Ba ngôi nhà lớn đầu thôn Da Ding 2 (nhà phía bên phải) của ông Liếc để ba vợ và 9 con sống - Ảnh: TRẦN MAI
Hun hút trên đỉnh trời hoang thẳm, xã Gari (huyện Tây Giang, Quảng Nam) là nơi có những người đàn ông Cơ Tu nhiều vợ. Chuyện hài hước một ông lắm bà cũng vô cùng ly kỳ từ lời kể của tộc người phía tây dãy Trường Sơn.
Đó là phong tục ngàn đời của người Cơ Tu. Chính quyền vận động để dần thay đổi ý thức. Nhiều năm rồi, không có thêm ông nào lắm vợ ở xã nữa đâu.
Ông RÍA’H NHÊNH (phó chủ tịch UBND xã Gari)
Bất ngờ có vợ hai
Ngượng ngùng tiếp chúng tôi, nhưng rồi Hốih Nhươn (44 tuổi, thôn Pức, xã Gari) cười phá lên khi kể chuyện "hốt trọn" hai chị em ruột Bhling Thị Trước và Bhling Thị Tênh.
22 tuổi, Nhươn cưới Tênh trong mối tình được cha mẹ hẹn hứa từ bé. Họ thành vợ chồng sau khi ba mẹ Nhươn mổ trâu mời làng theo nghi thức người Cơ Tu.
Hai tháng sau lễ cưới của em gái, Trước - chị gái Tênh - bỏ nhà chồng ở xã Ch’Ơm trở về nhà mẹ đẻ và tuyên bố sẽ không sống tiếp với người chồng cũng được hứa hôn từ tấm bé vì "không thích".
Về sống với cha mẹ đẻ, Trước đi làm nương cùng vợ chồng em gái, rồi bỗng dưng thích Nhươn, thế là nằng nặc theo em gái làm vợ Nhươn. Bất ngờ có thêm vợ, ban đầu Nhươn "lớ ngớ" nhưng rồi cha mẹ vợ ép phải cưới luôn vì... "nó thích mày, chớ không thích chồng nó".
Buổi trưa, nắng đổ tràn qua làng, Nhươn xoa mái tóc đen xù của mình, tếu táo: "Mình là người trẻ nhất vùng cưới hai vợ. Thích nhưng cực lắm. Hai bà cơ mà...".
Lời kể của Nhươn cứ níu kéo chúng tôi theo nhịp hoang dại nhất của người Cơ Tu. Cưới Trước được hơn tuần, 30 người đàn ông lực lưỡng từ Ch’Ơm kéo lên làng - đó là nhà chồng cũ của Trước, tay lăm lăm mũi giáo. Chồng cũ Trước đứng đối diện Nhươn, yêu cầu: "Thằng Nhươn phải trả lại cho tau của hồi môn, nếu không máu đổ".
Phép tính theo lệ làng, 33 con bò là yêu cầu hoàn trả hồi môn mà nhà chồng cũ của Trước đã bỏ ra để đưa con dâu về.
Lệ làng người Cơ Tu, không luật nào vượt qua được phong tục ngàn đời. Đàn bò đủ 33 con được lùa đi khỏi làng, Nhươn nhìn theo tiếc số tài sản cha mẹ cả đời tích cóp rời khỏi nhà theo đoàn người từ Ch’Ơm sang.
Chuyện cũ lùi đi, hai người vợ sinh cho Nhươn 6 con gái. Ba người đã có chồng, hai người khác đang học đại học, người con cuối cùng đang học phổ thông.
Các cô gái dân tộc giờ không chấp nhận "kiếp chồng chung" nữa - Ảnh THÁI BÁ DŨNG
Xin vợ cưới thêm vợ
Đang chuyện mình, Nhươn bất ngờ nối thêm ông Ploong Điêm (71 tuổi, thôn Apool, xã Gari). "Ông Điêm cũng có hai vợ đấy" - Nhươn nói rồi dẫn chúng tôi xuyên qua vạt rừng, đến ngôi nhà đơn độc giữa quả đồi rất đẹp hướng về thung lũng mờ sương toàn ruộng bậc thang nối nhau tít tắp đến tận biên giới Lào.
Ông Điêm đang mở cải lương, nhịp nhịp chân thưởng thức. Cũng giống Nhươn, ông già rừng từ thẹn thùng sang hồ hởi khi nói về hai bà vợ: "Tôi cưới vợ đầu năm 1982, vợ sau cưới năm 1992. Hai bà còn khỏe lắm, tôi thì yếu rồi".
Cuốn phim đời mình, ông Điêm tua ngược chầm chậm. Cái lần ông làm rẫy và gặp cô gái Cơ Tu tên Pơl Lân. Rừng thâm u, cảnh sinh tình. Cuộc yêu đương lén lút diễn ra ngay bên bờ suối biên viễn Việt - Lào.
"Mình với nó thích nhau, cũng sợ làng phạt. Nó thì muốn làm vợ mình, thế là mình đánh liều về xin vợ cả cưới thêm vợ. Bà ấy chịu. Thế là mình dắt 11 con bò, 4 chỉ vàng với nhiều chum ché sang bắt vợ nữa" - ông Điêm cười kể.
Khác với ông Điêm, ông Coor P’Liếc (69 tuổi, thôn Da Ding 2, xã Gari) chẳng xin vợ cả vẫn cưới thêm 2 vợ nữa. Người Cơ Tu rừng này chẳng biết vì sao phụ nữ lại thích ông Liếc đến vậy. Pơ Loong Lá - trưởng thôn Da Ding 2 - bảo rằng ông Liếc chỉ thở thôi con gái cũng thích. Lá 30 tuổi, phục ông lão 69 độ "sát gái" siêu đẳng.
"Vợ đầu của ổng là Alăng Thị Trơng (71 tuổi), vợ hai là Bhling Thị Nhơơn (44 tuổi), ngoạn mục nhất là 24 năm trước ông Liếc bắt thêm vợ ba tên Alăng Thị Nhị trẻ măng. Đám trai làng vẫn đang lo ông Liếc bắt thêm vợ nữa, già vậy nhưng tụi con gái thích ổng lắm" - Lá nói.
Còn ông Alăng Thun thì khẳng định: "Ông Liếc hay đi bẫy thú rừng, cơ thể có mùi hút phụ nữ. Họ nghe mùi là tìm đến ông". Chuyện chẳng biết đâu mà lần, nhưng trên bàn rượu ở rừng, người ta cứ kể về những người đàn ông lắm vợ bằng nhiều chuyện ly kỳ.
Ông Liếc lâu rồi chẳng về làng, ông ở hẳn trong ruộng cách nhà 10km đường rừng. Mỗi ngày ba bà vợ thay nhau vào thăm ông và mang sản vật ông kiếm được về làng bán.
Bây giờ, ông Điêm dạy con cháu chỉ một vợ một chồng - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
"Không khỏe được như con trâu, con bò"
Bên cạnh gian nhà lớn là hai buồng ngủ của hai vợ, đêm nay Nhươn ngủ với người này, mai anh ngủ với người khác. "Chưa vợ nào chê mình cả", Nhươn tâm sự "sức khỏe chuyện vợ chồng" mà cười vang tận nhà Gươl. Thấy chúng tôi mắt tròn mắt dẹt, Nhươn ha hả: "Nhưng mình cũng khỏe vừa thôi, không được như con trâu, con bò đâu".
Điều đặc biệt, dù có nhiều vợ nhưng người làng và cả người trong cuộc đều khẳng định các bà vợ sống với nhau rất hòa thuận. Bí quyết buồn cười là dù có nhiều vợ, nhưng các ông chồng lại ngủ một mình. Sau khi gần gũi các vợ xong, các ông lại chui ra gian nhà chính nằm để vợ nào cũng thấy mình được đối xử công bằng.
Ông Điêm thời còn sung sức dù thích vợ trẻ hơn vẫn phải "khéo" để vợ lớn khỏi buồn. Các bà đi làm chung mà không cần chồng đụng tay đến việc ruộng rẫy. Nhiệm vụ của Nhươn, ông Điêm chỉ là... khỏe mạnh.
Căn nhà lớn nhất thôn Da Ding 2 của ông Liếc với ba chái nhà riêng kết nối nhau bằng các "giao hom" là nơi ba vợ và 9 người con của ông sinh sống riêng biệt. Nhưng cách đơn giản để thấy họ sống chan hòa với nhau chính là nơi chái bếp.
Người Cơ Tu sống hạnh phúc là chỉ có một bếp và bữa ăn chung. Nhà ông Liếc cũng vậy, các bà sống riêng trong các chái nhà để dễ chăm con, nhưng cùng sinh hoạt trong đại gia đình mà ông Liếc là trụ cột...
Tuy nhiên, những người đàn ông Cơ Tu nhiều vợ giờ hiếm hoi dần. Người dân đã ý thức chuyện một vợ một chồng. Ông Ría’h Nhênh - phó chủ tịch UBND xã Gari - cho biết: "Đó là phong tục ngàn đời của người Cơ Tu. Chính quyền vận động để dần thay đổi ý thức. Nhiều năm rồi, không có thêm ông nào lắm vợ ở xã nữa đâu".
Đã thay đổi tục nhiều vợ
Ông A’rất B’lúi - phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang - cho biết: Trước đây, việc cưới nhiều vợ có trong cộng đồng người Cơ Tu. Nhất là những gia đình có tài sản, lại chỉ một con trai, thường bỏ tài sản ra cưới nhiều vợ để mong có nhiều con cháu. Tuy nhiên, 20 năm gần đây tục này không còn xảy ra trong cộng đồng.
Để làm được điều này, huyện đẩy mạnh chính sách tuyên truyền, vận động người dân qua rất nhiều kênh. Nhất là qua kênh già làng, trưởng bản nói với người dân trong các cuộc họp làng.
"Mưa dầm thấm lâu, đồng bào dần ý thức được việc tuân thủ pháp luật, gia đình một vợ một chồng là hạnh phúc. Con cái lớn lên trong tình yêu thương đầy đủ. Giờ thì không còn trường hợp cưới hai, ba vợ nữa, thậm chí sinh nhiều con cũng ít dần" - ông A’rất B’lúi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận