25/08/2015 11:16 GMT+7

Những người chăm sóc 
cột điện, đường dây

C.V.KÌNH - TRUNG HÀ - dangdv@tuoitre.com.vn
C.V.KÌNH - TRUNG HÀ - [email protected]

TT - Luồn rừng, trèo những trụ điện cao 60 - 120m, những người thợ truyền tải có thể đu trên đó cả ngày, cõng hàng chục tấn thép lên đỉnh núi...

Nào chúng ta cùng leo... - Ảnh: Thanh Hải
Nào chúng ta cùng leo... - Ảnh: Thanh Hải

Đó là công việc thường nhật của họ - những người chuyên chăm sóc dây và cột điện.

Đi dọc những cung đường hoang vu miền Tây Bắc, nhìn những cột điện chơi vơi trên đỉnh núi nối nhau hút tầm mắt, đi vào chốn hoang vu, sương trắng, thật ái ngại nghĩ tới việc tiếp cận, trèo lên.

Thế mà có những người bất kể ngày đêm cứ đều đều đến hẹn lại khăn gói đi dọc tất cả tuyến đường dây, tất cả chỗ nào có cột điện, dù đó là cột trên đỉnh núi hay sát vực giữa rừng...

Mặc đồng phục màu xanh ôliu, khác hẳn màu cam chói chang của công nhân ngành điện, “dân truyền tải” có cuộc sống âm thầm hơn bởi đối tượng của họ chỉ là cột điện, đường dây và những sự cố...

Thợ khuân vác kiêm thợ đi rừng...

15g, đội truyền tải điện Tuyên Quang thuộc Công ty Truyền tải điện Tây Bắc chuẩn bị lên đường “tuần tra” định kỳ ban đêm.

Anh Đỗ Minh Chúc, đội phó, lịch kịch xếp những dụng cụ khá lạ. Ngoài cờ lê, dây thừng, ròng rọc, gạo, muối, đèn pin, bật lửa, áo mưa, dầu bôi chống vắt, xà cạp chống rắn... còn có cả áo phao.

“Mình ở dưới khu thượng nguồn, có khi vừa thấy lác đác vài hạt mưa đã thấy nước ào xuống. Nhưng chủ yếu phòng đường trơn lăn xuống suối” - anh Chúc nói và giới thiệu một dụng cụ nữa luôn phải có là dao quắm dài của người dân tộc.

Trước khi đi, nhóm thợ rất cẩn thận mài sắc con dao này bởi đây là dụng cụ tùy thân, cũng là công cụ thực thi nhiệm vụ: phát quang cây, bụi ở chân cột điện.

Theo quy định, cứ một tháng/lần phải có một đội đi dọc các tuyến đường dây 110 - 500kV, bất kể ở rừng hay trên núi, để kiểm tra tình trạng các cột và sự vận hành của tuyến. Ba tháng/lần bắt buộc phải đi ban đêm để phát hiện hiện tượng phóng điện, đánh lửa trên đường dây hay không...

17g, cả nhóm đi xe máy bắt đầu tiếp cận chân bìa rừng. Ba người gửi xe cho đồng bào dân tộc, lên đường (quy định mỗi lần đi tối thiểu phải hai người). Chỉ cây cột điện xa hút thấy mờ mờ, anh Chúc bảo khoảng một tiếng nữa đến cây cột đó, trời tối là vừa.

Lần theo những con dốc lằng nhằng, phải đi mất đúng một tiếng, mệt lả, chúng tôi đến cột điện đầu tiên. “Bây giờ mới bắt đầu hành trình đi dọc các cột điện” - anh Chúc nói.

“Cột điện được làm không căn cứ vào đường bộ, cứ thẳng tắp, mặc phía dưới là gì. Nên vừa đi lên đỉnh đồi, thoắt cái phải bám vào vách núi. Đi rừng mới biết thế nào là “đi hết một vắt vai”.

Tức cầm cái khăn đi thấm mồ hôi, ướt hết thì coi như được “một vắt vai”. Vắt hết đi, hoặc đôi khi trời nắng nó tự khô, rồi lau ướt sũng tiếp thì coi như một vắt vai nữa...

*** Error ***
Cảnh làm việc của các thợ truyền tải - Ảnh: Thanh Hải

Cột điện hay ở trên đỉnh núi, nhiều lúc chon von giữa lưng chừng khe hai vách đá để dẫn dòng điện đi thẳng về xuôi.

Ngồi nói chuyện với ông Trình Văn Bản - người dân xã Châu Yên, Yên Sơn (Tuyên Quang), ông công nhận: “Có những đỉnh núi ngay dân bản cũng không lên đó làm gì, đá sắc lắm, nhưng mấy chú này cứ lên suốt”.

“Tuần tra” ban đêm, trời tối, sương lạnh, lại vừa phải nhìn lối đi vừa nhìn đường dây trên đầu nên có lần anh Chu Văn Tiến, thợ đường dây 10 năm trong nghề, bảo:

“Thót tim, người lạnh toát vì thấy một con hổ mang chúa vắt vẻo trên cành cây, tiến thêm vài bước có thể đã ăn phát cắn vào mặt. Kinh nghiệm là phải luồn lối khác mà đi”. Còn việc gai cào, gặp những con sâu to bằng cổ tay là... chuyện thường.

Đó chỉ là “đi tuần”. Còn những ngày có sự cố hay phải sửa chữa thì “những người chăm cột” không được đi nhẹ nhàng như thế.

Anh Tiến kể mới đây do ảnh hưởng của mưa bão, gần 12g đêm điện thoại báo “sự cố ở Yên Bái”, thế là lên đường.

Họ có một chiếc xe oát “niên đại” cũ kỹ đưa tới cách cột điện cỡ chục kilômet. Phải đi đường rừng. Đất sạt khắp nơi, trơn, phải cầm dây kéo nhau đi.

Chỉ vết sẹo trên tay, anh Chúc bảo “do ngã đấy”. Nhưng mệt hơn là những đợt có sự cố lớn, lệnh phải sửa. Thế là khuân thanh thép, sứ cách điện, máy móc, thiết bị, đồ ăn, nước uống, bạt... tới hàng chục tấn lên đỉnh núi.

Chỉ những ngọn núi chênh vênh, anh Chúc “tiết lộ” có khi nặng quá phải thuê bò, trâu của dân. Nhưng lên độ cao nhất định thì phải thuê ngựa. Song cũng có “rủi ro tài chính” bởi “ngựa có khi cũng không chịu nổi, lộn cổ xuống khe chết”... Vậy là đa số vẫn phải dùng sức người.

Có khi phải kéo dây từ cột này sang cột kia, những cuộn cáp to bằng chiếc ôtô, nặng vài tấn. Địa hình đồi núi, cũng chỉ có con người mới kéo nổi...

*** Error ***
Công việc gian khổ của những người thợ truyền tải - Ảnh: Thanh Hải

Nghề gian khổ

Đó là chưa kể những đợt nghiệm thu đường dây, dân truyền tải lại được dịp làm... “người nhện”.

Công việc bắt buộc với dân truyền tải là khi tiếp nhận đường dây từ đơn vị thi công, trước khi đóng điện họ phải đi trực tiếp trên các cáp điện tận mắt kiểm tra các mối nối, xem trong quá trình thi công có đoạn cáp nào bị sờn, nguy cơ đứt...

Đường dây cao áp nào cũng có hai tầng, họ phải bắt dây an toàn vào cáp điện phía trên và đi bằng chân ở đường dây điện phía dưới.

Lúc đi kiểm tra phải cùng lúc bốn người đi trên bốn dây cho vui, nói chuyện cho đỡ căng thẳng và hỗ trợ nhau nếu có sự cố. Có những lúc mệt lả vì đi 1km trên cáp có khi mất cả tiếng, trong khi đường dây mới đa số dài vài chục kilômet.

Nắng to thì mất nước nhanh, mùa đông thì gió rít buốt da, chân tay tê dại. Trời miền núi có khi rét 5 - 6oC , anh Chu Văn Trị - “thợ chăm cột” thâm niên tám năm - kể đang đi mà gặp cơn mưa thì người cứng đơ, xuống đến đất bó chặt chăn vẫn run lập cập thêm cả chục phút.

Còn đói, khát hoặc có nhu cầu cá nhân bất ngờ thì chỉ có cách phòng tránh chứ bất chợt phát sinh nhu cầu thì... chịu. Bởi trèo từ đỉnh cột xuống đến đất mất cả tiếng...

Theo anh Chúc kể, thường các cột 500kV cách nhau khoảng 1km nên đến tầm giữa hai cột, tức đi được khoảng 500m, dây điện đung đưa như đánh võng. Lúc này rất dễ có cảm giác như say sóng, chao đảo nhưng vẫn phải đi.

“Có lúc gió tạt bất ngờ, giật mình rơi khỏi dây. Dù có đai an toàn nhưng nhiều khi lủng lẳng giữa không trung mấy chục phút, phải có hỗ trợ mới đứng trở lại được trên mặt cáp”.

Không chỉ kiêm thợ đi rừng, khi những sự cố xảy ra, dân truyền tải phải là người trực tiếp sửa chữa trên cột. Trông các cột điện cao thế tưởng bình thường nhưng theo anh Chúc, cột 500kV có khi cao 108m, bình thường cũng phải 60m, bằng tòa nhà 15 - 17 tầng.

Ngồi nghỉ trong rừng, anh Chúc kể lên cột những hôm nắng gắt đã sợ vì nóng hầm hập, nghỉ cũng phải ngồi trên đó, rất dễ hoa mắt, lộn nhào. Song nghề thợ đường dây sợ nắng không bằng sợ mưa.

Chỉ cần thoáng thấy dấu hiệu mưa, dù đã trèo lên “tòa nhà 17 tầng” rồi nhưng cũng phải trèo xuống ngay lập tức. Bởi thường đường dây vẫn dẫn điện, nếu mưa nước chảy thành dòng trên thân cột, rất dễ có cảm giác bị điện giật, rất khó trèo xuống.

Ngoài ra còn lo sét. Ở Tây Bắc, do nhiều mỏ sắt bên dưới nên sét đánh ầm ầm. Theo ông Phạm Văn Nguyên - phó giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc, dù có nhiều biện pháp hạn chế nhưng một trong những nguyên nhân gây sự cố điện ở Tây Bắc nhiều nhất chính là sét.

Mà sét không ít như dưới xuôi, lại hay nhằm vào cột điện. “Theo đánh giá của cơ quan khí tượng, vào mùa mưa, như Lào Cai, có ngày thời gian sét đánh tới... 3,5 giờ” - ông Nguyên nói.

Cũng là dân truyền tải, dù không đi làm dọc tuyến đường dây nhưng anh Dũng, trưởng trạm biến áp 110kV ở Tuyên Quang, chia sẻ một đặc thù khác của nghề: ở Tây Bắc vào mùa xuân, hôm nào có sương trắng núi rừng thì ở đây anh em sẽ cảm thấy rõ... mùi của điện.

Trạm biến áp có cường độ điện trường rất lớn nên chỉ cần bước vào trạm sẽ thấy ngay cảm giác... rần rần. “Anh em những ngày đó không phải chải tóc vì đều... dựng ngược hết cả lên” - anh Dũng nói.

“Dù mưa kỷ lục, sạt lở hay sét đánh, cột điện và đường dây phải trụ vững vì đó là điện của hàng triệu người. Mất điện họ mắng cho” - anh Chúc cười chia sẻ về công việc và tự hào rất hiếm khi mất điện vì sự cố đường dây cao áp.

Còn ông Phạm Văn Nguyên cho biết Truyền tải điện Tây Bắc phải “quản” hơn 300km đường dây 500kV, 600km đường dây 220kV, 132 cán bộ quản lý vận hành đường dây phải liên tục lên đường. Nếu có kỷ lục đi rừng, trèo cột nhiều nhất Việt Nam có lẽ phải là dân truyền tải Tây Bắc...

Do đặc thù quản lý những đường dây truyền tải cao áp và siêu cao áp cấp điện cho cả một vùng rộng lớn nên “hành quân”, sửa chữa ban đêm đã thành thói quen của dân truyền tải.

“Ban đêm tiêu dùng điện ít, có thể cắt ở một tay (bên trái hoặc bên phải cột điện) trong khi vẫn cấp điện ở tuyến dây bên cạnh” - anh Tiến nói.

Tuy nhiên, anh Tiến đùa lúc trên đó chỉ nhớ... mấy anh điều độ hệ thống điện quốc gia: “Bởi các anh ấy cắt điện đường dây để mình làm. Chỉ cần mấy bác ấy quên, đóng điện sớm vài giây thì mình... đen thui”.

Nếu như trên đường sợ rắn thì leo cột “sợ nhất là ong” - anh Chúc đúc kết. Trèo cột mà không để ý, bấu phải tổ ong thì khỏi chạy.

“Trèo lên có khi mất gần nửa tiếng thì trèo xuống cũng thế. Nếu bị đốt, xuống đến nơi thường phải... tìm đường đi viện ngay” - anh Chúc cười.

Còn đang vắt vẻo ở trên cao, bị sét đánh thì sao? Anh Tiến chia sẻ: “Có thiết bị an toàn, có dây tiếp địa, nhưng bị đánh trúng người thì... chịu. Đó là số phận rồi, trời gọi ai nấy dạ!”.

C.V.KÌNH - TRUNG HÀ - [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên