TTCT - Cây thông nước hay thủy tùng (glyptostrobus pensilis) là loài thực vật duy nhất thuộc chi Glyptostrobus. Hóa thạch cổ nhất của nó được biết đến là vào kỷ Creta (Kỷ Phấn trắng), song cho đến nay, chỉ còn vài quần thể rất nhỏ của loài thực vật này còn tồn tại. Ở Việt Nam, 162 cây thủy tùng còn lại hiện được bảo vệ nghiêm ngặt, bởi chúng được coi là những báu vật quốc gia. Khu bảo tồn loại sinh cảnh thông nước (thủy tùng) xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyên HằngBảo vệ sự sống cònVào những năm 1980, tại xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk vẫn còn một cánh rừng thủy tùng bạt ngàn, được biết đến là khu rừng đầm lầy thủy tùng. Lúc đó, không nhiều người quan tâm đến những cây gỗ họ thông mọc khắp trong đám sình lầy đó.Về sau, khu rừng thủy tùng này bị suy giảm nghiêm trọng do việc đắp đập thủy lợi phục vụ nông nghiệp đã làm mực nước dâng lên, gây ra mức ngập cao cho quần thể thủy tùng, khiến nhiều cây chết úng. Nhiều cây khác bị ủi đổ chìm sâu vào lòng hồ và đầm lầy. Những người dân khai phá đất khu vực xung quanh để trồng cà phê cũng đã chặt phá rất nhiều cây thủy tùng. Cánh rừng thủy tùng trở nên trơ trọi.Thời gian ngắn sau đó, khi nạn khai thác các loại gỗ quý ở Tây Nguyên gia tăng, gỗ thủy tùng bị đồn thổi có công dụng đặc biệt, có thể chữa ung thư...khiến nhiều người để ý. Những tay chơi đồ mỹ nghệ rất ưa sản phẩm làm từ gỗ thủy tùng ngâm lâu trong bùn lầy, bởi gỗ này càng ngâm lâu càng trở nên rắn chắc, nổi vân độc đáo và có mùi thơm.Đã có lúc thị trường cả nước sôi sục trào lưu chơi hàng mỹ nghệ thủy tùng. Mỗi sản phẩm từ thủy tùng được bán với giá cao ngất ngưởng. Những tay lâm tặc coi thủy tùng như một cách để đổi đời. Đó cũng là lúc thủy tùng đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Nhiều người lặn xuống hồ thủy điện vớt xác thủy tùng, người khác lên rừng đốn hạ những cây thủy tùng hiếm hoi còn sót lại.Trước nguy cơ tuyệt chủng cao của thủy tùng, tháng 8-2012, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thành lập Ban quản lý khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk) để quản lý, bảo vệ 161 cá thể thông nước tại hai quần thể thông nước ở Ea Ral và Trấp K’sơ.Đến năm 2014, UBND tỉnh Đắk Lắk chính thức phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo tồn loài và sinh cảnh thông nước đến năm 2020. Loài cây này được bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 giờ.Những người bảo vệ ở đây cho biết khoảng 10 năm trước, để chạm tay vào một cây thủy tùng thì phải lội xuống vũng đầm lầy ngập ngang lưng. Mỗi ngày tuần tra rừng là một lần đối mặt với biết bao nguy hiểm của nơi “nước độc, rừng thiêng”.Một trong 8 mẫu ghép đang phát triển khi được ghép vào rễ thở của cây thủy tùng mẹ. Ảnh: Nguyên HằngAi làm ở đây cũng quá quen thuộc với các loài vật rắn, đỉa và muỗi. Những năm gần đây, trạm bảo tồn loại sinh cảnh thông nước xã Ea Ral mới được lắp một hệ thống cầu phao nổi, giúp quá trình tuần tra thuận lợi hơn trước.5 năm sống với cánh rừng thủy tùng này, anh Phạm Quang Phong (trạm phó Khu bảo tồn loại sinh cảnh thông nước xã Ea Ral) chứng kiến từng ngọn cây lớn lên. Những người canh gác thủy tùng tại đây luôn phải túc trực, tuần tra, canh gác cả ngày lẫn đêm. “Tết thì anh em chia nhau ra trực, những ngày lễ trong năm thì chúng tôi đều ở đây hết” - anh nói.Chúng tôi đến đây vào mùa mưa, chiếc cầu gỗ đôi chỗ ván đã gãy thủng, rêu bao phủ, phải luôn bám chắc vào dây thừng để qua cầu. Nhưng với những người bảo vệ thủy tùng, ban đêm họ vẫn đi qua cây cầu này mà không cần dùng đèn.Ngay sát nơi có nhiều cây thủy tùng nhất, là trạm chính - khu quản lý trang thiết bị cần thiết, cùng hai chòi gỗ, mỗi chòi đủ chỗ cho một chiếc giường đơn nhỏ và một chiếc quạt cây. Đó là nơi ở thường xuyên của những người bảo vệ thủy tùng. Họ tuần tra hằng đêm, ngả lưng tại chòi, luôn sẵn sàng đối phó nhanh với các trường hợp gây nguy hại tới cây thủy tùng.Những nỗ lực hồi sinhQuỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố thủy tùng là một trong những loài cây đang ở cấp độ “rất nguy cấp”. Số cây thủy tùng hiện còn trong Khu bảo tồn Ea Ral là quần thể nhỏ với mật độ thấp nên không thể thụ phấn được, vì vậy hạt thủy tùng không thể nảy mầm.Các quần thể thủy tùng đã và đang bị thoái hóa, cây thủy tùng lớn tuổi nhất ở đây đã gần 600 năm tuổi, cây “trẻ” nhất cũng hơn 50 tuổi, nghĩa là nhiều năm qua, loài cây này gần như đã rơi vào trạng thái vô sinh.Theo anh Võ Thành Tám (trạm trưởng Khu bảo tồn loại sinh cảnh thông nước xã Ea Ral, huyện Ea H’leo), hiện nay loài cây này sống và nhân giống như thế nào, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu.Tốt nghiệp các trường đại học về chuyên ngành lâm nghiệp, những người làm công tác bảo vệ nơi đây không chỉ có trách nhiệm bảo vệ cho những cây thủy tùng còn lại được an toàn, mà còn đau đáu với việc tìm ra phương pháp nhân giống loài cây này. Qua nhiều năm nghiên cứu với nhiều công trình nhân giống được triển khai, kết quả cho thấy thủy tùng ở đây có thể nhân giống được bằng phương pháp ghép mầm vào gốc rễ thở.Những người làm nhiệm vụ bảo vệ tại khu bảo tồn. Ảnh: Nguyên HằngHọ thực hiện nhiều đợt ghép với hàng trăm mẫu ghép nhưng đến nay chỉ có 8 cây sống sót và chưa thể đánh giá được chính xác khả năng phát triển. Vì số lượng cây sống quá ít, cây còn quá nhỏ, họ không thể thực hiện các biện pháp can thiệp khoa học để đánh giá mức sống của cây. Cây bị xước ở thân cũng rất dễ bị chết nên mọi đánh giá chỉ nhìn được bên ngoài, họ thậm chí không dám lấy mô hoặc khoan thân cây.Ngay cả khi phương pháp này thành công, nó cũng không giúp đảm bảo nhân giống được số lượng cây lên đủ nhiều để có thể hồi sinh một khu rừng thủy tùng rộng lớn. Bởi mẫu ghép phải được ghép vào gốc rễ mẹ, nên cây con có sống cũng phụ thuộc vào gốc cây mẹ, không thể tách rời.Trong khi đó, số lượng gốc rễ thở cây mẹ hiện không nhiều, số thủy tùng tự nhiên còn quá ít, lại luôn lưỡi cưa của lâm tặc rình rập, đe dọa. Khó khăn vẫn đang chồng chất. Tất cả chờ đợi và hy vọng một ngày cánh rừng thủy tùng hồi sinh. ■Cây thủy tùng gần 600 năm tuổi, là cây lớn tuổi nhất trong số những cây thủy tùng hiện có. Ảnh: Nguyên HằngThủy tùng là loài cây thuộc “nhóm IA”, tức là loài thuộc diện nguy cấp, quý hiếm, loài đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam và được xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện trên thế giới có ba khu vực còn ghi nhận loài này là Việt Nam, Lào, Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam là nước có số lượng thủy tùng còn lại nhiều nhất, phân bố hai quần thể tự nhiên ở Đắk Lắk gồm xã Ea Ral, huyện Ea H’leo (140 cây), xã Ea Hồ, huyện Krông Năng (21 cây) và 1 cây tại thị xã Buôn Hồ. Tags: Báu vật quốc giaThủy tùngThông nướcGlyptostrobus pensilis
Bầu cử Mỹ: Trump ám chỉ có gian lận quy mô lớn ở Philadelphia DUY LINH 05/11/2024 Trên mạng xã hội Truth Social ngày 5-11, ông Trump tuyên bố "hiện có nhiều lời bàn tán về nạn gian lận quy mô lớn ở Philadelphia", nhưng không giải thích gì thêm.
Tin tức thế giới 6-11: Lính Triều Tiên và Ukraine đụng độ; Bộ trưởng quốc phòng Israel bị cách chức MINH KHÔI 06/11/2024 Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận đã đụng độ lính Triều Tiên; Ấn Độ muốn dùng mưa nhân tạo để xử lý ô nhiễm không khí quá nặng.
Tin tức sáng 6-11: Giá USD 'chợ đen' tăng vọt; Lộ diện 'ngôi sao' tăng giá trên sàn chứng khoán TUỔI TRẺ ONLINE 06/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội thảo luận về các nhóm chính sách lớn sửa Luật Đầu tư công; 10 tháng đầu năm, thu bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế tăng gần 13% so với cùng kỳ; Việt Nam đạt kỷ lục 9 triệu tài khoản chứng khoán...
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.