29/07/2021 09:52 GMT+7

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 9: Chối lương ngàn đô, về làm mắm sạch

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Lương kỹ sư xây dựng ngàn đô của chồng và lương trình dược viên của vợ cũng xấp xỉ ngàn đô. Nhưng vợ chồng Lê Ngọc Anh và Doãn Hải Vân đã bỏ hết để trở về quê hương xây dựng thương hiệu mắm truyền thống.

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 9: Chối lương ngàn đô, về làm mắm sạch - Ảnh 1.

Ngọc Anh nghiên cứu màu sắc, vị đậm nhạt của nước mắm - Ảnh: TÂM LÊ

"Bước vào lĩnh vực mới, bạn phải tìm tòi, học hỏi không ngừng. Và điều quan trọng là phải có sự bền bỉ, không dễ dàng bỏ cuộc.

Lê Ngọc Anh

Bước ngoặt trên quê hương

Một phần thưởng cho người xứng đáng, vừa qua mắm Lê Gia cùng 20 sản phẩm khác trong nước đạt chuẩn Ocop 5 sao. Ocop là một chương trình phân hạng sản phẩm gắt gao nhất ở Việt Nam hiện nay.

Chúng tôi gặp lại đôi "vợ chồng mắm" tại Hà Nội, cả hai đang chạy như thoi giữa xưởng sản xuất tại quê nhà Hoàng Phụ (huyện Hoàng Hóa, Thanh Hóa) và trung tâm phân phối lớn. "Lúc này, việc điều phối hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh quan trọng nhất" - Ngọc Anh cho biết.

Bà xã anh tối qua thức đêm hỗ trợ siêu thị trong đợt tổng kiểm kê hàng hóa, ban ngày phải ngủ bù. "Mình hỗ trợ họ chút xíu, vì sản phẩm của mình lên kệ họ đã giúp chăm chút rồi" - Ngọc Anh tâm sự.

"Vợ chồng mắm" vẫn vùi đầu vào việc như hồi đầu khởi nghiệp, dù giờ đội ngũ nhân viên của công ty lên tới 30 người. 

"Nếu chỉ có tình yêu thôi chưa đủ. Bạn thức dậy lúc 5 giờ sáng, làm việc tới khi mồ hôi chát mặn trên mặt mũi, lưng áo. Phải lao động thực sự chứ không phải ngồi bảo ai đó làm là được. Đây không phải giấc mơ màu hồng, mà nụ cười hòa lẫn cả nước mắt" - Ngọc Anh nhắn nhủ các bạn trẻ muốn khởi nghiệp.

Mái tóc điểm nhiều sợi bạc, khuôn mặt sạm nắng và trông "nhừ" hơn tuổi 36 của anh. Căn bệnh thoát vị đĩa đệm cũng hành hạ anh liên tục, thời gian cho bản thân và gia đình bị thu hẹp lại. Đó là những thứ mà anh phải "trả giá" trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Năm 2015, Ngọc Anh nghỉ việc ở công ty xây dựng của Hàn Quốc đang ổn định với mức lương 1.000 đôla, để khởi nghiệp nghề mắm truyền thống. Lý do duy nhất là tình yêu quê hương, còn vốn liếng, kinh nghiệm, thị trường đều thiếu hẳn.

Ngọc Anh không được bố mẹ, người thân ủng hộ, kể cả vợ, vì ai cũng nghĩ nghề mắm khó có tương lai. Nhưng anh tin bằng tình yêu và tuổi trẻ, muốn làm ra một loại mắm ngon trên quê hương tại sao lại không thể?

Anh bắt đầu nghiên cứu bài bản về cách làm mắm. Nghề mắm ba đời của gia đình chưa đủ, anh phải làm một cuộc hành trình đi dọc ven biển, qua các làng mắm trên khắp cả nước. Chuyến này giúp anh hiểu hơn về mắm, nguyên liệu làm mắm và chọn được loại thùng gỗ để ủ.

Đem tất cả tiền lương tiết kiệm được, bán miếng đất của bố mẹ cho, vay thêm ngân hàng, anh dựng lên một xưởng mắm to đẹp trên khu đất mượn của người chú ở cạnh nhà. Người vợ bị lay động trước quyết tâm của chồng đã dành thời gian để phụ giúp.

"Tôi nhớ anh ấy đã viết lá thư tay để ở cạnh giường cho vợ rồi ra biển đón mẻ cá đầu tiên lúc 2 giờ sáng. Nội dung đại khái là chúng ta đã trải qua những khó khăn, em đã vất vả nhiều, anh chỉ hy vọng từ nay về sau chúng ta sẽ làm được, sẽ bớt khó khăn" - Hải Vân chia sẻ.

Năm 2019, cô đã nghỉ việc để toàn thời gian giúp chồng. Cô bỏ vị trí quan trọng ở bộ phận kinh doanh của công ty dược có tiếng ở TP Thanh Hóa, với mức lương 20 triệu đồng/tháng và có nhiều cơ hội thăng tiến.

Nhưng cả hai đều biết khó khăn thực sự mới chỉ bắt đầu. Các khoản đầu tư lớn vào cá, thùng gỗ, chai lọ nhập khẩu, trong khi thu hồi vốn đối với nghề truyền thống quá chậm đã đẩy công ty vào nợ nần.

Mẻ mắm đầu tiên, hai vợ chồng đi chào hàng ở biển du lịch Hải Tiến cách xưởng chỉ 2km. Suốt ba tháng hè miệt mài giới thiệu sản phẩm, nhưng phần lớn thực khách lắc đầu dùng mắm của Lê Gia. 

Trên bàn ăn, nước mắm công nghiệp nhàn nhạt làm họ thích hơn. "Ủ mắm đã rất khó, bán mắm còn khó hơn gấp bội" - Ngọc Anh kể đã có lúc muốn bỏ cuộc.

Liên tiếp gặp phản hồi xấu, khách hàng không hài lòng nắp chai rỉ mắm, anh phải mày mò thiết kế nắp mới tốt hơn và khống chế được dòng chảy khi rót. Mắm bị chê chát mặn, nặng mùi, anh lại nghiên cứu để giảm độ mặn và độ nồng. Từ đó lọ mắm có thể bỏ túi đến văn phòng mà không ám mùi.

Nhưng sáng tạo có tính bước ngoặt của mắm Lê Gia là cho ra đời dòng sản phẩm cho bé. Sản phẩm được các bà mẹ chào đón và lần đầu tiên có mặt trên kệ hàng ở các siêu thị.

Tưởng rằng mọi việc đã suôn sẻ, nào ngờ biển lại dậy sóng. Biển miền Trung gặp sự cố về môi trường, tiếp đến lại rộ tin hàm lượng asen vượt ngưỡng khiến người tiêu dùng e ngại nước mắm truyền thống. "Nếu mình làm đúng thì cứ bình tĩnh tìm cách để khách hàng hiểu mình" - Ngọc Anh chia sẻ.

Trong thời gian này, anh may mắn gặp được hai chuyên gia nổi tiếng về nước mắm truyền thống là tiến sĩ Trần Thị Dung và Vũ Thế Thành đã giúp mắm Lê Gia tiến vững chãi hơn.

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 9: Chối lương ngàn đô, về làm mắm sạch - Ảnh 3.

Đội ngũ nhân viên trẻ trung, đầy khát vọng của Lê Gia - Ảnh: TÂM LÊ

Làm thật mới bền

Ai cũng có quyền lựa chọn ngành nghề riêng, cách làm không ai giống ai. "Con đường tôi chọn lại là con đường khó" - Ngọc Anh bày tỏ. Khó ở chỗ, nghề mắm truyền thống thị phần nhỏ, tương lai không hứa hẹn. Hai là cách làm mắm sạch, không chất bảo quản sẽ tốn kém.

Anh mua cá cơm loại tươi ngon nhất và muối sạch ở Nha Trang, để ủ mắm trong thùng gỗ suốt hai năm mới được một mẻ. 

"Chúng tôi nghĩ mình phải sống thật, làm thật mới bền lâu" - Ngọc Anh tâm sự điều này vợ chồng cùng tâm nguyện. Các dòng sản phẩm của công ty đều mộc tự nhiên, không chất bảo quản, chỉ có những gì tinh túy của biển cả.

Bốn năm trước, chúng tôi vào thăm xưởng mắm của Ngọc Anh nhân cuộc điều tra lớn về mắm tôm bẩn ở một cơ sở cùng địa bàn. Khi đó, Lê Gia nổi lên như một niềm hy vọng về tương lai thực phẩm sạch của một người trẻ vừa đam mê, vừa có kiến thức.

Tôi nhớ đã nhìn ngắm rất lâu hàng chục thùng gỗ bời lời đựng mắm vàng rộm, cao lớn. Nó khác hẳn với bể ximăng đầy gián, thạch sùng, dòi bọ lổm ngổm ở vụ mắm tôm bẩn trước đó. 

Vì tò mò, tôi đã leo lên thang để được nhìn vào bên trong thùng gỗ. Màu nước mắm nâu vàng, sóng sánh. Mỗi thùng gắn một dụng cụ đo độ mặn như cái nhiệt kế.

Bây giờ thì Lê Gia đã bề thế hơn, sản phẩm lên tới 20 loại. Ngoài nước mắm cốt, mắm tôm, mắm tép, còn có kho quẹt, ruốc mắm chà, ruốc cá thu, ruốc hàu... 

"Cảm xúc lớn nhất của vợ chồng tôi là nhìn thấy bản ký kết hợp đồng với các siêu thị, tiếp đến là lúc cầm giấy thông quan trên tay, hàng được xuất đi các nước" - Ngọc Anh kể.

Trên hành trình khởi nghiệp gập ghềnh, anh cho biết may mắn nhất là có người vợ bên cạnh. Người không chỉ giúp anh chăm sóc tổ ấm nhỏ, mà còn đồng hành cùng anh trên thương trường.

Anh kể logo trên chai mắm cũng là ý tưởng của vợ. "Một lần hai vợ chồng đưa con dạo chơi bờ biển, Vân là người vẽ logo hình ngôi nhà trên cát" - Lê Ngọc Anh tự hào giải thích, Lê là tên dòng họ còn Gia là gia đình, mắm là gia vị của bữa ăn trong mỗi gia đình.

Dịch bệnh lại một lần nữa thử thách đôi vợ chồng trẻ, lúc này hàng xuất và nhập vỏ chai đều ách tắc, giá vật liệu tăng cao. Nhưng họ vẫn giữ mức lương nhân công nguyên mức 8 - 10 triệu đồng và thêm việc làm cho người khuyết tật cùng niềm tin vượt qua khó khăn.

Hai giá trị mà Lê Gia đang tạo ra gồm giá trị hữu hình là có một địa chỉ sản xuất mà sản phẩm gắn liền với người cần lao miền biển.

Lần đầu người dân thấy được giá trị nguồn lợi của quê hương trong một sản phẩm chất lượng có thể xuất ra ngoài tỉnh. Họ được cùng nhau sản xuất, được nhận đồng tiền xứng đáng.

Giá trị vô hình là tạo ra dòng sản phẩm sạch cho xã hội, mà thế hệ tương lai của đất nước được hưởng lợi.

Vợ chồng Ngọc Anh đang dự định kế hoạch xây một nhà máy sản xuất lớn với diện tích 1,2ha tại quê nhà. Nhà máy không chỉ đơn thuần sản xuất mắm mà còn là khu sinh thái để du khách có thể đến tham quan.

***********

Phú "độc lạ" trở thành infuencer - người có sức ảnh hưởng "cõi" mạng chỉ sau hơn một năm trình làng kênh "Độc lạ Bình Dương" và "Độc lạ Việt Nam".

>> Kỳ tới: Rời thế giới thực, săn tìm "độc lạ"

Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 8:  Anh cán bộ bỏ việc, về muối ba khía Những người dám giã từ ký lương - Kỳ 8: Anh cán bộ bỏ việc, về muối ba khía

TTO - Chồng từng là cán bộ nông nghiệp, vợ tốt nghiệp ngành thiết kế tàu thủy, nhưng hai vợ chồng lại nổi danh với nghề... muối ba khía ngay ở vùng đất là thủ phủ của loài cua rừng này.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên