Phóng to |
Từ trái qua: Sùng A Sổ, Lỳ Go Ky, Phần A Tủa, Lò Văn Lợi - đều là học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên - Ảnh: H.Hg. |
Chuyện nhỏ về những cơn đói
Nhà của Lò Văn Lợi (lớp 12C2) có đến 11 anh em, trừ bốn anh chị lớn đã lập gia đình, số còn lại vẫn đang đi học. Học hết lớp 5, Lợi gặp phải một cản trở lớn: từ nhà (bản Na Son, xã Na Son) ra đến trường THCS ở trung tâm huyện Điện Biên Đông mất hơn 15km, đường đồi núi thì quanh co, hiểm trở. Tính đi tính lại, cuối cùng bố mẹ đồng ý cho Lợi ra huyện trọ học.
Cuối tuần, cậu học trò nhỏ con nhất lớp ấy lại cuốc bộ về thăm nhà để lúc đi gùi hơn 10kg gạo trên vai cùng với bọc ớt to tướng hái ngoài nương làm thức ăn. Mỗi lần như thế mẹ thường giúi cho cậu vài ngàn đồng để mua rau, “ăn cơm với canh rau là ngon lắm rồi”.
Nhưng không phải tuần nào mẹ cũng có tiền cho để mua mỗi ngày một bó rau. Vì thế, cái món ớt dầm với nước muối pha loãng đã trở thành món ăn quen thuộc của Lợi trong suốt những năm học ở Trường THCS Suối Lư.
Bạn bè đồng trang lứa có người gia cảnh khó khăn, không chịu kham khổ được đã bỏ học trốn về nhà; còn Lợi? “Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó cho dù chỉ thoáng qua. Mỗi ngày mình cũng đủ gạo để ăn hai bữa nhưng ăn cơm với ớt hoài mau đói bụng lắm. Cứ đói bụng là mình khóc - lúc đó còn trẻ con quá mà, có biết làm gì ngoài chuyện khóc đâu. Bây giờ nghĩ lại tự thấy thẹn với mình”.
Còn trẻ con nhưng sau giờ học Lợi vẫn phải vào rừng kiếm củi về nấu cơm, tuy còm nhom vậy chứ bao giờ cậu bé cũng vác bó to nhất “cho bõ công”.
So với Lò Văn Lợi, Sùng A Sổ (lớp 12C2) may mắn hơn khi được học ở trường PTDT nội trú từ nhỏ, chuyện ăn uống, ngủ nghỉ đã được nhà trường bao cấp. Nhưng với Sổ, nỗi lo vẫn luôn canh cánh bên lòng vì trách nhiệm của người con cả trong gia đình: “Dưới mình còn ba đứa em đang đi học, gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo đã mấy năm nay vẫn chưa thể thoát nghèo. Cả nhà trông vào đám ruộng nương mỗi năm chỉ làm được một vụ”.
Đường từ Trường PTDT nội trú tỉnh về nhà (bản Sùng Chô, Sùng Phài, huyện Tam Đường) dài hơn 200km nên mỗi năm Sổ chỉ có thể về nhà hai lần: tết và hè, vì lúc ấy nhà trường có xe đưa HS về, không phải mất tiền xe. Những lúc ấy Sổ tranh thủ gánh vác hết những việc nặng nhọc cho bố mẹ: cày nương, làm cỏ, đắp bờ...
Mùa hè, Sổ còn xin đi đập đá rải đường lấy tiền mua sách vở. Cậu học trò đeo kính cận nhìn rất thư sinh ấy luôn chọn việc đập đá to vì “tiền công khá hơn (25.000 đồng/ngày) mặc dù nhọc lắm, hết hè nhìn mình giống như người hết hơi”.
Còn với Lỳ Go Ky (lớp 11B1), chuyện học hành của cậu là sự kỳ vọng của cả gia đình và dòng họ: “Bố mẹ mình có biết chữ đâu!”. Đã hai năm nay Ky chưa một lần về thăm nhà, “tiền học bổng dành cho HS giỏi mình gói ghém cho các khoản mua sách vở, sắm quần áo, chi tiêu những thứ lặt vặt... nên không phải xin tiền gia đình, mà nếu xin chắc cũng không có”.
Tiết kiệm tiền, Ky ít ăn sáng như các bạn cùng trường, “nhiều bữa đói lắm nhưng lâu ngày thành quen”. Ky bảo đó là chuyện nhỏ, “mình phải đỗ đạt để có một nghề đàng hoàng mới là chuyện cần quan tâm hơn”.
Vì bản làng thân yêu
Lợi kể rằng cứ mỗi lần gặp khó khăn Lợi lại nghĩ đến mẹ. Mẹ thường phải dậy từ sớm tinh mơ để ra ruộng, buổi trưa về ăn cơm bao giờ cũng tranh thủ vác thêm bó củi. Mẹ cũng thường lấy gương những cán bộ trong xã để nói với Lợi: “Người ta có ăn có học đàng hoàng, còn nhà mình làm quần quật suốt ngày vẫn không đủ ăn”.
“Mình thấm thía câu nói ấy, mẹ mình vốn không biết chữ mà. Mình tự hứa sẽ cố gắng học để sau này đền đáp công ơn mẹ, để mẹ được hưởng chút an nhàn lúc về già...”. Có lẽ vì thế mà Lò Văn Lợi luôn đạt danh hiệu HS giỏi ở Trường PTDT nội trú tỉnh Điện Biên. Cậu HS dân tộc Thái học giỏi nhất môn hóa (điểm bình quân luôn từ 9,0 trở lên), lại “ẵm” cả giải khuyến khích môn... địa trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh năm 2003 - 2004 này.
Năm nay Lợi đăng ký thi vào ĐH Y Thái Nguyên và ĐH Sư phạm: “Nghề giáo hay nghề y cũng tốt như nhau, sau khi tốt nghiệp mình sẽ về phục vụ bản làng quê mình. Bản mình nghèo lắm, bà con khổ lắm, vừa thiếu y bác sĩ vừa thiếu giáo viên”.
Cùng ước mong về với bản làng, Phần A Tủa (lớp 11B2) lại thích đi ngành công an: “Công an được bà con trong bản kính trọng và nể phục lắm”. Tự nhận mình rất ham chơi “bóng đá, bóng chuyền, cờ vua - môn nào mình cũng thích”, thế mà từ năm lớp 6 đến nay Tủa luôn giữ vững danh hiệu HS giỏi. Năm học trước Tủa giành được giải 3 trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh môn địa, năm nay mới thi hồi đầu tháng 4-2004 và “đang hồi hộp chờ kết quả”.
Chàng trai người H’Mông chợt trầm ngâm: “Nhà mình đã nghèo lại đông con, hai chị lớn một con chữ bẻ đôi cũng không biết. Ba anh em mình may mắn được cắp sách đến trường, phải cố gắng học thôi. Bản mình (Sính Chải, xã Mù San, huyện Phong Thổ) vẫn còn nhiều hủ tục lắm: bà con đau bệnh không tìm đến y bác sĩ mà tìm đến thầy mo cúng kiếng, gọi hồn, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại, rồi tình trạng nghiện hút ma túy làm bao gia đình tan nát... Mình sẽ đi vận động bà con thay đổi nếp sống lạc hậu, sẽ góp sức cùng bà con phòng chống các tệ nạn xã hội...”.
Còn Sùng A Sổ thì đang học cật lực để dự thi vào ĐH Kinh tế: “Mình mơ ước trở thành nhà kinh doanh, góp phần giúp kinh tế bản làng mình phát triển hơn, bà con biết cách sản xuất để mua bán, trao đổi chứ không khép kín theo kiểu tự cung, tự cấp như hiện nay”. Sổ cười rất tự tin: “Lúc ấy, chắc chắn cuộc sống gia đình mình sẽ được cải thiện”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận