Bà Mai lấy thức ăn cho một người bán vé số - Ảnh: A.Lộc |
“Đại bản doanh” của bếp ăn là sân và thềm nhà 193 Nguyễn Văn Tiết, P.Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương do chị Nguyễn Thị Phương đứng tên thuê. Không ầm ĩ khoa trương, trên tường nhà chỉ dán tờ giấy đề dòng chữ “cơm chay từ thiện” nhưng nơi đây đã trở thành địa chỉ thân quen của nhiều người nghèo.
Bà Văn Nguyệt Ánh - chủ tịch UBND phường Phú Cường - cho biết bếp ăn không có tên này là một trong ba bếp ăn từ thiện tại phường. Dù mới thành lập chưa lâu nhưng cơ sở này đã góp phần chia sẻ và giúp đỡ một số đối tượng khó khăn, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người VN. |
Giữ xe miễn phí tại chùa Hội Khánh (TP Thủ Dầu Một), chị Ngọc Nguyên (bạn trọ của chị Phương) thường xuyên tiếp xúc với người lao động có hoàn cảnh hết sức khó khăn nên nung nấu ý định thành lập bếp ăn miễn phí cho họ.
Biết chuyện, chị Phương ủng hộ ngay. Đầu tháng 2-2014, quán ra đời từ một phần hỗ trợ của chị Phương và khoản tiền chị Nguyên tích cóp trong bốn năm bán nhang, vé số.
Bếp ăn không có tên vì “ở đây không có ai làm chủ ai, tất cả đều là chủ, là nhân viên như nhau”.
Do nằm trên tuyến đường khá vắng nên những ngày đầu mới mở chẳng ai vào ăn. Thấy vậy, bà Hải Âu (chủ khu trọ) gặp ai ăn mặc bình dị, khó khăn đi ngang qua đều mời vào dùng thử.
Rồi tiếng lành đồn xa, người đến ăn trưa ngày càng nhiều. Có hôm bếp phục vụ gần 200 suất cơm. Chị Nguyên phải nghỉ việc giữ xe, chỉ lấy vé số về nhà bán.
Sau một thời gian hoạt động, hàng xóm thấy việc làm của các chị “tuy nhỏ mà lớn” nên chung tay góp sức, người bao gạo, gia vị, người quyên tiền mua rau, tàu hủ... để duy trì hoạt động của bếp ăn, ngoài ra còn có rau quả của chùa và khách vãng lai tặng.
Chị Hồng Hoa, nhà tài trợ hầu hết tàu hủ miếng cho bếp ăn, thường được gọi đùa là chị Hoa “tàu hủ”. Sáng sáng, vợ chồng chị thường chở một xe rau củ quả, tàu hủ đến rồi vào bếp phụ sơ chế đồ ăn trước khi đi làm. “Mọi người tự động góp chứ chị không kêu gọi, vận động ai cả” - chị Nguyên cho biết.
Tình nguyện viên thường xuyên của bếp ăn còn có bà Hằng, bà Bạch Mai, bà Cúc (giáo viên hưu trí), bà Năm, anh Hải... tất cả đều là hàng xóm của nhau. Chẳng ai nhắc ai, cứ hơn 6g sáng mọi người đã tụ tập nấu nướng, chuẩn bị cơm hộp cho “khách” đến hơn 1g chiều mới về.
Người trẻ nhất là chị Nguyên (43 tuổi), còn “già làng” là bà Hải Âu (73 tuổi), thường xuyên phải tập vật lý trị liệu. Khi vợ “tả xung hữu đột” trong bếp thì ông Nguyễn Công Thành - chồng bà Bạch Mai - nhận nhiệm vụ mang cơm đến tận nhà cho một số người bệnh nặng không tự đến ăn được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận