã. Ngôi nhà mẹ con bị cáo ở cũng là nhà ủy ban xây cho. Câu chuyện giữa chừng, bà Hường như nhớ ra điều gì rồi trầm ngâm: “Tòa yêu cầu nó phải bồi thường cho bị hại 130 triệu đồng. Đừng nói 130 triệu, 130.000 đồng cũng không có. Không biết căn nhà có bị phát mãi không? Nếu phát mãi thì tội bà cháu nhà nó, không biết rồi phải sống sao đây?”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận