Các VĐV chuyên nghiệp xuất phát ở cuộc đua" Race to the Summit" - Ảnh: DUYÊN PHAN
Họ đều xuất thân là VĐV chạy bộ đường dài, nhưng rồi chỉ thực sự vang danh thế giới khi bước chân vào đường chạy của độ cao.
"Leo cầu thang" đến New York
Năm lên 6 tuổi, Suzy đã bắt đầu chạy miệt mài. Cô sớm chứng tỏ sức bền và ý chí của một VĐV chuyên nghiệp và năm 15 tuổi, Suzy đã giành vé tham dự Giải vô địch điền kinh trẻ thế giới. Sở trường của Suzy là ở các cự ly sức bền, từ 800m đến bán marathon (21,1km).
Sự nghiệp của nữ VĐV người Úc khởi đầu khá tốt, nhưng rồi xuống dốc dần theo những chấn thương liên miên. Xương chân của cô bị nứt đến 14 lần và gãy một lần.
Đến tuổi 30, Suzy giải nghệ. Cô chuyển đến Singapore theo chân công việc kế toán của mình. Cuộc đời VĐV chuyên nghiệp của Suzy tưởng chừng cũng khép lại từ đó.
"Nhưng rồi một hôm tôi thấy biển quảng cáo một giải chạy bộ leo cầu thang. Giải thưởng là chuyến đi đến New York và tham gia giải chạy bộ ở tòa nhà Empire State. Khi đó tôi nghĩ, mình đã lâu không đến New York rồi nhỉ, và rồi tôi tham gia cuộc đua. Tất nhiên đó là một cuộc đua, nhưng để mọi chuyện dễ dàng, tôi chỉ nghĩ về kỳ nghỉ" - Suzy kể.
Sống trong một căn hộ chung cư, Suzy tập luyện bằng cách chạy bộ mỗi ngày từ tầng 5 đến tầng 17. 12 tầng lầu quá dễ dàng với một người từng là VĐV chuyên nghiệp như Suzy.
"Nhưng giải chạy bộ lần đó là ở tòa nhà 73 tầng. 30 tầng lầu cuối cùng thực sự vô cùng khó khăn, tất cả những gì tôi nghĩ khi đó là "tôi phải đến New York, phải đến New York". Và rồi tôi chiến thắng" - Suzy kể.
Cũng như Suzy Walsham, Piotr Lobodzinski xuất thân là VĐV chạy đường dài. Anh chạy 100km mỗi tuần trước khi tham dự giải chạy leo cầu thang đầu tiên vào năm 2011 ở quê nhà Ba Lan.
Từ đó, Lobodzinski bị cuốn hút bởi hình thức đua mới lạ này. Phần thưởng cho chiến thắng ở giải này là tham gia một giải khác, ở những ngọn tháp, thành phố nổi tiếng toàn cầu. Và điều đó cũng thỏa mãn mong muốn đi du lịch nhiều nơi của Lobodzinski.
VĐV người Ba Lan Piotr Lobodzinski (giữa) về nhất ở chặng đua dành cho các VĐV nam với thời gian 11 phút 35 giây - Ảnh: T.T.D.
Ở một cuộc chạy đua bình thường, bạn có thể nhìn những khán giả quanh mình và nói "Hello", trong chạy bộ leo cầu thang thì không. Nhưng vì vậy nó mang nhiều thách thức.
VĐV Lobodzinski
Không lo chấn thương
Chạy bộ leo cầu thang có thực sự nguy hiểm? Với Lobodzinski, anh cho rằng những khó khăn chủ yếu nằm ở vấn đề tinh thần.
"Tôi nghĩ chạy leo cầu thang khó khăn hơn một chút so với chạy bộ thông thường. Vì khi bạn chạy lên đến một mức độ đủ cao, khoảng tầng 15 chẳng hạn, bạn sẽ đối mặt với nhiều nỗi sợ, cơn đau, chóng mặt. Ngoài ra cũng khá cô độc nữa" - Lobodzinski nói.
Nhưng VĐV người Ba Lan không cho rằng chạy bộ leo cầu thang nguy hiểm. Lobodzinski tin rằng đây là môn thể thao khá an toàn và ít chấn thương. Suzy Walsham cũng vậy, nữ VĐV người Úc từng dính hàng chục chấn thương thời còn chạy bộ đường trường, nhưng khi đến với chạy bộ leo cầu thang thì tình trạng đó chấm dứt.
"Khi bạn chạy trên mặt đường ngang, mỗi bước chạy bạn sẽ tiếp đất với khoảng 2, 3 lần trọng lượng cơ thể. Nhưng khi chạy theo chiều dọc, mỗi bước tiếp đất không đến 100% trọng lượng cơ thể. Vì vậy lực tác động lên các khớp chân của bạn ít hơn nhiều so với khi chạy bộ đường ngang. Với một người có nhiều tiền sử chấn thương như tôi, điều đó thật may mắn" - Suzy kể.
Bà mẹ 46 tuổi cũng từng gặp phải một số cú té do bị xô đẩy khi đang chạy, có lần cô bị ngã đập mặt nhưng rồi vẫn giành chiến thắng.
Từ chỗ là các VĐV điền kinh khá vô danh, Suzy Walsham và Piotr Lobodzinski đã tìm được môn thể thao thực sự của đời mình và gặt hái hàng loạt chiến tích đáng nể. Cả hai đều đã giành nhiều chức vô địch thế giới liên tiếp những năm qua và vẫn còn khao khát chinh phục nhiều cuộc đua nữa.
"Đó không chỉ là vô địch, giành được phần thưởng hay sự nổi tiếng. Đó là cơ hội được trải nghiệm những tòa tháp chọc trời lừng danh, là niềm tự hào của các thành phố nổi tiếng trên thế giới" - Lobodzinski nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận