Ông Đào Xuân Thùy trò chuyện cùng một dân buôn bán trên đường Xóm Đất - Ảnh: LĨNH HỒNG
Mới đây, nhân 87 năm ngày truyền thống, Ủy ban MTTQ Việt Nam tuyên dương 100 chủ tịch MTTQ cấp phường, xã, thị trấn và trưởng ban công tác mặt trận tại các ấp, khu phố. Tuổi Trẻ giới thiệu 2 gương điển hình trong số đó.
“Công việc cho tôi nhiều thứ: sức khỏe, niềm vui và đặc biệt là tình yêu mến của bà con lối xóm
Ông Đào Xuân Thùy
"Ông bố" của khu phố
Buổi sáng, ông Đào Xuân Thùy ghé qua chợ Bình Thới (Q.11, TP.HCM) như thường lệ. Nhiều người thấy ông liền reo lên: "Con chào bố!" rồi lấy bánh trái ra mời. Ở đây, rất nhiều người, dù già hay trẻ, đều yêu mến gọi ông như vậy. Một chị bán trái cây lấn ra vỉa hè, ông nhắc nhở, chị cười: "Xin lỗi bố, để con dịch vào".
Ông Thùy là phó bí thư chi bộ, trưởng ban mặt trận khu phố 3 (P.10, Q.11), nay đã 72 tuổi.
Ông Thùy là người "có công" rất lớn trong việc giải tỏa chợ tự phát và vận động tiểu thương di dời kinh doanh vào khu chợ Bình Thới hồi tháng 6.
Hồi đó, cứ 1h sáng, ông Thùy và các cụ có uy tín trong khu phố lại rảo quanh chợ trò chuyện với bà con tiểu thương, nói điều hơn lẽ thiệt chuyện phải giải tán chợ tự phát.
Nói phải nên ai cũng nghe. Ngày giải tỏa chợ tự phát và khai trương chợ mới thành công, ông Thùy thở phào nhẹ nhõm.
Ông Huỳnh Văn Trọng, bí thư chi bộ khu phố 3, cho biết trước khi mở khu chợ Bình Thới, con đường Xóm Đất ngập tràn rác thải, hôi thối.
Tờ mờ sáng, ông Thùy và một người bạn thường ra đường thu gom rác, dọn dẹp vệ sinh. Tiền do ban quản lý chợ cấp cho việc dọn dẹp vệ sinh, ông Thùy đóng vào quỹ cựu chiến binh để giúp đỡ hộ nghèo. Thấy vậy, bà con cũng dần bớt xả rác.
Hồi mở rộng đường Xóm Đất, ông đi gặp từng người, từng nhà hỏi xem mở rộng đường thì việc buôn bán ra sao, có cần trợ giúp pháp lý gì không.
Có người muốn mở cửa hàng kinh doanh nhưng không thông thạo về chế độ, chính sách nhà đất, ông hướng dẫn làm thủ tục hoặc liên hệ giùm. Ông bảo nhiều cái ông cũng không rõ, phải đi hỏi con cháu, bạn bè.
Riêng khoản lương hưu ít ỏi, ông cũng tích góp lại, ai có khó khăn cần giúp đỡ thì cho mượn, không lấy lãi. Những khi không còn tiền, nhà nọ nhà kia vì xây nhà túng thiếu, ông chạy vạy đi vay ngân hàng giùm.
“Người dân tin mình, thương mình, đó là cái phúc mà không có tiền bạc nào mua được
Ông Đinh Văn Huệ
Có việc gì, cứ gọi ông Bảy!
"Ông Bảy hả? Cực kỳ, số 1 đấy!" - chủ tịch Ủy ban MTTQ P.15 Q.10, TP.HCM nói ngắn gọn về ông Bảy Huệ như vậy. Còn người dân khu phố 7 mỗi khi nghe ai hỏi, gương mặt lại ánh lên nét cười rạng rỡ: "Ông Bảy hả? Có chuyện gì tụi tui cũng gọi cho ổng!".
Ông Bảy là tên thường gọi của ông Đinh Văn Huệ - bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận khu phố 7.
Còn "chuyện gì" là khi khu phố có sự cố, cả những khi vợ chồng, mẹ chồng - nàng dâu cơm không lành canh không ngọt. Hình ảnh một ông già ở tuổi 90 có nụ cười hiền hậu đã trở nên quen thuộc với người dân khu phố này suốt mấy chục năm qua.
Ông luôn xuất hiện đúng lúc, nói chuyện vừa đủ. Chỉ có đôi mắt và nụ cười ấm áp phúc hậu, mái đầu bạc trắng như cước nghiêng nghiêng về bên trái mỗi lần nói chuyện để nghe cho rõ.
Vậy mà chuyện gì cũng giải quyết xong, hoạt động gì của khu phố cũng xếp hạng nhất, nhì trong phường.
Phòng khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người nghèo của phường hoạt động liên tục suốt bốn năm qua là nhờ ở công sức của ông.
Bốn bác sĩ, năm dược sĩ lo về chuyên môn, nắm hết tình hình sức khỏe của những gia đình nghèo hay tới lui khám bệnh, đưa cho ông danh sách những thuốc nào cần.
Buổi đầu, ông lặn lội đến từng nhà thuốc trong phường để xin, sau này ông vận động được tiền mặt đem mua thuốc. "Mấy chục năm qua tui chưa nghỉ một ngày nào..." - ông Bảy bắt đầu câu chuyện về mình.
Cuộc đời ông trải qua ba cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ rồi chiến tranh biên giới Tây Nam. Trở về Việt Nam sau những năm tháng giúp nước bạn Campuchia, ông đã 61 tuổi. Bạn bè khi ấy đều nghỉ hưu hết.
Nhưng ông về, tiếp tục làm công tác khoa học quân sự trong quân đội đến khi 72 tuổi. "Vừa nghỉ hôm trước là hôm sau tôi nhận công tác ở khu phố. Làm tới giờ này" - ông nói.
Một đời không ngơi nghỉ, ông Bảy Huệ đúc kết ra rằng: Người dân tin mình, thương mình, đó là cái phúc mà không có tiền bạc nào mua được.
Ông chiêm nghiệm khu phố không phải là một cấp chính quyền, nên mọi việc để được dân đồng thuận đều phải là thuyết phục vận động, không thể ra lệnh.
Mình làm công tác ở khu phố, để nói được thì ngoài uy tín của bản thân còn là cách sống, uy tín của cả gia đình mình nữa. "Cho nên cái nếp trong gia đình là điều luôn phải giữ" - ông Bảy nói.
Dí dỏm
Ông Đinh Văn Huệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của khu phố 7, phường 15, quận 10, TP.HCM - Ảnh: M.N.
Ông Bảy Huệ nói chính những năm tháng ở chiến trường đã khơi gợi trong ông suy nghĩ: phải làm công tác dân vận. "Không dân vận được thì không sống được" - ông nghĩ.
Muốn làm dân vận thì phải hiểu quần chúng. Khu phố có hơn 1.040 hộ gia đình với hơn 3.900 nhân khẩu. Ông biết từng nhà, nhất là những gia đình "có chuyện".
Những lúc họ khó khăn, ngặt nghèo nhất, gia đình lục đục, ông xuất hiện như một người ông, người cha hiền hậu đến động viên, chia sẻ.
Hỏi ông có bí quyết gì mà người ta chia sẻ chuyện nhà cho vậy, ông nghĩ một lát rồi bật cười: "Chắc tại tui nghe xong không đi kể lại với người khác!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận