Thợ lên dây dương cầm Đỗ Văn Nhương (trái) và em trai của mình - cũng là một thợ lên dây - đang chăm sóc cho một cây dương cầm của khách hàng - Ảnh: Hà Thanh |
Nghề lên dây cho dương cầm cần nhất là người có đôi tai nghe đặc biệt.
Theo ông Lê Ngọc Chung - 54 tuổi, là một trong những người thợ lên dây có tiếng ở Hà Nội, dù hiện nay có nhiều thiết bị hỗ trợ cân chỉnh âm thanh nhưng tiếng đàn hay phải do chính rung động từ đôi tai của người thợ chứ máy móc không làm được.
Tưởng nhàn nhã nhưng nhọc nhằn
Tại cơ sở bán và sửa chữa đàn dương cầm trên phố Bạch Đằng, ông Chung kể về chuyện nghề của lớp thợ lên dây đầu tiên ở Hà Nội.
“Hồi trước có cụ Khánh, cụ Dậu, cụ Quý tự mày mò học, có đôi tai rất tốt nên lên dây đàn tốt, sửa đàn nhiều năm, nhiều nơi. Về sau có ông Hào được đi học lên dây, xem người ta sản xuất đàn dương cầm, được học nguyên lý về đàn trong một nhà máy ở Liên Xô cũ” - ông Chung mở đầu câu chuyện.
Theo ông Chung, dương cầm theo chân những người Pháp vào Việt Nam từ thời thuộc địa. Sau năm 1954, ở Hà Nội bắt đầu có tiệm bán và sửa chữa dương cầm nhưng mãi đến năm 1976 nghề lên dây đàn mới bắt đầu phổ biến.
Hầu hết những người thợ lên dây cho đàn tìm đến nghề này bởi cái duyên. Ông Chung cũng không ngoại lệ.
Trước đây ông làm trong tổ sửa chữa đàn ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, năm 1981 ông được cử sang Tiệp Khắc cũ học về sản xuất đàn piano. Hết khóa học, ông ở lại thêm 2 năm để học... lên dây đàn và xin làm việc ở Tiệp Khắc 5 năm cho thạo nghề. Mãi đến năm 1990 ông mới về nước.
“Về Việt Nam, nghề lên dây cho đàn piano trở thành nghề quan trọng vì lên dây quá khó, không nhiều người làm được. Tùy thuộc vào thời tiết, khi nào nghe tiếng đàn phô, chênh, khách hàng lại gọi lên dây đàn, trung bình lên dây 1-2 lần/năm. Mình sửa chữa xong đàn rồi mà không lên dây được, người ta bảo mình là thợ kém. Đánh giá tay nghề thợ giỏi, hơn nhau ở việc lên dây” - ông Chung tâm sự.
Ông nói đây là nghề “phục vụ biểu diễn” nên mỗi người thợ đều có bí quyết lên dây phù hợp với gu âm nhạc và tính cách của từng người, từng nhạc sĩ. Người này thích nhanh một chút, người kia thích chậm một chút, nhưng đòi hỏi người thợ lên dây làm sao mà người chơi đàn “nổi cả da gà thì mới sướng được”.
“Đàn piano quan trọng là hòa thanh. Xuống dưới hài hòa, bên trên hài hòa, giữa là chuẩn. Những người giỏi phải chia các quãng cho hài hòa, với người nhạc công tinh tế họ không chấp nhận chia đều các quãng” - ông Chung nói.
Lên dây tốt đòi hỏi người thợ có đôi tai tốt. Song, đây cũng là điểm yếu của họ khi phải thường xuyên nghe và tiếp xúc với âm thanh lớn nên bị loạn thanh.
Ông Chung cho hay người lên dây phải khắc phục được điều đó. Vậy nên hôm thợ mệt thì lên kém, hôm khỏe thì lên tốt. Còn với ông Chung và các lớp thợ hiện nay, để lên dây đàn tốt họ nhờ máy hỗ trợ đồng đều.
“Nhưng thầy giáo tôi khuyên, nhất quyết không được theo máy, dù máy bảo sai nhưng tai mình nghe đúng thì nó là đúng. Có một điểm máy không thể làm được so với tai người là không lọc được tạp âm, cuối cùng gọt giũa âm thanh là đôi tai” - ông Chung bày tỏ.
Một người thợ lên dây khác là ông Đỗ Văn Nhương cũng đồng ý như vậy: bắt buộc người thợ phải lên dây bằng tai chứ không phụ thuộc vào máy.
Tự hào về nghề kiếm sống
Còn với thợ lên dây đàn Đỗ Văn Nhương (ngõ Cát Linh, Q.Đống Đa), cơ duyên đưa ông gắn bó với nghề này ngót nghét hơn chục năm qua. Xuất thân làm nghề nông, cuộc sống vất vả nên ông Nhương tìm đường đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc.
Năm 2002, tình cờ ông gặp một người Hàn Quốc làm nghề lên dây đàn. Người này nhận dạy ông Nhương miễn phí và chỉ bảo tận tình.
38 tuổi, ông Nhương về Việt Nam đi làm thuê, lên dây cho từng cây đàn. Thu nhập lúc đó chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, song ông không bỏ nghề.
“Nghề tìm mình chứ mình không tìm nghề; yêu nghề, đam mê nên tôi chịu khó học và làm nghề này. Mình làm tốt, uy tín thì khách hàng tự tìm đến” - ông Nhương chia sẻ.
Năm 2011, nhận thấy đàn piano phát triển mạnh tại Hà Nội, ông Nhương đứng ra mở cửa hàng bán và sửa chữa đàn.
Hỏi về bí quyết lên dây đàn, ông nói cứ căn chỉnh đàn trước sau đó mới lên dây.
“Nếu thợ đến không căn chỉnh mà lên dây ngay thì âm thanh sẽ không đồng đều, không tốt được. Đầu tiên phải căn chỉnh cho đàn về vị trí ổn định, sau mới được phép lên dây. Người thợ phải đặt cả tâm huyết và trách nhiệm vào cây đàn mới làm tốt được” - ông Nhương nói về nguyên tắc của mình.
Giờ đây mỗi ngày ông căn chỉnh, lên dây cho 2-3 cây đàn, giá mỗi lần lên dây từ 300.000-1 triệu đồng tùy loại.
Hơn 30 năm với nghề, ông Chung nói có lẽ niềm vui lớn nhất theo ông đến tận bây giờ là khi được lên dây cho cây đàn lớn nhất ở Nhà hát lớn Hà Nội.
Ông kể: “Tôi cũng là người đầu tiên được lên dây cho cây đàn này khi nó được đem về nhà hát, được tận tay bóc đàn ra. Buổi biểu diễn hôm đó thành công, người ta vỗ tay ào ào, trong tôi có niềm vui không nói thành lời, giống như mình làm được điều gì đó đóng góp cho đời”.
Còn với thợ Đỗ Văn Phòng, niềm tự hào là nhớ lại những ngày lên dây đàn cho thầy Bùi Gia Khánh - giảng viên của bao thế hệ học trò suốt gần 40 năm qua tại Nhạc viện Hà Nội.
“Cây đàn của thầy được mang về từ nước Nga. Thầy kén lắm, đòi hỏi người thợ lên dây phải làm tốt nhất có thể. Tôi không giỏi nhưng tôi tâm huyết, kiểm tra tỉ mỉ từng nốt, từng chốt rồi căn chỉnh, lên dây cho đàn của thầy nên thầy rất hài lòng” - ông Phòng kể.
Nói về công việc của những người thợ lên dây, nhạc sĩ Dương Hồng Kông (31 tuổi) chia sẻ: “Một người có tai nghe tốt có thể lên dây ở mức 8 điểm, ở người kỹ thuật mới vào nghề có thể đạt 5-6 điểm, tùy thuộc vào tai nghe mỗi người. Đàn piano gần như là âm thanh tự nhiên, nếu để lên dây hay cần rất nhiều tư duy và đầu óc của tai nghe”.
Rèn luyện hằng ngày Hơn 30 năm gắn bó với nghề, hầu như ngày nào ông Chung cũng lên dây để rèn chắc tay nghề. Cũng giống như người chơi đàn piano, nghỉ 1-2 ngày đánh lại rất khó thì người lên dây đàn cũng vậy. Tính riêng ở Hà Nội, có 100 thợ thì chỉ có 15-20 người thợ lên dây đàn tốt. “Nghề này tiến lên rất nhanh, nhưng lùi xuống cũng nhanh. Thực ra lên dây rất khó, làm việc đến khi được nhiều người biết thì cực kỳ khó, đòi hỏi người thợ phải kiên trì” - người thợ này nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận