28/01/2018 15:30 GMT+7

Những 'người hùng' trong thảm họa núi lở

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Hơn 2 tháng sau thảm họa núi lở vùi lấp một ngôi làng ở miền núi xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, dân làng vẫn nhớ như in hình ảnh mấy cán bộ xã đã nhanh trí, kịp thời di dời dân ra khỏi lưỡi hái tử thần.

Những người hùng trong thảm họa núi lở - Ảnh 1.

Ngôi làng ở thôn 5, xã Trà Bui đã trở thành bình địa sau khi thảm họa núi lở đã vùi lấp hết nhà cửa - Ảnh: LÊ TRUNG

Mới đây, anh Trần Ngọc Phúc (29 tuổi, xã đội phó xã Trà Bui) và anh Nguyễn Dương Thi (39 tuổi, phó chủ tịch UBND xã) đã được huyện Bắc Trà My hỗ trợ tiền mua lại hai chiếc xe máy mới. Do trong lúc tất bật lo vận động di dời dân đến nơi an toàn, ngọn núi lở xuống đã vùi lấp xe máy của các anh. 

"Lúc đó mình cũng chẳng nghĩ gì đến bản thân, xe cộ, chỉ muốn đưa người dân đến nơi an toàn càng nhanh càng tốt" - anh Thi bộc bạch.

“Các anh cán bộ xã đã đến và vận động, thuyết phục dân làng di dời kịp thời, họ là những người hùng. Nếu chúng tôi không đi khỏi làng nhanh chóng, có lẽ nhiều người đã bị đất đá vùi lấp rồi

Chị Hồ Thị Loan

Không chờ chỉ đạo

Chúng tôi gặp anh Hồ Văn Biên (30 tuổi, trưởng Công an xã Trà Bui) trong lúc anh đang thăm hỏi nhà một người dân thôn 5, xã Trà Bui bị sạt lở núi vùi lấp nhà cửa, phải dựng một căn nhà tạm để ở.

"Mình xuống xem tình hình bà con ăn ở thế nào trước khi Nhà nước hỗ trợ họ dựng nhà mới. Nhà cửa mất, nhưng mạng người còn thì vẫn hơn" - anh Biên nói. Anh cũng chính là một trong những cán bộ xã tham gia di tản dân đến nơi an toàn trước thảm họa lở núi ngày 5-11-2017 tại địa phương này.

Anh Biên kể trưa hôm đó là chủ nhật, mấy anh em cán bộ xã đang đi dự một đám cưới. Mới ngồi vào bàn tiệc chưa ăn uống gì thì anh nhận được cuộc gọi của anh Nguyễn Văn Thiện (29 tuổi, đội trưởng thôn 5, xã Trà Bui) với giọng hớt hải: "Anh Biên ơi, mưa lớn quá, quanh làng em bị sạt lở núi, có một người mất tích. Cứu làng em với".

Nghe xong cuộc gọi tức tốc ấy, biết là có chuyện chẳng lành với người dân, anh cùng với các anh Thi, Phúc và anh Vương Tùy Lâm (dân quân cơ động xã) vội vã chạy xe máy đến ngay ngôi làng trên tầm 12h trưa. 

"Lúc này ngoài trời mưa xối xả, lạnh run người. Khi đến đầu làng, một lượng đất đá sạt lở chắn ngang đường. Mấy anh em tui vứt xe tại đó, lom khom bò qua đống đất đá đi bộ vào làng xem tình hình bà con như thế nào" - anh Biên nhớ lại.

Khi đến được ngôi làng trên, một quang cảnh khủng khiếp hiện ra trước mắt. Núi lở đùng đùng, đất núi sạt dần dần xuống quanh ngôi làng, người dân nhốn nháo, con nít sợ hãi khóc lóc ầm ĩ. Anh Thi nói trong những ngày mưa lớn, lãnh đạo huyện đã có chỉ đạo phải thường xuyên kiểm tra tình hình người dân trong bão lũ. 

Nhưng các anh không thể hình dung được một tình huống quá bất ngờ, cấp bách đến như vậy. Quanh chân núi xảy ra tình trạng sạt lở đất đá tạo thành những khe nứt. Mọi người biết chắc sẽ có một trận sạt lở núi rất lớn, tính mạng của người dân đang trong ngàn cân treo sợi tóc. Ngôi làng này có khoảng 80 ngôi nhà với hơn 300 nhân khẩu.

"Trong vùng này không có sóng điện thoại, nên chúng tôi không thể điện về lãnh đạo xã xin ý kiến. Bởi vậy mấy anh em tôi bàn bạc và đưa ra một quyết định cấp bách: phải di dời dân trước khi núi đổ ập xuống vùi lấp nhà cửa, nếu không thì tính mạng họ sẽ nguy hiểm. Thế là anh em chúng tôi chia mỗi người một việc, đến từng nhà người dân vận động họ di dời đến nơi an toàn" - anh Thi kể lại.

Dân an toàn là vui

Để di dời hàng chục hộ dân với hơn 200 người ra khỏi khu vực sạt lở núi không phải chuyện đơn giản. Nhiều người dân không chịu đi, các anh phải tích cực vận động, thuyết phục. Các anh nói với họ nếu không đi thì núi sạt xuống sẽ chết hết. 

Và các anh cũng cam kết: mọi người cứ an tâm đi đi, nhà cửa tài sản để cán bộ giữ cho, không sợ mất đâu. 

"Nhiều người không chịu đi, chúng tôi phải lôi họ đi hết, không để một ai ở lại ngôi làng này. Mấy con nít, thanh niên không đi, tôi phải dùng roi đánh chúng nó mới chịu đi. Do tình thế quá cấp bách, chúng tôi mới buộc phải làm vậy" - anh Biên tâm sự.

Cuối cùng, được các anh thuyết phục, bà con dân làng lũ lượt mang vật dụng, tài sản, trâu bò, bồng bế nhau di tản về khu vực thôn 6 cách đó chừng 30 phút đi bộ. Núi thì sạt lở đất đá xuống dần dần, còn đoàn người nối đuôi nhau đi khỏi làng, tiếng khóc lóc, tiếng la hét lẫn trong màn mưa tầm tã. 

Đó là một cảnh tượng mà các anh mô tả giống y như trong phim. Điểm trường mầm non và nhà văn hóa thôn 6 được dùng cho bà con ở tạm. Nhóm cán bộ phải kiếm củi cho dân sưởi ấm, rồi đến tiệm tạp hóa mua nợ hơn chục thùng mì gói về nấu cho bà con ăn.

Chừng hơn một giờ sau, khi di dời được người cuối cùng trong làng đến nơi an toàn thì ngọn núi quanh ngôi làng đã đổ ập xuống, mang theo lượng đất đá nhiều khủng khiếp vùi lấp hoàn toàn khoảng 10 ngôi nhà dân. Những ngôi nhà khác thì đất đá cũng ngổn ngang xung quanh. Và ngôi làng ấy đã biến thành một bãi hoang tàn, gần như bị xóa sổ. 

"Lúc đó, điểm danh người dân thấy đầy đủ hết. Người mất tích mà anh Thiện báo khi trưa cũng có mặt. Lúc ấy, chúng tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm, bụng dạ phơi phới hẳn lên. Nếu không di dời dân kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường" - anh Biên nói.

Chị Hồ Thị Loan (28 tuổi, người dân thôn 5) nhớ lại lúc đó thấy núi từ từ sạt xuống, nổ ầm ầm, dân làng hỗn loạn, dáo dác khóc lóc um sùm: "Các anh cán bộ xã đã đến và vận động, thuyết phục dân làng di dời kịp thời, họ là những người hùng. Nếu chúng tôi không đi khỏi làng nhanh chóng, có lẽ nhiều người đã bị đất đá vùi lấp rồi" - chị Loan cho biết.

"Nhà cửa, vợ con em đâu rồi?"

Anh Thi kể khi dời dân đến được nơi an toàn, anh cùng với anh Thiện ở lại đầu làng chốt chặn không cho một ai được về lại làng cũ để bảo đảm tính mạng bà con. 

"Lúc này, chúng tôi đang ngồi nghỉ mệt sau hơn một giờ giúp dân di tản thì bất ngờ ngọn núi cạnh đó vùi lấp nhiều ngôi nhà trong làng. Hai chiếc xe máy của chúng tôi dựng ở đó cũng bị đất đá vùi lấp luôn và anh em chúng tôi chạy thục mạng. Đến giờ nhớ lại vẫn còn nổi da gà" - anh Thi kể.

Tội nghiệp nhất là anh Nguyễn Văn Thiện, người báo tin để các cán bộ xã đến giúp dân. Sau khi cùng với các anh em cán bộ xã di dời bà con đến nơi an toàn xong, đứng đằng xa thấy ngôi nhà của mình ở đầu làng bị đất đá vùi lấp hoàn toàn, Thiện mới sực nhớ ra và hét lên hốt hoảng: "Các anh ơi, nhà cửa vợ con em đâu mất rồi?". 

Thì ra trong lúc tất bật giúp di dời bà con và tài sản, anh cũng chẳng để ý rằng căn nhà của mình nằm trong vùng bị sạt lở, vợ và các con của mình đã được di tản đến nơi an toàn trong đám đông hỗn loạn hay chưa. 

"Lo lắng quá, tôi chạy một mạch đến nhà văn hóa thôn 6 tìm kiếm mới hay vợ con mình đã ở đó, cái bụng lúc này mới thấy nhẹ nhõm" - Thiện kể.

sat lo tra my

Anh Hồ Văn Biên (trưởng Công an xã Trà Bui) và anh Nguyễn Văn Thiện (thôn đội trưởng thôn 5) - hai trong số những “người hùng” giúp dân di dời đến nơi an toàn trước thảm họa sạt lở núi - Ảnh: LÊ TRUNG

Nhanh chóng và cương quyết

Ông Trần Anh Tuấn - chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - cho hay xã Trà Bui là địa bàn xa, cách trở. Trong lúc xảy ra sạt lở núi, lở đường, vùng này gần như bị cô lập hoàn toàn, không có sóng điện thoại nên liên lạc khó khăn.

Các cán bộ xã đã thực hiện tốt sự chỉ đạo của huyện về phương châm bốn tại chỗ. Họ đã nhanh chóng, cương quyết di dời dân, đưa bà con ra khỏi vùng sạt lở nhanh chóng mà không cần phải xin ý kiến lãnh đạo huyện, nếu không thì thiệt hại sẽ là khôn lường.

"Việc làm của các cán bộ trẻ này rất đáng quý nên huyện đã tuyên dương, khen thưởng đột xuất cho tập thể và những cá nhân đó vì thành tích giúp dân trong thiên tai" - ông Tuấn nói.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên