TTCT - Có những người đứng ngoài mọi chuyển dời của báo chí, mạng xã hội, cho ta biết một ý niệm khác về thông tin và chia sẻ thông tin. Ông Stephen Butkus (71 tuổi) - sống tại Sudbury (bang Massachusetts, Mỹ) - yêu thích cắt báo, tạp chí hàng chục năm nay. Ở nhà, ông sắm hẳn một chiếc máy photocopy, trên kệ sách lúc nào cũng có đủ phong bì và tem. Hễ đọc được một bài báo hay hoặc một câu chuyện, một mẩu tin mà ông nghĩ có thể liên quan đến một người thân, bạn bè nào đó, lập tức ông photo, tỉ mỉ cắt ra và mang ra bưu điện gửi đi.Có khi ngấu nghiến xong một bài báo hấp dẫn, ông "ship" ngay cho nhiều người cùng lúc. Nhưng thường thì ông sẽ cân nhắc xem nội dung nào thích hợp với người nào nhất. Mới rồi, ông Stephen gửi cho anh trai mình một bài báo viết về chuyện các căn hộ 3 tầng đang tạo cơn sốt ở thành phố Boston; thuở hàn vi, anh em ông đã lớn lên trong một căn hộ như vậy. Ông cũng cắt và gửi thêm vài tranh biếm về chuyện tập thể dục cho cô huấn luyện viên câu lạc bộ sức khỏe cũ.Stephen nhớ lại cách đây độ 30 năm, mỗi ngày ông đăng ký đọc 6 tờ báo và 12 tạp chí. Đó là thời hoàng kim của báo in, mỗi tờ báo là một món ăn tinh thần đúng nghĩa, thời mà các bậc cha mẹ thường bỏ vào phong thư vài đoạn báo "thay lời muốn nói" gửi tới con cái đang học hoặc làm việc xa nhà.Joe Coscia - một giáo viên toán 39 tuổi đang sống cùng vợ con tại King George (bang Virginia) - kể với Wall Street Journal, tới giờ này mẹ anh vẫn thường gửi cho anh những bài báo được bà cắt dán cẩn thận từ một vài tờ báo địa phương ở Niagara Falls (New York). Mới đây nhất, anh nhận được một mẩu cáo phó trên báo: Bác thợ cắt tóc hồi nhỏ anh thường lui tới vừa qua đời. Dù cảm thấy mẹ chu đáo, anh cũng không khỏi nghĩ ngợi. "Tôi và mẹ nói chuyện điện thoại mỗi tuần, vậy mà mẹ không nói chuyện của bác thợ cắt tóc này luôn, lại đi cắt báo đem gửi thư?!" - anh nói.Bà Shirley Finney (80 tuổi) chuẩn bị cắt báo gửi con cháu. Ảnh: Gail LamagnaMột lần khác, mẹ gửi cho Coscia một đoạn báo nằm trong mục chuyên gia tư vấn. Ông chuyên gia chỉ ra vài lý do cha mẹ không đưa trẻ em đi ăn nhà hàng. Coscia băn khoăn không biết mẹ có đang nhắc khéo mình không, bởi mới 2 tuần trước, bà đi ăn nhà hàng cùng gia đình anh, và xót xa khi cháu nội khóc la suốt bữa vì đang bị cảm.Theo giáo sư Eric Lehman (Đại học Bridgeport, Connecticut), thói quen cắt báo và chia sẻ cho bạn bè ở Mỹ bắt đầu từ những năm 1800, khi xuất bản báo, tạp chí bắt đầu bùng nổ ở các vùng đô thị. Người ta gửi những câu chuyện mình tâm đắc cho người thân ở vùng nông thôn - những người khó tiếp cận thông tin hơn. Họ có thể dán những đoạn bút hay vào sổ lưu niệm. Ngay cả những mẩu quảng cáo cũng qua tay nhau.Khi Internet xuất hiện, thói quen này đã bắt đầu trở thành thú vui của "những người muôn năm cũ". Ai thấy tận hưởng sự tiện lợi của việc có thể gửi mọi thứ qua email, chia sẻ đường link một trang báo mạng qua Messenger, biên status tám chuyện thời sự trên Facebook chỉ trong nháy mắt thì mặc, họ vẫn chăm chỉ đọc báo in, cặm cụi cắt dán. Với họ, thói quen này càng đáng duy trì hơn khi số lượng báo in và tạp chí ngày càng giảm.Một số cụ dù nhất mực không bao giờ gửi link cho con, nhưng cũng cập nhật cùng thời đại. Marshall Burkhart (33 tuổi), đang điều hành tại một công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe ở Boston, kể cha anh từng xem mẩu báo cắt dán là đòn "chiến tranh tâm lý" - ông sẽ gửi chúng cho con trai nhằm thay đổi quan điểm chính trị của anh về một vấn đề nào đó, dù kết quả không mấy khi thành công.Giờ thì người cha năm nay đã 67 tuổi vẫn gửi báo cho con, nhưng bằng cách chụp ảnh mẩu tin bằng smartphone và gửi qua mạng. Có điều, 10 lần thì hết 7 lần, ông chụp quá nhỏ hoặc quá mờ, Burkhart phải căng mắt mới đọc lõm bõm được vài chữ. Tuy nhiên, anh không phiền lòng mà còn rất vui khi nhìn thấy sự "tiến bộ" của cha.Tương tự, Jack Larimer - chuyên viên nghiên cứu cho một công ty quản lý tài sản ở West Hartford, Connecticut - nói mẹ anh cũng đã chuyển sang gửi ảnh chụp qua email cho 3 chị em anh, từ bỏ truyền thống cắt báo gửi thư mà bà tiếp nối từ mẹ và bà ngoại. Riêng những bài báo hay, bà vẫn cắt ra và để trong phòng ngủ của từng đứa. Có lần, Larimer về thăm nhà dịp Noel, vừa vào phòng ngủ đã thấy ngay trang báo viết về tình hình kinh tế Mỹ mà mẹ anh đã để sẵn trên đầu giường. Bài báo trở thành đề tài cho hai mẹ con tranh luận thích thú.Trở lại Massachusetts, dù ở tuổi cổ lai hy, ông Butkus luôn tự hào khi duy trì được thói quen cắt báo và gửi cho người thân, bạn bè bốn phương của mình. Ông cũng biết rằng kẹp báo trong phong thư rồi mang tới bưu điện là thú vui lỗi thời. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, ông đoan chắc ai được nhận phong thư ấy cũng sẽ thấy vui, bởi trong đó "không phải một lá thư rác phiền toái, và nhất là không phải là một biên lai thu tiền gì đó". Tags: Truyền thông báo chíMạng xã hộiChia sẻ thông tinBáo chí
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.