02/02/2014 07:00 GMT+7

Những người già trẻ mãi

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TTXuân - Họ đều đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, đã 10 năm, 15 năm, hay hơn 20 năm... Đủ tháng năm để trải nghiệm, đủ giá trị để trao truyền, cùng với tác phẩm của mình, những cuộc đời nghệ sĩ đã đi ngang thế kỷ ấy vẫn mang lại cho hôm nay bao cảm xúc mới mẻ.

Họ già thật rồi, tính về tuổi tác. Toàn các cụ từ bát thập trở lên cả. Tuổi này ngày xưa, mà nói chi xưa xa, chỉ cách đây dăm bảy chục năm thôi, các cụ đã tọa hưởng rồi, đã ngồi một chỗ nhìn sự đời hờ hững trôi qua trước mắt, cho con cháu hầu hạ thêm tháng ngày. “Lão giả an chi” mà, còn bận rộn chi nữa, còn làm chi thêm nữa.

MtBkKCQk.jpg
Các dịch giả (từ trái sang): Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm, Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên và đại diện đơn vị phát hành tại buổi ký tặng sách Tìm lại thời gian đã mất (tập 1) tháng 11-2013 - Ảnh: Nhã Nam

Ấy vậy, các cụ tôi đang nói đây theo nghiệp viết lách thì tám mươi chưa là “cái đinh” gì nhé. Đống tuổi ấy nhiều thì cũng là nhiều đấy, gọi là cao thì cũng cao thật rồi, dưng mà cái chữ trong người còn chưa vơi cạn, còn cựa quậy đòi xông ra đầu bút, trên bàn phím, còn muốn phát thành tiếng thành lời với bàn dân thiên hạ.

Nhà văn Nguyên Ngọc là một thí dụ sinh động. Năm 2013 ông 81 tuổi, nhưng ông bảo đọc ngược lại số tuổi thì mình chỉ mới là 18, mới bắt đầu trai. Gọi ông lúc nào cũng là ông đang đi, đang ở chỗ này chỗ khác, không bận tâm về giáo dục thì về văn hóa. Vậy mà cứ trung bình ba năm ông lại có một cuốn sách mới. Như năm vừa rồi ông có tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy “ăn giải” Hội Nhà văn Hà Nội, lại có một cuốn sách dịch mới ra - Một cuộc gặp gỡ, là tập tiểu luận của Milan Kundera.

Cuối hè 2013 ông từ Hội An ra Hà Nội, tôi lái xe chở ông đi Hải Dương chơi, nhân tiện tôi đưa ông vào gặp học sinh chuyên văn của tỉnh này. Ông kể chuyện cho các cháu học sinh về trường hợp viết truyện ngắn Rừng xà nu một cách vui vẻ, trẻ trung, khiến các cô trò rất thích, cứ bảo ông ơi, ông ơi sao ông giỏi thế, khỏe thế. Từ Đất nước đứng lên cách nửa thế kỷ trước đến tận bây giờ, Nguyên Ngọc vẫn dấn bước đi trong đời và trong văn, chưa ngừng nghỉ. Ông vẫn luôn đưa đến cho độc giả những trang viết tươi mới, đầy chất sống và chất suy tư, nghĩ ngợi. Quả ông vẫn là chàng trai mười tám thật.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh năm nay đã tám mươi cộng một. Sau ba cuốn tiểu thuyết đồ sộ Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, mà cuốn nào cũng viết tay bản thảo ngót nghét nghìn trang, tưởng ông buông bút nghỉ ngơi được rồi. Ông cũng thích đi chơi la cà với bọn trẻ nên hễ có dịp là chúng tôi lại ới ông đi đây đó. Viết lắm cũng mệt, nghỉ xả hơi đã ông anh. Có khi ông đi ngay, lại có hôm ông ậm ừ, như là đang bận ôm ấp một cuốn sách mới. Cuốn gì? - có lần tôi gạ hỏi. Thì viết về Hà Nội hôm qua và hôm nay, đại loại vậy, nếu viết được - ông trả lời lấp lửng.

Lại có lần tôi gọi điện mời ông đi dự một trại viết của Hội Nhà văn Hà Nội mở ở Nha Trang thì ông từ chối, bảo bận, tao đang phải dịch nốt cho xong một cuốn sách tâm lý học giáo dục, thằng Toàn cứ giục suốt. Giời ạ, “thằng Toàn” đây là nhà giáo Phạm Toàn, tức thị là nhà văn Châu Diên, tuổi đồng tuế Nguyên Ngọc, Dương Tường (đều sinh năm 1932). Bản dịch ông Khánh nói là từ tiếng Pháp, chẳng là ngoài viết văn ông còn là một dịch giả từng viết và dịch về George Sand, và một cuốn sách dịch đáng nhớ nhất của Nguyễn Xuân Khánh là cuốn sách xã hội học nổi tiếng Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon.

Tôi rất lấy làm lạ vốn đọc ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Pháp, của các “bô lão” này. Học nhà trường Pháp thời thực dân chỉ vài năm rồi theo cách mạng đi kháng chiến trường kỳ vậy mà các cụ cứ làu làu thứ tiếng của “kẻ thù” để nhờ đó mà đưa lại cho văn hóa văn học giáo dục nước nhà rất nhiều tinh hoa giá trị kiến thức của nhân loại. Phục các cụ thật!

Ugq3G49N.jpg

Thì đây, tôi đang ngồi ở hội trường Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội nghe ông Phạm Toàn say sưa, hào hứng nói về bộ sách mới của nhóm Cánh Buồm mà ông sáng lập để góp phần cải cách giáo dục nước nhà, chợt ông bảo đang có một cuốn sách nhờ ông Dương Tường dịch. Cuốn gì anh? - tôi quay sang dịch giả Dương Tường ngồi cạnh hỏi.

Một cuốn tâm lý học của Jean Piaget. Anh đang bận dịch Marcel Proust Tìm lại thời gian đã mất - theo dự án của Trung tâm văn hóa Pháp mà. Ông gật, ừ thì anh vẫn đang cùng bà Sâm (Lê Hồng Sâm, sinh năm 1930), bà Hạnh (Đặng Thị Hạnh, 1930), bà Đào (Đặng Anh Đào, 1934) dịch Proust, nhưng thằng Toàn (lại “thằng Toàn”, ôi các ông bạn yêu nhau gọi nhau thân mật) nhờ quá nên anh sẽ lại giúp hắn. Kinh khủng khiếp luôn! Vì chỉ riêng bộ sách Tìm lại thời gian đã mất đã rất khó dịch.

Các bà mà ông Tường kể trên đều là cô giáo dạy văn học phương Tây của tôi, đều đã ở độ tuổi tám mươi đổ lên, nhưng đã nhận về mình gánh nặng dịch thuật một tác phẩm kinh điển thế kỷ 20 của văn chương Pháp và thế giới cho độc giả nước mình. Thôi thì cái khó, cái trước, bọn già này làm, còn những cái sau sẽ để các thế hệ sau lo, có lần cô Lê Hồng Sâm đã nói thế. Mà các bậc lão thành này dịch là kỹ lưỡng, chi tiết lắm, tốn nhiều thời gian và công sức lắm, kỳ cho đến khi có được một bản dịch tự coi là hoàn chỉnh mới thôi, thế mới thấy tuổi già đành bất lực trước tâm huyết của họ. Mà ngoài dịch ra, “Monsieur” Tường và các “Madame” Sâm, Hạnh, Đào còn bồi dưỡng cho các nhóm dịch thuật tiếng Pháp do Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức.

Chợt nhớ nhà văn Tô Hoài hồi thượng thọ 90 tuổi còn định viết một cuốn tiểu thuyết về thời bao cấp nước ta, được theo kiểu như Đông Ky Sốt (Don Kihote) thì tuyệt. Ông đã thốt ra lời như vậy, viết nốt cuốn này rồi nghỉ là vừa. Và thực tế ông đã tìm đọc lại bộ tiểu thuyết bất hủ của văn hào Tây Ban Nha Migel de Cervantes. Đến thăm ông tại nhà, nhìn bộ tiểu thuyết ấy để trên bàn, tôi những tưởng ông còn thấy trước mặt mình là con đường văn dài và mình còn bước mãi nữa.

Tuổi già sức yếu đã ngăn tay ông viết. Nhưng nhà văn hồi trẻ đã từng thả Dế Mèn lên trang sách đi chu du khắp chốn giờ vẫn còn hóm lắm trong các câu chuyện văn chương ở tuổi 94 hiện thời. Nghe ông nói dù là giọng đứt quãng, khó nhọc, thì thấy mọi chuyện đời chuyện văn vẫn như không lọt thoát được cặp mắt đôi tai của một nhà văn rất giỏi khai thác những chuyện cuộc sống thường ngày. Cách đây dăm bảy năm ông còn ra một tập tản văn lấy tên Giấc mộng ông thợ dìu thì đủ biết Tô Hoài còn thời sự lắm nhé. “Thợ dìu” là người dạy nhảy, khiêu vũ ấy, chứ không phải là “thợ rìu” tiều phu đốn củi đâu! Đọc giọng văn ông nhẩn nha kể chuyện xưa chuyện nay mới hay bọn trẻ còn khướt mới “ngộ đạo” được nhé.

Đúng là chịu các cụ quá!

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên