Quanh co rồi cũng tìm được nhà ông Ngô Văn Hai, tổ trưởng tổ 62, ấp 2A, xã Bình Hưng, Bình Chánh. Nhang khói nghi ngút, các con trai vừa hoàn tất lễ cúng 49 ngày, và "hai ngày nữa sẽ tới lễ 49 ngày của má chúng tôi. Hai người đi cách nhau 3 ngày".
Vừa từ một điểm trực hỗ trợ bà con lãnh trợ cấp đợt 3 về, còn mặc nguyên bộ đồ dân phòng, anh Ngô Thanh Tuấn, con trai ông Hai, buồn buồn kể: "Tôi làm ở một cơ sở dịch vụ mai táng, rảnh thì phụ ba công việc xã hội. Dịch đến, ba bảo buổi dịch giã, làm việc xui rủi đó không nên, vậy là tôi qua khu phố trực dân phòng, tham gia đội chống dịch địa phương.
Ba tôi làm tổ trưởng dân phố, hội trưởng hội nông dân ấp lâu lắm rồi, hồi nhà còn trồng vườn, nuôi cá kiểng, khu vực này còn ruộng, còn ao… 72 tuổi ông vẫn khỏe, nhanh nhẹn, đi bộ, đi xe đạp, xe máy quanh xóm, khắp khu.
Có dịch, ông càng đi nhiều. Ra trụ sở khu phố lãnh gạo, lãnh khoai, rau củ về phân chia, mang cho bà con trong tổ… Anh em tôi lo lắng thì chỉ có cách xúm vô phụ ba mang phát chớ không cản, không nói ông nghỉ được.
Hôm 1-8, tôi chở ông đi chích vắc xin mũi 1. Chích về ông khỏe, càng yên tâm đi phát phiếu để các hộ đăng ký nhận trợ cấp khó khăn, trợ cấp thất nghiệp. Tới ngày 12-8, ông bắt đầu bệnh, nằm nhà. Tới ngày 15, những triệu chứng rõ hơn, test nhanh dương tính.
Hôm ấy, gọi đến đâu cũng quá tải. Sốt ruột, chúng tôi gọi xe đưa ông đến khu cách ly Tân Túc, cơ sở một trường cấp 2. Người bệnh nằm đầy các phòng, đầy hành lang, đầy sân. Em trai tôi ký giấy cam kết, xin theo vào chăm sóc ba".
Dù có con theo chăm sóc, nhưng ông Hai chỉ trụ được ở bệnh viện hai ngày, trưa 17-8, ông mất. Cũng đúng ngày đó ở nhà, bà Hai, vợ ông sốt, ho rồi có kết quả dương tính cùng cháu nội 15 tuổi. Hai bà cháu được đưa đến bệnh viện dã chiến số 4 ở khu Vĩnh Lộc B.
Chỉ 3 ngày sau, 20-8, gia đình được tin bà cũng đã ra đi.
"Tôi nghe điện thoại báo tin từ bệnh viện mà lạnh hết tay chân. Đến lúc tỉnh lại, tôi gọi đến bệnh viện xin phép được mang áo quan đến làm lễ tang cho cha mẹ nhưng không được. Đau lòng vì mất mát, lại thêm đau vì chính mình làm dịch vụ mai táng mà cha mẹ mất lại không thể trả hiếu.
Anh em trong đội an ủi, rồi khu phố kêu đi công tác. Công việc khiến nguôi ngoai, cũng là tiếp tục những việc mà ba tôi đã phụng sự cho bà con gần cả đời…" - anh Tuấn chùng giọng.
Ngôi nhà nằm trong con hẻm tại đường Thống Nhất (phường 11, quận Gò Vấp), bàn thờ mới lập được đặt giữa nhà với hai tấm ảnh thờ khiến người ngoài nhìn vào không khỏi xót xa. Đó là ba và mẹ anh Đỗ Minh Trí, hai người vừa mới qua đời do dịch cách đây không lâu.
Ba anh Trí - ông Đỗ Văn Út cũng vừa được nhận quyết định truy tặng bằng khen của Thủ tướng.
Ông Út là bảo vệ dân phố, dịch bùng mạnh, ông tham gia trực nhiều điểm chốt theo phân công của tổ. Thời gian đầu, ông trực nguyên đêm nên ban ngày chỉ làm thêm hai tiếng, về sau ông chuyển qua trực ngày, dao động mỗi ca 4 - 6 tiếng.
Cuối tháng 7, trong đội trực tại một điểm ông Út tham gia có nhiều ca mắc COVID-19. Ông được test nhanh, kết quả dương tính, không biết nhiễm khi nào. Ông tự cách ly một mình trên lầu.
"Khi ba mắc bệnh chừng 3 ngày, y tế phường đến test cho gia đình ngày 31-7, kết quả cả nhà đều dương tính, cách ly tại nhà. Bữa đó chỉ có mẹ bệnh nhiều nên được đưa đi Bệnh viện Gò Vấp, qua ngày sau tới lượt ba cũng trở nặng" - anh Trí nghẹn giọng nhớ lại.
Ông Út bệnh tim nhiều năm, trước ngày nhập viện, sức khỏe ông yếu hẳn, đi lại phải có người dìu, thở cũng khó khăn.
Sáng 1-8, ông Út được đưa vào cùng bệnh viện với vợ. "Ba vô đó trở nặng, nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt nên không có cách nào liên lạc được. Tôi chỉ đưa số điện thoại của mình cho bệnh viện để khi cần hoặc có sự cố gì thì báo về giùm" - anh Trí cho biết.
Đợi hoài không thấy bệnh viện gọi (sau này mới biết do bệnh viện ghi nhầm số điện thoại nên không gọi được), anh Trí được người quen cho số liên hệ của người đàn ông canh giữ nhà xác Bệnh viện Gò Vấp để gọi xác minh thì người này cho biết mẹ anh đã mất!
"Chúng tôi sốc, đau đớn lắm nhưng nghĩ vẫn còn ba. Tới chiều lại tiếp tục nhận giấy báo tử của bệnh viện mới hay ba mất lúc 3h sáng 3-8, chỉ trước mẹ vài tiếng. Và đã mất được một ngày trước khi tôi biết tin" - người con 37 tuổi đau đớn kể lại.
Lúc đưa ba mẹ đi, người con trai này vẫn tin ba mẹ sẽ lại về với mình…
Từ ngày chồng mất, chị Phạm Thị Việt không thể ngủ sâu giấc, cứ giật mình dậy lúc 3h sáng. Bởi vào giờ đó ngày 4-9, anh Kỳ chồng chị đột ngột trở nặng do nhiễm COVID-19 và cũng là giây phút cuối cùng chị được nhìn thấy chồng.
Đến giờ nhắc lại, chị vẫn không thể tin chồng mình - anh Trần Văn Kỳ (50 tuổi) đã rời xa ba mẹ con mãi mãi.
Đã đi làm trở lại được mấy hôm, mỗi ngày về nhà vào tan tầm, chị Việt (quê Thanh Hóa, ngụ phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bần thần nhìn bàn thờ chồng nghi ngút khói hương, rồi lặng lẽ quẹt nước mắt.
Anh Kỳ công tác tại Văn phòng Đảng ủy phường 21, quận Bình Thạnh từ tháng 3-2021. Đợt phường 21 bùng dịch, anh vẫn đi làm mà không nghỉ ngày nào, kể cả chủ nhật, mặc vợ khuyên nghỉ ngơi vài hôm. Gần cuối tháng 8, anh ho, sốt cao liên tiếp 2 - 3 ngày, rồi hai con cũng sốt.
"Test nhanh, tôi và hai con bị dương tính, trong khi anh Kỳ sốt cao lại âm tính. Sau đó ra anh test PCR mới cho kết quả bị nhiễm COVID-19" - chị Việt cho biết cả nhà tự cách ly 10 ngày với sức khỏe khá ổn.
Rạng sáng 30-8, huyết áp anh Kỳ đột ngột lên cao, anh bắt đầu khó thở và được đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Lúc đó anh không nói chuyện được nhưng vẫn tỉnh táo.
Chồng vào cấp cứu, chị Việt được yêu cầu quay về chờ điện thoại. Ba mẹ con tiếp tục cách ly tại nhà khi sức khỏe đã khá hơn.
Mỗi ngày, người vợ 44 tuổi thấp thỏm nhìn điện thoại, hy vọng chồng sẽ sớm gọi về báo bình an dù biết anh hôn mê và đang đặt nội khí quản. Sau 5 ngày điều trị, điện thoại từ bệnh viện gọi về, nhưng lại báo điều chị không hề muốn nghe!
Khoảnh khắc nhận tin dữ, chị Việt suy sụp khi nghĩ tới các con, nghĩ về tương lai phía trước. "Tôi không biết mình phải làm sao!", chị nói trong nước mắt.
Bố mất, cậu con trai lớn 18 tuổi vốn đã trầm tính giờ càng ít nói hơn. Còn cô con gái út 6 tuổi chỉ nghĩ bố đang đi đâu đó, và tin vào lời mẹ: "Bố đi lên trời rồi, con ở nhà phải ngoan cho bố thấy".
Sau 9 ngày mất, tro cốt của chồng chị Việt được giao về cho gia đình. Từ hôm đó, chị Việt ngủ chập chờn và thường giật mình vào thời khắc mà chồng trở nặng trong lần cuối cùng được ở nhà.
"Trước mắt ba mẹ con tôi vẫn ở đây, tôi sẽ cố gắng đi làm để nuôi nấng hai con và động viên các cháu ráng học. Lúc chồng mới mất, tôi định về quê nhưng sợ thay đổi môi trường sống nhanh quá con sẽ khó chịu vì chưa quen, nên tôi để con ở đây yên tâm học hành" - người phụ nữ làm việc tại bưu điện tâm sự.
Sinh năm 1986, anh Lê Thanh Bình - phụ trách kinh tế UBND phường 7, quận Phú Nhuận - cũng không may qua đời khi mắc COVID-19 trong quá trình công tác.
Trước khi bị bệnh, công việc tất bật, nhưng biết một cụ bà tuổi cao ở nhà một mình, anh vẫn chủ động đến tận nhà đón bà đi bệnh viện tiêm vắc xin rồi ngồi đợi hơn 30 phút để đưa về nhà.
Chiều 6-10, Sài Gòn mưa lất phất, đứng thẫn thờ trước ngôi nhà nằm trong hẻm nhỏ nhìn ra là một cụ bà tóc bạc phơ - mẹ anh Bình. Trò chuyện với chị Bùi Thị Kim Loan, chị dâu thứ bảy của anh, chúng tôi phải đứng cách nhà 30m vì sợ bà cụ đau đớn khi nghe nhắc con trai út.
Anh Bình mắc COVID-19 ngày 24-8 sau khi có triệu chứng mệt mỏi, sốt cao 2 ngày, không rõ nguồn lây. Tự cách ly tại nhà, anh dặn các anh chị giấu mẹ. Sau ba ngày, bệnh trở nặng, chàng trai 35 tuổi được đưa vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
"Vào bệnh viện một ngày, tôi gọi hỏi thăm Bình chỉ nói "em mệt lắm chị ơi" rồi cúp máy, qua ngày sau là không gọi được nữa" - chị Loan chùng giọng kể.
Sáng 8-9, bệnh viện gọi báo tin anh không qua khỏi do viêm phổi mức độ nguy kịch. Cả gia đình chết lặng, nhưng rồi vẫn quyết định không nói với mẹ.
Biết tin con trai mất mãi sau đó, người mẹ 73 tuổi ngất xỉu. "Từ đó đến giờ, mỗi lần có người tới hỏi thăm, đốt nhang cho Bình là mẹ lại khóc" - chị Loan nghẹn ngào.
Anh mất, UBND phường 7 đã tự chọn tấm hình đẹp nhất của anh rửa hai cỡ ảnh cho hình thờ và hình dán trên hũ cốt gửi về gia đình.
"Phụng sự cho bà con" cũng là ký ức về những người tổ trưởng khác đã qua đời vì nhiễm bệnh.
Đưa chúng tôi qua những con đường đất vòng vèo xóm ngụ cư để đến được nhà ông Lê Thanh Hoàng ở ấp 5A xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, ông Trần Hữu Nghĩa, trưởng ấp, ngậm ngùi: "Chú Tư Hoàng mất đi là nỗi đau lớn nhất của ban ấp chúng tôi. Cán bộ ấp gần chục người bị nhiễm trong dịch, nhưng chỉ chú không qua khỏi. Chú rất nhiệt tình, làm việc tích cực và lại hiệu quả, chuyên nghiệp…".
Chuyên nghiệp là vì từ ngày còn là nha sĩ ở quận 8, ông Tư Hoàng đã làm tổ trưởng dân phố suốt 27 năm. Khi về Bình Hưng, tách ấp, ông lại làm tổ trưởng thêm 15 năm nữa. Đã vậy, ông còn làm nhóm trưởng quỹ CEP thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM (quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm) cũng hàng chục năm.
Ngồi bên bàn thờ, chị Nam Phương, con gái ông tâm sự: "Về đây không làm nha sĩ nữa nhưng công việc của ba vẫn bù đầu, tiếp khách liên tục: người đến trình bày kế hoạch vay tiền, người đến trả góp… Mỗi tuần ngân hàng cho người đến coi sổ sách, thu tiền một lần. Giờ ba đi rồi, chúng tôi vẫn để nguyên tất cả giấy tờ, chờ có người khác tiếp quản".
Suốt tháng 7, khu hẻm nhà ông bị phong tỏa, cách ly vì có 4 ca nhiễm. Đầu tháng 8, hàng rào, dây giăng được tháo, ông Tư Hoàng lập tức chạy xe đạp lên danh sách, phân loại bà con chích vắc xin, danh sách các khu nhà trọ gửi đi xin hỗ trợ. Ông nhiễm bệnh lúc nào đó trong các cuộc đi ấy.
Đổ bệnh, ngày 25-8 ông vào viện điều dưỡng phục hồi chức năng quận 8, rồi được chuyển đến trung tâm hồi sức tích cực Bạch Mai. Ngày 2-9, tin bệnh viện báo về: ông không thể qua khỏi!
Ông Tư Hoàng 75 tuổi, còn bà Huỳnh Khuôn Đải, tổ trưởng tổ 15 phường 9, quận 11 thì đã 78 tuổi. 78 tuổi nhưng bà vẫn rổn rảng đi khắp mấy con hẻm của tổ, gõ cửa từng nhà mỗi khi có phong trào gì cần vận động.
"Bà còn ở trong đội dưỡng sinh, đi tập, đi biểu diễn, vóc dáng thẳng băng. Bà vốn là giáo viên tiếng Hoa nên biết cách nói chuyện, giao tiếp, lúc nào cũng cười tươi như hoa nở" - bà Võ Thị Hạnh, trưởng khu phố 3 tấm tắc.
Lập danh sách chích vắc xin cho lối xóm nhưng bản thân mình thì chưa đến lượt, ngày 31-7 bà và cả chồng có kết quả dương tính trong đợt test cộng đồng. Hai ông bà cùng được đưa đến Bệnh viện quận 11. Đó là những ngày dịch ngày càng trầm trọng.
Ngày 18-8, ông Tchen Quan Tung ra viện thì được tin vợ mình là bà Đải đã mất từ hôm 9-8.
"Tôi gọi điện báo cho hai con đang ở Đài Loan. Mấy cha con như rớt xuống vực thẳm, nhưng cũng không biết làm thế nào. Nhà trước giờ chỉ có hai vợ chồng già, giờ chỉ còn một mình, tôi không hoạt động xã hội được như bà, chỉ nấu cơm cúng bà ấy thôi", ông Tung nói.
Ngồi bên mâm cơm chay cúng 49 ngày ông Nguyễn Vĩnh Châu (tổ phó tổ 27 phường 9, quận 11), bà Nguyễn Thị, phó ban điều hành khu phố 3, tâm sự: "Công việc của tổ dân phố trong mùa dịch này khó khăn, nguy hiểm lắm. Nghe thì đơn giản chỉ là làm danh sách nhưng thực tế thì lập đi lập lại mấy lần vẫn còn sót người vì nhiều lý do.
Nhắn tin, gọi điện thoại nhiều người không nghe, không đọc, nhất là người già. Đến nhà bấm chuông, gọi cửa thì xóm giềng lại kéo đến tụ tập, hỏi thắc mắc đủ chuyện. Khi có phiếu hỗ trợ, phiếu đi chợ, phiếu chích vắc xin thì lại phải đi phát từng nhà. Tôi chưa bị nhiễm cũng là may mắn lắm…".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận