TTCT - Hơn 77% người Nga đã bỏ phiếu tán thành sửa đổi Hiến pháp Nga, trong đó có việc cho phép “vô hiệu hóa” các nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông V. Putin. Các nhà văn Nga nghĩ gì về sự kiện này? Cuộc trò chuyện cùng nhà văn Zakhar Prilepin có thể sẽ giúp chúng ta hình dung rõ hơn... PUTIN ĐÃ MỆT MỎI Ở Nga giờ đây các phương tiện truyền thông cảm thấy tệ hại, dù là báo chí tự do hay tư sản… - Họ cảm thấy tệ hại trên khắp thế giới đấy chứ. Con người trở nên hoang dã, ngừng đọc báo, xem rất nhiều video, đọc rất nhiều tin giả, họ cần thông tin nghếch nhất có thể, dễ tiếp cận nhất và vui vẻ nhất có thể, kể lại kèm theo hò vè. Và vì thế mà truyền thông khắp thế giới đều tệ hại. Tôi không đồng ý hết với anh. Ở cùng các khu vực, trong các thị trấn nhỏ người ta vẫn đọc những tờ báo địa phương. Nếu họ không đọc thì đó không phải vì báo, mà là vì chẳng có cái gì để đọc. - Đó là một phân khúc hoàn toàn khác, độc giả chính của chúng là những người Liên Xô về hưu hay những người trong độ tuổi sắp nghỉ hưu, vốn có thói quen tiêu thụ thông tin từ tờ báo khu vực của họ. Nhưng tất cả những điều này, lẽ đương nhiên, sẽ kết thúc, bởi chẳng bao lâu những độc giả này sẽ không còn nữa. Còn đối với các phương tiện truyền thông nói chung, tất nhiên, chúng sẽ không chết, nhưng sẽ thay đổi. Chúng đang thay đổi đấy thôi, gần như trước mắt, tiếp nhận những hình thái mới. Bản sửa đổi Hiến pháp Nga đề cao việc bảo vệ các giá trị truyền thống: lòng yêu nước, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và ký ức lịch sử. Ảnh: inc-news.ru Vậy còn (ấn bản) “Báo chí tự do” của anh đang đi về đâu? - Chúng tôi đang cố không để mất mặt và bắt kịp các xu hướng, đuổi theo chúng. Tất cả đều lên YouTube. Điều với riêng tôi thật là nghịch lý. Tôi chỉ đọc tin chứ không bao giờ nghe và xem, bởi với bản thân tôi đấy là một sự lãng phí thời gian khủng khiếp. Phải bỏ ra một tiếng rưỡi để xem một video nào đó sao? Thậm chí kể cả khi ghé qua (đài phát thanh - ND) “Tiếng vọng Matxcơva”, tôi chỉ liếc qua chừng một phút rưỡi để coi họ nói gì thay cho việc nghe Nevzorov liến thoắng gì ở đó. Nhưng mọi người xem video, họ không tiếc thời gian. Nên chúng tôi cũng phải phát triển phân khúc này. Bởi vì dù muốn hay không, chúng ta cũng phải trò chuyện với công chúng bằng thứ ngôn ngữ họ muốn nói. Anh sẽ đi bỏ phiếu về việc sửa đổi Hiến pháp chứ? - Hiện tôi đang trên đường đi nhưng nếu có cơ hội, tôi sẽ bỏ phiếu. Ủng hộ hay chống lại? - Tôi là người chống đối việc tổng thống hiện tại sẽ tham gia cuộc bầu cử (tổng thống) mới. Và như tôi được biết, ông ấy đã mỏi mệt với tất cả mọi thứ đang diễn ra và không muốn tiếp tục nhiệm kỳ sắp tới. Nhưng chính vì sự căng thẳng đáng kể của cuộc đấu đá nội bộ trong giới tình báo để giới thiệu người kế nhiệm Putin, chứ không phải từ phía phương Tây hay đội quân thứ năm, cũng không phải từ phía (nhà tài phiệt lưu vong) Khodorkovsky, sự căng thẳng nghiêm trọng đến độ bước tiếp theo có thể dẫn đến nội chiến, họ sẽ bắt đầu giết chóc lẫn nhau. Những thủ đoạn khác nhau, các chiêu nhồi tin giả, các yếu tố của việc dọa tố giác và đủ thứ chuyện khác đang trở thành chuyện thường ngày. Bất kỳ tín hiệu nào mà tổng thống đương nhiệm sẽ gởi tới phương Tây hoặc tới FSB (Cơ quan An ninh liên bang Nga), GRU (Cơ quan Tình báo quân sự Nga) kiểu như “dừng lại, bình tĩnh, chấm dứt đi” sẽ không còn được hiểu. Và chỉ bằng phương án triệt để này với việc “vô hiệu hóa” (các nhiệm kỳ tổng thống trước) và cơ hội mới tham gia cuộc bầu cử tiếp theo mới khiến những kẻ ấy bình tâm lại. Ít nhất là tạm thời, đến năm 2024 họ sẽ không bận tâm cho chiến dịch “Người kế nhiệm”. Rothschild sẽ không đầu tư một tỉ đôla vào Khodorkovsky, còn FSB lẫn GRU sẽ không bỏ nguồn lực vào người được bảo hộ tiếp theo của mình. Biếm họa về bản sửa đổi Hiến pháp Nga 2020: Tổng cộng tới 206 sửa đổi được đưa vào.-Ảnh: kuzpress.ru Hóa ra bằng cách đó Putin cho thấy, một mặt, ông ta là sẽ không là “con vịt què”, nhưng mặt khác, ông ta về thực chất, là con tin của những người chung quanh ông ta, của bộ phận “sức mạnh” của ông ta? - Vậy ai không là con tin? Cả Trump theo cách của mình cũng là con tin, cả Merkel và Macron cũng là con tin. Tình trạng này không gắn với đặc thù của nước Nga, mà xảy ra trên khắp thế giới. Đây là đất nước rộng lớn nhất, với dân số đông đúc, đang lưu thông một lượng tiền khổng lồ và giới tình báo có những quyền hạn lớn. Chúng ta muốn gì chứ? Đó là điều không thể tránh khỏi. Bốn năm trước, anh có nói sẽ không ra tranh cử vì, tôi xin trích dẫn “tôi cho rằng ở một mức độ nào đó tôi còn có ảnh hưởng hơn cả một số phe phái (nghị viện) hợp lại”. Giờ anh đang lãnh đạo một chính đảng do anh thành lập, mục tiêu là đấu tranh giành quyền lực, qua việc giành được ghế trong Quốc hội, ở cấp liên bang và khu vực. Anh đứng đầu danh sách khu vực của Đảng “Vì sự thật” trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp của Chelyabinsk. Điều gì đã thay đổi với anh? - Với cá nhân tôi thì không có gì thay đổi. Tôi đã và sẽ không chuẩn bị cho bản thân mình tham gia nghị viện. Tôi có một đội mà tôi dự định đưa vào Quốc hội để thay thế các phe phái mà ảnh hưởng của họ bốn năm qua, theo tôi, dường như không đủ. Có những người mạnh mẽ, họ là những động vật chính trị. Và dường như tôi có khả năng để giúp họ thể hiện mình trong Quốc hội. Trong số các lý do còn vì cả sự chai cứng của hệ thống chính trị hiện nay, trong đó có chính quyền lập pháp và sự cần thiết phải xoay chuyển chúng. Còn tôi, đơn giản là số phận đã cho tôi tấm vé này, để tôi (và không chỉ tôi) nỗ lực xoay chuyển giới tinh hoa chính trị của những thập niên (19) 90 và (20) 00. Còn bản thân tôi đã và sẽ không tham gia hoạt động lập pháp. Nếu không phải là nhánh chính quyền lập pháp, anh sẽ ra tranh cử tổng thống? - Để sau bốn năm nữa anh lại bắt bẻ tôi à. Tôi không chuẩn bị tranh cử tổng thống, chuyện đó hiện nay nghe thật vô lý. Phải tỉnh táo đánh giá những khả năng của mình. Còn nếu Tổ quốc sẽ bị diệt vong, khi đó phải có ai đó cứu nó. Anh có cảm thấy rằng ở nước ta lẫn ở phương Tây, chính trị đang biến thành khoa tiếp thị? - Đúng, dĩ nhiên rồi. Nó vay mượn rất nhiều từ quảng cáo, điện ảnh và các công nghệ bán hàng. Và tôi không thích chuyện đó. Liệu có hiểm họa rằng chẳng bao lâu nữa tất cả những việc nhắm tới mục tiêu, thông điệp cá nhân... sẽ dẫn tới việc là những chủ đích, những ý tưởng trong chính trị sẽ chết, về nguyên tắc? - Và không chỉ trong chính trị. Ở Hoa Kỳ, và không chỉ ở đó, mà cả trong chính trị của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mạng, những đội quân người máy khổng lồ đang hoạt động. Ở nước ta cũng có, nhưng ở đó chúng phát triển hơn nhiều. Và số lượng lớn những việc đang xảy ra chung quanh chúng ta, những gì đang gây ra sự sôi sục, hơn 80% không phải do con người tham gia, mà là người máy. Nói chung tôi là người ủng hộ việc các ứng viên Shnurov và Dud (1) tham gia tranh cử ở một quận và cạnh tranh xem ai giành được nhiều phiếu nhất. Họ có cả triệu người đăng ký và hâm mộ, còn tôi có ít hơn hàng ngàn lần. Nhưng tôi sẵn sàng gặp họ trong cuộc đấu tay đôi thực sự. Khi đó sẽ sáng tỏ rằng cái nhóm ủng hộ khổng lồ trên mạng hóa ra chỉ là… Đấy, như Ksenya Sobchak đã ra tranh ghế tổng thống. Cả nước biết cô ấy, tài khoản của cô ấy có hàng triệu người theo dõi. Và cuối cùng cô ta kiếm được bao nhiêu phiếu? Khoảng 1,5%... - Chính xác. Vì sao thành ra như vậy? Có nghĩa là còn có một khe hở nào đó, khi mà thế giới của tiếp thị, của những thứ giả tạo không thể nuốt chửng phần còn lại của nền dân chủ thực sự. Có một dân số khổng lồ, ảm đạm 150 triệu người của nước Nga bằng cách nào đó đã đi bầu, ở đó người ta gian lận gì đó một chút (hay nhiều) với những lá phiếu, nhưng không thể tạo ra được một thực tế ngược lại. Cuối cùng thì tôi và anh đã trải qua 30 năm sống hậu cải tổ, trong đó những người dân ảm đạm và im lặng này đã buộc chính quyền phải đổi giọng của mình thành gần như hoàn toàn ngược lại... Không phải Putin hay (bộ trưởng quốc phòng) Shoigu đã khiến chính phủ đổi giọng, mà là nhân dân. “QUÁ PUTIN" HAY "KHÔNG ĐỦ PUTIN"? Anh đã bị cuốn sâu vào không gian chính trị. Tám năm trước, anh công khai đòi Putin từ chức, còn bây giờ anh được xem là thành viên “Mặt trận nhân dân toàn Nga” thân chính phủ và đã lập một đảng mới. Câu nói được cho là của Churchill “Ai khi còn trẻ không phải là một nhà cách mạng - kẻ đó không có trái tim, còn ai khi già đi không trở thành người bảo thủ - kẻ đó không có khối óc” - có nói về anh? - Những tín niệm của tôi không thay đổi. Tất cả những cái nhìn của tôi, tất cả văn chương của tôi, viết từ năm 1996 và được in lại mỗi năm, tôi không thay đổi một từ nào trong đó. Tất cả những niềm tin của tôi: bảo thủ khuynh tả, quân phiệt, bành trướng vẫn nguyên như thế. Vâng, có một phần thay đổi trong chương trình nghị sự, nhưng tôi nhắc lại là chính quyền trong nước cũng đã thay đổi. Có thể nó thích nghi một chút, bắt chước một chút những thay đổi này, nhưng dù sao nó đã thay đổi... Và nhà tự do, nhà quản trị của thời đại cải tổ V. Putin hiện nay đang được nước Nga và thế giới xem như người gìn giữ các giá trị bảo thủ. Trong bài báo gần đây của mình (2) , ông ta đã viết những điều khó thể tưởng tượng ông ta sẽ nói thế 10 năm trước. Chúng ta, lẫn những nhà tự do, đều phê bình ông ta. Những nhà tự do chỉ trích ông ta vì ông ta “quá Putin”, còn chúng ta phê bình vì ông ta “không đủ Putin”. Tình thế đã thay đổi không phải vì tôi thay đổi. Tôi vẫn cứ như thế không đổi, kể từ năm 18 tuổi. Anh không sợ cứ thế mà già đi, không thay đổi à? - Tôi biết điều đó. Mặc dù các đồng nghiệp của tôi đang cố gắng thuyết phục tôi rằng “giới trẻ đang nhìn vào anh”, nhưng tôi hiểu mình đang làm việc cho phân khúc “35+”. Nó bao gồm những người trang lứa với tôi, họ hiểu và chấp nhận những phát biểu của tôi, những công thức và những giá trị mà tôi bảo vệ. 34, 45, 55, 65 - đó là tuổi của công chúng trước đây từng đến với tôi trong những cuộc gặp gỡ độc giả. Và luôn có ba hoặc bốn chàng trai trẻ, những người còn lại là các phụ nữ “tuổi Balzac” (tuổi 30-BTV) và những người đàn ông - trí thức. Nhưng vấn đề là ở chỗ: công chúng này là phần lớn đất nước. Còn việc không có nhiều người trẻ, tôi cũng không quá lo âu rằng họ hiện vẫn chưa nghe thấy tôi. Họ sẽ trưởng thành, có thể, họ sẽ đến. Tôi không muốn lừa dối họ, cũng không muốn đơn giản hóa bản thân mình, thêm vài lọn tóc mới hoặc học vài từ của giới trẻ để trở nên “trẻ” hơn. Chuyện đó thật buồn cười. Tôi là người đàn ông của trạc tuổi mình, của thế hệ mình. Tôi sẽ vẫn là như thế.■ ------------------------------------- (*) Sergei Shnurov - nhạc sĩ nhạc rock Nga, diễn viên điện ảnh, tổng giám đốc kênh truyền hình RTVi và Yuri Dud - nhà báo, đứng thứ 18 trong bảng xếp hạng những ngôi sao thành công nhất dưới 40 tuổi của Nga, theo Forbes. Có tin hai nhân vật này được Kremlin đề nghị tham gia ứng cử Đuma Nga. [2] Bài viết của tổng thống V. Putin trên tạp chí Mỹ “The National Interest”: ‘Những bài học thực tiễn nhân 75 năm Thế chiến thứ hai”, trong đó ông Putin nhắc lại chính nhân dân Liên Xô là người chiến thắng chủ nghĩa phát xít mà sử liệu vẫn đang ghi nhận, chỉ trích các chính khách châu Âu,đặc biệt là Ba Lan xuyên tạc rằng “Nga đang viết lại lịch sử” nhưng lại không có một luận cứ ủng hộ nào. Bài viết phân tích cụ thể, chi tiết các nguyên nhân dẫn tới Thế chiến thứ hai, giải thích việc hợp nhất các nước Baltic vào Liên Xô (mà các nước này cho là bị chiếm đóng)… (*) Lược dịch từ trang eanews.ru. Zakhar Prilepin sinh năm 1975, là nhà văn, nhà báo, đạo diễn và nghệ sĩ. Từng tham gia quân đội Nga, phục vụ trong đội cảnh sát đặc biệt OMON, tham chiến ở Chechnya thập niên 1990. Từng nhận các giải thưởng: Sách bán chạy quốc gia (2005, 2006, 2008), vào chung kết giải Sách Nga với tiểu thuyết Sankya (2007), giải Sách của năm (2014 với Tu viện), nhà văn của năm 2015... Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Từ năm 2012 đến nay, ông là chủ biên chính của ấn bản Internet “Báo chí tự do” và từ năm 2020 là chủ tịch Đảng “Vì sự thật”, dự kiến tham gia bầu cử Quốc hội năm 2021. Tags: PutinHiến pháp NgaChính trị NgaSửa đổi hiến pháp NgaNhiệm kỳ tổng thống Nga
Bầu cử Mỹ: Kết quả tại 8 hạt có thể báo hiệu người chiến thắng DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.